Người xứ Nghệ

Hồi tưởng về cha tôi - Chí sỹ Hồ Học Lãm [II]

Chương II

Quốc Cộng phân tranh

Chị Diệc Lan của tôi sinh năm 1920 tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Triết Giang. Đó là một thành phố thanh bình, thơ mộng với nhiều thắng cảnh quanh "Tây Hồ", mang những chứng tích của lịch sử Trung Hoa. Tôi sinh năm 1930 tại Nam Kinh - thủ đô của chính phủ Quốc dân đảng do Tưởng Giới Thạch đứng đầu. Đây là một thành phố náo nhiệt. Không xa thành phố là những danh lam, như Trung Sơn lăng (nơi chôn cất thi hài Tôn Trung Sơn), Huyền Vũ hồ, Vũ Hoa đài, Tử Kim Sơn v.v...

 

Trang đầu ký ức tuổi thơ của tôi là khi gia đình sống tại chung cư Pháng Ngọa Cảng, Nam Kinh. Đó là khu chung cư bình dân, mái ngói một tầng. Cả khu có khoảng mười dãy nhà kéo dài, mỗi dãy xây làm nhiều căn hộ. Mỗi căn hộ gồm bốn phòng lớn và vài phòng nhỏ. ở giữa là một sảnh ngăn đôi làm tiền sảnh, hậu sảnh, phía sau là nhà bếp lớn và công trình phụ. Giữa các dãy nhà là đường qua lại rộng khoảng bốn mét. Khu nhà khá lụp xụp và tối tăm. Gia đình tôi ở chung với một gia đình viên chức Trung Quốc, mỗi gia đình ở ba phòng, cái sảnh bỏ không, dùng chung nhau nhà bếp và công trình phụ.

Phòng lớn nhất khoảng 18 mét vuông, có một cửa ra vào nơi tiền sảnh. Phòng kê một tủ sách, một giường đôi, một giường đơn, trước giường đơn kê một bàn dài với một ghế băng. Bàn đó vừa là bàn làm việc, vừa là bàn ăn cho cả nhà. Các chú cách mạng ở phòng ngoài. Phòng trong khoảng 13, 14 mét vuông, có cửa thông hai phòng. Phòng trong kê một giường đôi cho mẹ và tôi, cạnh đó một giường đơn và một bàn học của chị tôi, một tủ áo và một chồng va li đựng áo quần mùa đông. Cuối phòng có một cửa ra vào hậu sảnh liền sát cửa phòng cha tôi. Mẹ nói cha bị bệnh hen suyễn, lại phải làm việc khuya, bà thì mắc chứng mất ngủ, nên ông bà không nằm chung. Có một phòng nhỏ vốn để dành cho người ở, được dùng làm phòng ngủ và làm việc của cha tôi. Gia đình tôi quan hệ với hàng xóm hòa thuận và tin cậy, không mấy giữ kẽ với nhau.

Hàng ngày mẹ tôi đi chợ, làm cơm nước cho cả nhà. Các chú Lê Quốc Vọng (sau mang tên Lê Thiết Hùng) và Bùi Hải Thiệu thỉnh thoảng xuống bếp thu dọn, bổ củi giúp mẹ tôi.

Cư dân ở khu chung cư này là chủ yếu là những viên chức hoặc công nhân. Ban ngày người lớn đi làm, nên khá yên tĩnh, dù trẻ con tụ tập nô đùa. Các bà nội trợ cơm nước, giặt giũ. Buổi tối thường huyên náo hơn.

Gia đình tôi còn có "con Xù", một con chó lông màu nâu vàng, khá "bảnh trai", với đôi mắt rất tinh khôn, tình cảm. Hàng ngày chú Quốc Vọng và chú Hải Thiệu chăm chút miếng ăn cho Xù. Nó được xem là một thành viên đáng kể của gia đình.

*

*    *

Đối với tôi, từ ngày sinh ra đời là một chuỗi những ngày tháng trôi đi không để lại mảy may dấu ấn gì về sự tồn tại của mình trong ký ức... Những tiếng cười vang, tiếng hò la rượt đuổi dưới nắng hè ngoài sân, khi thì mấy cái đầu chụm vào nhau chơi đất cát, mồ hôi nhễ nhại và tiếng nói thầm thì.

Những hình ảnh đó mờ mờ ảo ảo, lúc ẩn lúc hiện trong trí nhớ về tuổi thơ như một cuốn phim .... Cuốn phim ấy quay cho tới cảnh một buổi chiều chạng vạng tối, mẹ gọi về ăn cơm. Tôi từ sau nhà chạy qua bếp như mũi tên lao vút vào hậu sảnh, rồi đột ngột dừng chân, rón rén đi qua căn phòng ngủ của cha tôi. Cửa phòng cha nửa mở nửa khép, tôi liếc mắt ngó vào, thấy ông đã ngồi trước bàn dưới ánh đèn, tay phải cầm bút lông, tay trái cầm điếu thuốc lá, ông đang cặm cụi viết gì đó, thỉnh thoảng húng hắng ho nhẹ. Tôi chỉ nhìn thấy cái lưng hơi hơi gù với cái gáy húi cua điểm nhiều tóc bạc. Bỗng một tình cảm xót xa trào dâng: "Sao thầy làm việc nhiều thế nhỉ, chẳng thấy thầy nghỉ ngơi gì cả, thầy không thấy mệt hay sao? Mình chạy nhiều còn thấy mệt...".

