Người xứ Nghệ

Nhớ mãi thầy Lê Đức Niệm - một tấm gương lao động không biết mệt mỏi

Lời Tòa Soạn: PGS Lê Đức Niệm sinh năm 1932 (quê Nghệ An), mất lúc 3h 50 phút ngày 6/5/2015. Ông là CB giảng dạy lâu năm của khoa Văn học, ĐHKHXH và NV, có nhiều đóng góp với sự nghiệp văn chương nước nhà. VHNA xin chia buồn cùng gia quyến và khoa Văn học, trường ĐHKHXH & NV.

 

PGS Lê Đức Niệm sinh ngày 5/2/1932, trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Nam Cường, huyện Nam Đàn, tỉnh  Nghệ An. Ngay từ nhỏ do sớm ý thức được nỗi nhục mất nước nên ông đã thoat ly gia đi theo cáh mạng. Lúc đầu, ông tham gia các  phong trào yêu nước tại địa phương, sau ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông trực tiếp tham gia kháng chiến ở thành phố Vinh, rồi làm bí thư Thiếu niên Tiền phong Cứu quốc huyện Nam Đàn (trụ sở đóng tại nhà cô Thanh chị gái Bác Hồ). Hòa bình lập lại, ông tốt nghiệp trường Trung học phổ thông. Vì có những thành tích trong Kháng chiến, ông được kết nạp Đảng rất sớm và được cử ra Hà Nội làm bí thư Đoàn Thanh niên Cứu quốc Điện ảnh Trung ương. Theo Quyết định của nhà thơ Tố Hữu Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền lúc bầy giờ. Ông được giao nhiệm vụ mở một lớp thuyết minh điện ảnh và trực tiếp làm lớp trưởng. Trong một đợt xét tuyển cán bộ xuất sắc đi đào tạo ở nước ngoài, ông được cấp trên cử sang Cộng Hòa Dân chủ Đức đào tạo về Điện ảnh. Nhưng vì khóa học này chỉ có hệ Trung cấp, nên cuối cùng ông quyết định ở lại và vào học tại trường Đại học Văn khoa khóa đầu tiên năm 1957. Ông được phân công làm phân đội trưởng sinh viên.

Sau hai năm học tập tại Đại học Văn khoa, năm 1959 ông tốt nghiệp và là một trong các sinh viên xuất sắc của khóa I được giữ lại  trường làm cán bộ giảng dạy. Ông được phân công giảng dạy môn văn học Trung Quốc tại khoa Ngữ Văn.. Đến năm 1963, do yêu cầu phát triển chuyên môn, ông được cử đi tiến tu giáo sư, nghiên cứu Đường thi tại Đại học Bắc kinh. Tại đây ông có dịp tiếp xúc và làm quen với các học giả nổi tiếng Trung Quốc như Vương Lực, Viên Hành Bái (nhà nghiên cứu nổi tiêng về thơ Đường TQ), Phùng Trung Vân… Đó là những tháng ngày ông dùi mài nghiên cứu nuôi hoài bão trở thành một chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy thơ Đường. Năm1966, ông học xong chương trình tiến tu và về nước tiếp tục làm việc tại khoa Ngữ Văn ĐHTH Hà Nội. Ngay từ những  ngày mới trở về, ông đã dốc sức cùng các cán bộ trong tổ bộ môn Văn học nước ngoài  xây dựng chương trình, biên soạn các bài giảng để nhanh chóng giới thiệu cho sinh viên Việt Nam những tác phẩm đồ sộ của các nền văn học vĩ đại trên thế giới. Sinh viên các thế hệ vẫn truyền tụng nhau về tinh thần nhiệt huyết, lòng đam mê văn chương của PGS Lê Đức Niệm qua các bài giảng về Kinh Thi, Khuất Nguyên, Đỗ Phủ…Hàng ngàn sinh viên ra trường hiện đang công tác khắp mọi miền của tổ quốc chắc vẫn còn nhớ giọng đọc thơ hào sảng trầm hùng của ông trong các buổi lên lớp say sưa ở vùng núi sơ tán thuộc huyện Đại Từ Thái Nguyên cũng như trong các lớp học tại giảng đường Hà Nội. Hầu như không có bối cảnh khó khăn nào, thậm chí cả tiếng gầm gào của bom đạn lại có thể át đi được những âm thanh nồng ấm tình người, đau đáu nỗi buồn nhân thế mà ông phát ra theo dòng chảy của thơ ca. Sự nhiết huyết của ông, tấm lòng vô tư, thương mến học trò của ông đã đi vào trái tim của bao nhiều thế hệ học trò khoa Ngữ Văn xưa và khoa Văn học sau này.

