Sau Trương Duy Toản, người thứ hai viết tiểu thuyết lịch sử là Phan Kế Bính với tác phẩm Hưng Đạo Đại vương xuất bản ở Hà Nội năm 1912(1). Thể loại tiểu thuyết lịch sử đặc biệt được yêu thích ở Nam Kỳ(2) với các nhà văn tên tuổi: Trương Duy Toản, Phạm Minh Kiên, Nguyễn Chánh Sắt, Tân Dân Tử, Hồ Biểu Chánh…Trong số đó nhà văn Nam Kỳ đầu tiên viết tiểu thuyết về lịch sử dân tộc trước triều Nguyễn là Hồ Biểu Chánh với tác phẩm Nam cực tinh huy (tiểu thuyết lịch sử viết về Ngô Quyền, Nhà in Đức Lưu Phương, SG, 1924), sau ông còn có một số nhà văn Nam Kỳ tên tuổi khác lấy cảm hứng từ đề tài này như: Nguyễn Chánh Sắt, Phạm Minh Kiên… Việc một số nhà văn Nam Kỳ vào thập niên hai mươi của TK.XX viết về lịch sử Lý Trần Lê là một hiện tượng đặc biệt, mới mẻ đánh dấu một bước tiến mới về nhận thức và cảm hứng sáng tác trong văn học Nam Kỳ rất cần được đi sâu tìm hiểu. Trong số các tác giả ấy, Phạm Minh Kiên là nhà văn viết về lịch sử Lý Trần Lê nhiều nhất: 5 tác phẩm, đồng thời ông cũng là nhà văn Việt Nam đầu tiên viết về Lý Công Uẩn, người anh hùng dân tộc, vị hoàng đế anh minh, người có công định đô ở Thăng Long mở ra cả một thời đại huy hoàng của lịch sử Đại Việt.
1. Lê triều Lý thị - Tiểu thuyết đầu tiên viết về Lý Công Uẩn
Vào thập niên 20 của thế kỷ trước xuất hiện một nhà văn ký tên là Phạm Minh Kiên chuyên viết tiểu thuyết “tự thuật”, tiểu thuyết trinh thám và tiểu thuyết lịch sử có bút lực rất dồi dào. Mặc dù Phạm Minh Kiên là một nhà văn tên tuổi - tác giả của 20 quyển tiểu thuyết, là một nhà báo cự phách với những bài viết gây chấn động trên Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn, Đông Pháp thời báo, Nam Kỳ kinh tế báo… nhưng người ta hầu như không biết gì về tiểu sử của ông, ngoài một tên khác, bút danh khác của ông là Dương Tuấn Anh (hay Tuấn Anh). Tuy nhiên tác phẩm của ông còn lại rất phong phú với nhiều thể tài khác nhau:
Loại tiểu thuyết xã hội, tình cảm của ông có: Hiếu nghĩa vẹn hai (Nhà in Đức Lưu Phương, SG, 1923), Mười lăm năm lưu lạc (Dương Tuấn Anh tự thuật) (Nhà in J. Nguyễn Văn Viết, SG, 1923), Ai lỗi lầm (Réveil Saigonnais, Nguyễn Văn Viết xuất bản, SG, 1926), Hai mươi năm lao lực (2 tập, Nhà in Xưa nay, SG, 1924, 1927), Ân oán vì tình (Nhà in Xưa nay, SG, 1925), Duyên phận lỡ làng (tức Hà Cảnh Lạc năm ngày tự thuật) (Nhà in J. Nguyễn Văn Viết, SG, 1925), Tình duyên xảo ngộ (Tín Đức thư xã, SG, 1925), Bèo mây tan hiệp (Tín Đức thư xã, SG, 1928), Bức thư tình (Imprimerie du Centre, SG, 1927), Thói đời đen bạc, tình nghĩa đổi thay(Nhà in Nguyễn Văn Viết, SG, 1931).
Loại tiểu thuyết trinh thám có: Bí mật phi thường(Nhà in Xưa nay, SG, 1925), Cái rương bí mật (Nhà in J.Nguyễn Văn Viết, SG, 1925).