Từ đó, trí nhớ trẻ thơ trỗi dậy, lần lượt in những ký ức vào cái đầu ngây thơ và tôi bắt đầu để ý căn phòng nhỏ của cha sau mỗi lần từ bếp chạy qua để lên nhà trên. Đó là căn phòng nhỏ hình chữ nhật, rộng khoảng sáu – bảy mét vuông. Một giường đơn kê dọc gần sát cửa ra vào, phía đầu giường đặt một cây móc áo, cuối phòng kê một bàn làm việc chồng đầy sách báo, một nghiên mực với một cái ống đựng các loại bút lông (cỡ viết chữ to và chữ nhỏ) và một cái ghế. Khi ông đi làm, phòng khép hờ, trong phòng tối om, quần áo dài thường phục treo trên cây móc áo. Buổi chiều đi làm về khoảng 6 giờ, ông trút bỏ bộ quân phục treo lên cây móc áo và thay quần áo thường phục, ngồi trước bàn làm việc. Sáng sáng, ông thay bộ quân phục đi làm, không kịp ăn sáng ở nhà. Mười một giờ rưỡi trưa ông về, ăn vội vài bát cơm rồi vào phòng nghỉ; Khoảng một giờ chiều lại đi, đến mùa đông khi xâm xẩm tối mới về nhà. Buổi tối, cha tôi ăn cơm thư thả và trò chuyện vui vẻ với mọi người. Nói chung ông ít nói, đi đứng khoan thai, chậm rãi, nói năng điềm đạm, từ tốn và hòa nhã. Thân hình ông đẫy đà, nhưng hơi thở hổn hển, dáng vẻ mệt mỏi, già nua. Nhìn cha, tôi không khỏi cảm thấy tiếc: “Sao thầy trông già hơn mẹ nhiều thế nhỉ? Ước gì ông trẻ như mẹ thì hay bao nhiêu”. Thực ra cha tôi chỉ hơn mẹ tôi có chín tuổi thôi. Điều đó chứng tỏ ông làm việc lao lực quá và sức khỏe yếu. Sau bữa cơm tối, khoảng 8 giờ ông lại vào phòng riêng làm việc tới khuy. Trong nhà có hai người làm việc cần cù nhất, đó là cha tôi - làm việc nuôi sống cả nhà và chị tôi - đi học ngày hai buổi, tối lại học tận khuya mới đi ngủ. Người ngủ sớm nhất và dậy muộn nhất chỉ có tôi thôi – một đứa trẻ chỉ biết nô đùa suốt ngày cùng bạn bè ngoài sân, ngoài đường.

Hình ảnh cha ngồi miệt mài làm việc đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong trí nhớ tuổi thơ của tôi, khi đó còn mát lạnh vì tôi vẫn còn mặc áo gi-lê kép, đó là khoảng mùa xuân năm 1933. Từ hôm đó trở đi, tôi bỗng ý thức được sự tồn tại của mình và mới để ý những người xung quanh. Mẹ là người tôi gần gũi nhất, nhưng cũng với ấn tượng bình thường nhất, có lẽ vì quá gần gũi chăng? Mẹ tôi thấp, người nhỏ nhắn, đi đứng nhanh nhẹn, tính tình hoạt bát, hay ngâm thơ Đường và Kiều, hay kể chuyện Đông Chu, Tam Quốc v.v... Nói chung, bà là người hay chuyện, nhưng tính nóng nảy, hay gắt gỏng. Bà rất thương yêu tôi, nhưng cũng hay mắng mỏ và nếu trái ý bà, sẽ bị đòn ngay tức khắc. Tuy vậy tôi vẫn nhờn.

Cha tôi chẳng mắng mỏ hay nổi giận với tôi bao giờ, nhưng cũng ít thân mật, trò chuyện với tôi (nói đúng hơn, người lớn chẳng ai rỗi hơi trò chuyện với đứa trẻ lên ba). Nhưng trong trái tim bé thơ của tôi có một cái gì rất thiêng liêng, rất nể sợ cha tôi. Tuy vậy, thỉnh thoảng ông hôn trán tôi, nhìn tôi với cặp mắt hiền từ. Và tình cha con đâm chồi nẩy lộc mà tôi không thể giải thích nổi, và tình cảm sâu sắc, thiêng liêng đó cứ lớn dần.

Chị tôi ngày đi học hai buổi (đó là chế độ dạy và học ở Trung Quốc). Tối đến, chị cũng không nghỉ ngơi. Sáng dậy, tôi thấy cha và chị tôi đã đi từ khi nào rồi. Chị cũng không có thời giờ trò chuyện hay chơi với tôi, nhưng sợi dây tình cảm giữa hai chị em ngày càng xiết chặt một cách vô hình, phải chăng đó là thiên tính?

Một buổi chiều hè, cũng chừng chạng vạng tối, tôi cùng lũ bạn đang nghịch đất ngoài sân, bỗng nghe thấy một tiếng kêu từ trong nhà vọng ra: "Các bà ơi, đến xem kìa, cả nhà dọn đi rồi, bỏ rơi thằng A Bảo đang sốt nằm dưới đất...". Tôi và lũ bạn đứng phắt dậy, tranh nhau chạy ào vào nhà ông Vương (láng giềng của gia đình tôi). Tôi hết sức ngạc nhiên vì thấy gia đình ông Vương dọn đi từ khi nào, hai căn phòng lớn trống không, một đứa trẻ sáu – bảy tuổi bó chiếu nằm trơ trên sàn xi măng. Mẹ tôi và mấy bà đang sờ trán nó và kêu: "Sốt cao quá". Một bà nói oang oang: "Thằng bố nó sợ vợ, mụ dì ghẻ hành hạ thằng bé ăn đói, mặc rét, bây giờ dọn đến chỗ ở mới, nhẫn tâm bỏ rơi thằng bé từ hôm qua đến giờ. Hỏi nó, nó bảo chưa có miếng gì vào bụng...". Các bà kẻ mang thuốc cảm, người bưng bát cháo (người Trung Quốc có thói quen ăn cháo hàng ngày) và sữa, đỡ nó ngồi dậy uống thuốc và ép nó uống sữa, ăn cháo...

