Ai cũng biết để có một giá trị văn hóa thì có thể phải cần những khoảng thời gian rất dài. Một số lần trao đổi với anh Phan Văn Thắng (Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ An) tôi đã nói cho đến nay Lễ hội Làng Sen vẫn còn nhiều thứ chưa được định hình thì đó là điều cần phải nghiêm túc suy nghĩ.
2.Rất nhiều người đặt ra câu hỏi quần chúng nhân dân đã quan tâm đến Lễ hội Làng Sen chưa? Câu trả lời là chưa, lễ hội Làng Sen vẫn đang là lễ hội của Nhà nước tổ chức, nhân dân chưa tìm được điều mà họ cần trong lễ hội, do vậy họ chưa quan tâm.
Nhiều lý do tạo ra điều đó nhưng khởi nguồn có lẽ là loại hình của lễ hội chưa phù hợp.
Lâu nay Lễ hội Làng Sen được tổ chức theo loại hình lễ hội mới. Không gian lễ, cấu trúc lễ, trình thức lễ và cả nhân vật thiêng của lễ đều được làm theo kiểu mới. Cái đáng tránh là yếu tố hành chính thì rất nhiều. Cái cần vun đắp là yếu tố tâm linh thì ai cũng ngại đụng đến, sợ bị quy chụp về quan điểm tư tưởng. Vì thế lễ hội đã có biểu hiện nhàm chán, đơn điệu, sức sống đã bị nhạt nhòa.
3. Trong bàn tròn trao đổi với Tạp chí Văn hóa Nghệ An, tôi đã có quan điểm khẳng định rõ loại hình của Lễ hội Làng Sen. Không thể tổ chức Lễ hội Làng Sen như Lễ hội Uống nước nhớ nguồn (Anh Sơn), lại càng không được tổ chức như Lễ hội Trà (Thái Nguyên), Lễ hội Hoa (Đà Lạt).
Lễ hội Làng Sen là lễ hội của một miền quê linh thiêng, gắn với một nhân vật lịch sử đặc biệt của dân tộc, có tính thiêng rất sâu đậm, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Truyền thống văn hóa Việt ai có công khai dựng làng thì được làng phong và thờ tế là Thành hoàng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có công khai sinh ra một kỷ nguyên mới của đất nước, Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông, đất nước ta (Điếu văn Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Làng Sen và con người Hồ Chí Minh có đủ các yếu tố để nhân dân đi lễ hội bày tỏ tri ân và thể hiện những ước muốn tâm linh.
Đây là tiềm năng lớn nhất và giá trị nhất của Lễ hội Làng Sen. Rất tiếc với cách tổ chức như hiện nay thì tiềm năng này đang bị bỏ phí.
Muốn làm được điều đó trước hết phải khẳng định Lễ hội Làng Sen phải được tổ chức theo loại hình lễ hội cổ truyền. Nếu làm được thế thì không gian lễ hội sẽ linh thiêng hơn, nhân vật Hồ Chí Minh sẽ là đỉnh thiêng hướng tới của người tham gia lễ hội.
Không ai dám nói đây là sự hoài cổ.
Đối với Lễ hội Làng Sen, cần chú trọng hoàn thiện các nghi lễ.
Về trình thức lễ, Lễ hội Làng Sen được tổ chức như một lễ hội cổ truyền, nghĩa là có lễ khai quang, lễ mộc dục, lễ yết cáo, lễ rước, lễ tế và lễ tạ.
Nhà nước nên tổ chức trang trọng lễ mít tinh kỷ niệm ngày sinh của Người riêng, không nên đưa lễ này thành một nội dung của Lễ hội Làng Sen.
Các lễ khai quang, mộc dục, yết cáo và lễ tạ chủ yếu do Ban tổ chức và dòng họ Nguyễn Sinh, Hoàng Xuân thực hiện có tính chất nội bộ. Lễ rước và lễ tế phải là lễ của cộng đồng, trang nghiêm, thành kính và đầy tính chất tôn vinh. Nghiên cứu để thay hình thức rước chân dung Bác Hồ bằng rước kiệu hoặc rước bài vị của Người. Về lâu dài phải cải tạo Nhà tưởng niệm hiện nay thành Đền thờ Bác Hồ, có Hậu cung nhằm tăng thêm sự linh thiêng. Lễ tế phải được xem là lễ chính và phải được tổ chức chu đáo, 3 năm một lần là Đại tế do Trung ương tế, các năm khác do địa phương và dòng họ tổ chức.
Về các hoạt động hội, có nhiều tích liên quan đến tuổi ấu thơ của cậu bé Cung gắn bó
với quê hương, nghiên cứu để kết nối với Liên hoan nghệ thuật quần chúng Hát từ Làng Sen thành chuỗi hội dân gian ổn định. Các hoạt động chiếu phim, triển lãm, liên hoan ẩm thực… chỉ là hỗ trợ, không nên xem là những hội chính trong Lễ hội Làng Sen.
Tỉnh và Trung ương nên sớm chủ động giao việc tổ chức Lễ hội Làng Sen cho huyện Nam Đàn và 2 dòng họ, ngành Văn hóa chỉ là cơ quan tư vấn chuyên môn.
Một khi Lễ hội Làng Sen được xác định đúng loại hình để phát triển thì đó sẽ là lễ hội của nhân dân.
Và dưới bầu trời này cái gì đích thực là của dân thì sẽ được dân nuôi dưỡng để trường tồn mãi mãi.