Những góc nhìn Văn hoá

Từ chỉ dẫn của giáo sư Trần Đình Hượu giải độc câu nói về Thi của Khổng Tử

1. Sự nghiệp của Giáo sư Trần Đình Hượu là rất to lớn, không chỉ về khoa học mà còn giàu tinh thần thực tiễn. Với tư cách là học trò của ông, trong bài viết này, chúng tôi đi tìm một cách hiểu câu nói của Khổng Tử về Thi qua sự gợi ý, chỉ dẫn của Giáo sư và men theo truyền thống chú giải của học giả Nho gia.

Trong công trình Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, GS. Trần Đình Hượu đã đề cập tới một số câu nói quan trọng của Khổng Tử về Thi(1). Chẳng hạn, Khổng Tử đặc biệt đề cao việc học các khúc ca (Thi): “Các trò sao không ai học Thi. Thi có thể kích thích, động viên, giúp ta rút kinh nghiệm, xem xét, giúp ta tổ chức, hợp quần, bày cho ta cách biểu lộ lòng oán trách. Thi dạy cho ta đạo lý, gần thì thờ cha, xa thì thờ vua lại giúp ta biết tên nhiều thứ cỏ cây, chim muông” (Luận ngữ, 17-9). Khổng tử nói với con trai là Bá Ngư: “Người ta mà không học Chu Nam, Thiệu Nam (hai thiên trong kinh Thi – PAS thêm) chẳng khác gì ngoảnh mặt vào vách mà đứng (Luận ngữ, 17-10), “Không học Thi, không biết lấy gì mà nói năng” (Luận ngữ, 16-13).

Trong ba câu nói của Khổng Tử về Thi được trích ở trên, chúng tôi hướng sự chú ý tới câu thứ nhất. Đây được coi là quan điểm Thi giáo của Khổng Tử, được trình bày một cách hệ thống về ý nghĩa – tác dụng của việc học Thi, cũng là vấn đề chúng tôi chú ý khi nghiên cứu Kinh Thi(2). Hiểu được câu nói súc tích này sẽ giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn những câu nói khác của Khổng Tử về Thi.

Lật giở bộ Trung Quốc văn học đại từ điển(3) thấy có mục từ “興觀群怨” (chúng tôi đọc là: hứng quan quần oán); đó chính là một trong những mệnh đề “Thi luận” cổ đại đã rút gọn nửa đầu câu nói trên của Khổng Tử: “Thi khả dĩ hứng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán…”. Mặt khác, trong quá trình nghiên cứu sự ảnh hưởng và tiếp nhận Thi Kinh ở Việt Nam, chúng tôi lại nhận ra một điều thú vị liên quan đến nửa sau câu nói của Khổng Tử: “…, đa thức ư điểu thú thảo mộc chi danh”. Do vậy, hai tiêu điểm đó sẽ được chúng tôi nhấn mạnh trong bài viết. Chúng tôi cảm thấy, do sự gián cách về không gian và thời gian, nhiều vấn đề của Thi học cổ đại cần phải nhận thức lại và vận dụng một cách hiệu quả trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa văn học thời cổ đại của Trung Quốc cũng thời trung đại của Việt Nam.

2. Cũng trong công trình Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, GS. Trần Đình Hượu viết: “Ảnh hưởng sâu sắc chủ yếu là do một quan niệm văn học nghệ thuật được chính Khổng Tử vạch hướng và các nhà nho đời sau củng cố dần”. Đây có thể coi là sự gợi ý trực tiếp, chỉ dẫn phương hướng đi tìm một quan niệm văn học nghệ thuật được chính Khổng Tử vạch hướng. Chúng tôi cho rằng, có hai cơ sở Giáo sư đã chỉ ra giúp giải đáp câu hỏi này: thứ nhất là “chính Khổng Tử” và thứ hai là “các nhà nho đời sau”. Sự kết hợp của hai cơ sở này ít nhiều sẽ giúp chúng ta tiệm cận được “chân ý” của Khổng Tử.

