Lễ hội là một hoạt động văn hóa có tính chất nguyên hợp của cộng đồng, thỏa mãn nhu cầu văn hóa tinh thần/tâm linh của nhân dân. Đến lễ hội, trước hết là nhằm tìm đến một không gian, một nghi thức, nghi lễ/phương tiện để có thể bày tỏ niềm tin của mình với thế giới thần linh - siêu nhiên. Sau đó mới hướng đến những sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu giao lưu, thỏa mãn nhu cầu khẳng định những phẩm chất cá nhân, đem lại niềm vui sống cho con người. Đến với lễ hội, mỗi người đều có việc của mình, đều có sản phẩm và quyền lợi của mình, nghĩa là được sáng tạo, thực hành, hưởng thụ các giá trị văn hóa. Vì là nhu cầu của người dân, do người dân tự tự tổ chức, mang tính tự nhiên, hồn nhiên để tự thỏa mãn nên thu hút rất đông người dân tham dự. Trở lại lễ hội Làng Sen, chúng ta thấy nhà nước đóng vai trò chính yếu, từ lo kinh phí đến công tác tổ chức. Lực lượng tham gia lễ hội chủ yếu huy động các ban ngành, đoàn thể ở địa phương, ở tỉnh và các huyện, thành thị trong tỉnh, những năm tổ chức lễ hội quy mô toàn quốc thì có thêm các đoàn đại biểu các tỉnh. Người dân tham gia còn rất ít, nếu có thì hầu hết cũng chỉ đóng vai trò khán giả. Vì vậy nên tính chất “của dân” trong lễ hội chưa rõ nét, đúng hơn là còn mờ nhạt.
Lễ hội thu hút người dân bởi tính thiêng của nó. Tính thiêng ở đây được xác lập và tồn tại bền vững bởi các yếu tố nhân vật thiêng, không gian thiêng cùng với những hình thức biểu đạt do nhân dân sáng tạo, đúc kết và thực hành từ đời này qua đời khác. Lễ hội Làng Sen cũng không nằm ngoài nguyên lý ấy. Nhân vật thiêng trong lễ hội Làng Sen là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hình tượng Hồ Chí Minh là một hình tượng thiêng liêng mà dân gian ý niệm là có thể nâng đỡ, phù hộ cho mọi người. Gắn liền với nhân vật thiêng là không gian thiêng, ở đây là hệ thống di tích ở nhà quê nội, quê ngoại Bác Hồ, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi Bác đã sống những năm tháng thời thơ ấu,… và đặc biệt là Nhà tượng niệm Bác ở Làng Sen. Làng Sen cơ bản đã hội tụ đầy đủ tính thiêng của nó, hàng năm có hàng vạn lượt khách trong và ngoài nước hành hương về đây. Nhưng tại sao người dân chưa tham gia lễ hội làng Sen được đông đảo như ý muốn? Phải chăng vì chúng ta chưa có một nhận thức đầy đủ về bản chất lễ hội, từ đó trong cách tổ chức còn có những chỗ chưa phù hợp dẫn đến sự quan tâm của người dân đối với lễ hội còn hạn chế?
Làm sao để lễ hội Làng Sen thực sự trở thành một lễ hội đúng nghĩa, thu hút được sự hưởng ứng và tham dự của đông đảo người dân đang là trăn trở của những người có tâm huyết. Để thực hiện được điều đó, cần có những điều chỉnh cần thiết, để tạo nên sự quan tâm và tự giác tham gia lễ hội của người dân. Người dân phải là chủ thể của lễ hội. Có như vậy thì mới đạt mục tiêu tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các giá trị tư tưởng, đạo đức của Người, làm cho hình ảnh của Người sống mãi trong lòng dân. Và có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu tinh thần/tâm linh của người dân với/về Hồ Chí Minh. Thiết nghĩ, cần nghiên cứu, khảo sát một cách công phu, nghiêm túc về các yếu tố trong lễ hội Làng Sen, từ cơ sở tâm linh, tín ngưỡng, hệ thống di tích đến các nghi thức, hoạt động văn hóa – thể thao, về thời gian lễ hội,…để có những giải pháp tổ chức hợp lý. Đặc biệt, cần tạo điều kiện cho người dân có điều kiện thực hành các nghi lễ tín ngưỡng thuận lợi. Có lẽ, nếu làm được vậy, lễ hội Làng Sen sẽ hấp dẫn và thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia ngày càng đông đảo hơn./.