Người xứ Nghệ

Lê Hàm, người sưu tầm, nghiên cứu Ví, Giặm

Nhiều người biết ông là nhạc sĩ với những ca khúc được nhiều công chúng yêu thích như Vinh - thành phố bình minh, Người mẹ Làng Sen, Gái Sông La… Còn một Lê Hàm, từ rất sớm đã đam mê sưu tầm và nghiên cứu âm nhạc dân gian Ví, Giặm, có lẽ không mấy ai rõ, nhưng đó cũng lại là một đóng góp lớn của ông cho âm nhạc dân gian Nghệ Tĩnh.

Khi còn là thiếu sinh quân 1948-1949, đi thuyền nghe người chèo đò hát Ví trên sông La, ông cứ thắc mắc điệu hát gì mà hay thế. Niềm đam mê âm nhạc bản năng thức dậy. Đến năm 1955-1956, Chi hội văn nghệ Liên khu IV (nơi ông đang hoạt động) giải thể ông chuyển sang công tác ở Ty Văn hóa Hà Tĩnh và bắt đầu say sưa với công việc sưu tầm dân ca Nghệ Tĩnh. Kết quả sưu tầm đầu tiên của ông là một bài sắc bùa ghi ở thị trấn Đức Thọ. Một máy ghi âm, 06 pin và một số băng OWO đựng đầy một ba lô, thế là ông bươn bả khắp các miền quê Hà Tĩnh để nghe các cụ hát và ghi. Có những lúc đói bụng, chỉ vài quả cà chua vườn, vài củ khoai nướng, thế là ông và cụ già vừa hát vừa nhâm nhi qua bữa. Có khi cũng rất buồn cười mà vui vì một số cụ già móm mém rụng hết răng, hát không rõ tiếng vẫn ghi âm, để sau này lọc lại, đối chiếu rồi ký xướng âm thành bản. Có lần gặp máy bay Mĩ ném bom ở Cầu Na (Thạch Hà, Hà Tĩnh), cả ba lô dụng cụ bay hết, nhờ thanh niên xung phong lượm lặt nên mọi “của quý” vẫn được trả về cho chủ. Ông bảo cái thời đó, đói, khổ và có khi cả nguy hiểm nữa, nhưng vẫn thích, vẫn hăng hái đi và tìm. Cũng may, những năm sau này, Hà Tĩnh có chủ trương tập huấn cho các ông các bà thuộc nhiều, hát hay, mà ngày nay gọi là nghệ nhân, nên ông và các đồng nghiệp thuận lợi hơn trong việc sưu tầm, ghi chép. Năm 1970, khi tập hợp được trên ba mươi bài hò, Ví, Giặm, ông được Hội Văn nghệ Hà Tĩnh xuất bản tuyển tập dân ca xứ Nghệ. Đây thực sự là một tài liệu rất quý, trở thành nguồn cung cấp bài bản cho các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cũng như cho những ai yêu quý dân ca Ví, Giặm suốt mấy chụ năm nay. Lúc Nghệ - Tĩnh sát nhập, là Trưởng đoàn ca múa Nghệ Tĩnh, ông vẫn không quên công việc sưu tầm. Về Diễn Châu, ông ghi được mấy điệu hò cưa gỗ của ông Hòe ở làng Đông Tháp (Diễn Hồng), đi thuyền ra biển ở Cẩm Nhượng nghe dân chài hát ông ghi được làn điệu hò ruốc tôm canh… Bằng sự đam mê và ý thức của người đi tìm kiếm, lúc nào trong ông cũng thường trực kĩ năng công việc sưu tầm.

Năm 1961, tốt nghiệp trường âm nhạc Việt Nam, ông được cử vào công tác ở giới tuyến Vĩnh Linh. Thời gian sau, ông trở về Ty Văn hóa Hà Tĩnh công tác. Nhớ lời thầy là chuyên gia âm nhạc Liên Xô Be-la-rut-xep: “Tất cả các nhạc sĩ luôn luôn phải học tập trong dân gian và nên thuộc ít nhất 5-10 bài hát dân ca, ông lại tiếp tục công việc sưu tầm và nghiên cứu. Thông thường khi đi sưu tầm, người ta nghe nghe hát thôi, không nghĩ đến xuất xứ của nó. Với ông thì khác, nghe một điệu ví man mác trên sông nước, hay nghe một điệu dặm dí dỏm, hài hước, một điệu hò khỏe khoắn ông nghĩ tại sao người ta lại hát Ví như vậy, hát Giặm như thế kia. Từ đó ông quan sát lúc chèo thuyền ngược hay chèo thuyền xuôi thì họ hát thế nào. Nhờ những quan sát đó, ông đã tìm ra nguồn gốc, đặc điểm âm nhạc của các làn điệu hát Ví, Giặm. Những nghiên cứu về âm nhạc ông về sau đã được tập hợp cùng với các tác giả Hoàng Thọ, Thanh Lưu trong cuốn sách Âm nhạc dân gian Xứ Nghệ (NXB Nghệ An, 2000) do ông chủ biên và phần I (Âm nhạc dân gian của người Việt ở xứ Nghệ) do chính ông viết. Đây thực sự là một công trình khoa học có giá trị thiết thực, bổ ích cho những người muốn tìm hiểu và nghiên cứu âm nhạc dân ca Nghệ Tĩnh, âm nhạc Ví, Giặm. Sách đã được Hội đồng giải thưởng âm nhạc, Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng giải Nhì năm 1999 và tiếp tục được Hội Văn nghệ dân gian cho tái bản theo nguồn sách nhà nước tài trợ vào năm 2012.

