1- Từ trước đến nay, chúng ta đều khẳng định rằng Lễ hội Làng Sen được nâng lên từ liên hoan “Hát từ Làng Sen”. Nhưng từ một cuộc liên hoan nghệ thuật quần chúng có thể chuyển thành lễ hội được không? Thiết nghĩ, câu hỏi này phải được trả lời một cách khoa học trên cơ sở thực tiễn. Trong cuộc sống đương đại, chưa thấy một cuộc liên hoan nghệ thuật quần chúng nào được phát triển thành lễ hội. Đối tượng tham gia liên hoan nghệ thuật quần chúng là các tác giả, diễn viên và một số cán bộ hoạt động văn hóa. Đối tượng này dù mở rộng đến đâu thì cũng chưa phải là nhân dân. Trong tất cả các cuộc liên hoan “Hát từ Làng Sen”, nhân dân đều chỉ là đối tượng thưởng thức chứ không phải là chủ thể hoạt động. Mặt khác, hình thức hội diễn nghệ thuật quần chúng hoàn toàn khác với trình thức lễ hôi. Tôi nghĩ rằng, chúng ta đã nhầm khi mở rộng liên hoan “Hát từ Làng Sen” bằng cách bổ sung thêm một số hoạt động văn hóa và gọi đó là lễ hội. Trong khi liên hoan “Hát từ Làng Sen” đang đứng trước thử thách có tồn tại được lâu dài hay không vì sức thu hút ngày càng giảm.
2- Xuất phát từ liên hoan “Hát từ Làng Sen” nên trong nhiều năm, Lễ hội Làng Sen được tổ chức theo ba cấp hành chính: cơ sở, huyện, tỉnh; trong đó từ cấp huyện trở lên là lễ hội không có dân. Trên đất nước Việt Nam có hàng nghìn lễ hội được tổ chức hàng năm, chưa thấy một lễ hội nào không có dân như Lễ hội Làng Sen. Tất nhiên, trong các cuộc Lễ hội Làng Sen người dân đều được mời đến dự, nhưng họ chỉ ngồi trong hội trường hoặc đứng ngoài sân vận động để xem chứ không phải để tham gia các hoạt động với tư cách chủ thể. Có thể khẳng định rằng, cho đến nay Lễ hội Làng Sen vẫn chỉ là hoạt động của những diễn viên nghệ thuật quần chúng (có cả một số diễn viên chuyên nghiệp) và một số cán bộ văn hóa chứ chưa phải là lễ hội của nhân dân. Thực chất, Lễ hội Làng Sen là liên hoan “Hát từ Làng Sen” được kéo dài và mở rộng chứ chưa phải là lễ hội đích thực. Liên hoan “Hát từ Làng Sen” muốn phát triển thành lễ hội phải có sự chuyển hóa về chất, đối tượng là diễn viên và cán bộ văn hóa phải được thay thế bằng vai trò của nhân dân, nhưng điều này suốt mấy chục năm nay chúng ta chưa thực hiện được.
3 - Một vấn đề đặt ra là làm thế nào để thu hút được đông đảo nhân dân đến với Lễ hội Làng Sen. Bằng các chương trình nghệ thuật tham gia liên hoan “Hát từ Làng Sen” cộng với một số hoạt động khác như rước ảnh Bác Hồ, triển làm lưu động, chiếu phim, thi người đẹp Làng Sen…thì chưa thể thu hút được đông đảo nhân dân, thậm chí nhân dân còn rất thờ ơ khi các hoạt động này không hấp dẫn. Qua thực tế bùng nổ lễ hội trong cả nước, chúng ta thấy rằng sức hút mạnh mẽ nhất để nhân dân đến với lễ hội chính là niềm tin tâm linh. Nhân dân đến với Đền Hùng, Chùa Hương, Đền Trần hay các địa chỉ tâm linh khác trước hết là để thắp hương, dâng lễ vật cầu mong được các đấng thần linh phù hộ. Chính dòng người bất tận hành hương về các địa chỉ tâm linh đã tạo nên lễ hội. Ở đâu có niềm tin tâm linh của nhân dân thì ở đó có điều kiện để lễ hội phát triển. Đó là một thực tế có thể kiểm chứng được qua hàng nghìn lễ hội được tổ chức hàng năm trên khắp đất nước Việt Nam. Tôi cho rằng, Lễ hội Làng Sen không thể nằm ngoài quy luật này.
4 - Vậy bằng cách nào để tạo được niềm tin tâm linh trong Lễ hội Làng Sen? Các nhà chuyên môn thường nói rằng trong lễ hội phải có nhân vật thiêng và không gian thiêng. Đó chính là hai yếu tố tâm linh tạo nên lễ hội truyền thống. Trong Lễ hội Làng Sen, nhân vật thiêng chính là Bác Hồ, không gian thiêng chính là Làng Sen quê Bác. Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, là Danh nhân văn hóa thế giới, là một lãnh tụ cách mạng thiên tài sống với đất nước và nhân dân. Vì Bác là lãnh tụ, là con người thật của cuộc đời nên gắn yếu tố tâm linh với Bác là vấn đề nhạy cảm. Nhưng trong lòng nhân dân, Bác Hồ đã trở thành một vị thánh. Nhân dân đến với Bác không chỉ để bày tỏ lòng biết ơn vô hạn mà trước hết để cầu mong được Người phù hộ. Một minh chứng cho niềm tin tâm linh đối với Bác Hồ là dòng người đến thắp hương cầu cúng ở mộ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Bác, ngày càng đông. Tại phòng tưởng niệm ở Khu di tích Kim Liên, nhiều người dâng hương hoa, lễ vật để cầu nguyện Người phù hộ. Khắp nơi trên đất nước Việt Nam, nhân dân đang lập đền thờ Bác Hồ. Tâm linh Hồ Chí Minh đang trỗi dậy trong lòng nhân dân, đó chính là cội nguồn để chúng ta tổ chức Lễ hội Làng Sen.
Lễ hội làng Sen phải trở thành cuộc hành hương về cội nguồn, nơi sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lễ hội đó phải được tổ chức bằng hình thức lễ hội truyền thống gắn với niềm tin tâm linh của nhân dân. Đã đến lúc thoát ra khỏi liên hoan “Hát từ Làng Sen” để tổ chức Lễ hội Làng Sen như mọi lễ hội truyền thống khác. Liên hoan “Hát từ Làng Sen” chỉ là một phần của Lễ hội Làng Sen chứ không phải là nội dung chính của Lễ hội Làng Sen. Chừng nào chúng ta còn lấy liên hoan “Hát từ Làng Sen” làm nội dung chủ đạo để tổ chức Lế hội Làng Sen thì vẫn chưa có một lễ hội đích thực.
T.H.C