Những ghi chép trong sách Luận ngữ cho thấy,khi dạy học trò, Khổng Tử không chỉ lấy Thi làm sách giáo khoa, mà còn sử dụng toàn bộ văn hiến cổ đại của Trung Hoa làm phương tiện để “tải đạo”. Riêng sách Luận ngữ, những chương, đoạn đề cập tới Thi, theo thống kê của học giả Trung Quốc, có tới 24 trường hợp(4). Điều đó cho thấy việc tìm hiểu quan niệm Thi giáo của Khổng Tử không thể bó hẹp trong một câu nói, hay chỉ trong một kinh điển, dù là Luận ngữ - sách ghi chép “ngôn hành” của thầy trò Khổng môn; hơn thế, không chỉ tìm hiểu bản thân Khổng Tử, mà còn phải tìm hiểu cả các thế hệ học trò, chí ít là những người tạo nên dòng mạch chính thống của học thuyết Nho gia suốt chiều dài lịch sử Kinh học. Sự đổi mới về cách tiếp cận ở đây quả là rất cần đến sự truy nguyên và phục cổ.

2.1.Ở Việt Nam, các dịch giả - nhà khảo cứuvàcác nhà nghiên cứu đều đã thể hiện “sự hiểu” của mình về thiên – chương 17.9. Chẳng hạn:

- Dịch giả Đoàn Trung Còn dịch như sau: “Kinh Thi làm cho mình hưng khởi tâm chí; nhờ đó mà mình quan sát lấy mình, biết đức hạnh mình tới đâu; nhờ nó mà mình biết hiệp quần với xã hội; và cũng nhờ nó mà mình biết giận kẻ ác một cách chính đáng. Kẻ đọc Kinh Thi, gần thì biết thờ cha kính mẹ cho trọn đạo con, xa thì biết phụng sự vị quốc trưởng cho hết nghĩa tôi. Mình lại biết được tên nhiều giống chim, thú và thảo, mộc nữa”(5)..

- Trần Lê Sáng và các tác giả bộ Ngữ văn Hán Nôm – Tập 1 -Tứ thư đã trích nguyên văn chữ Hán và dịch như sau: “Thi có thể bồi dưỡng sức tưởng tượng (hưng), có thể nâng cao óc quan sát (quan), có thể rèn luyện tính hợp quần (quần), có thể biết cách châm biếm (oán). Gần, có thể thờ cha mẹ, xa có thể thờ vua, hơn nữa lại nhớ được tên nhiều chim muông cây cỏ”(6).

Phạm vi sử dụng của bộ sách Ngữ văn Hán Nôm là rất rộng rãi và trong thực tế, bộ sách công phu và dày dặn này đã trở thành giáo trình của cả bậc học đại học và sau đại học ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. Cách đọc, cách hiểu của bộ sách mang tính đại diện cao, rất tiêu biểu cho độc giả Việt Nam, do vậy, ảnh hưởng khá rộng rãi đối với người học.

Có thể thấy, cả dịch giả Đoàn Trung Còn và các tác giả bộ Ngữ văn Hán Nôm ở trên đều đọc 興觀群怨hưng quan quần oán; còn về cách hiểu, thì quả thực, dấu vết của Khổng Tử và tiên nho dẫu còn phảng phất song dường như đã mờ dần. Các tác giả đã bỏ qua sự dẫn hướng độc giả đương đại tiếp xúc với “cổ chú”, dù chỉ là một phần; do vậy đã không lưu ý họ chú ý đến kinh nghĩa của Luận ngữ. Đó là điều đáng tiếc, nhất là đối với sinh viên chuyên ngành Hán Nôm.

2.2. Ở Trung Quốc, tình hình không đến mức như vậy, song cũng đã xuất hiện tình trạng phân hóa. Sự nhất thống về phương diện học thuật của học giả Nho gia từ đời Thanh trở về trước đã không còn. Vô số mục tiêu từ thực tiễn đặt ra và ảnh hưởng từ chính thực tiễn khách quan đã khiến vấn đề cổ học rẽ theo nhiều hướng khác nhau. Dù dấu vết của tiền nhân có đậm hơn ở Việt Nam, nhưng xu hướng nhạt hóa vẫn xảy ra ở thời điểm này khác, ở học giả này học giả khác. Chẳng hạn, nhà tư tưởng, nhà văn Khang Hữu Vi (1858-1927) trong sách Luận ngữ chú (viết 1902, san khắc 1917), mặc dù chú giải giản lược nhưng đã kế thừa gần như nguyên vẹn chú giải của học giả Nho gia thời đại trước đó (như Luận ngữ tập chú của Chu Hy đời Tống) cả về nội dung và hình thức văn bản.