             Các thế hệ học trò sẽ nhớ mãi những hình ảnh đậm nét của hơn nửa thế kỷ mà ông đã khắc dấu trên các chặng đường gian nan của khoa Văn học. Từ buổi mới khởi dựng cơ nghiệp cho đến những ngày gian khổ của hai kỳ sơ tán lên vùng núi xa xôi; từ ngày ông còn trai tráng khỏe mạnh cho đến khi về hưu sống trong khu đô thị Linh Đàm, lúc nào ông cũng một lòng lo lắng đến sự nghiệp của Khoa, của trường, lo đến việc đào tạo các thế hệ mai sau. Ông không chỉ là một người thầy uyên bác mà còn là một dịch giả uyên thâm, một đại từ điển gia giàu kinh nghiệm. Ra đi, ông để lại cho đời  15 cuốn sách và hàng chục bài báo chuyên ngành. Trong đó có những cuốn chuyên luận dày dặn có ý nghĩa rất lớn trong công tác đào tạo cử nhân và đào tạo sau Đại học của trường như  “Thơ Đường” Nxb KHXH 1993, “Diện mạo thơ Đường”, Nxb VHTT 1995…. Ngoài ra, với giới  khoa học nước nhà, ông cũng để lại nhiều pho sách có giá trị với tư cách là công cụ nghiên cứu như: Từ điển Nhật-Việt, Nxb Mũi Cà Mau 1993. Từ điển Hán-Việt, Nxb VHTT 1999, Từ điển Trung- Việt, Nxb VHTT 2001….Vì có những công lao to lớn đối với sự nghiệp Giao dục, sự nghiệp “Trồng người” PGS Lê Đức Niệm đã nhận được các phần thưởng cao quí của Đảng và Nhà nước, của Bộ, của Trường như: Huân chương LĐ hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng nhì, Huy chương vì sự nghiệp Công đoàn, Juy chương Vì Sự nghiệp Giáo dục, Nhà giáo ưu tú, Kỷ niệm chương của ĐHQG Hà Nội. Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

        PGS Lê Đức Niệm là một người sống giản dị, nhưng hết sức nhiệt thành. Trong tư cách là một đảng viên, một công dân ông còn là một tấm gương tiêu biểu cho tính tiên phong, cho tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ dám làm. Suốt mấy chục năm công tác tại khoa, ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như: Chủ nhiệm bộ môn văn học nước ngoài, Chủ nhiệm bộ môn Văn học Phương Đông, Thư ký Công đoàn khoa Ngữ Văn, Phó Chủ nhiệm khoa Ngữ Văn, bí thư chi bộ, bí thư Đảng bộ khoa Ngữ Văn, Ban Chấp hành Đảng ủy trường ĐHTH HN… Ở cương vị nào, ông cũng dốc lòng, dốc sức ra để hoàn thành nhiệm vụ với tất cả tâm hồn trong sáng, với tinh thần chí công vô tư. Ông sống thanh thản với đời. Bạn bè đồng nghiệp luôn quí trọng ông, các thế hệ học trò luôn kính yêu ông. Nghĩ về ông, trong ký ức của mỗi chúng ta còn đầy ắp những kỷ niệm đẹp đẽ về cuộc đời của một người thầy, một nhà khoa học, một người bạn tri âm, tri kỷ.