A Bảo là con riêng của ông Vương, mẹ chết sớm phải sống với dì ghẻ. Hàng ngày tôi vẫn thấy A Bảo bưng khệ nệ nồi cơm, nồi canh từ nhà bếp lên nhà hoặc xách xô nước lau nhà cửa. Nó hơn tôi vài ba tuổi, người gầy nhom, đầu trọc lưa thưa mấy sợi tóc vàng hoe, da mặt xanh xao vàng vọt. Mẹ tôi bảo vì ăn uống thiếu dinh dưỡng, cho nên không mọc tóc được. Đứa em cùng cha khác mẹ của A Bảo béo mập hồng hào, A Bảo trẹo một bên hông mỗi khi bế em. Có chừng ấy tuổi phải làm đủ mọi việc nhà, mà vẫn bị dì ghẻ đánh đập, chửi bới là "Đồ lười biếng, đồ ăn hại...". Bấy giờ nghĩ lại cảnh sống hàng ngày của A Bảo, tôi mới thấy nó tội nghiệp làm sao, chứ ngày thường tôi chẳng hề để ý gì đến nó. Sáng hôm sau, vừa bảnh mắt tỉnh dậy, tôi vội tụt chân xuống giường chạy sang nhà ông Vương để thăm A Bảo, nhưng trên sàn trống không chẳng thấy nó đâu. Tôi vội chạy về nhà hỏi mẹ, bà bảo: "Mười giờ đêm qua, bố nó về đón nó đi rồi!". Tôi thở phào một cái, nhưng vẫn không khỏi băn khoăn mất vài hôm, đó là nỗi băn khoăn đầu tiên trong đời trẻ thơ của tôi.

Một hôm, mẹ mặc áo len dài và đội mũ cẩn thận cho tôi, cả nhà kéo nhau ra phố, chú Quốc Vọng gọi cả con Xù đi cùng. Đến một tiệm ảnh lớn, cả nhà rủ nhau vào chụp ảnh. Cha mẹ ngồi phía trước, tôi đứng giữa. Mẹ giữ chặt lấy tay tôi cứ như sợ tôi tuột khỏi tay. Chị tôi tròn đôi mắt tươi cười đứng sau cha mẹ, chú Lê Quốc Vọng đứng bên tay phải chị, chú Bùi Hải Thiệu đứng bên tay trái chị. Con Xù ngoan ngoãn ngồi dưới sàn chăm chú nhìn vào máy ảnh. Tấm ảnh chụp vào mùa thu đông năm 1933. Đó là tấm ảnh đầu tiên của đời tôi. Bây giờ nhìn lại, trông tôi thật là ngố, con Xù thật "bảnh trai", đáng yêu...

Vậy mà một hôm chú Quốc Vọng và chú Hải Thiệu lùng sục khắp nơi tìm Xù, tôi cũng lon ton chạy theo sau. Mãi sau mới phát hiện nó bị ai đánh chết nằm trong một vũng nước cách xa nhà. Các chú vớt nó lên chôn cất cẩn thận, cả nhà ai cũng tặc lưỡi tiếc thương nó. Tôi rất buồn, đó là nỗi buồn đầu tiên của tôi, dù là cái buồn của trẻ thơ. Tôi không sao quên được những buổi nô đùa trò trốn tìm, nó hay chạy theo tôi, cái mũi lành lạnh, ươn ướt khịt khịt bàn tay nhỏ của tôi, chính vì nó, tôi luôn bị bạn bắt được quả tang nơi ẩn náu, vậy mà nay tôi mất nó – sự mất mát đầu tiên của đời trẻ thơ.

Một hôm thật khác thường, cha tôi mặc thường phục không đi làm, mẹ xách một va ly vừa đặt ở phòng lớn. Chú Quốc Vọng thắt cà vạt mặc comlê. Trông vẻ mặt mọi người trang nghiêm thế nào ấy. Lát sau mẹ nói: "Thầy đi vắng ít hôm cùng chú Quốc Vọng, con đến hôn thầy đi!". Tôi chạy tới bá cổ hôn vào hai má của cha, ông ôm, hôn vào trán tôi. Về sau mẹ bảo: "Cha con đi công tác Nhật Bản, lâu lâu mới về". Tôi hỏi: "Nhật Bản ở đâu hở mẹ?", "Nhật Bản... ở xa lắm. ở đó có hoàng thân Việt Nam Nguyễn Cường Để..." (Tất nhiên tôi chả hiểu hoàng thân là thế nào, sau này bà hay nhắc tới, tôi mới có ấn tượng về cái tên này). Đó là thu đông năm 1933 (sau khi chụp ảnh cả nhà). Cuộc chia tay đầu tiên ấy với cha tôi, tôi vẫn nhớ như in.

Năm 1988, đọc hồi ký "Tôi được làm người học trò nhỏ của Bác Hồ"[1] của Lê Thiết Hùng (Lê Quốc Vọng về sau lấy tên là Lê Thiết Hùng), cuộc ra đi này chính là thời kỳ cuối cha tôi làm công tác tình báo phục vụ cách mạng với sự trợ giúp của Lê Quốc Vọng, nhằm đánh lạc hướng bọn đặc vụ của Quốc dân đảng.

 

*

*    *

 

Để nắm rõ bối cảnh lịch sử khi cha tôi thu thập tin tình báo của bộ Tổng tham mưu Quốc dân đảng của cha tôi, xin điểm qua vài nét về nền chính trị Trung Hoa thời bấy giờ:

Tôn Trung Sơn là lãnh tụ vĩ đại của cách mạng dân chủ tư sản Trung Hoa đầu thế kỷ XX.