Loại tiểu thuyết lịch sử có: Vì nước hoa rơi(Nhà in Xưa nay, SG, 1926), Việt Nam anh kiệt - Vì nghĩa liều mình (Impr. Duy Xuân, Sađec, 1926), Việt Nam Lý trung hưng (Việt Nam Lý Thường Kiệt) (Nhà in Đức Lưu Phương, SG, 1929), Lê triều Lý thị (Impr. Nguyễn Văn Viết, SG, 1931), Tiền Lê vận mạt(Tín đức thư xã, SG, 1932), Trần Hưng Đạo (Tín đức thư xã, SG, 1933).
Trong đó đóng góp có ý nghĩa nhất của ông là loại tiểu thuyết lịch sử. Ngoài Vì nước hoa rơi lấy đề tài về Cách mạng Tân hợi Trung Quốc (1911), còn lại 5 cuốn khác đều là tiểu thuyết lịch sử lấy đề tài về Việt Nam trước triều Nguyễn: Việt Nam anh kiệt viết về cuộc khởi nghĩa nhà Hậu Trần (đầu TK.XV), Trần Hưng Đạo như nhan đề đã rõ (TK.XIII), Việt Nam Lý trung hưng viết về Lý Thường Kiệt (TK.XI), Tiền Lê vận mạt (Những năm tháng cuối cùng của nhà Tiền Lê) viết về thời Lê Long Đĩnh (TK.X-XI), Lê triều Lý thị (Họ Lý triều Lê) viết về Lý Công Uẩn (TK.X-XI).
Trong số những tiểu thuyết kể trên, Lê triều Lý thị là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất. Nếu như Trần Hưng Đạo trước đó đã được Phan Kế Bính thể hiện trong tiểu thuyết Hưng Đạo Đại vương (xuất bản năm 1912), cuộc khởi nghĩa nhà Hậu Trần cũng đã được Phan Bội Châu đề cập trong cuốn tiểu thuyết chữ Hán nổi tiếng của ông: Trùng Quang tâm sử (viết từ năm 1913) v.v. thì Lý Công Uẩn, nhà vua mở đầu cho thời kỳ thái bình thịnh trị lâu dài của nước Đại Việt lại chưa từng được nhà văn nào viết thành tiểu thuyết. Cho nên có thể nói Lê triều Lý thị là tiểu thuyết đầu tiên viết về Lý Công Uẩn ở nước ta.
Lý Công Uẩn được thể hiện như là vị hoàng đế lý tưởng theo quan niệm của người dân Việt Nam.
Lý Công Uẩn sinh ra từ trong một gia đình nghèo khó. Mẹ là Cúc Hoa mồ côi cha mẹ, làm công quả cho chùa Tiên Sơn, đêm khuya nằm ngủ chiêm bao thấy ông thầy tu trên núi đem cho một trái đào tiên bảo ăn, nàng nhận lấy ăn, rồi giật mình thức giấc, từ đấy có thai. Có chàng nông dân tên Lý Kỳ Xuân cũng mồ côi, nghèo khó, ngày đi làm mướn đêm về ngủ nhờ trong chùa, đem lòng yêu thương Cúc Hoa, rồi hai người nên duyên vợ chồng. Bụng Cúc Hoa ngày một lớn, vị hoà thượng trụ trì biết chuyện, cho là hai người làm điều ô uế chốn thiền môn nên đuổi đi. Hai người đi lang thang, đến một ngôi nhà hoang bên cạnh nhà có giếng nước, người chồng tính múc nước uống thì chẳng may bị sảy chân ngã xuống giếng. Người vợ định cứu thì đất trên bờ lở xuống ào ào vùi lấp cả cái giếng. Nàng thương đứa con trong bụng mà không dám tự tử, chỉ quỳ lạy bên giếng ba lạy rồi ra đi.
