Những góc nhìn Văn hoá

Một số đặc điểm cơ bản của truyền thống nông thôn

Những đặc điểm cơ bản của cộng đồng nông thôn cổ truyền như tự túc về kinh tế, tự trị về chính trị, thuần nhất về xã hội và biến đổi chậm chạp đã được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước chỉ ra (Từ Chi, Phan Huy Lê, Bùi Xuân Đính, Jan Breman, P.Gourou...). Tuy nhiên, theo Tô Duy Hợp và Lương Hồng Quang thì bên cạnh những “đặc tính trồi như khép kín, tự túc về kinh tế, tự trị về chính trị và thuần nhất về mặt xã hội, làng – xã vẫn chứa đựng những yếu tố bổ sung, có khi là ngầm ẩn như mở, thị trường, bị trị, dị biệt, tạo nên cái thế đối/hợp đóng – mở, tự túc – thị trường, tự quản – bị trị, thuần nhất – dị biệt” (Tô Duy Hợp và Lương Hồng Quang, 2000: 80).

1.Đặc điểm truyền thống kinh tếnông thôn

Phan Đại Doãn cho rằng có 3 điểm cần lưu ý khi nghiên cứu về kinh tế làng - xã của người dân nông thôn Việt Nam trong lịch sử, đó là: 1/ Tính chất sản xuất nhỏ,   tiểu nông; 2/ Kinh tế làng Việt truyền thống coi nông nghiệp là quan trọng nhất, nhưng không phải là duy nhất; ngoài nông nghiệp còn làm thêm nghề phụ, mở rộng tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp và các loại dịch vụ khác; 3/ Tư tưởng kinh tế truyền thống của người dân nông thôn có năm điểm nổi trội: 3.1/ Trọng ruộng đất, trọng nông nghiệp; 3.2/ Trọng nông ức thương; 3.3/ Quý nghĩa khinh lợi; 3.4/ Bình quân chủ nghĩa; 3.5/ Đề cao tằn tiện (Phan Đại Doãn, 2008: 18 - 22).

Kinh tế nông thôn Việt Nam cổ truyền thực chất là một nền kinh tế sinh tồn, dựa trên cơ sở tự cấp, tự túc; lấy hộ gia đình tiểu nông làm đơn vị tổ chức sản xuất cơ bản trên những mảnh ruộng manh mún, nhỏ lẻ trong làng - xã. Do đó muốn mưu sinh bền vững thì không có cách nào khác ngoài việc phải mở mang nghề phụ ngoài nông nghiệp; từ đó dẫn đến sự hình thành và tồn tại lâu bền của kết cấu kinh tế hỗn hợp. Tính chất hỗn hợp này thể hiện rõ nét qua sự lựa chọn nghề nghiệp đa dạng của các cá nhân và hộ gia đình, đúc kết thành một mô hình kinh tế hỗn hợp trọng nông phổ biến ở hầu khắp các cộng đồng nông thôn Việt Nam; đặc biệt là ở Đồng Bằng Sông Hồng - cái nôi của nền văn hóa lúa nước ở Việt Nam.

Theo một số nhà nghiên cứu (Phan Đại Doãn, Trần Từ, Phan Huy Lê, Nguyễn Quang Ngọc, Tô Duy Hợp,...) thì trong kinh tế nông thôn Việt Nam, song song với các hoạt động sản xuất nông nghiệp thì thủ công nghiệp và thương nghiệp nhỏ tuy là nghề “phụ” bổ sung nhưng đôi khi thu nhập lại có thể cao hơn nghề chính, và chính những công việc này lại là cứu cánh cho người nông dân khi mùa màng thất bát, đem lại cuộc sống khá giả hơn cho người dân nông thôn.  Trong văn hóa dân gian, người ta thường nói "phi thương bất phú". Thực ra, làm nghề tiểu thủ công nghiệp và buôn bán, dịch vụ đều có khả năng làm giàu, tuy nhiên làm giàu bằng thương mại thì có thể nhanh và lớn hơn nhiều so với làm giàu bằng ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, mặc dù rủi ro thương mại có thể làm phá sản, trong khi sản xuất thủ công có thể an toàn và bền vững hơn.