Thế nhưng sau này, bên cạnh các học giả giải độc gần với Khang Hữu Vi, một thế hệ học giả mới đã ra đời. Tình hình “chính biến” đã xảy ra ngay trong một học giả, những người tên tuổi vang dội khắp cả trong nước và thế giới, mang tính đại diện cực cao cho học thuật Trung Quốc. Họ rẽ ngả khác vì có mục đích, có quan điểm nhìn nhận đánh giá khác và đứng trên lập trường khác trước. Đó là nhà mỹ học trứ danh Lý Trạch Hậu (sinh 1930) trong sách Luận ngữ kim độc, Dương Bá Tuấntrong sách Luận ngữ dịch chú, nhà sử học nổi danh Tiền Mục (1895-1990) trong sách Luận ngữ tân giải, hay Kim Lương Niên, người được coi là tiêu biểu cho học thuật Luận ngữ đương đại(7)… Trên thực tế vẫn có một số học giả kế thừa phương pháp chú giải truyền thống. Chẳng hạn, Dương Thụ Đạt trong Luận ngữ sớ chứng, GS. Trình Thụ Đức (1877-1944) trong Luận ngữ tập thích(8)…

Quá trình giải độc câu nói của Khổng Tử về Thi ở trên cho thấy thời gian càng xa, dấu ấn của Khổng Tử và tiên nho càng nhạt dần. Ngay cả học giả đương đại kế thừa cổ chú, song với cách dùng nguyên lý về chức năng văn học của lý luận Mác xít để khái quát, thì ít nhiều cũng không tránh khỏi khiên cưỡng.

*

Phục cổ chính là phương hướng được đặt ra từ thực tế giải độc kể trên và hy vọng sẽ giúp hiểu đúng hơn và qua đó gợi ý độc giả đương đại khám phá lĩnh vực cổ học.

Chỉ cần đọc bài Thuyết minh cho công trình học thuật Luận ngữ ở đời Thanh đã có thể biết được dòng mạch chính thống chú giải Luận ngữ(9). Các trước tác quan phương và học giả Nho gia phải kể đến: Luận ngữ tập giải của Hà Yến (190-249), Luận ngữ nghĩa sớ của Hoàng Khản (488-545), Luận ngữ sớ của Hình Bính (932-1010) thời Bắc Tống; trong đó đáng chú ý nhất là Luận ngữ tập chú của Chu Hy (1130-1200) thời Nam Tống và Luận ngữ chính nghĩa của Lưu Bảo Nam (1791-1855) đời Thanh.

Cao Lưu Thủy khi viết bài Thuyết minh hiệu điểm cho bộ sách của Lưu Bảo Nam đã đánh giá rất cao giá trị của Luận ngữ chính nghĩa. Dường như bức tranh chú giải Luận ngữ từ đời Hán đến đời Thanh đã được tái hiện trong bộ sách này. Từ chỉ dẫn đó, cùng với tham khảo trước tác từ Lưỡng Hán đến đời Tống kể trên, chúng tôi sẽ đi sâu vào văn bản Luận ngữ chính nghĩa để qua đó thực hiện mục tiêu của mình.

2.2.1. Hứng quan quần oán

Trước hết, hãy thử quan sát xem trong Luận ngữ, Khổng Tử đã dạy học trò học Thi như thế nào? Việc này một phần sẽ giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của khái niệm hứng.

Khổng Tử là nhà giáo dục, nhà văn hóa lỗi lạc; song trước hết, vào bối cảnh lịch sử khi đó, Khổng Tử là nhà chính trị - nhà tư tưởng. Khổng Tử là người sáng lập học thuyết Nho gia – một học thuyết chính trị - đạo đức; do vậy, một trong những mối quan tâm hàng đầu và rốt ráo của ông là truyền bá “Đạo” của mình. Khổng Tử dùng văn hiến cổ đại (Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch, Xuân Thu) để dạy học trò, đồng thời lấy đó làm phương tiện để truyền bá “Đạo”. Cách thức truyền bá “Đạo” của Khổng Tử không còn được biết qua trước tác của chính ông, song Luận ngữ và rất nhiều trước tác “truyện”, “tiên”, “chú sớ”, v.v… của các thế hệ học trò Khổng môn đã giúp chúng ta hình dung điều đó.