Tam Dân chủ nghĩa của ông chia làm hai thời kỳ. Thời kỳ đầu, Tôn một mặt chống phong kiến, đế quốc, một mặt lại liên minh với địa chủ, quan liêu và quân phiệt, đồng thời kỳ vọng sự giúp đỡ của các nước tư bản phương Tây. Kết cục, cách mạng Tân Hợi tuy lật đổ vương triều phong kiến, nhưng lại bị thế lực phản động thao túng chuyên quyền. Thời kỳ thứ hai, cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 và phong trào "Ngũ Tứ"[2] năm 1919 đã khiến Tôn thức ngộ ra nhiều vấn đề. Tiếp đến là sự ra đời của Đảng cộng sản Trung Quốc, khiến Tôn bổ sung vào cương lĩnh Quốc dân đảng: "Liên Nga, liên cộng, phù trợ công nông và ủng hộ các nước nhược tiểu". Do đó, tháng 12-1921, Tôn Trung Sơn đặt vấn đề với đại diện Liên Xô Malin xây dựng trường quân sự theo mô hình của Liên Xô, Tôn làm Đại nguyên soái kiêm hiệu trưởng.

16-6-1924 khai giảng Trường Hoàng Phố (Quảng Châu) với 500 học viên (đồng chí Nguyễn ái Quốc đã cài những thanh niên yêu nước như Lê Hồng Phong, Lê Tản Anh, Lê Thiết Hùng, Phùng Chí Kiên v.v... vào học quân sự, và vào cả lớp tập huấn chính trị cũng trong thời kỳ này).

Tôn Trung Sơn còn quan tâm bồi dưỡng lực lượng công nông bằng các lớp học ngắn hạn.

Đặc biệt, Tôn Trung Sơn kết nạp cả đảng viên Cộng sản vào Quốc dân đảng để cải tổ và củng cố tổ chức của Quốc dân đảng, rồi tiến hành chiến tranh Bắc phạt, v.v... Đó là thời kỳ Quốc - Cộng hợp tác lần thứ nhất, là một cao trào cách mạng của nước Trung Hoa.

Tiếc rằng tháng 6 năm 1925 Tôn Trung Sơn từ trần và để lại di chúc yêu cầu thực hiện cương lĩnh mới.

Sau khi Tôn mất, Tưởng Giới Thạch đã phản lại di chí của ông. Tưởng thanh trừng đảng viên cộng sản trong Quốc dân đảng, thực hiện mọi biện pháp tiêu diệt thanh niên tiến bộ bị tình nghi là cộng sản và sát hại hàng loạt đảng viên cộng sản. Lúc đó, Đảng cộng sản Trung Quốc xây dựng được căn cứ địa riêng của mình ở một số nơi thuộc vùng Giang Nam. Tưởng thi hành chính sách "đào tận gốc, trốc tận rễ", mở năm đợt tấn công vào khu Xô Viết của đảng cộng sản Trung Quốc...

Khoảng đầu năm 1928, cha tôi nhận được lệnh điều động công tác về Bộ Tổng tham mưu Quân đội Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch. Lúc này ông ta tự phong mình là Tưởng tổng tài, Tưởng ủy viên trưởng, vừa nắm quyền quân sự, vừa nắm quyền chính trị. Do lệnh điều động đó, cha tôi về Nam Kinh làm tham mưu trong Cục bản đồ Bộ Tổng tham mưu của Tưởng.

Sau khi cha tôi ổn định công tác, mẹ và chị tôi mới từ Hàng Châu về Nam Kinh vào khoảng cuối năm 1928, đầu năm 1929. Theo lời mẹ tôi kể, thời gian 1929 - 1930, Thái Lai (Hà Huy Tập), chị Duy (Nguyễn Thị Minh Khai), Lê Tản Anh, Lý Phương Thuận, v.v... đã ở trong nhà tôi quãng thời gian khoảng vài tháng.

Người đảng viên cộng sản đến với gia đình tôi từ năm 1928 và có mối quan hệ gắn bó mật thiết nhất đó là Lê Quốc Vọng, đến năm 1934 đổi tên là Lê Tân Dân (sau này là Lê Thiết Hùng). Lúc đầu tôi gọi ông là chú, đến hè năm 1937, chị tôi thành hôn với ông ấy, tôi gọi bằng anh.

Trong hồi ký "Tôi làm người học trò nhỏ của Bác Hồ" Lê Thiết Hùng kể rằng theo mật chỉ của ông Lý Thụy (Bác Hồ), cha tôi đã bí mật lấy tin của quân đội Tưởng chuyển cho Đảng cộng sản Trung Quốc.

Lê Thiết Hùng viết rằng Tưởng Giới Thạch tin dùng Hồ Học Lãm không chỉ do thời còn đi học ông Lãm giỏi toàn diện các môn và thường giúp Tưởng làm bài, mà còn do ông từng là ân nhân của Tưởng. Sau khi ra trường, hai người cùng tham gia một chiến dịch chinh phạt bọn quân phiệt cát cứ, Tưởng đang gặp nguy khốn thì ông Lãm đem quân tới cứu. Là người ngoại quốc trong một quân đội ngập trong tinh thần đại Hán, ông Lãm chỉ là một sĩ quan cấp tá, nhưng ông được từ các tướng lĩnh nổi tiếng trong quân đội Tưởng như Lý Tế Thâm, Bạch Sùng Hy … là bạn đồng niên, cho tới các sĩ quan trong Bộ Tổng tham mưu Quốc dân đảng kính trọng về tài đức.