Các mô hình kinh tế nông thôn truyền thống khá đa dạng, tuy nhiên theo quan điểm lý thuyết khinh - trọng ta có thể quy về một số khung mẫu chính. Bản chất hỗn hợp của nền kinh tế nông thôn truyền thống thể hiện qua 2 khung mẫu, đó là khung mẫu hỗn hợp trọng nông (lồng ghép các hoạt động, việc làm nông nghiệp và phi nông nghiệp, trong đó hoạt động nông nghiệp là chính) hoặc là khung mẫu hỗn hợp trọng phi nông (lồng ghép các hoạt động, việc làm phi nông nghiệp và nông nghiệp, trong đó hoạt động phi nông nghiệp (làm nghề tiểu thủ công nghiệp hoặc buôn bán, dịch vụ hoặc kết hợp cả hai) là chính). Ngoài ra, trong nền kinh tế nông thôn truyền thống còn có cả những khung mẫu khác, tuy không cơ bản, nhưng cũng khá phổ biến, đặc biệt là cấp độ kinh tế vi mô (như kinh tế cá thể, kinh tế hộ gia đình); đó là khung mẫu kinh tế thuần nông            (tức là chỉ có làm nông nghiệp: hoặc là trồng trọt hoặc là chăn nuôi hoặc là và thường là kết hợp trồng trọt và chăn nuôi), hoặc khung mẫu kinh tế phi nông  hoàn toàn (tức là chỉ có làm phi nông nghiệp: hoặc làm nghề tiểu thủ công nghiệp hoặc làm buôn bán, dịch vụ hoặc kết hợp cả hai). Các chủ thể xã hội (cá nhân, hộ gia đình, xóm làng, ...) có thể và cần phải lựa chọn mô hình kinh tế theo những khung mẫu nêu trên phù hợp với nhu cầu, lợi ích, giá trị và cả với những điều kiện khách quan của hoàn cảnh thực tế. Tuy nhiên, do bản tính cộng đồng bền chặt của xã hội nông nghiệp - nông thôn, cho nên phổ biến nhất vẫn là mô hình kinh tế hỗn hợp trọng nông, thứ đến là mô hình kinh tế hỗn hợp trọng phi nông. Đặc điểm nổi trội trong quá trình biến đổi kinh tế tam nông là tỷ trọng thuần nông ngày càng giảm, trong khi đó tỷ trọng phi nông ngày càng tăng. Đó là do kết quả gia tăng của các quá trình thương mại hóa, phi nông nghiệp hóa, đô thị hóa trong lịch sử xa xưa và gần đây là sự gia tăng các quá trình công nghiệp hóa , hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.(Tô Duy Hợp chủ biên, 2000; 2003).

2. Đặc điểm truyền thống chính trịở nông thôn

Hệ thống chính trị ở nông thôn Việt Nam là sự hỗn dung giữa 2 yếu tố tự quản trị và bị quản trị, tùy từng thời kỳ và quan điểm lãnh đạo của nhà cầm quyền mà mức độ khinh – trọng 2 yếu tố này diễn ra khác nhau. Năng lực tự quản của cộng đồng nông thôn Việt Nam đã hình thành từ rất lâu trong lịch sử. Làng – xã được Nhà nước tôn trọng như một cộng đồng tự quản có lẽ chính thức bắt đầu từ triều nhà Lý (1009) với mô hình chính trị “tập quyền thân dân”, đây là mô hình xây dựng một chính quyền dân sự với chính sách “ngụ binh ư nông” và tư tưởng “lấy dân làm gốc”, chính quyền trung ương dựa vào làng – xã và tôn trọng tính tự trị của làng – xã (ĐT 47/04: 25 - 30).