Khổng Tử hơn ai hết hiểu được thế mạnh của từng loại phương tiện truyền bá Đạo. Đối với Thi, Khổng Tử rất hứng thú với đặc tính tỉ hứng kín đáo, uyển chuyển của những câu thơ bốn chữ dễ đọc dễ nhớ, dễ đi vào lòng người. Luận ngữ ghi chép các tình tiết Khổng Tử dùng câu thơ trong Thi để bày tỏ đạo lý và học trò đã lĩnh hội được “chân ý” của thầy(10). Với logic ấy, chúng ta hoàn toàn có thể đoán định, những bài thơ được Khổng Tử đem ra giảng giải cho học trò đều đảm nhiệm việc truyền tải một nội dung đạo lý (đó là nguồn gốc sinh thành hệ thống Thi tự của Thi Kinh ở đời Hán), một nhóm bài thơ sẽ được Khổng Tử sắp xếp theo ý đồ trình bày tư tưởng của mình (đó là nguyên do sau này xuất hiện các ý kiến cho Khổng Tử là người đã “san Thi” và nguồn gốc ra đời của cách bố cục Thi Kinh theo phương thức tải Đạo sau này (từ đời Hán trở đi), như Tứ thủy, Thập, Nhị Nam, Chính biến; mà dấu vết của Khổng Tử thể hiện rõ trong những lời dạy con trai và học trò như: “Không học Thi lấy gì mà nói”, “Người ta mà không học Chu Nam, Thiệu Nam, thì khác gì đứng quay mặt vào bức vách”, “Thơ Quan thư vui mà không quá trớn, buồn mà chẳng đau thương”, “Thi khả dĩ hưng, khả dĩ quan”, v.v...

Trước khi Khổng Tử dùng Thi để “tải Đạo”, những bài thơ đầu tiên trong lịch sử thi ca Trung Quốc, đặc biệt là thơ Quốc phong thuộc về sáng tác dân gian có đời sống riêng, độc lập với tư tưởng Nho gia. Những bài thơ dân gian đặc sắc đó đã sáng tạo nên những cách thức bộc lộ tình cảm đầu tiên, đặt nền móng cho truyền thống thi ca trữ tình Trung Quốc. Trong đó, ngoài cách thức trực tiếp ra, các nghệ nhân dân gian đã sáng tạo nên cách thức gián tiếp mang đậm màu sắc Trung Quốc, các nhà Thi luận cổ đại gọi đó là “hứng” hoặc “tỉ hứng”. Thủ pháp đặc sắc này rất được Lixêvích – Viện sĩ, nhà Đông phương học người Nga hứng thú(11). Những nhà thơ sáng tác và lưu truyền bằng miệng của Trung Hoa thời cổ (trong khoảng 500 năm trước Công nguyên, từ thời Tây Chu đến giữa Xuân Thu, khoảng thế kỷ XI tr.CN - thế kỷ VII tr. CN) đã viết những câu thơ đầy nhạc tính, vừa nhịp nhàng vừa réo rắt để tạo ra hai vế, sắp đặt hai thứ là sự vật và con người song song nhau, hòa quyện nhất thể lại với nhau, cuốn độc giả chúng ta vào một không gian vô cùng tự do của xúc cảm, của liên tưởng và tưởng tượng.