Từ đầu năm 1930, quân đội Quốc dân đảng triển khai kế hoạch đánh chiếm các khu xô viết của Đảng Cộng sản Trung quốc. Nhận thấy cách mạng Trung quốc đang gặp muôn vàn khó khăn, ông Lý Thụy (bí danh lúc đó của lãnh tụ Hồ Chí Minh) đã chỉ thị cho đảng viên cộng sản Lê Quốc Vọng (sau này là Lê Thiết Hùng) vận dụng thế hợp pháp trong hàng ngũ Quốc dân Đảng của nhà ái quốc Hồ Học Lãm, để hiệp trợ cách mạng nước bạn.

*

*    *

Ông Lê Thiết Hùng viết:

“Tôi quyết định trao đổi với ông Hồ Học Lãm làm thế nào lấy được những kế hoạch tiến công vào các khu xô-viết của Quốc dân đảng, để giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhiệm vụ đồng chí Lý Thụy giao cho tôi vẫn canh cánh bên lòng. Vì thế, một hôm đã khuya lúc chỉ còn lại hai bác cháu, tôi tự thấy mạnh dạn, nêu ý kiến với ông. Ông nói, giọng trầm, đĩnh đạc:

‘Thể xác hình hài của tôi lúc này là Hồ Học Lãm làm tại bộ Tổng tham mưu Quốc dân đảng, còn linh hồn và trái tim tôi thì luôn luôn thuộc về cách mạng. Việc lấy các kế hoạch này, khó khăn lắm đấy, lộ ra thì mất đầu như chơi. Nhưng đã quyết thì làm. Nhất định được.’

Từ mùa hè đến mùa thu năm 1930, Bộ chỉ huy tối cao Hồng quân vẫn thường nhận được những báo cáo mật từ cơ sở chuyển về: địch ra lệnh cấm chuyên chở thóc gạo xuôi theo sông Như Thủy và Cống Giang... Bọn thám báo đã đột nhập, liên lạc được với bọn A. B. (chống cộng) ở Đông Côn, Phủ Diên, Hậu Bị, Đông Thiên... Nhiều cấp sĩ quan quê ở Phúc Kiến, Giang Tây đã được điều động về bộ Tổng tham mưu... Các sư đoàn của tướng Lưu Hòa Dĩnh, Trương Huy Tân, Đàm Đào Nguyên được bổ sung trang bị, quân số, chuyển dịch về phía Giang Tây... Tất cả đều do ông Hồ Học Lãm và tôi chong đèn gần thâu đêm để làm ra những dòng tin ấy.

Bộ Tổng tham mưu Quốc dân đảng tổ chức theo khuôn khổ của quân đội Đức do các cố vấn Đức trực tiếp chỉ đạo. Kỷ luật sắt rất nghiêm ngặt. Sau giờ làm việc, mọi hồ sơ tài liệu đều được niêm phong gửi vào tủ sắt bảo mật. Cán bộ tuyệt đối không được đem theo một mẩu giấy nào về nhà. Người nào biết việc nấy, tuyệt đối không được nói nội dung công tác của mình đang làm cho người khác biết. Khó khăn và tốn kém lắm, ông Hồ Học Lãm mới moi được trong số các sĩ quan cùng công tác trong bộ Tổng tham mưu lúc này, lúc nọ một vài tin tức có liên quan. Nhiều lúc ông phải đi xuống các sư đoàn nghiên cứu, xác định lại. Ông phải nhập tâm những phần việc được trao cho ông soạn thảo, và cả những phần việc của nhiều sĩ quan khác song song cùng làm. Về nhà ông đọc lại từng câu, từng chữ cho tôi ghi lại. Xong, đưa ông xem, sửa chữa, bổ sung những chi tiết chính xác ông vừa gạn lọc xong. Bản đồ quân sự lúc này cũng hiếm, lại không được đem về nhà nên ông phải phỏng theo những bản đồ đường sá, hành chính, vẽ lại cho cụ thể. Đến lượt tôi chuyển giao cho cơ sở của Đảng bạn, cũng phải nhập tâm thuộc lòng như người chủ sự, hướng dẫn lại bằng miệng cho cơ sở nhận, nắm thật vững nội dung. Còn giấy tờ chỉ ghi rất vắn tắt, gạch đầu dòng từng đề mục.

Cuối cùng, toàn bộ bản kế hoạch tiến công khu xô-viết trung ương của Đảng Cộng sản do Tưởng Giới Thạch phê chuẩn đã được ông Hồ Học Lãm và tôi lấy được, gửi tới tay đảng bạn. Phạm vi của cuộc tiến công là vùng tứ giác La Lâm, Nghi Hoàng, Lê Xuyên, Thụy Kim, tọa độ X... Y... Binh lực tham gia từ 10 đến 15 sư đoàn, ước khoảng ba mươi vạn quân. Chia làm nhiều đợt. Thời gian có thể bắt đầu vào những tháng đầu năm 1931.

Ngược lại, tôi cũng được thông báo vắn tắt là Hồng quân cũng có kế hoạch đối phó lớn.

Giữa lúc hai bác cháu chúng tôi đang hồi hộp theo dõi hành động của đôi bên thì được tin đích xác là từ ngày 28 tháng 7, Hồng quân đã mở cuộc tiến công vào các thành phố lớn: Trường Sa, Nam Xương và Vũ Hán. Khẩu hiệu động viên là "Hội sư Vũ Hán, ẩm mã Trường Giang".

- Có thể đây là một cuộc tiến công phá chuẩn bị - Ông Hồ Học Lãm nói, đánh vào thành phố lớn, khó khăn lắm đấy. Liệu có đủ sức không?

Tôi sững sờ trong giây lát.

Những ngày sau tin tức của Bộ Tổng tham mưu Quốc dân đảng vẫn do ông Hồ Học Lãm đưa về: Trường Sa ta chiếm được mười ngày sau phải rút lui. Thành phố Nam Xương chỉ giữ được hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Còn Vũ Hán thì không vào được... Tuyệt nhiên không có nội công ngoại kích ở ba thành phố này. Và cũng không có cuộc binh biến nào trong các đơn vị Quốc dân đảng ...

