Diễn đàn

Bớt phí môi trường cho khu ổ chuột bị cháy, tại sao không?

Trước hết, xin chia sẻ những mất mát, khó khăn với hàng chục hộ dân ở khu ‘ổ chuột’, Quận Đống Đa, Hà Nội, vừa bị ‘bà hỏa’ thiêu rụi chiều ngày 13.5.2015. Sự cố, tai nạn là điều không ai muốn nhưng nó cũng là một phần chẳng bao giờ thiếu trong cuộc đời, cắn răng lại để chịu đựng trong sự sẻ chia của cộng đồng, sự hỗ trợ của nhà nước là cách duy nhất để vượt qua. Vả chăng, như cha ông vẫn nói – trong ‘nguy’ có ‘cơ’, tương tự với sự an ủi của người Mỹ với những trường hợp tương tự, phải coi thách thức là… cơ hội!...

Khu ‘ổ chuột’ là bức tranh màu xám mà hầu như thành phố nào trên thế giới cũng có. CƠ HỘI và nỗ lực để xóa bỏ nó bằng những căn nhà đẹp, trong một khu phố được quy hoạch khoa học, tương xứng với môi trường không phải là điều dễ dàng.

Lịch sử nhắc mãi trận hỏa hoạn kinh hoàng kéo dài suốt 5 ngày, thiêu hủy hơn một nửa số nhà cửa ở Roma năm 64, dưới thời của bạo chúa Nero (54-68). Thế nhưng, không ít nhà kiến trúc đô thị cũng nói rằng ‘nhờ’ có trận cháy khủng khiếp ấy mà Roma được xây dựng lại, quy hoạch lại, trở  thành mẫu mực cho đến tận… bây giờ(!)

Hỗ trợ cho người dân để xây dựng lại nhà cửa và nhất là, cho họ có thể tiếp tục mưu sinh không đến nỗi quá vất vả là trách nhiệm của cộng đồng. Đặc biệt, chẳng ai có thể chấp nhận việc nuôi hàng trăm con lợn giữa một khu phố ở giữa thủ đô trong cái phường có tên gọi thật đẹp là phường… Văn Chương!

Được biết, phí môi trường là một khoản thu không hề nhỏ từ các doanh nghiệp, các cơ sở dịch vụ và từ xăng dầu. Chỉ tính riêng với xăng dầu, khi mỗi lít xăng cõng 3.000 đồng tiền phí, mỗi ngày, cả nước tiêu thụ hết khoảng 50 triệu lít xăng dầu thì cũng có được khoản tiền hơn… 100 tỷ đồng. Con số 50 triệu lít được tính trên cơ sở mức tiêu thụ từ năm 2008, khi đó, mỗi ngày cả nước tiêu thụ hết 37,5 triệu lít xăng dầu (Việt Báo, 29.7.2008, 13:41 GMT+7).

Kinh Thánh có câu của Caesar phải trả lại cho Caesar. Phí môi trường có ‘chức năng’ rất rõ ràng, cụ thể là nó được sinh ra để tái bảo vệ sự ổn định, trong lành của môi trường. Tất nhiên, cái chữ ‘môi trường’ trong thời đại ngày nay có thể biến dạng với đa chiều, đa nghĩa lắm. Thu chi đúng địa chỉ, đúng mục đích là trách nhiệm của mọi xã hội văn minh. Không ai đồng tình thu phí từ lĩnh vực A để trợ cấp, bổ túc cho B, và ngược lại.

Những hộ dân lâu nay sinh sống bên bờ hồ Linh Quang rất cần nhận được sự giúp đỡ tức thời, hiệu quả. Hầu hết ‘tài sản’ của người nghèo đều được gói ghém, cất giữ trong mỗi căn nhà, chuồng trại. Cháy – sau 30 phút mới có cứu hỏa đến thì coi như là – gần như là mất trắng.

Không thể để cho những hộ dân đó tiếp tục dựng lên những cái gọi là nhà – đa phần chắc là sẽ tệ hơn, xập xệ hơn cái ổ chuột hôm trước. Tại sao không thể trích ra một phần phí môi trường thu được mỗi ngày để bảo vệ cho môi trường trước một thiệt hại rất cụ thể của chính nó, trước một khả năng tái cấu trúc đẹp hơn, ý nghĩa hơn với những người nghèo nói riêng, cảnh quan thủ đô nói chung?

Những người dân bên bờ hồ Linh Quang đang phải sống tạm với màn trời, chiếu đất; đang rất cần sự hiệu quả của một giải pháp hỗ trợ từ chính quyền thành. Chẳng có khi nào cái nghĩa của vì dân thiết thực như việc có thể giúp những người dân đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn…

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512836

Hôm nay

2373

Hôm qua

2400

Tuần này

2773

Tháng này

219709

Tháng qua

121356

Tất cả

114512836