Tác giả Vũ Quốc Thông (1972) cho rằng những đặc điểm biểu hiện tính tự trị của một cộng đồng làng nông thôn Việt Nam trong truyền thống là: 1/ Làng có một bộ máy cai trị; 2/ Làng có tài sản riêng và có quyền sử dụng tài sản đó; 3/ Có một “pháp đình” riêng để xét xử những vụ kiện tụng của dân; 4/ Có một cơ quan tuần phòng riêng làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh; 5/ Có đền thờ thành hoàng riêng và 6/ Có phong tục tập quán riêng (trích theo Bùi Quang Dũng, 2007: 115)[1].

Và không chỉ ở Việt Nam, làng - xã mới biểu hiện tính tự trị rõ nét mà nói chung, tính chất này còn phổ biến ở những xã hội được xây dựng trên những cộng đồng làng - xã vững chắc: “Nét nổi bật nhất biểu hiện cho tính chất tự trị của làng có lẽ là việc nó tự cai trị như thế nào. Nhiều quan điểm khẳng định làng là một đơn vị chính trị độc lập và cái đơn vị này không hề bị suy yếu ngay cả khi chế độ chính trị nhất định bao trùm lên nó đã sụp đổ. Đó là quan niệm về làng Ấn Độ: làng - xã giống như một nước cộng hòa nhỏ bé do một vị thân hào cầm đầu với một tá kỳ mục giúp việc. Với tư cách tập thể, cái hội đồng này quản lý các công việc nội bộ của làng và họ cũng thay mặt dân làng trong các công việc đối ngoại. Tương tự, người ta tìm thấy tính chất tự trị của làng - xã Việt Nam ở việc nó tự giải quyết mâu thuẫn giữa các thành viên, tự thu thuế cho Nhà nước. Nhà nước không làm việc với công dân mà với làng, và một khi làng đã hoàn thành các nghĩa vụ với chính quyền thì nó có thể cai trị một cách tự do”(Bùi Quang Dũng, 2007: 116).

3. Đặc điểm truyền thống văn hóa

Một số nhà nghiên cứu văn hóa như Trần Ngọc Thêm, Trần Quốc Vượng có chung một nhận xét rằng, đặc trưng nổi bật nhất của văn hóa người dân Việt Nam là luôn có chữ “tình” trong quan hệ giữa con người với con người, với tự nhiên, với xã hội.

“Nổi trội lên tất cả là tính chất duy tình, duy cảm, duy nghĩa của con người Việt Nam trong mối quan hệ con người với con người, con người với tự nhiên, con người với xã hội và con người với thần linh” (Trần Quốc Vượng, 1997: 13); “Văn hóa Việt Nam có đặc trưng văn hóa nông nghiệp lúa nước, mang tính chất tiểu nông, duy tình với cơ cấu tĩnh (tương đối)” (Trần Quốc Vượng, 1997: 28). Quan điểm này, nếu nhìn theo tiếp cận lý thuyết khinh - trọng sẽ thuộc khung mẫu đề cao thái quá chữ “tình; tuy nhiên duy tình có phải là đặc điểm cơ bản của tâm thức Việt Nam truyền thống nói chung, truyền thống nông thôn nói riêng hay không, đó là câu hỏi mà nhiều nhà nghiên cứu khác đã đặt ra và đã có những câu trả lời khác nhau.

Trần Ngọc Thêm cho rằng đặc điểm cơ bản của văn hóa Việt Nam không phải là duy tình như nhận định của Trần Quốc Vượng mà là trọng tình. Đặc điểm này được Trần Ngọc Thêm mô hình hóa qua cặp phạm trù Âm và Dương, mà theo thuyết Âm - Dương trong văn hóa phương Đông thì “tình” là tĩnh tại, thuộc về âm tính; tâm thức trọng Âm được biểu hiện rất rõ trong cách tổ chức đời sống tập thể và trong tư duy, nhận thức của người dân Việt Nam nói chung, nhất là của người dân nông thôn Việt Nam. (Trần Ngọc Thêm, 1998).