Thêm hai năm (1931 - 1932) sôi động và căng thẳng đối với tôi. Cuộc hành binh vây quét của Tưởng Giới Thạch vào khu xô - viết trung ương dây dưa kéo dài trên nửa năm mới kết thúc. Lúc đầu với mười vạn quân, Tưởng định đánh một cú là xong. Nhưng đã phải kéo thành ba đợt. Đợt một từ tháng 12 năm 1930 đến tháng giêng năm 1931. Tưởng phải ngừng tiến công (do xâm lược Nhật Bản ở Hoa Bắc). Sáu tháng sau mới mở được đợt hai, quân lực gấp đôi, tức là hai mươi vạn. Đợt ba, vào tháng 7, ba mươi vạn quân do đích thân "Trung Hoa đệ nhất kiệt" (tức Tưởng Giới Thạch) chỉ huy. Lại thua liểng xiểng như đợt hai.

Bao lần trái tim của tôi bị thắt lại. Sau các tổn thất to lớn ở Trường Sa, Nam Xương, Vũ Hán, liệu Hồng quân đã hồi phục lại được sức lực chưa?

Tới ngày Tưởng phải chính thức ra lệnh lui quân, kết thúc đợt ba, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Cùng lúc trong bộ Tổng tham mưu Quốc dân đảng đã có tiếng xì xào là phải truy lùng nội phản.

Tưởng Giới Thạch cay cú quyết làm một cú nữa vào tháng 6 năm 1932. Như lần trước, toàn bộ bản kế hoạch tiến công vây quét lớn lần thứ hai này đều qua tay ông Hồ Học Lãm và tôi chuyển tới Bộ tư lệnh Hồng quân. Sau lần vây quét này, Tưởng nói: không thắng nhưng cũng không thua!”

Sau đợt này, vì Quốc dân Đảng truy xét nội bộ gắt gao, cha tôi đã đưa Lê Thiết Hùng sang Nhật Bản, lấy tiếng là gặp Hoàng thân Cường Để, thực chất để đánh lạc hướng đặc vụ của Tưởng. Cường Để từng là người cộng tác đắc lực với chí sĩ Phan Bội Châu.

Về đóng góp của nhóm tình báo Hồ Học Lãm trong giai đoạn quyết định của cuộc Quốc - Cộng phân tranh, dẫn đến cuộc Vạn Lý trường chinh năm 1934 – 1935, Lê Thiết Hùng viết:

“Một hôm, đợi cả nhà đã đi ngủ, ông Hồ Học Lãm dẫn tôi vào buồng riêng, cho biết: theo lệnh Tưởng Giới Thạch, Bộ Tổng tham mưu Quốc dân đảng bắt đầu triển khai một kế hoạch tiến công qui mô rất lớn vào khu xô - viết trung ương ở Thụy Kim và các khu khác ở các tỉnh lân cận; làm cỏ, tiêu diệt sạch các đơn vị Hồng quân, đảng viên cộng sản và mọi cơ sở của cách mạng. Theo nhiều nguồn tin, thằng Nhật sắp đánh lớn, chiếm các tỉnh đông dân, nhiều của miền ven biển Hoa Bắc, Hoa Trung, vì vậy, Tưởng Giới Thạch buộc phải hành động trước để tránh hậu họa bị cộng sản và bọn lãnh chúa quân phiệt cát cứ đánh vỗ mặt, đánh sau lưng. Lần này lại có sự tiếp tay hỗ trợ của bọn đế quốc Anh, Pháp và cả Đức nữa. Bọn này vẫn thậm thụt ra vào Bộ Tổng tham mưu. Quyết liệt lắm đấy.

Những ngày tiếp sau, cho tới đêm khuya ông Hồ Học Lãm và tôi vẫn chong đèn ngồi rất lâu trên tấm bản đồ quân sự trải rộng. Có lần chúng tôi nhập vai Tưởng Giới Thạch, lên phương án tác chiến; hoặc ngược lại đứng về phe Hồng quân Trung Hoa đối phó. Có nhiều đêm chúng tôi tranh cãi khá sôi nổi về cách đánh của bên này, cách chống trả của bên kia. Mỗi người bảo vệ giả định của mình. Những tấm bản đồ quân sự của các tỉnh Giang Tô, Triết Giang, An Huy, Giang Tây, Phúc Kiến... chi chít những mũi tên xanh đỏ, những ký hiệu sở chỉ huy, trận địa pháo mỗi ngày một đậm nét. Gần như hai chúng tôi đều thuộc lòng địa hình, địa vật quanh khu vực Thụy Kim với những tên làng, huyện, tên núi, sông, các đường ngang dọc, các điểm cao, bãi bằng...; thuộc lòng phiên hiệu các quân đoàn, sư đoàn Quốc dân đảng, tên tuổi, cá tính của từng tướng lĩnh chỉ huy các đơn vị dự kiến sắp được tung vào cuộc chiến nay mai. Về phía Hồng quân, chúng tôi cũng nắm chắc được tình hình mạnh yếu của từng đơn vị và các tổ chức cơ sở quần chúng tại các khu xô - viết. Song tôi vẫn thấy lo lo mỗi khi nhớ lại từ cuộc khởi nghĩa ở Quảng Châu năm 1927 mà tôi có trực tiếp tham gia đến kế hoạch "hội sư Vũ Hán, ẩm mã Trường Giang" đánh vào các thành phố của địch. Những lần ấy, hễ đánh không xong, phải rút, thì địch lại đến tàn sát hàng chục vạn dân lành vô tội. Tôi luôn luôn day dứt: liệu lần này các bạn có đứng vững và đập tan được cuộc tiến công lớn của bọn Tưởng hay không? Nhìn về phương Nam, Tổ quốc xa vời vợi. Sau Xô - viết Nghệ Tĩnh, bao khó khăn gian khổ đã đến với cách mạng ta, Đảng ta: lãnh tụ Nguyễn ái Quốc bị bắt, các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Lương Bằng, Lê Quảng Đạt, Lưu Quốc Long... lần lượt sa vào tay giặc Pháp. Hôm nghe tin Lưu Quốc Long, người đồng chí nối khố với tôi, nhảy từ trên gác ba xuống, hy sinh, tôi không sao cầm được nước mắt. Còn bao đồng chí khác nữa?