Chúng tôi cho rằng, những vần thơ trong Thi tam bách đã khiến Khổng Tử rất quan tâm.Khó mà có một phương tiện, một chất liệu nào tốt hơn để “tải Đạo”, đặc biệt là phương thức giản dị mà uyển chuyển, kín đáo mà sâu sắc của Thi. Chim thư cưu “sống có đôi nhất định”, “gắn bó thiết tha mà giữ gìn cách biệt” đã hòa quyện làm một với Yểu điệu thục nữ, / Quân tử hảo cầu… Việc còn lại chỉ là “khéo léo” gán cho hai nhân vật phiếm chỉ đó những cái tên có thật là Chu Văn Vương – quân tử và Hậu phi Thái Tự - thục nữ; việc tiếp theo nữa là “kín đáo” lợi dụng triệt để thế mạnh của “tỉ hứng” để tô vẽ cho mối tình của Thiên tử - Hậu phi theo đúng quan niệm đạo đức Nho gia; công việc sau cùng là chính trị hóa, lái câu chuyện tình yêu, hôn nhân và gia đình của Chu Văn Vương và Hậu phi Thái Tự vào tư tưởng “Tu - Tề - Trị - Bình”. Các khâu ban đầu chỉ là thể hiện sự “khéo vụng”, khâu cuối cùng này mới được coi là mấu chốt, thể hiện mức độ “sâu sắc” của học giả “luận Thi”. Học trò Khổng môn đã tiếp thu cách làm này và thực hiện liên tục suốt chiều dài của chế độ quân chủ chuyên chế; đặc biệt từ đời Hán trở đi, khi Nho gia có được địa vị độc tôn, khi triều đình đã đặt chức quan bác sĩ chuyên nghiên cứu, truyền thụ kinh điển. Đời nọ tiếp nối đời kia, việc truyền thụ khi khuyết khi bổ, khi làm truyện khi làm tiên, khi làm sớ chứng khi tập chú (Đời Hán: Mao Hanh, Mao Trành làm truyện, Trịnh Huyền làm tiên;nhóm Khổng Dĩnh Đạt đời Đường làm sớ; Chu Hy đời Tống làm tập truyện,v.v…), chú giải có thể xuất nhập, điều chỉnh khác nhau, song hạt nhân tư tưởng của nó thì không bao giờ mất, vẫn chảy ngầm, tạo nên dòng mạch chính thống của học thuyết Nho gia. Điều đó lý giải vì sao, từ đời Hán đến đời Thanh, chú giải câu nói của Khổng Tử về Thi trong Luận ngữ lại thống nhất.

Chúng tôi cho rằng, những câu thơ “tỉ hứng” đặc sắc ấy đã thắng thế so với những câu thơ trữ tình trực tiếp theo cách thức của thủ pháp “phú”. Chúng để lại ấn tượng sâu sắc và chiếm phần lớn tâm trí Khổng Tử khi ông nghĩ về Thi. Những câu thơ “tỉ hứng” để lại nhiều khoảng trống giúp Khổng Tử và học trò sau này kín đáo lồng ghép tư tưởng, phần nào tránh được khô cứng, gò ép.

Những kiến giải trên là có cơ sở trong chú giải Luận ngữ của tiên nho. Chẳng hạn, Luận ngữ chính nghĩa của Lưu Bảo Nam đời Thanh đã dẫn cổ chú của Khổng An Quốc đời Hán: “Hứng, dẫn tỉ liên loại” rồi giải thích rằng: thiên Xuân quan, sách Chu Lễ nói: “Thái sư dạy lục thi là: Phong, Phú, Tỉ, Hứng, Nhã, Tụng”. Đồng thời “chính nghĩa” (giải thích ý nghĩa đúng đắn) rằng: “Phú là phô trần, phô bày trực tiếp tốt xấu của chính giáo ngày nay; Tỉ là thấy việc dở của chính giáo ngày nay, không dám nói thẳng, dùng tỉ dụ để nói; Hứng là thấy việc hay của chính giáo ngày nay, ngại bị coi là nịnh hót, nên dùng việc tốt để tỉ dụ khuyến khích”. Trịnh Ti Nông nói: “Tỉ là so sánh với sự vật, Hứng là gửi gắm sự việc ở sự vật”... Nghĩa của Phú và Tỉ gồm cả ở Hứng, vì thế Phu tử chỉ nói Hứng. Nói “dẫn tỉ” nghĩa là so sánh với sự vật. Nói “liên loại” nghĩa là trong đó gồm cả Phú và Tỉ.

Phần chú giải trên cho thấy, hứng được hiểu là “Phú Tỉ Hứng”, một trong ba cách bày tỏ thái độ đối với “chính giáo ngày nay”; hơn thế, còn cho biết Hứng bao hàm trong nó cả Phú và Tỉ.