Một số nhà nghiên cứu khác, khi phân tích đặc trưng văn hoá của xã hội nông thôn truyền thống đã tổng hợp các đặc trưng cơ bản sau:

1/ Xã hội nông thôn truyền thống lấy nông nghiệp làm gốc, trọng nông ức thương, coi trọng tước vị và kinh nghiệm;

2/ Đề cao tinh thần cộng đồng, không đề cao sự khác biệt, đa dạng, cá nhân chịu sự khống chế và giám sát của cộng đồng;

3/ Tư tưởng cào bằng, không chấp nhận sự nổi trội về mức sống và lối sống;

4/ Những giá trị chung được xã hội khuyến khích là gìn giữ tình làng nghĩa xóm, trọng cội nguồn, tổ tiên, lòng biết ơn công lao của các bậc tiền nhân, phát huy tinh thần tương thân tương ái (Tô Duy Hợp chủ biên, 2000: 114 – 115).

Phan Đại Doãn (2008) đưa ra 2 đặc điểm chính của văn hóa truyền thống làng xã Việt, đó là: 1/ Nền văn hóa của xã hội nông nghiệp thể hiện rõ ở tinh thần trọng nông và rất thực tiễn (dĩ nông lập quốc); 2/ Một nền văn hóa hướng nội, tuy có chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, song về cơ bản, văn hóa Việt Nam vẫn lấy quốc gia, lấy làng - xã, họ hàng và gia đình làm trung tâm.

Như vậy, có thể tổng kết rằng một số đặc điểm như: trọng nông, trọng kinh nghiệm dân gian, trọng lão, trọng tình, trọng nghĩa, trọng cộng đồng, trọng lệ làng, trọng cội nguồn, trọng giản dị là những đặc điểm chính trong bản sắc văn hóa cư dân nông thôn Việt Nam truyền thống. Tuy nhiên, đó chỉ là những đặc điểm chung, nổi trội chứ không phải là toàn bộ đặc điểm của văn hóa truyền thống nông thôn Việt Nam. Bởi vì, trong truyền thống văn hóa nông thôn Việt Nam còn có cả những đặc điểm khác cũng làm nên bản sắc văn hóa Văn hóa Việt Nam, như trọng phi nông ( trọng nghề, trọng thương), trọng lý, trọng bác học, trọng tước, trọng phép nước,... Ngoài ra, cũng phải nhận thấy mặt hạn chế của tâm lý làng - xã như: "thái độ tự thỏa mãn, chấp nhận số phận, địa phương cục bộ, che giấu thông tin, nghi kỵ những yếu tố đổi mới, e ngại sự giao lưu, kết nối với bên ngoài, đặt lệ làng cao hơn phép nước, đưa các mối quan hệ dòng tộc vào việc chung. Những yếu tố tâm lý cộng đồng trên đến nay đã thay đổi nhiều nhưng dấu ấn của chúng vẫn còn khá sâu đậm" (Đặng Kim Sơn, 2008a: 157). Điều quan trọng hơn là nhận thấy bản sắc của văn hóa Việt Nam nói chung, nhất là của cư dân nông thôn ở sự ưa chuộng hỗn dung văn hóa văn minh

Theo quan điểm lý thuyết khinh - trọng thì trong cái hỗn dung văn hóa văn minh đó, ngoài dòng chủ lưu như nhiều tác giả đã ghi nhận (trọng nông, trọng tình, trọng cộng đồng...), nông thôn Việt Nam truyền thống chấp nhận cả những mô hình đối trọng (như trọng phi nông, trọng lý , trọng tự do...), không bài trừ hoàn toàn các mô hình cực đoan (như thuần nông hoặc phi nông hoàn toàn, duy tình hoặc duy lý, vị tha hoặc vị kỷ...), để ngỏ khả năng lựa chọn khung mẫu cân bằng khinh - trọng (như cân bằng nông - phi nông, cân bằng tình - lý, cân bằng cộng đồng - tự do, cân bằng lệ làng - phép nước...), luôn hướng tới lý tưởng toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ.