Lý Công Uẩn có chân mạng đế vương chứ không phải người thường. Nhà sư chùa Ứng Tâm đêm nằm mơ thấy Long thần mách bảo: Ngày mai có hoàng đế tới chùa. Ông đợi mãi suốt cả ngày chẳng thấy có vua nào cả, đến tối chỉ thấy một người đàn bà đói rách bụng mang dạ chửa tên là Cúc Hoa lần tới xin ngủ nhờ. Đến canh ba Cúc Hoa chuyển dạ, sinh ra một chú bé khôi ngô lạ thường. Lúc chào đời xung quanh chú bé có hào quang phát ra sáng rỡ như ánh mặt trời. Sinh con xong, vì hậu sản Cúc Hoa lìa đời. Hoà thượng bế đứa bé, thấy hai bàn tay có hai từ “Sơn hà” và “Xã tắc”, ông vui mừng mà đặt tên cho chú là Hoằng Trí. Hoằng Trí lớn lên trong chùa, thông minh sáng dạ nhưng rất nghịch ngợm. Chú khoét ruột bánh cúng cho Long thần ăn hết, bị Long thần mách Hoà thượng, Hoà thượng rầy la thì chú bé bèn viết vào lưng Long thần 4 chữ “Lưu tam thiên lý” (Đày đi ba ngàn dặm). Đêm đến Hoà thượng mơ thấy Long thần đến nói mình bị Hoàng đế đày đi ba ngàn dặm, nhờ Hoà thượng xin Hoàng đế đại xá cho. Hoà thượng nói tụi nhỏ lau 4 chữ trên lưng Long thần mà không sao sạch được, đành phải nhờ Hoằng Trí, Hoằng Trí chỉ dùng khăn ướt lau sơ là sạch. Có lần sư Vạn Hạnh ở chùa Tiêu Sơn sang chơi, Hoằng Trí được cho theo để học kinh sách và võ nghệ.Sau đó sư Vạn Hạnh lại chuyển Hoằng Trí cho sư Lý Khánh Vân, anh em chú bác, đang trụ trì chùa Cố Pháp dạy dỗ. Sư Lý Khánh Vân nhận Hoằng Trí làm con nuôi rồi đặt tên cho là Lý Công Uẩn.
Chiến tích đầu tiên của Lý Công Uẩn là giết rắn dữ khổng lồ cứu giúp dân lành. Sau khi sư Khánh Vân viên tịch, Lý Công Uẩn bắt đầu con đường giang hồ hành hiệp và kết giao anh hùng. Chàng đánh thắng một nhóm cướp do Tần Mạnh Duy, Đào Quỳ đứng đầu đang định đến cướp nhà một ông Viên ngoại. Nhưng đây là nhóm cướp có lý tưởng - “cướp của người giàu chia cho người nghèo”, nên Lý Công Uẩn mới kết nghĩa anh em với chủ sơn trại, đồng thời lại được Viên ngoại gả con gái là Trần Bạch Loan cho. Sau đó Lý Công Uẩn giết chết tên tri huyện tham tàn để cứu người lương thiện khỏi nanh vuốt của hắn. Giữa đường sau khi đánh thắng một nhóm cường đạo, Lý Công Uẩn lại kết giao với tướng cướp là Châu Phước Nghĩa. Gặp toán thảo khấu người Nùng đang ức hiếp con gái nhà lành, Lý Công Uẩn giết chết tên đầu đảng, cứu được cô gái. Hỏi ra mới biết đó là Xuân Kiều, con gái một viên quan thanh liêm mà chàng từng quen biết trước kia, chàng đưa nàng về nhà người chú ruột ở Thái Nguyên. Đêm ngủ ở miếu ven đường, chàng nằm mơ gặp thần nhân, được thần cho 3 viên thuốc uống vào sẽ khỏi hết tai nạn, đồng thời cho một quyển Thiên thư để làm bửu bối. Thần cũng mách bảo cho biết: Xuân Kiều chính là người sẽ xe tơ kết tóc với chàng. Trên đường đi Lý Công Uẩn giết chết cọp dữ, cứu được quan Thượng thư bộ Binh là Đào Cam Mộc, nhờ thế mà chàng và nhóm anh em kết nghĩa được Cam Mộc thu dụng cho đi theo đánh giặc phương Nam giúp vua Lê Đại Hành.
Lý Công Uẩn được một người nông dân dâng cho một bộ “bạch khôi bạch giáp” (áo giáp và mũ trụ bạc) cùng một cây siêu nặng tám chín chục cân mà ông đào được và được thần nhân mách bảo: ngày mai ông sẽ gặp người cần những thứ này. Lý Công Uẩn hết lòng phò trợ chân chúa Lê Đại Hành: đánh thắng được giặc phương Nam là Lỗ Trí Viễn, rồi Thiên Oai động chủ, cứu được Liên Hoa công chúa – em gái vua Lê Đại Hành. Chiến thắng trở về, Lý Công Uẩn được phong tước Quận công Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ Đại nguyên soái tổng đốc toàn quốc binh mã. Lại được vua Lê Đại Hành gả em gái cho. Lý Công Uẩn tâu xin rước 2 người vợ đã đính ước trước là Trần Bạch Loan, con gái Viên ngoại và Xuân Kiều, người mà chàng từng giải cứu và đưa về nhà chú ở Thái Nguyên.