Luận ngữ tập chú của Chu Hy thời Nam Tống chú giải ngắn gọn: “Hứng, cảm phát chí ý” (Hứng là bộc lộ chí ý). Chu Hy có vẻ nghiêng về đặc điểm thơ ca, khiến học giả sau này không chỉ hiểu theo, mà còn đi quá giới hạn quan niệm văn học của ông. Thực ra, Chu Hy muốn nhấn mạnh và phát huy đặc sắc của thơ ca, chứ ông không hề dời bỏ quan điểm Thi giáo của Nho gia. Theo Chính nghĩa của Lưu Bảo Nam đời Thanh thì Tiêu Tuần (1763-1820) trong Mao thi bổ sớ - Tự đã tiếp thu thuyết này của Chu Hy: “Thi ôn nhu đôn hậu. Không nói thẳng, mà dùng tỉ hứng để nói, không nói lý mà nói tình, không cốt hơn người mà cốt cảm hóa người”(12). Sách Tập chú của Chu Hy được liệt vào học quan, dùng trong khoa cử khảo thí, ảnh hưởng vì vậy trực tiếp và rộng rãi, điều đó không có gì lạ.

Theo dõi diễn biến của “tỉ hứng”, chúng tôi còn thấy ngay ở đời Hán đã xuất hiện sự chuyển hóa của “tỉ hứng” từ học thuật sang chính trị. Cùng với truyền bá tư tưởng, “tỉ hứng” được sử dụng trong cách bày tỏ thái độ của kẻ dưới đối với bề trên, kẻ sĩ đối với thời chính; đặc biệt khi thể chế chính trị chuyên chế ngày càng kiểm soát gắt gao thái độ, tư tưởng của kẻ sĩ. Có thể ở thời Khổng Tử, ông nghiêng về cách ứng xử theo chuẩn mực đạo đức; thế nhưng sau này, vấn đề nổi cộm lại là thái độ phê phán chính sự. Từ “hứng”/ “tỉ hứng” trong Thi Kinh,đến đời Hán, học trò trong Thi đại tự (Bài Tựa ở đầu bài thơ Quan thư)đã đề xuất thêm mệnh đề 主文而譎諫“Chủ văn nhi quyệt gián” (Dùng ngôn từ uyển chuyển để phúng gián). Mục đích của chủ trương này là: “Người nói thì vô tội, còn người nghe thì cũng đủ để tự răn mình”. Câu này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

Dù là “hứng”/ “tỉ hứng” hay “chủ văn nhi quyệt gián” thì bài học cũng như nguồn gốc của nó đều xuất phát từ những bài giảng của Khổng Tử về Thi. Như vậy, từ một thủ pháp của Thi, Khổng Tử đã học thuyết hóa “hứng”, biến nó thành phương thức ứng xử dung hòa giữa lý tưởng và hiện thực, không chỉ trong văn chương mà trong cả cuộc đời, giúp học trò của mình thể hiện thái độ, hành vi vừa hợp chuẩn mực đạo đức Nho gia, vừa “vô tội” khi phê phán thời chính.

Tóm lại, qua chú giải ở trên, chúng tôi đưa ra kiến nghị, nên đọc câu nói của Khổng Tử là “Thi khả dĩ hứng…” với ý nghĩa: Thi dạy ta cách bày tỏ tình cảm, thái độ một cách uyển chuyển, tế nhị(13).

2.2.2. “Đa thức ư điểu thú thảo mộc chi danh”…

Lưu Bảo Nam trong Chính nghĩa trích dẫn sách Nhĩ Nhã để giải thích mệnh đề này, mà mục đích là “thức biệt” (phân biệt các loài động vật, thực vật) tác dụng ẩm thực và y dược của chúng, hoặc “biết được tên gọi, sau đó biết được hình dạng, biết được đặc tính”.