Khi nói về thức ông cho rằng, điệu thức giống như ngôn ngữ của một dân tộc, và gam được coi là chữ viết, chữ cái của dân tộc đó. Điệu thức phải gắn liền với cấu tạo của giai điệu như điệu thức của dân ca xứ Nghệ có 3 hoặc 4 âm. Từ trục này, kết hợp với phương ngữ và thổ âm, ông soi vào các làn điệu dân ca sưu tầm được mà khẳng định cái nào là dân ca xứ Nghệ, cái nào là làn điệu lai. Trên cơ sở này mà những tư liệu ghi âm được ông đã sàng lọc phân loại ra một cách khoa học: Ví, Giặm, hò, ca trù, sắc bùa, ru con… Cũng từ đó mà ông khẳng định được làn điệu nào của Nghệ Tĩnh, người Nghệ Tĩnh hát, làn điệu không phải của Nghệ Tĩnh nhưng người Nghệ Tĩnh hát theo cách của mình như chèo Kiều, ru con v.v…

Từ việc nghiên cứu điệu thức, khác với nhận định của nhiều nhà nghiên cứu về văn học cho rằng ví chỉ có một loại, một làn điệu cơ bản, ông khẳng định: Ví phong phú về làn điệu, mỗi nghề, mỗi công việc đều có thể ví về nghề đó, công việc đó như ví phường vải, ví phường chè, ví phường cấy,… để khi hát lên khác nhau về âm sắc, về cấu trúc âm nhạc và cũng khác nhau ở nhịp vào bài và nhịp kết thúc.

Bằng sự quan sát tinh tế, ông chỉ ra: Ví phường vải bắt đầu là chữ “Người ơi” nhẹ nhàng tha thiết, cấu tạo âm bằng một quãng 3 thứ, sau đó chuyển sang 2 trưởng. Ví đò đưa sông La, chữ “Người ơi” bắt đầu vào bài cất lên vút cao, trong sáng được cấu tạo ở quãng 2 trưởng, bởi câu ví được hình thành trong khoảng không gian bao la của dòng sông La. Còn Ví đò đưa sông Lam lại khác Ví đò đưa sông Lam cũng bắt đầu vào bài bằng “Người ơi”, cấu tạo giai điệu ở quãng 3 thứ (la-đô hoặc sol-si). Nhưng ví đò đưa sông Lam chỉ hát trên sông lúc đò đang xuôi hoặc ngược dòng, còn khi neo đậu không ai hát nữa. Khi thuyền trôi trên sông, người chống đò cầm sào đi lên phía mũi thuyền, bỏ sào chống xuống nước, tay cầm sào tì vào phía trước bả vai, rồi lấy sức chống con sào đi thông thả về vị trí cũ là hết cội sào, lúc đó họ nghỉ ngơi và cất tiếng hát. Âm điệu của ví đò đưa sông Lam vì vậy man mác, bao la, sâu lắng.

 Bàn về hát Giặm, ông cho rằng: Khác các loại dân ca khác, ngay cả với hát Ví, giọng hát nghe uyển chuyển, êm ái, nhạc điệu phong phú và phức tạp…, còn hát Giặm Nghệ Tĩnh, giọng hát nghe thô sơ, đều đều, nhạc điệu đơn giản, tưởng như còn giữ được ít nhiều hình thức nguyên thủy và tính chất hùng dũng vốn có xưa kia của nó… Về âm nhạc, với hát Giặm vè, không phải là những bài ca có nhịp lao động nên nhịp điệu về cấu tạo chủ yếu là nhịp 7/8-4/4+3/4, một vài bài nhịp chậm. Thực ra hát Giặm là một kiểu nói lối - hát nói.

Về kĩ thuật hát Ví, Giặm theo ông hầu hết là giọng nữ trung, nam trầm, nam cao ít thấy - tức nam nữ hát cách nhau một quãng 8, mà thông thường cách nhau một quãng 4 và quãng 5. Hát Ví, Giặm chuẩn là phải tròn vành, rõ chữ.

Không dừng lại ở đó, ông còn mở rộng nghiên cứu dân ca Nghệ Tĩnh với nền âm nhạc chuyên nghiệp, phân tích từ góc độ âm nhạc những ca khúc khai thác một cách đa dạng chất liệu dân ca Ví, Giặm nói riêng, dân ca Nghệ Tĩnh nói chung trong hàng chục ca khúc như: Xa Khơi, Tiếng hò trên đất Nghệ An, Khúc tâm tình của người Hà Tĩnh v.v… một cách thuyết phục.

Có lẽ bởi những đóng góp cho sưu tầm và nghiên cứu dân ca xứ Nghệ nên từ những năm 1966-1967, ông đã là thành viên của Hội Văn Nghệ dân gian Việt Nam. Trước đó, năm 1962, ông là Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Và hôm nay, chúng ta biết ngoài một nhạc sĩ Lê Hàm thành danh còn có một Lê Hàm sưu tầm và nghiên cứu âm nhạc dân gian, mà một khi ai đó muốn tìm hiểu về vấn đề này đều không thể bỏ quên tên ông.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                         

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434752

Hôm nay

223

Hôm qua

2349

Tuần này

21402

Tháng này

211800

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434752