Hơn 80 tuổi đời, với ngót 50  năm  đứng trên bục giảng, PGS Lê Đức Niệm đã  sát cánh cùng các cán bộ khoa Ngữ Văn trước đây và khoa Văn học sau này đào tạo hàng ngàn cử nhân văn khoa, hàng chục thạc sĩ, tiến sĩ. Ông đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp văn chương, cho sự nghiệp đào tạo con người. Mặc dù bị bệnh cao huyết áp đã nhiều năm, nhưng lúc nào ông cũng cố gắng rèn luyện sức khỏe để mong cống hiến được nhiều hơn. Khi không còn đủ sức đứng trên bục giảng, ở nhà ông vẫn hằng ngày đọc sách, viết bài nghiên cứu khoa học, bồi dường chuyên môn cho các cán bộ trẻ để lớp đàn em đủ sức tiếp tục gánh vác công việc chuyên môn thay cho mình trước lúc đi xa. Ông là một tấm gương sáng cho tinh thần lao động quyên mình, cho tinh thần tự học, tự đào tạo để vươn lên cũng như nghị lực vô song đấu tranh trước nguy nan của bệnh tật

 

            Có lẽ trong cuộc đời tôi chưa từng gặp ai hồn nhiên như phó giáo sư Lê Đức Niệm. Sự hồn nhiên toát lên cả trong nụ cười, ánh mắt của ông. Mỗi lúc nghe ông cười, người nghe có cảm tưởng cả thế giới đang tươi xanh trở lại, mọi sự mệt mỏi chỉ thoáng chốc là tan biến nhất.

            Câu chuyện điển hình về sự hồn nhiên của ông chính là cái sự ông " trồng chuối" giữa khoa. Thoạt nghe, ai chẳng tưởng, trồng chuối là đem thứ cấy xanh làm mát cho trường. Nhưng thực chất, việc " trồng chuối" của ông lại làm mát cho cuộc đời. Chuyện kể rằng vào năm khoa Ngữ Văn thứ 18, có một lần họp chi bộ để bàn một việc quan trọng về đường lối phát triển khoa học và nhân sự của tổ bộ môn. Trong lúc giải lao, ai nấy đều khen ông khoẻ và trẻ. Một người tò mò hỏi, ông có bí quyết gì mà giữ cho mình được cái sức phi thường như thế. Ông cười nói vui :" Muốn giữ được phong thái trẻ trung thì  phải "nhật báo" chứ năm thị mười hoạ thật chẳng ra gì" (nghĩa của cụm từ "nhật báo" khác với cách dùng của PGS.TS Đỗ Văn Khang). Mọi người đang còn ngớ ra thì ông giải thích:

            - Phải tập luyện. Tập luyện là bí quyết. Ngày nào cũng tập. Tập thường xuyên chứ không nhất cách nhất chiếu, thế mới tạo ra sức khoẻ.

            Cả chi bộ đều đổ mắt về phía ông. Ai cũng muốn ông nói cho bí quyết về bài tập của mình. Bởi dân trí thức vốn yếu o. ăn được bao nhiêu thì chất bổ lại bị con chữ nó gặm nhấm, chưa kể còn phục vụ vợ con, gia đình. Trẻ và khoẻ là cái món ai cũng thích, cũng háo hức…nên câu nói của giáo sư Lê Đức Niệm nặng ký lắm.

            Thấy mọi người ngưỡng mộ như thế, ông lại càng phấn khích lên. Ông vốn là người hay phấn khích nhất trần đời. Ông bảo, một trong những thao tác quan trọng của bài tập là trồng chuối. Mọi người lắc đầu không tin, vì thời điểm đó, bụng ông đã hơi khí to. Thấy thế, ông liền tụt dép bước lên ghế. Rồi chỉ loáng một cái người ta đã thấy ông "trồng chuối" ngay giữa bàn họp. Tất nhiên thời dó, bàn họp của khoa là chiếc bàn rất lớn, thành thử ông giống như một nhân vật làm xiếc đang nhào lộn. Căn phòng vang lên một tràng pháo tay Trong cuộc họp lúc đó lại có các nhà giáo nữ là Lê Hồng Sâm và Đặng Thị Hạnh. Cả hai người đều cười khúc khích.

            Giáo sư Niệm lộn ngược người trên bàn lớn đã lâu mà không chịu xuống, mặt mỗi lúc một đỏ lựng lên. Ông đang "thảo khí phạt hồn" nên người bâng lâng trong mây gió. Đôi mắt hình như đang lồi to ra, chiếc bụng đôi khi thót lại, lượn sóng. mồ hôi chảy xuống gáy, xuống cổ đầm đìa. Cô lê Hồng Sâm và Đặng Thị Hạnh sợ đồng nghiệp bị ngất liền hét to:

            - Thôi được rồi, mọi người tin rồi…xuống đi kẻo ngất anh Niệm.