Vua Lê Đại Hànhbăng hà, Thái tử Trung Tôn lên nối ngôi. Trung Tôn bị người em ruột là Long Đĩnh giết chết. Long Đĩnh hoang dâm, tàn ác vô độ, làm vua được hai năm thì chết. Lý Công Uẩn về cư tang. Mới tới thành thì được các quan đại thần Đào Cao Mộc, Phạm Cự Lượng và bá quan văn võ tung hô vạn tuế, xin Công Uẩn lên làm vua để yên thiên hạ. Lý Công Uẩn từ chối không được bèn lên ngôi, xưng là Lý Thái Tổ. Nhà vua thi ân bố đức, mở mang trong nước - “từ đây bốn bể lặng trang, chẳng còn sóng gió vỡ tan bờ cõi”.
Lê triều Lý thị được viết theo thể loại tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc, cũng mở đầu mỗi hồi bằng 2 câu đối tóm tắt ý của chương và kết thúc mỗi quyển đều có câu “nhắn nhe”: “Muốn biết việc sau ra thể nào xin xem cuốn thứ N sẽ rõ”. Câu chuyện hấp dẫn từ đầu đến cuối với nhiều tuyến nhân vật đan xen, nhiều thế lực đấu tranh lẫn nhau, với thắt nút mở nút xung đột liên tục, chuyện nọ nối tiếp chuyện kia: có người hiền lương bị hãm hại, kẻ cô thế bị đoạ đày, gái kiên trinh bị nạn; có cứu nạn phò nguy - đánh cướp, giết thú dữ, bình giặc biên cương… Đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử chủ yếu là hư cấu, chỉ dựa vào ít trang viết về Lý Công Uẩn trong các sách sử ký: Đại Việt sử ký, Đại Nam thực lục tiền biên, Việt Nam sử lược và sách tiểu truyện danh nhân như: Nam hải dị nhân của Phan Kế Bính, Lược biên dã sử như chính tác giả đã minh định trong bài Tựa quyển sách của mình(3). Tính hư cấu của tiểu thuyết át hẳn tính chân xác của lịch sử, Lê triều Lý thị có thể nói “hai phần thực, tám phần hư”. Nhờ tính hư cấu ấy mà tác phẩm đã diễn tả một cách sinh động hình tượng vị anh quân, minh quân Lý Công Uẩn trải bao sóng gió, lập nhiều công trạng, lên ngôi chí tôn, mở ra một thời kỳ thái bình thịnh trị kéo dài, đặt nền móng vững chắc xây dựng một đất nước văn hiến, hùng mạnh ở cõi trời Nam. Truyện được viết bởi lời ăn tiếng nói của người bình dân Nam Bộchân chất, khoẻ khoắn, gợi đến áng văn Lục Vân Tiên của Đồ Chiểu trước đó, những tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Chánh Sắt…cùng thời.
2. Cảm hứng dân tộc trong tiểu thuyết Nam Kỳ trước 1945
Việc Phạm Minh Kiên và một số nhà văn Nam Kỳ viết tiểu thuyết về lịch sử dân tộc là một hiện tượng đặc biệt, khác với truyền thống văn học trước đó.
Hoài cố phú của Võ Trường Toản, ông thầy chung của sĩ dân Nam Kỳ, nói đủ hết những Bá Di, Thúc Tề, Thục Đế, Phạm Lãi, Hạng Vũ, Lưu Bang…nhưng không một câu một từ nào nhắc đến Hùng Vương, Hai Bà Trưng hay Lý, Trần, Lê…(4)
Gia Định tam gia: Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tĩnh, Lê Quang Định với hàng mấy trăm bài thơ mà cũng không có bài nào lấy cảm hứng từ lịch sử Lý, Trần, Lê(5).
Phan Thanh Giản, tiến sĩ đầu tiên của Nam Kỳ, với tư cách là Tổng tài Quốc sử quán, trông coi việc biên soạn Khâm định Việt sử thông giám cương mục (khoảng những năm từ 1856 đến 1881), ông nghiên cứu từ thời Hồng Bàng cho đến khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 sứ quân (Tiền biên); rồi từ năm khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi (năm 968) cho đến khi nhà Hậu Lê chấm dứt (năm 1789, Chính biên) cho thấy ông ý thức rất rõ về cội nguồn lịch sử dân tộc. Nhưng với tư cách là nhà thơ ông không hề lấy cảm hứng sáng tác từ lịch sử dân tộc các đời trước triều Nguyễn(6).