Giữa chừng công việc, tôi lên Thượng Hải chủ động tìm đến người đại diện mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc mà tôi vừa được giới thiệu để thông báo, phối hợp, đối chiếu với các nguồn thông tin từ phía Đảng bạn thu thập được. Tưởng là ai, hóa ra là một bạn đồng học ở Võ bị Hoàng Phố trước đây, lúc này mang tên là Toàn Phong. Gặp nhau, chúng tôi nắm chặt tay nhau đến đau điếng. ở Trung Quốc, tình đồng hương, đồng học, đồng khóa là thiêng liêng trong tiềm thức, tập quán dân tộc. Toàn Phong lớn hơn tôi vài tuổi. Hai người hồi học Hoàng Phố đã có nhiều ý hợp tâm đồng. Tôi không tiện hỏi nhưng cũng đoán Toàn Phong đang giữ một trọng trách nào đó trong Đảng bạn. Toàn Phong tha thiết đề nghị với tôi là tìm mọi cách lấy cho bằng được kế hoạch tiến công lần này của Tưởng Giới Thạch.

- Qua các nguồn tin - tôi nói - Chúng nghiên cứu rất kỹ sự chỉ đạo tác chiến và cách đánh của Hồng quân để tìm ra một cách đánh có lợi nhất cho chúng.

- Đồng chí thử cho vài dẫn chứng.

- Rút kinh nghiệm các lần trước, đại quân của chúng tiến ào ào vào địa khu của ta, thường không gặp chủ lực của Hồng quân, đến lúc quân của chúng mệt mỏi mới đánh, hoặc khi chúng lui quân thường mới bị truy kích, nên chúng thường bàn với nhau là làm sao không bị "bọn đỏ" cho vào bẫy.

- Đúng đấy - Toàn Phong đáp, giọng hào hứng - kinh nghiệm trên hai chục năm tiến hành du kích chiến tranh của Đảng chúng tôi đã đúc kết lại thành những nguyên tắc chỉ đạo tác chiến cho Hồng quân và các lực lượng vũ trang khác trong toàn quốc.

Tôi kiên nhẫn ngồi nghe người đồng chí của Đảng bạn thuyết trình về những điều hay, điều lợi của những nguyên tắc đó.

- Trong quân sự còn vấn đề vận dụng linh hoạt - tôi nói - Ngay như Nã Phá Luân (Na-pô-lê-ông), một nhà quân sự có tài cũng nói đại ý là thực địa chi phối cả cách cầm quân. Trong Tôn Ngô binh pháp cũng nói nhiều đến thực tế chiến trường.

Toàn Phong ngắt lời tôi:

- Đúng là có vấn đề vận dụng linh hoạt. Nhưng nguyên tắc thì bao giờ cũng là nguyên tắc. Nã Phá Luân dù sao cũng sinh trưởng trước chúng ta hơn một thế kỷ.

Trước khi từ biệt người bạn học cũ, giờ là người cộng tác chặt chẽ với mình, tôi kiên trì nhắc đi nhắc lại: Nó đánh lần này có nhiều cái khác đấy. Trên đường về tôi không khỏi bâng khuâng suy nghĩ. Toàn Phong mới ngày nào còn là học sinh quân, rất trí thức, mà nay đã khác nhiều rồi.

*

*    *

Khoảng vài ba ngày ông Hồ Học Lãm lại cung cấp cho tôi một số chi tiết: - Bí mật lắm. Đích thân Tổng tham mưu trưởng điều hành công việc, thành lập một ban công tác đặc biệt gọi là Biệt phái Ban. Tổng tham mưu trưởng duyệt danh sách từng người... Tôi cũng có trong danh sách Biệt phái Ban. Số người trong Ban rất hạn chế.

Việc ông Hồ Học Lãm được chỉ định là một thành viên tham gia xây dựng kế hoạch tác chiến này là một điều rất thuận lợi cho công việc của tôi. Ông được phân công làm tổ trưởng tổ hậu cần bảo đảm cho gần hai chục quân đoàn, sư đoàn và nhiều đơn vị trọng pháo, súng cối, thiết xa và một vài phi đội máy bay cường kích, thám thính, mới được bọn đế quốc Anh - Pháp - Đức viện trợ. Tất cả ước tính một triệu quân.

- Một triệu quân? - Tôi thốt lên.

- Một triệu quân. Đúng đấy. Nhưng dự bị đội rất nhiều. Chưa biết rõ ý đồ sử dụng của họ ra sao?

Những ngày tiếp sau, ông Hồ Học Lãm đi làm về, nom rất phờ phạc, ăn uống sút hẳn đi. Ăn xong ông nằm chợp mắt một hồi lâu, có khi cả nhà sắp chuẩn bị ngủ ông mới ngồi vào bàn. Ông nhớ lại và đọc cho tôi ghi những con số rất lớn dự trù về xăng dầu, đạn dược, thuốc nổ, phương tiện vận tải phục vụ, về vật liệu: xi măng, gỗ, đá, sắt thép... Con số về lương thực, thực phẩm càng ghê gớm hơn nữa. Theo ông thì chưa thấy một lần nào họ dự trù ghê gớm như lần này.