4. Đặc điểm truyền thống của lĩnh vực xã hội

Văn hóa Việt Nam truyền thống có bản chất là một nền văn hóa nông nghiệp; cho nên mỗi cá nhân không thể một mình đối phó với thiên tai, dịch bệnh mà phải liên kết, hỗ trợ nhau làm mùa vụ. Chính vì thế, vai trò của gia đình, họ hàng và cộng đồng xóm làng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống người dân nông thôn. Những quan hệ này được xây dựng và gìn giữ qua các thế hệ bằng nhiều hình thức (hôn nhân, tín ngưỡng, đoàn kết xã hội...), nó gắn bó các thành viên qua các sinh hoạt làng - xã và “tạo nên một thứ keo gắn bó các thành viên trong làng - xã với nhau để cùng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống thường ngày hay trước những biến cố lớn về giặc giã hay thiên tai. Nó là cái gốc của “tình làng nghĩa xóm”, là yếu tố gợi nên mối tình quê hương trong lòng người dân đi xa làng” (Nguyễn Đức Nghinh, 2002: 420). Trong truyền thống, những quy tắc ứng xử trong dòng họ, cộng đồng được quy định rõ ràng trong tộc ước hay hương ước: “Khi một nhà có trâu bò bị lạc, dân cả làng phải cùng đi tìm kiếm, một người dân làng bị người ngoài xã hiếp chế mà người trong làng không đồng tâm hiệp lực giúp nhau chống lại thì bị làng phạt. Trong khoán ước nhiều xã có quy định việc làng lập quỹ dự trữ thóc để cho dân làng vay khi tháng ba ngày tám thiếu đói, người cùng làng không được tranh mua tranh bán ở chợ, đi xa làng, đến đất khác phải giúp đỡ nhau, không được phô bày cái xấu của nhau ra cho người thiên hạ biết” (Nguyễn Đức Nghinh, 2002: 420).

Trong làng - xã Việt Nam truyền thống tồn tại nhiều mối dây liên hệ gắn chặt các cá nhân trong cộng đồng với nhau. Trong dòng họ có tổ chức Giáp là hạt nhân, ngoài dòng họ có tổ chức Phường – là một tổ chức nghề nghiệp của những người dân làm nghề thủ công, buôn bán; có nhiều tổ chức Hội như hội Tư văn của các Nho sinh và Nho gia, hội Tư võ, hội Làng Binh tập trung những người đi lính và các quan võ đã về ở làng, hội Chư bà, hội Mục đồng, hội Lão, hội Đồng niên, ... Những tổ chức này đặc trưng cho xã hội nông thôn Việt Nam  khác hẳn với nông thôn phương Tây.

Nông thôn Việt Nam dày đặc những mối quan hệ chặt chẽ về nghề nghiệp, dân cư, tổ chức, quan hệ xã hội; người dân nông thôn Việt Nam luôn chịu sự chi phối mạnh của ít nhất một tổ chức nào đó trong suốt cuộc đời mình, họ có vô vàn mối liên kết không thể và không dám gỡ bỏ: phải phục tùng lệ làng, lệ họ, lệ phường, lệ hội,.... Xét về ý nghĩa xã hội thì những ràng buộc chặt chẽ của cộng đồng là chỗ dựa cho cá nhân khi có sự cố, nó cũng tạo nên sức kiềm chế có hiệu quả đối với hành vi sai lệch của cá nhân, song các liên kết này cũng tạo nên tính thụ động, ỷ lại ăn sâu bám rễ trong tính cách người dân nông thôn truyền thống.



[1] Về năng lực tự quản cộng đồng làng – xã nông thôn Việt Nam truyền thống có thể xem thêm trong Tô Duy Hợp và Lương Hồng Quang, 2000. Phát triển cộng đồng  - Lý thuyết và vận dụng. Nxb Văn hóa  Thông tin. Trang 90 – 100; Nguyễn Từ Chi, 1996. Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người. Nxb Văn hóa Thông tin. Trang 273 – 300.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114562059

Hôm nay

2119

Hôm qua

2368

Tuần này

21172

Tháng này

220583

Tháng qua

129483

Tất cả

114562059