Trong thực tế, khi tham gia biên soạn cuốn sách về Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (1528-1613)(14), nhà thơ đậm đặc chất Nho gia thời Lê – Mạc, chúng tôi thấy ông có tập thơ thuộc thể tài vịnh vật nhan đề là Đa thức tập. Trong lời đề dẫn, Phùng Khắc Khoan viết ngắn gọn: “Đọc Kinh Thi thấy có tên gọi thảo mộc điểu thú trùng ngư, vì thế đặt tên là Đa thức tập”. Thế nhưng khi đọc lời thơ, chúng tôi nhận ra, ông đã dùng ngữ liệu trong Thi Kinh tập truyện của Chu Hy đời Tống, mà chủ yếu lại dùng phần “tập truyện”, tức là phần chứa đựng Kinh nghĩa để đề vịnh. Chẳng hạn, trong bài Thư cưu, có tới bảy, tám câu thơ, ông sử dụng ngữ liệu trong phần “tập truyện” của Chu Hy; chỉ có câu thơ thứ năm là không. Các từ, ngữ như “trạng loại phù ê”, “nghi ư thủy”, “phu phụ chi tình”; thậm chí cả câu thơ như: Quan quan thường tại hà châu thượng, Lưỡng lưỡng tương tùy Hoài phố gian, Hậu Phi đức khả tỉ u nhàn, Chí nhi hữu biệt vô tương hiệp,… đều dùng nguyên xi hoặc thêm bớt trong cấu trúc câu thơ bảy chữ. Cùng một cách thức ấy, trong bài Hạnh thái, thi nhân Phùng Khắc Khoan đã sử dụng ngữ liệu trong phần “tập truyện”: dùng nguyên xi thì như: “tiếp dư” (câu 1), “căn sinh thủy để” (câu 2), “sâm si” (câu 3), “thoa cổ” (câu 4), “Văn Hậu” (câu 5); xuất nhập, thêm bớt và cấu trúc lại thành câu thơ thì như: Sâm si diệp hướng ba trung phiếm/ Phì nộn kinh thường thoa cổ như, hay: Nhu thuận hữu đồng Văn Hậu đức... Các câu thơ 6-7-8 không sử dụng ngữ liệu trực tiếp, nhưng vẫn là “tập truyện” của chính nhà thơ – nhà nho Phùng Khắc Khoan đối với trước tác kinh điển Nho gia các đời khác(15).

Có thể thấy nhà nho xưa đã dường như không chỉ thuộc “Kinh văn” mà còn làu thông “tập truyện”; chỉ có một câu không thuộc “tập truyện” của Chu Hy, nhưng cũng là “truyện”, “tiên” của Kinh học gia đời Hán. Về nội dung, gần một trăm bài thơ trong Đa thức tập đều không đi ra ngoài đạo mạch chính thống của Nho gia. Con người và tác phẩm của Phùng Khắc Khoan là minh chứng góp phần giúp ta hiểu thêm mệnh đề “Đa thức ư điểu thú thảo mộc chi danh” của Khổng Tử.

Như vậy, bên cạnh nội dung “cách vật trí tri”, vấn đề “đa thức” còn yêu cầu người học Thi lĩnh hội được đạo lý (Kinh nghĩa) của Nho gia ký ngụ trong “điểu thú thảo mộc chi danh”. Lý do là bởi, các loài chim muông hay cây cỏ đã gắn với thủ pháp “hứng” trong việc thể hiện nội dung Thi, song cũng gắn với “hứng” thể hiện ý nghĩa đạo lý trong Kinh Thi. Phải chăng với Đa thức tập,nhà thơ Phùng Khắc Khoan xứng đáng như Tử Hạ và Tử Cống, được Khổng Tử khen là hiểu biết Thi.

Như vậy, qua giải độc câu nói của Khổng Tử về Thi, chúng tôi tạm dịch như sau: “Thi dạy ta bày tỏ tình cảm thái độ một cách uyển chuyển kín đáo, dạy ta xem xét thịnh suy của phong tục để khảo xét hay dở của thời chính, dạy ta hòa hợp nhân quần, rèn giũa lẫn nhau mà không hùa theo nhau, dạy ta bày tỏ tình cảm oán giận trong quan hệ nhân luân và thái độ chê trách thời chính. Trong nhà thì dạy ta thờ cha mẹ cho hợp đạo hiếu, ở triều đình thì dạy ta thờ vua cho hợp đạo trung; lại dạy ta biết được tên các loài chim muông, cây cỏ và ý nghĩa đạo lý ký ngụ trong đó”…

LỜI KẾT

1. Di sản mà GS. Trần Đình Hượu để lại, trang viết không phải là nhiều nhưng sức gợi mở thì vô tận, không chỉ trong phạm vi văn học nghệ thuật mà còn bao quát cả lĩnh vực văn hóa. Những tri thức trong bài giảng và các công trình của Giáo sư thực sự giá trị song những chỉ dẫn về phương pháp luận cũng như tinh thần thái độ đối với khoa học của ông còn quý giá hơn bởi tính năng sản và sự thuyết phục. Bài viết của chúng tôi là lệ chứng cho ảnh hưởng lớn lao và sâu sắc của Giáo sư đối với các thế hệ học trò nói riêng và học giới nói chung.