            Nhưng đang trong cơn phấn khích mà "xuống" đột ngột thì khó chịu lắm. Đời nào ông bỏ cuộc giữa chừng. Ông đã không xuống lại còn nhún nhẩy, quay người đi cả bốn góc độ để tận hưởng cái thú của những chiều không gian khác nhau. Hai chân ông thỉnh thoảng còn co giuỗi, đạp lên đẩy xuống. Trông xa ông giống như chú ếch đang bơi ngược hòng xuyên thủng cả chiếc bàn họp cớ đại của khoa lúc bấy giờ.

            Con người giáo sư Lê Đức Niệm là thế! Hồn nhiên vào bậc nhất thế giới này. Nhiệt tình cũng không kém. Tôi còn nhớ, thời dại học năm thứ nhất, chúng tôi nghe ông giảng về Đỗ Phủ, vè Lý Bạch, Thôi Hiệu, Mạnh Hạo Nhiên và các thi sĩ nổi tiếng đời Đường. Đúng là thôi rồi! Chỉ còn há hốc mồm ra mà nghe. Ông giảng say sưa lắm. Giọng ông cất lên vi vút, lúc khoan khoan dìu dặt, lúc bừng sôi như sóng biển ập bờ. Tôi không quên được hình ảnh ông lúc ông giảng bài. Đôi mắt lim dim, ông đi dọc giữa lớp, ngân nga:

Thiếp ở Tương giang đầu

Chàng ở Tương giang cuối

Cùng uống nước sông thương…

            Dạo tôi mới đi nghiên cứu sinh từ nước ngoài về, tôi thật sửng sốt khi thấy ông còn tặng cho tôi một bộ từ điển Nhât- Việt dày tới 1087. Tôi không hiểu ông học tiếng Nhật từ khi nào mà lại tích luỹ kiến thức nhanh được đến thế. Thật là một bậc kỳ tài!

            Sự quí mến của ông làm cho tôi và ông vẫn còn giữ được mối quan hệ mật thiết với ông mãi cho tới sau này, khi ông đã về hưu. Ngày ông còn ở trong khu tập thể Lò Đúc, thỉnh thoảng tôi vẫn đến thăm ông. Khi đàm đạo văn chương, khi luận bàn thế sự. Ông hay kể cho tôi nghe những mẩu chuyện ly kỳ những năm tháng ông học tập và nghiên cứu tại Trung Quốc thường được sống bên cạnh cố Tống bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình. Đó là thời ở Trung Hoa nổ ra cuộc "Đại cách mạng văn hoá vô sản", Đặng tiểu Bình may không bị chết thảm như các nhân vật cỡ bự mà sau này sách báo Trung Quốc miêu tả như: Lưu thiếu Kỳ, Bành Đức Hoài, Hạ long…Ông được đưa về làm thư ký cho một hợp tác xã nông nghiệp. Số phận run rủi thế nào mà những năm tháng đó, giáo sư Lê Đức Niệm lại được ăn.ở sinh hoạt cùng ông. Cũng chính vì thế mà giáo sư Niệm hiểu khá sâu về cuộc " Đại cách mạng văn hoá" Lúc về nước, ông có nhiều buổi nói chuyện thời sự về sự biến lịch sử to lớn này. Có thể nói ông là một pho từ điển sống, là nhân chứng lịch sử rất quí giúp cho những ai muốn hiểu biết thêm về mốt số nhà lãnh đạo cỡ lớn nhất Trung Hoa.

            Tôi đã tới Trung Quốc vài lần, đã đi thăm Bắc Kinh, Hà Nam, Hồ Bắc. Quảng Tây, Vân Nam, Thượng Hải… qua những vùng di tích độc đáo như Thiếu Lâm Tự, Thạch Long môn… và có cả những bài viết về văn hoá của các vùng này. Lúc qua sông Tương, tôi vẫn thường nhớ tới các bài giảng của giáo sư Lê Đức.Niệm và tới tình cảm đặc biệt của ông với nhà thơ tiên tửu Lý Bạch. Tôi nhớ cả những lần đọc thơ của vị cao nhân này, giáo sư Niệm thường ngân ngấn nước mắt.

