Văn hoá học đường

Đưa dân ca vào trường học?

Một ý kiến rất hay.

Trường học cũng là một phương tiện, một dụng cụ, một ngỏ, một nơi, một lối đi, … dùng được để truyền đạt và giữ gìn văn hóa, trong đó có văn hóa dân gian.

/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/dua-dan-ca-vao-truong-hoc-tiep-can-theo-quan-diem-quan-ly-giao-duc

Tôi rất quí gs Trần văn Khê và đã nhiều lần được hân hạnh nghe và …nhìn ông giảng, ông nói, ông chơi và ông hát nhạc cổ truyền. Gs Khê thường mang hết con tim của mình khi giảng về nhạc dân tộc. Theo gương ông, tôi hoàn toàn tán thành việc mang dân ca vào trường học.

Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với những phân tích của tác giả Mai thị Thùy Hương, của bài báo dẫn trên, về những mục tiêu, nội dung và hiệu quả có thể có được cho việc mang dân ca vào trường học.

Thế nhưng không phải chỉ có học mới nhớ, chỉ khi được dạy mới hấp thụ.

Dùng trường học để gìn giữ dân ca nhưng không nhất thiết phải cho vào chương trình, phải dạy và phải học.

Có những rung cảm để đời mà không ai đã phải hét hò dồn vào đầu ta hết.

Như vậy thì thế nào?

Thay vì đưa dân ca vào chương trình học và dạy tại sao không đơn giản nói rằng thầy và trò, ta cùng hát dân ca ở trường.

Thế có nghĩa là đưa dân ca vào chương trình đào tạo giáo viên, để giáo viên nào cũng có khả năng ít nhất là hát vài bài dân ca và yêu dân ca, chứ không vào chương trình cho trò ở trung học cơ sở.

Thầy và trò còn hát dân ca thì dân ca còn sống. Trong khi đó, những gì liên quan đến “kỹ thuật” sâu xa hơn của dân ca cần phải bảo tồn, phải gìn giữ, …là công việc của các nhạc viện và các nhạc sĩ.

Kinh nghiệm tương tự, một nhóm sinh hoạt văn hóa đã đề nghị, ở Bỉ, để gìn giữ, phần nào đó, một thổ ngữ, tiếng Wallon, ngày xưa nói ở miền nam nước Bỉ mà giờ đã gần như biến mất.

Thế là, một thí dụ, cụ thể, nhóm ấy đã đưa những bài thơ, bài hát, bài học thuộc lòng nhỏ, bằng tiếng Wallon vào trường tiểu học. Một trong những bài đó là chuyện của bé Louise.

Bé Louise lên tám, một cô bé dễ thương. Cô vấp ngã bên đường vì vô ý. Một bà lão giúp bé ngồi dậy. Bé cảm ơn bà và hứa, sau này, «khi con bằng tuổi bà, con sẽ giúp bà để trả lễ».

Cái khôi hài là khi Louise già bằng tuổi bà lão hiện nay thì bà sẽ còn ở đó nữa. Nhưng câu chuyện này đẹp và bây giờ, nhóm trẻ thuộc bài ấy đã biết ít nhất là mấy mươi chữ wallon, … Đó là chưa nói đến nội dung luân lý văn hóa mà bài thơ truyền đạt…

Ở đây là hát  chứ không phải học – vài phút “giải trí” trong một buổi học.

Hát cũng như chơi, vô vụ lợi, không tính toán. Không cho điểm xếp hạng. Hát lại trả lời được một nhu cầu căn bản của trò: Nhu cầu chơi. Hát là chơi với khí quản và với buồng phổi của mình, là chơi với các âm thanh.

Nhu cầu chơi quan trọng đến nổi một giáo sư ở Liège định nghĩa rằng “thông minh là khả năng chơi”. Chơi với cha mẹ, chơi với bạn và chơi một mình. Chơi ở nhà và chơi ở trường. Chơi giúp trẻ phát triển và làm giàu cho trí sáng tạo. Chơi khi hát hò, chơi để từ từ … thành người lớn, tự lập với những  vốn liếng vững chắc đã hấp thụ được khi học và khi chơi ở trường.

Chơi để tập tành đối mặt với tất cả các tình huống. Chơi giúp cho thông minh và định nghĩa của giáo sư trên hoàn toàn đúng !

Các nhà xã hội học thì sẽ nói rằng hát (hay chơi) nằm trong quá trình xã hội hóa chứ không nằm trong quá trình học.

Xã hội hóa, ngắn gọn, là tập tành sống với người khác qua tiếp xúc.

Các nhà thần kinh học cũng sẽ góp ý: Xã hội hóa vận động cả toàn bộ não trong khi học thường chỉ cần vỏ não trước trán làm việc. Chả trách nào ta nhớ lâu những gì ta hấp thụ qua xã hội hóa, tiếng mẹ chẳng hạn!

Đưa hát dân ca vào trường học không cần những cải tổ to lớn, không thêm quá tải cho trò – lại còn thêm hạnh phúc là đàng khác -. Và như thế ta góp phần bảo tồn một giá trị của văn hóa…

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114558469

Hôm nay

267

Hôm qua

2384

Tuần này

22028

Tháng này

226012

Tháng qua

122920

Tất cả

114558469