Bài chữ Hán :
Phiên âm: “ Hoàng đạo thanh di diệu sứ tinh
Minh thời trọng tuyển thuộc thời anh
Vân tiên chỉ xích Khâm Chu bệ
Nhật lộ tam thiên Vũ Hán tinh
Bão phụ trung thành xa phượng khuyết
Kích ngang tứ sắc bá Yên Kinh
Tân ân, cựu phục cung thiên chỉ
Hảo phụng qui lai điệp quốc vinh”
Dịch thơ : “ Đường vua rộng sao sứ tinh
Người mang sứ tiết thời bình tài cao
Bút hoa dâng tới thiên trào
Dặm xa cờ rợp khác nào tiễn chân
Lòng trung cửa khuyết tới gần
Yên Kinh lừng lẫy sứ thần nước ta
Ý trời ơn mới ban ra
Đem về thắng lợi nước nhà vẻ vang.”
( Hương Nao dịch)
Bài chữ Nôm : “ Đá vàng là tiết, sắt là lòng
Khăn khắn thư này việc hiếu trung
Nghĩa lợi ổn tường trong vấn đáp
Kinh quyền nhẫm thấu ấy quan phòng
Giá cao ắt thấy xem lân phượng
Thế trọng thêm bền vững Thái, Tung
Công thấy kíp nên, danh kíp toại
Đã đành một vẹn chữ “ hưu đồng”
( Theo LTTK- T.1)
Nội dung hai bài thơ trên đã giúp chúng ta hiểu rõ thêm ngoài những việc xã giao, hiếu hỉ, các đoàn sứ bộ nước ta thời đó còn có trọng trách trình bày, biện bác về những vấn đề quốc sự có liên quan với Trung Quốc. Vì thế Trịnh Cương đã khuyên bảo sứ bộ phải : “Có lòng trung hiếu, lời nói phải cẩn thận không được làm lộ việc quân cơ, nét mặt phải hiên ngang và công thành danh toại mang thắng lợi vẻ vang về cho đất nước.”.( LTTK I- Sđd- Tr.279)
Cũng bởi việc đi sứ Trung Quốc quan trọng, nên chúa Trịnh Cương đã có những yêu cầu rất cao khi tuyển chọn các sứ giả. Đoàn đầu tiên năm Ất Mùi (1715), khi Trịnh Cương mới lên nắm quyền, thì cả 4 vị Chánh, Phó sứ đều là những bậc đại khoa, tài giỏi thời bấy giờ. Hai Chánh sứ là Nguyễn Công Cơ, Lê Anh Tuấn đều đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ các khoa năm Đinh Mùi (1697) và GiápTuất (1694) niên hiệu Chính Hòa. Hai Phó sứ là Đinh Nho Hoàn và Nguyễn Mậu Áng cũng đều là bậc đại khoa. Ông Đinh đỗ Hoàng giáp khoa Canh Thìn (1700), ông Nguyễn đỗ Tiến sĩ khoa Tân Mùi (1691) niên hiệu Chính Hòa. Các đoàn sứ bộ tiếp theo dưới thời chúa Trịnh Cương, vào các năm Mậu Tuất, niên hiệu Vĩnh Thịnh (1718), năm Tân Sửu (1721), năm Bính Ngọ (1726) và năm Kỉ Dậu ( 1729) niên hiệu Bảo Thái, thì các vị Chánh sứ như Nguyễn Công Hãng (1718), Hồ Phi Tích (1721), Phạm Khiêm Ích (1726), Đinh Phụ Ích (1729) đều đỗ Tiến sĩ trở lên.. Chẳng những người cầm đầu các đoàn sứ bộ đó phải đỗ đại khoa, kiến thức uyên bác, biện luận giỏi dang, mà đặc biệt trước khi tuyển chọn, chúa