Nguyễn Thông, học giả, nhà thơ lớn của Nam Kỳ, khi biên soạn bộ sách nghiên cứu về sử học: Việt sử cương giám khảo lược thì hiểu rất rõ, viết rất nhiều về thời Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Lý, Trần, Lê, nhưng khi viết văn, ông hầu như không lấy cảm hứng từ các triều đại ấy. Khi phải “tỵ địa”, bỏ lại xứ Nam Kỳ mà đến Bình Thuận, ông xót xa nhắc đến từng di tích gắn với lịch sử triều Nguyễn:
Theo sông Kỳ Son nơi lên đường chừ, chiều ta đến Bến Nghé.
Ngắm vết xưa của Lê công (Lê Văn Duyệt) chừ, viếng thành cũ của Nghi Biểu Hầu (Nguyễn Cư Trinh) (…)
Công lớn của hai ông còn vang dội chừ, đến nay vẫn ghi nơi lòng người.
Vỗ dấu cũ mà tưởng tượng chừ, đứng trước gió thu mà than dài.
(Thiệp giang phú/ Bài phú qua sông)(7)
Nhưng cả Ngoạ du sào thi tập hàng mấy trăm bài thơ cũng không có bài nào lấy cảm hứng từ lịch sử trước triều Nguyễn.
Ngay cả Nguyễn Đình Chiểu cũng thế, nhà thơ mù xứ Đồng Nai này ý thức rất rõ về dân tộc độc lập, thống nhất:
Một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hươu;
Hai vầng nhật nguyệt chói loà đâu dung lũ treo dê bán chó.
(Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc)
“Mối xa thư” là lấy từ điển tích “Xa đồng quỹ, thư đồng văn” (xe cùng cỡ trục bánh xe, sách viết cùng một thứ chữ), tức là nói về nền thống nhất. Hay một câu khác:
Khóc là khóc nước nhà cơn bấn loạn, hôm mai vắng chúa thua buồn nhiều nỗi khúc nôi;
Than là than bờ cõi lúc qua phân, ngày tháng trông vua ngơ ngẩn một phương tớ dại.
(Văn tế Trương Định)
“Hôm mai vắng chúa”, “bờ cõi qua phân” (dưa chia) cho thấy ý thức rất cao về độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, thế nhưng trong tác phẩm của ông người ta vẫn chưa thấy cảm hứng về cội nguồn dân tộc Lý Trần Lê.
Vì vậy có thể thấy rằng: trong văn học Nam Bộ từ TK.XIX trở về trước, ý thức về nền thống nhất đất nước thì rất mạnh nhưng cảm hứng về cội nguồn dân tộc thì rất mờ nhạt. Trongkhi đó người ta lại thấy lịch sử dân tộc trước triều Nguyễn được nói đến rất nhiều trong các sáng tác của các tác giả Trung-Bắc như: Cao Bá Quát, Phạm Văn Nghị, Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Quang Bích, Phan Đình Phùng, Chu Mạnh Trinh…
Có thể tìm nguyên nhân ở mấy lý do sau đây:
- Đối với các nhà văn – nho sĩ bấy giờ ý thức về triều đại rất mạnh: nước gắn với vua, vua là đại diện cho nước. Người ta đồng nhất lòng yêu nước với ý thức trung thành với một triều đại nào đó.
- Các nhà văn nhà thơ Nam Bộ do hoàn cảnh lịch sử và địa lý ít gắn bó với vùng đất, với di tích lịch sử ở miền Bắc, nên trong thơ văn của họ không thấy nói về cội nguồn lịch sử trước triều Nguyễn.
- Giao lưu văn chương - tư tưởng Bắc Nam thời Nguyễn còn rất hạn chế. Điều này khiến cho các nhà văn Nam Kỳ ít có dịp nghĩ về, viết về dân tộc trước triều Nguyễn.