            Trong chuyên môn,  giáo sư Lê Đức Niệm sâu sắc ở khá nhiều lĩnh vực, nhưng cuộc sống giáo sư  lại là người hồn nhiên, vui tính và cởi mở nên cũng có người hiểu lầm cho ông là nông nổi. Thực ra, chỉ gần ông mới biết, ông có đánh giá khá chính xác về từng cán bộ trong khoa. Tuy nhiên, khi ông làm phó chủ nhiệm khoa Ngữ Văn, bí thư chi bộ…bao giờ ông cũng lấy việc nghĩ tốt cho mọi người và biểu dương, khích lệ làm điều căn bản. Bởi thế, dưới con mắt của ông, ai cũng tốt, cũng cố gắng cả. Con người, tính cách ông đều thấm đẫm tính nhân văn. Thành thử, trước đây, khi ông làm quản lý, mỗi lần tổng kết khoá học cũng có ý kiến phê bình gay gắt, ông vẫn chỉ cười ngất. Khi nghe ông cười, ai cũng có cảm giác, sống trên đời này thật là thú vị biết bao: không có lo toan và đau khổ, chỉ có sung sướng và hạnh phúc.

            Lê Đức Niệm còn là người rất dễ ngủ. Ông có thể ngủ bất cứ chỗ nào, ở đâu và ở bất cứ tư thế nào. Vào những năm trước và sau thập kỷ 80, thầy trò khoa Ngữ Văn cùng với toàn trường và  nhiều trường khác đổ xuống công trường đào sông Tô Lịch. Những năm đó gian khổ nhưng thật hào hùng. Trời rét căm căm, những bắp chân trắng nhễ của các nữ sinh văn khoa ngâm trong bùn đất. Nào đào, nào xúc, nào bê vác lên vai… người ta muốn lấy ý chí mà thắng thiên nhiên. Không có máy móc, đào sông toàn bằng sức người. Không có cơm ăn. Mỗi buổi trưa, thầy và trò chỉ được xuất bánh mỳ 225 gam, vậy mà vẫn cười vui như tết. Giở nghỉ trưa, sau khi khủa tay vào những vũng nước hoặc quyệt vào vạt áo, là có thể cầm bành mì nhai ngon lành. Ăn xong, kẻ đứng, người ngồi tán gẫu. Chỉ riêng giáo sư Niệm là súc miệng xong đã ngáy pho pho bên cán cuốc. Ai nấy đều rất bái phục. Ngủ trong giờ họp, ngủ trong lúc ngồi ở ghế chủ tịch đoàn…nay lại ngủ ngay bên bờ sông, bụi cỏ. Có khi, vào lúc giải lao giữa giờ, thấy ông đang đứng nơi công trường lổn nhổn gạch đất mà nhắm tít mắt lại. Mở mắt ra, ông bảo ông vừa mơ thấy Lý Bạch…Ông mơ thấy giấc mơ nào cũng đẹp, cũng tuyệt vời. Nên cứ nghe ông, thì cứ tưởng cuộc đời mình cũng sẽ tuyệt vời ngay hôm sau.

            Tôi muốn nói điều này là vì tôi có một lỷ niệm rất sâu sắc với ông về chuyện đó. Vào khoảng sau năm Văn khoa thứ hai mươi tám, ông được cử làm phó chủ nhiệm khoa. Năm đó tôi mới lập gia đình, được phân vào vào một căn phòng 16 mét vuông lợp giấy dầu trong diện ưu tiên. Phòng này nằm trong dãy nhà cạnh khu ao rau muống, giáp phân viện 2 của trường Nguyễn Ái Quốc. Cả dãy nhà ngửa ra phía sau với độ nghiêng khoảng 35 độ. Phía trước, ngay sát hè, có một hố sâu chừng gần một mét. Mỗi khi mưa xuống là nước dềnh lên với bao nhiêu rác rưởi, phân gà, phân chuột. Trong nhà, xung quanh thưng bằng lá cót đan bằng nứa. Để che cho hàng xóm khỏi nhìn thấy những hoạt động trần tục của mình nhà nào cũng lấy giấy báo dán kín bốn phía xung quanh. Nhà không có bếp. Nấu nướng, ngủ nghê, đọc sách…tất cả chỉ xoay sở trong có ngần ấy diện tích. Ban ngày xe đạp không cho được vào nhà. Chỉ tối đến, phòng mất trộm thì mới đem chúng kê sát vào chân giường hay lối đi. Thấy cảnh sống của tôi chật chội, khổ sở, thỉnh thoảng giáo sư Niệm có đãng qua thăm hỏi, động viên.. Một hôm, ông đem đến cho tôi một tin sướng thót tim:

            - Này cậu, chuẩn bị tháng sau dọn ra nhà mới nhé. Trong danh sách phân nhà đợt này, mình xếp cậu số một. Trên đã báo cho khoa nhận nhà rồi. Từ tháng sau cậu sẽ ra sống ở khu Ngã Tư Sở.

            Ôi! Không sao tả xiết nỗi vui mừng đến khốn nạn của tôi lúc ấy. Suốt cả đêm, tôi cứ nằm mơ thấy căn hộ mới. Tôi không còn có cảm giác là mình sống thực. Lúc nào cung mơ mơ như đang trên mây. Thật không tin cả nổi chính mình. Tôi không ngờ  mình lại được ưu ái như thế. Ha ha! Ngàn lần cảm ơn giáo sư Lê Đức Niệm. Ông là vị cứu thế của đời tôi….

            Nhưng rong khoa Ngữ Văn đợt ấy, người được chuyển đi đầu tiên là gia đình thầy Đỗ Hồng Chung, giáo viên dạy môn Văn học Nga. Sau đó đến gia đình giáo sư Nguyễn Lai… Tôi là bậc hậu thế, còn lâu mới đến lượt. Hoá ra, chỉ vì thương tôi ở trong một gian nhà  sắp đổ mà ông nảy ra cái ý xếp tôi vào diện số một. Trong danh sách báo cáo lên trường, ông xếp thành một dãy hàng ngang, trong đó tôi thuộc diện số một nhưng là người thứ bảy của dãy này. Dĩ nhiên, thực tế, tôi chẳng bao giờ hy vọng đến lượt phân nhà. Nhưng về tinh thần thì giáo sư Niệm đã cho tôi uống no nê một trời hy vọng.

             Thoắt một cái đã bao năm trôi qua. Khi về hưu, PGS Lê Đức Niệm  chuyển về khu đô thị Linh Đàm. Ngày ông ốm nặng, ông có nguyện vọng được chính tay tôi viết cho ông bản điếu văn. Tôi thức một đêm viết bản điếu văn nhưng đề ngày ông ra đi là ngày ông đúng 100 tuổi. Tôi và anh Phạm Ánh Sao ( Phó CN khoa Văn học) đọc cho ông nghe. Ông phấn khởi lắm. Lần ấy ông mới gần 80 tuổi. May măn, ông đã khỏi bệnh rồi sống thêm được gần 5 năm nữa.

 Sau thời Đổi mới, đời sống cán bộ được cải thiện rất nhiều, có thể nói là đổi đời gần như toàn bộ. Tuy vậy, tôi vẫn luôn nhớ  đến những kỷ niệm sâu sắc của thời gian khổ mà ông cũng là một trong những động lực thúc đẩy làm cho tôi phấn đấu vươn lên. Một lần qua Trung Quốc, qua bến sông Tương, tôi lại nhớ đến những bài giảng mà ông truyền cho bao thế hệ với tâm hồn ngùn ngụt cảm hứng. Chỉ có điều, ông dạy về thi ca, tiên tửu của Lý Bạch rất hay, nhưng rượu ông uổng chỉ nửa chén đã say bừng bừng. Nên  tôi làm mấy câu thơ vui tặng ông. Ông thích lắm:

Thẫn thờ qua bến Tương giang

Nhớ nhau tình lại như càng đắm say

Rằng trăm năm cũng từ đây

Nhớ người trồng chuối ban ngày giữa khoa

Thi tiên Lý Bạch đâu tà?

Rượu ngon nửa chén đã ngà ngà say

Trăng tròn lại khuyết ai hay

Thoắt đà giờ đã đến ngày về hưu

Linh Đàm gió sớm mây chiều

Lại thương Thôi Hộ xem đào nở hoa…

 

 

 

 

 

 

           

 

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441365

Hôm nay

282

Hôm qua

2283

Tuần này

21269

Tháng này

216539

Tháng qua

112676

Tất cả

114441365