2. Đổi mới nhận thức trong nghiên cứu lĩnh vực văn hóa cổ trung đại là việc không đơn giản, tuy nhiên “phục cổ để đổi mới” là một trong hướng đi cần thiết. Một câu nói của Khổng Tử dặn dò học trò học Thi, song lại chứa đựng ý nghĩa sâu sắc, hình thành nên một quan điểm Thi giáo, ảnh hưởng tới trước tác văn chương và ứng xử văn hóa ở nhiều quốc gia. Do vậy, việc tô lại những nét mờ, phục dựng những dấu vết bị thời gian xóa nhòa, theo chúng tôi là có ý nghĩa cả về khoa học và thực tiễn. Hạt nhân tư tưởng trong câu nói của Khổng Tử là ở “sự phụ sự quân” (thờ cha thờ vua), song bài viết của chúng tôi lại chú ý đến “hứng quan quần oán” và “đa thức ư điểu thú thảo mộc chi danh”, bởi ở đó, nội dung Thi giáo tuy nằm ở “ngoại biên” song lại rất thú vị. Xác lập được cách hiểu gần với “chân ý” của cổ nhân là mục tiêu đặt ra không chỉ ở bài viết nhỏ này, đối với chúng tôi, đó còn là đường hướng lâu dài.

Tháng 2-2015.

_____________

 

(1) Trần Đình Hượu: Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại. Nxb. Văn hóa - Thông tin, H., 1995, tr.23.

(2) Xin xem Phạm Ánh Sao: Kinh Thi – một vài suy nghĩ về cách tiếp cận. in trong cuốn Những vấn đề về Hán Nôm học, tập I, Nxb ĐHQGHN, 2002, tr.286-294.

(3) Tiền Trung Liên, Phó Toàn Tông, Vương Vận Hy, Chương Bồi Hoàn, Trần Bá Hải, Bão Khắc Di (Tổng chủ biên): Trung Quốc văn học đại từ điển (Tu đính bản, 2 quyển), quyển hai, Thượng Hải Từ Thư Xuất bản xã, 2000, tr.1899. Tiếng Trung.

(4) Kim Lương Niên: Luận ngữ dịch chú, Thượng Hải Cổ tịch Xuất bản xã, 1995, tr. 271. Tiếng Trung.

(5) Đoàn Trung Còn (dịch):Luận ngữ. Tái bản. Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1995, tr. 275.

(6) Trần Lê Sáng (chủ biên), Phan Văn Các, Đặng Đức Siêu, Trịnh Khắc Mạnh: Ngữ văn Hán Nôm – Tập 1– Tứ thư. Nxb. Khoa học Xã hội, H., 2004, tr.529.

(7), (8), (10), (12), (13), (15) Các phần viết chi tiết và Phụ lục, xin xem toàn văn bài viết in trong kỷ yếuHTKH Nghiên cứu Nho giáo ở Việt Nam trong thế kỷ XX (Nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của nhà giáo, nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu) do Trường Đại học KHXH và NV, ĐHQG Hà Nội tổ chức ngày 7/2/2015.

(9) Cao Lưu Thủy: Bản thư điểm hiệu thuyết minh, trong sách Luận ngữ chính nghĩa (thuộc bộ Thập tam kinh Thanh nhân chú sớ của Lưu Bảo Nam). Trung Hoa Thư Cục, 2 quyển, 1990. Tiếng Trung.

(11) I.X. Lixêvích: Tư tưởng văn học cổ Trung Quốc (Trần Đình Sử dịch). Nxb. Giáo dục, H., 2000, tr.165-185.

(14) Bùi Duy Tân (Chủ biên): Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan: Tác giả - Tác phẩm. Sở Văn hóa - Thông tin Hà Tây Xb, 2000.

_________________

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114560142

Hôm nay

2162

Hôm qua

2334

Tuần này

21460

Tháng này

227685

Tháng qua

122920

Tất cả

114560142