Vì vậy việc các nhà văn Nam Kỳ từ thập niên 20 trở đi viết nhiều về lịch sử dân tộc là một hiện tượng rất mới và rất thú vị. Không kể Trương Duy Toản, Tân Dân Tử(8), hai nhà văn chuyên viết về lịch sử Nam Bộ thời Nguyễn Ánh thì có thể thấy một số tác giả dưới đây viết về đề tài lịch sử dân tộc Lý Trần Lê:
Hồ Biểu Chánh có: Nam cực tinh huy, Nhà in Đức Lưu Phương, SG, 1924, viết về Ngô Quyền; Nặng gánh cang thường, Càng Long, 1930 viết về lịch sử thời Lê Thánh Tông.
Nguyễn Chánh Sắt có: Việt Nam Lê Thái Tổ, tiểu thuyết lịch sử, 4 tập, Đức Lưu Phương xuất bản, SG, 1929
Việt Đông có: Vì nước bạc tình (Triệu Võ Vương đánh Thục), lịch sử tiểu thuyết, Phạm Đình Khương xuất bản, SG, 1935
Phạm Minh Kiên là nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử dân tộc nhiều nhất – 5 tác phẩm như đã liệt kê ở trên, viết về Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, nhà Hậu Trần.
Khi viết về lịch sử dân tộc, các nhà văn ấy có ý thức rất rõ về công việc của mình là nhằm phổ biến quốc sử vào dân chúng, qua đó hun đúc lòng yêu nước và tự hào dân tộc.
Trong lời Tựa cho tiểu thuyết Lê triều Lý thị của mình, Phạm Minh Kiên viết: “Sự tích ly kỳ của ông Lý Công Uẩn chẳng khác nào Triệu Khuông Dẫn bên Tàu: mà Triệu Khuông Dẫn người ta đã có đem ra thêu thùa bày vẽ, sắp đặt nên truyện nên tuồng rất dài để bia danh nên giá; còn Lý Công Uẩn nhà ta thì chôn chặt ở trong hòm quốc sử”.
Trong Lời tựa tiểu thuyết Việt Nam Lê Thái Tổ của mình, Nguyễn Chánh Sắt nhắc đến lịch sử Đinh, Lê, Lý, Trần và mục đích sáng tác của mình:
“Nước Việt Nam ta từ ngày lập quốc nhẫn xuống Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê cho đến bổn triều, trải bốn ngàn năm, biết bao nhiêu anh hùng hào kiệt, dọc trời ngang bể, oanh oanh liệt liệt mà đối phó với nước ngoài (…), sánh với các nước bên cõi Á Đông này thì dân tộc Việt Nam ta cũng được vẻ vang trong lịch sử”
“Nay ký giả viết bộ tiểu thuyết này đây là rút ra trong quốc sử mà phô diễn ra, gồm đủ văn chương và luân lý, có ý biểu dương những công lao sự nghiệp của một đấng vĩ nhân Nam Việt là Lê Thái Tổ cùng những trang hào kiệt danh tướng đương thời”(9).
Trong lời tựa cho quyển Việt Nam Lý Trung hưng của Phạm Minh Kiên, Nguyễn Chánh Sắt có nói đến lịch sử xa xưa nữa của dân tộc – từ Bà Trưng bà Triệu, và than phiền là dân ta không biết sử ta bằng sử Tàu:
“Nay thử ngồi nhắc đến những chuyện Hạng Võ, Bái Công hoặc Quan Công, Tào Tháo, hoặc Tiết Nhân Quý với Địch Thanh, hoặc Nhạc Phi hay Tần Cối…thì chẳng những đàn ông mà thôi, lâu cho đến đàn bà con nít cũng đều thông thạo như ăn cơm, như uống nước hằng ngày. Bằng mà nói qua những chuyện như bà Trưng, bà Triệu, như Lý Tướng quân, như Trần Hưng Đạo vương, như Lê Thái Tổ, như Nguyễn Hoàng, như Lê Công, như Võ Tánh v.v. thì có nhiều kẻ lại mang nhiên, lửng lửng lơ lơ đối với lịch sử của nước nhà ”(10)
Tại sao đến đầu thế kỷ XX các nhà văn Nam Kỳ mới lấy cảm hứng từ trong lịch sử trước triều Nguyễn để sáng tác? Lý giải điều này có thể tìm ở một số lý do sau đây:
- Sự phát triển của phong trào Đông du ở Nam Kỳ vào những năm đầu thế kỷ XX thông qua nhóm Trần Chánh Chiếu ở Mỹ Tho, Trương Duy Toản ở Vĩnh Long; việc bắt giam và lưu đày các chí sĩ Duy tân ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ vào Nam Kỳ làm cho sự giao lưu của phong trào yêu nước Bắc-Trung-Nam thêm mạnh mẽ.
