Văn hoá học đường

Sáng tạo, tự do và tự lập trong “học cách học”

Học cách học không có nghĩa là học một số kỹ thuật hay «mánh lới» để tiếp cận tri thức, để nhớ, để thi … Những cái đó là kiểu học … làm bếp chứ không phải học làm người. Mà đến trường là để học làm người.

Cũng như dạy kỹ năng không có nghĩa là thêm một hay nhiều môn kỹ năng, không có nghĩa là trong mùa hè nhồi nhét thêm cho trẻ những môn «thực tập kỹ năng» như kiểu rèn quân sự, tập lính.

Học cách học là cả một quá trình đi từ triết lý, tới khoa học não bộ, tâm lý học và sau cùng, giáo dục.

Bài này chỉ bàn tới một khía cạnh: sự tự lập của trò trong quá trình học cách học.

Sáng tạo, tự do để tự lập là những điều kiện cần để phát triển, để tiến bộ, để có thể tiếp tục học.

Khái niệm tự lập và khái niệm học cách học thường đi đôi.

Tự lập trong bối cảnh của học đường là gì?

Là trao quyền cho người đi học. Trò chọn nội dung cần học, tự quyết định cách học, tự chịu trách nhiệm con đường mình đi và tự kiểm soát quá trình học của mình.

Một cách cụ thể, cùng một chương trình, cùng một nội dung nhưng mỗi trò tự thiết kế những tri thức cần học ở thời điểm t1  hay t2. Sau đó biến đổi tri thức ấy cho thích hợp với cá nhân mình – điều mà trong ngôn ngữ chuyên khoa chúng tôi nói « phá vở cấu trúc để tái cấu trúc » – . Để rồi cuối cùng, trò tự đánh giá thành quả, dựa trên những chủ đích mà cùng với giáo viên, chúng đã vạch ra.

Muốn sáng tạo thì phải tự biết mình, tự chịu trách nhiệm và có động cơ để hăng say trên con đường tiếp thu tri thức. Ở đây người đi học hành động như một chủ thể, học một cách tích cực chứ không thụ động hấp thụ những gì thầy truyền dạy. Sáng tạo là tìm giải pháp tốt nhất, thích hợp nhất cho mình để vừa học tốt lại học vui. Nội dung của môn học thì cần thầy hướng dẫn. Cách tiếp cận cũng có thể cần thầy gợi ý. Nhưng tiếp thu là phần của trò. Ở bất cứ tuổi nào, kinh nghiệm ở các nước cho thấy,  trẻ đều có khả năng sáng tạo. Có thể lúc đầu chúng chọn sai đường nhưng chúng sẽ không lạc hướng lần thứ nhì. Con bồ câu của B. F. Skinner (1904-1990, tâm lý gia người Mỹ, giáo sư ĐH Harvard, cha đẻ của giáo dục theo lập trình – enseignement programmé-), trên một bức tường với nhiều ô đóng kín cửa, còn tìm ra được ô nào có hạt ngô, huống chi là con người!

Dĩ nhiên, để có thể thành tự lập và muốn sáng tạo, trẻ phải được tự do. Tự do nói, phát biểu ý kiến. Tự do diễn tả những cảm nhận, những ý thích và tự do phát triển trong một môi trường biết vun trồng các cá thể của trẻ.

Vai trò của người thầy thành … một «dụng cụ» của người đi học. Ngày nào thầy còn đóng vai truyền kiến thức ngày đó trò không thể học cách học.

Nhưng người thầy là một “dụng cụ”  rất cần thiết. Trò học cách học là học cách liên hệ với thầy, cách … dùng thầy để học.

Thầy thành một người hướng dẫn, một người giúp giản dị hóa con đường đi đến tri thức, một gương mẫu, một …nhân viên cứu hỏa chữa cháy khi trò có vấn đề.

Và thầy hãnh diện khi thấy trò thành tự lập. Vì giáo dục, trước nhất, là giải phóng. – éduquer, c’est libérer – Giải phóng khỏi cái ngu dốt, giải phóng khỏi tất cả phụ thuộc, trong đó có sự phụ thuộc người thầy .

Còn nói theo kiểu nhà phân tâm học S. Freud, ngày nào đứa con … giết được cha mình, ngày đó nó tự lập và trưởng thành – dĩ nhiên là phải hiểu khái niệm này  theo nghĩa bóng, đó là cách Freud giải thích mặc cảm Oedipe-.

Chuyện riêng ?

Học trò của tôi đã không giết tôi. Tôi chỉ đã phải … nhảy múa (tức là dùng cả ngôn ngữ của cơ thể) với  sức vóc (chúng cao hơn tôi cả một cái đầu), cân nặng (trung bình học trò của tôi nặng gấp đôi tôi) và trí tuệ (ở đây, tôi “hơn” chúng một tí), để chúng thấy rằng xã hội học rất thích thú và chúng đã đi vào vườn – hay thế giới – xã hội học như thế. Bằng chứng ? Ngày hôm qua, ở bệnh viện, một nhân viên, tốt nghiệp từ 15 năm trước,  nhìn ra tôi và chúng tôi đã bồi hồi nhắc lại với nhau vài kỷ niệm cũ. Đồng thời cô ấy kể cho tôi nghe những gì bản thân cô  tiếp tục đọc về xã hội học.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114558472

Hôm nay

270

Hôm qua

2384

Tuần này

22031

Tháng này

226015

Tháng qua

122920

Tất cả

114558472