Trịnh Cương còn tổ chức cuộc thi về những đề tài sắp phải bàn bạc với Trung Quốc. Người nào làm bài xuất sắc mới được chọn cầm đầu đoàn sứ bộ. Chẳng hạn trước khi cử sứ giả sang Trung Quốc cảm ơn vua nhà Thanh đã miễn giảm các thứ tuế cống, chúa Trịnh Cương tổ chức cho các quan trong triều thi viết bài văn có nội dung cảm tạ vua Thanh. HaiTiến sĩ Nguyễn Công Hãng và Nguyễn Bá Tôn được xếp nhất, nhì và sau đó nhà chúa đã cử hai ông này làm Chánh, Phó sứ, lãnh đạo đoàn sứ bộ nước ta sang Trung Quốc vào năm Mậu Tuất (1718). Hoặc trước đấy nhà Thanh đã lấn chiếm đất đai của ta, nên ngày 25 tháng 8 năm Giáp Thìn, niên hiệu Bảo Thái (1724), chúa Trịnh Cương ra lệnh cho người dự thi khoa Hoành từ “Soạn một bức công văn trả lời Tổng đốc Vân Nam Trung Quốc, trong đó trình bày các lí lẽ tỏ ra rằng các trại ven ải ở Tuyên Quang, Hưng Hóa và xưởng đồng ở núi Mã Yên thuộc Đô Long đều thuộc về bờ cõi nước ta, cách rất xa phủ Khai Hóa thuộc Vân Nam, nước ta đời này qua đời khác vẫn giữ đất ấy và bảo vệ được yên ổn, chứ không phải bá chiếm đất đai phủ Khai Hóa. Vậy há lại nên đẩy về cho nhà Thanh sao ?” (LTTK- T.2- Sđd- Tr.83). Bài của Tiến sĩ Đoàn Bá Dung ( Đoàn Quang Dung – Nv chú) hợp cách được thưởng tiền thứ nhất. Bài của Nguyễn Đình Hoàn hợp cách được chúa thưởng tiền thứ 2. Sau đó đến tháng 4 năm Ất Tỵ, niên hiệu Bảo Thái thứ 6 (1725), chúa Trịnh Cương đã cử ông Nguyễn Đình Hoàn, lúc này giữ chức Bồi tụng, cùng với ông Đinh Phụ Ích, lúc này giữ chức Đốc trấn Lạng Sơn, hội đồng với viên quan do triều đình nhà Thanh cử, để điều tra khám xét địa giới châu Lộc Bình và Tư Lăng”(2). Đến năm Kỉ Dậu (1729), ông Đoàn Bá Dung cũng được cử làm Phó sứ, trong đoàn sứ bộ nước ta sang Trung Quốc, để cám ơn vua Thanh trao trả cho ta đất đai mà trước đó họ đã lấn chiếm. Việc chúa Trịnh Cương rất xem trọng tuyển chọn các sứ giả nước ta sang bang giao với Trung Quốc như trên đã được thể hiện trong bài “khải” của Chánh sứ Nguyễn Công Hãng dâng chúa Trịnh : “. . . Sự khinh trọng há phải vì một kẻ sứ giả, mà thực quan hệ ở chổ làm cho nước láng giềng xa lạ phải trọng hay khinh. Cho nên tất phải kén sứ giả là những người biện luận giỏi, hiểu biết nhiều, hay là cầu những bậc trọng thần có đức tốt. . . Vậy nếu không phải là bậc chân tài đặc biệt, khác thường thì sao đủ đáp ứng những mĩ ý ân cần khẩn khoản (của chúa) trong sự tuyển lựa sứ giả. . .”( LTTK- Tập I -Sđd- Tr.276 ).