- Phong trào đòi thả Phan Bội Châu, để tang Phan Chu Trinh, phong trào đấu tranh của Việt Nam Quốc dân đảng, cuộc vận động yêu nước của những người Cộng sản đã thức tỉnh mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc trong dân chúng và các nhà văn Nam Kỳ.
- Sự thay thế tư tưởng yêu nước trung đại bằng tư tưởng yêu nước cận-hiện đại đã mở ra tầm nhìn mới cho các nhà văn Nam Kỳ. Tư tưởng yêu nước cận đại không còn đồng nhất vua/ triều đại với nước/ dân tộc nữa, triều đại chỉ là “bổn triều” – triều Nguyễn, còn dân tộc là từ Hồng Bàng đến Lý Trần Lê sau này.
Nói tóm lại sự nở rộ tiểu thuyết lịch sử lấy đề tài từ lịch sử dân tộc cho thấy một bước chuyển biến mạnh mẽ trong tư tưởng của các nhà văn Nam Kỳ. Đằng sau loại văn chương tưởng như giải trí đó là cả một ý thức rất cao, một tình cảm nồng nàn về cội nguồn và sự thống nhất dân tộc. Đó cũng là một trong những đóng góp quan trọng của những nhà tiểu thuyết lịch sử Nam Kỳ đối với tư tưởng và văn học dân tộc.Trong số các nhà tiểu thuyết lịch sử ấy thì Phạm Minh Kiên là một cây bút cự phách, có vị trí danh dự trong thể loại này.
TP.HCM, tháng 8 năm 2010
CHÚ THÍCH
(1) Phan Kế Bính là dịch giả tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc thứ hai: bộ Tam quốc chí của ông xuất bản 1909, sau bản dịch của Lương Khắc Ninh, Nguyễn Chánh Sắt (?) trên Nông cổ mín đàm 1902 (bản này được nhà Imprimerie De L'Opinion ở SG xuất bản thành sách năm 1907).
(2) Chúng tôi dùng từ “Nam Kỳ” là do tôn trọng tính lịch sử, vì Nam Kỳ là tên gọi xứ Lục tỉnh từ 1832 do vua Minh Mạng đặt ra cùng với 2 kỳ khác là Trung Kỳ và Bắc Kỳ, tên gọi này tồn tại đến 1945 sau đó mới đổi thành Nam Bộ.
(3) Trong lời Tựa truyện Lê triều Lý thị (Impr. Nguyễn Văn Viết, SG, 1931, bản in lấn thứ nhất), Phạm Minh Kiên viết: “Tôi viết bộ truyện Lê triều Lý thị này cốt chỉ rút ở trong mấy thứ Sử như là: Việt Nam lược sử, Đại Việt sử ký, Đại Nam thật lục tiền biên, Nam hải dị nhân, Lược biên dã sử…” (tr.2)
(4) Võ Trường Toản: “Hoài cổ phú”, trong Văn học Nam hà, Nguyễn Văn Sâm biên soạn, Lửa thiêng xuất bản, SG, 1972
(5) Gia Định tam gia, Hoài Anh biên soạn, NXB. Tổng hợp Đồng Nai, 2006
(6) Thơ văn Phan Thanh Giản, Phan Thị Minh Lễ, Chương Thâu biên soạn, NXB. Hội Nhà văn, HN, 2006
(7) Nguyễn Thông tác phẩm, Cao Tự Thanh, Đoàn Lê Giang biên soạn, Sở VHTT Long An xb, 1984, tr.247
(8) Tân Dân Tử là nhà tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng với Giọt máu chung tình (Nhà in Nguyễn Văn Viết, SG, 1926) và bộ ba tác phẩm: Gia Long phục quốc (Nhà in Nguyễn Văn Viết, SG, 1917), Gia Long tẩu quốc (Nhà in Xưa Nay, Sài Gòn, 1930), Hoàng Tử Cảnh như Tây (Nhà in Đức Lưu Phương, SG, 1931).
(9) Việt Nam Lê Thái Tổ, Nguyễn Chánh Sắt, tiểu thuyết lịch sử, 4 tập, Đức Lưu Phương xuất bản, SG, 1929, tr.1 - 2.
(10) Việt Nam Lý Trung hưng của Phạm Minh Kiên, Đức Lưu Phương xuất bản 1929, tr.1-2