Nhờ biết cách bang giao với Trung Quốc và biết chọn tuyển sứ giả theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt, nên trong thời chúa Trịnh Cương, các đoàn sứ nước ta đã mang về cho đất nước một số thắng lợi ngoại giao quan trọng. Đó là nhà Thanh Trung Quốc đã đồng ý miễn giảm một số khoản triều cống nặng nề mà nước ta phải gánh chịu. Chẳng hạn, trước kia thời Cảnh Trị 1 (1663), mỗi năm ta phải cống nạp cho Trung Quốc 4 bộ lư hương và bình hoa bằng vàng nặng 209 lạng, 12 chiếc chậu bằng bạc nặng 691 lạng, 20 bộ sừng tê giác, 20 chiếc ngà voi. . . (3). Có thể do đoàn sứ bộ nước ta năm Ất Mùi ( 1715) biện bác, tranh luận sắc bén, hợp lí, nên vua nhà Thanh đã chấp nhận các đồ cống bằng vàng, bạc của nước ta từ trước phải được thợ kim hoàn gia công, chế tác, thì nay đều qui thành nén, không phải chế tác nữa. Còn các thứ sừng tê giác, ngà voi đều được miễn. Số người đi cống cũng châm chước rút bớt và đồ cống vàng bạc chỉ cần giao cho viên Bố chính Quảng Tây thu nhận, chứ không phải mang gánh tởi Yên kinh vất vả, nhiêu khê như trước !.Đối với nước ta. triều cống Trung Quốc là một việc khá nặng nề, tốn kém, không phải chỉ mất một số của cải quí giá, mà đi lại hết sức khó khăn. Thời đó đường xá xa xôi, nguy hiểm, cực kì gian khổ mới đưa được số đồ cống đến Bắc Kinh. Chỉ nói riêng hai đoàn sứ bộ nước ta năm Ất Mùi (1715) và năm Mậu Tuất (1718) trên đường đi đã hy sinh mất hai vị Phó sứ, là Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn và Tiến sĩ Nguyễn Tất Bột .
Một thắng lợi đặc biệt nữa là trước đó nhà Thanh đã lấn chiếm 40 dặm đất của ta (khoảng 20km chiều dài- NV chú), thuộc vùng Vị Xuyên, ở biên giới tỉnh Hà Giang bây giờ ( KĐVSTGCM- Sđd- Tr.466-470)(4). Triều đình ta đã nhiều lần đòi nhà Thanh trả lại nhưng không kết quả, thậm chí có lần họ đã điều động binh mã áp sát biên giới định dùng vũ lực. Nhưng do chúng ta kiên trì đấu tranh mềm dẻo, dùng bài văn “ đòi đất” mà Đoàn Bá Dung và Nguyễn Đình Hoàn đã viết rất hay trước đó gửi cho vua Thanh, cùng với sự biện luận sắc bén, hợp lẽ của các đoàn sứ bộ ta, nên đến năm Mậu Thân, niên hiệu Bảo Thái (1728) vua nhà Thanh đã phải trả lại cho ta số đất bị họ lấn chiếm nói trên.
Trong thời gian khoảng 20 năm nắm quyền bính, chúa Trịnh Cương quan tâm tới việc bang giao với Trung Quốc, và bằng những biện pháp chưa từng thấy, chúa đã tuyển chọn được các đoàn sứ bộ có uy tín, tài năng, mang về cho đất nước những thắng lợi ngoại giao quan trọng, giảm gánh nặng tuế cống, đòi lại được lãnh thổ mà không cần tốn một mũi tên. Đây quả là trang sử đối ngoại không kém phần rạng rỡ, khôn ngoan của nước ta!.
--------------------------------------
-
Ngô Cao Lãng- Lịch triều tạp kỉ ( LTTK) - Tập I- Hoa Bằng dịch – NxbKHXH,H. 1975
-
Đại Việt sử kí tục biên (1676-1789) ( ĐVSKTB) –Ngô Thế Long, Nguyễn Kim Dung dịch – Nxb KHXH,H.1991.
-
Quốc sử quán triều Nguyễn- Khâm định Việt sử thông giám cương mục ( KĐVSTGCM)- Tập 2- Viện Sử học dịch-Nxb Giáo dục 1998.
-
Một dặm của TQ bằng 500m. Vậy số đất bị lấn chiếm dài khoảng 20km.
Địa chỉ :Quốc Chấn – 29 Trần Bình Trọng
Phường Đông Sơn – TP. Thanh Hóa
ĐT : 037.3910924