Suy nghĩ hồi lâu, ông ngủ luôn trên ghế. Tôi che bớt ánh sáng ngọn đèn canh giấc ngủ cho ông. Những con số năm chục vạn tấn, một triệu tấn, chục triệu tấn cứ như nhảy nhót trước mắt. Có đêm tôi thức trắng, trằn trọc nhưng sớm ra, lại mũ áo chỉnh tề đi làm. Có buổi trưa ông không về. Buổi chiều về nhà ăn cơm xong lại thấy ông đi. Có lúc ông đến cơ quan tiếp tục làm. Có lúc không thấy ông đến cơ quan nhưng đi đến gần nửa đêm mới về. Cả nhà đều biết ông đi là có việc rất cần. Mọi người đều nén lòng không hỏi ông điều gì, khỏi làm ông bị phân tán tư tưởng.

Một hôm, ông về với vẻ mặt tươi tỉnh. Sau bữa cơm chiều, bỏ qua lệ nghe đài, uống nước, ông kéo tôi vào phòng riêng nói nhỏ:

- Đúng như tôi dự đoán từ lâu, chưa nói cho anh biết. Hôm nay họ vừa giới thiệu riêng với chúng tôi một đoàn võ quan Đức do viên tướng Xiếc-tơ (Seekt) cầm đầu, sang làm cố vấn cho Tưởng Giới Thạch. Tưởng Giới Thạch đã làm việc với họ ở tư thất. Mấy ngày qua họ làm việc riêng với Tổng tham mưu trưởng và tổ lập đồ án tác chiến. Tổ hậu cần của tôi, tổ điều hành của Trần tướng quân, cũng không được tham gia. Tuyệt đối bí mật - Ông dừng lại một lúc lâu mới nói tiếp: Lần này các cố vấn Đức cùng với họ thảo luận nghiên cứu kỹ, rất kỹ mấy nguyên tắc chỉ đạo tác chiến của Hồng quân. Rút kinh nghiệm mấy lần trước, các cố vấn Đức bày cho Tưởng đánh theo kiểu trận địa chiến. Chiếm được đâu lập trận địa kiên cố đến đó, có hỏa lực mạnh mẽ của pháo binh chi viện. Đồng thời triệt để thực hiện chính sách "tam quang" (đốt sạch, phá sạch, giết sạch). Cốt để phía bên kia (ý nói Hồng quân) phải húc đầu vào trận địa kiên cố, bị đại quân, đại pháo của họ nghiền nát. Nếu Hồng quân vẫn áp dụng cách đánh vừa du kích vừa vận động thì họ đã được những "vỏ áo giáp" che chở rồi.

Dựa vào nguồn tin chính xác của ông, tôi lập tức tìm cách truyền đạt lại kỹ càng cho đảng bạn.

*

*    *

Tháng 10 năm 1933, cuộc đại tiến công quy mô chưa từng có của Tưởng Giới Thạch vào khu xô - viết Trung ương ở ranh giới hai tỉnh Phúc Kiến và Giang Tây bắt đầu. Đích thân Tưởng Giới Thạch và viên thượng tướng Xiếc-tơ (Seekt) cố vấn người Đức trực tiếp chỉ đạo, điều hành. Phần lớn cơ quan Bộ tổng tham mưu Quốc dân đảng xoay quanh phục vụ. Chiến cuộc không ào ào như sóng dâng, lửa cháy mà thận trọng từng bước. Báo chí công khai, các bản tin mật cũng nói với một mức độ vừa phải so với quy mô tầm vóc của nó. Cuộc chiến kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm sau. Giữa chừng, Tưởng Giới Thạch phải tạm ngừng tiến công do có sự nổi dậy của quân đoàn 19 của Thái Đình Khải ở Phúc Kiến chống lại Tưởng. Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hồng quân đã bỏ lỡ cơ hội này.

Một năm trời ông Hồ Học Lãm bận túi bụi. Ông phải điều hành công tác hậu cần chiến dịch đòi hỏi ngày càng lớn "càng cấp bách theo quân lệnh". Nhìn lại việc đánh trả của Hồng quân, nhiều lúc ông phát bực nói với tôi:

- Không hiểu làm sao lúng túng bị động đến thế? Nó đã thay đổi cách đánh rồi mà mình thì cứ khư khư đánh theo lối cũ. Anh hãy giải mã mật điện này rồi tìm cách chuyển ngay cho Hồng quân.

Thời gian này, tôi cũng bị xoay chong chóng, hết đi, lại về gặp các đầu mối liên lạc. Địa điểm gặp nhau từng lúc lại phải thay đổi. Cả nhân mối cũng vậy. Sau Toàn Phong lại đến người khác.

Hồng quân theo nguyên tắc chỉ đạo tác chiến cũ, lúc đầu định nhử địch vào sâu mới đánh. Mặc dầu trước đó đã có nhiều ý kiến bàn luận nên chủ động đánh địch từ phía ngoài khu căn cứ. Giữa chừng mới thay đổi - Mở cuộc phản công lớn vào khu trắng (khu Quốc dân đảng) tức vào hậu phương chiến dịch của địch.

- Muộn quá rồi - Ông Hồ Học Lãm được tin, đập tay xuống bàn: Đánh vào khu trắng ở phía bắc Lệ Xuyên - Ông chỉ vào bản đồ - gặp phòng tuyến kiên cố của địch, không thành công. Định phá cái cầu Tự Khê trên tuyến vận chuyển huyết mạch của Bạch quân, cũng không được. Gay go đấy.

Những tin tức tiếp sau về hoạt động của Hồng quân cũng không làm cho mọi người phấn chấn lên chút nào. Hồng quân từ khu trắng ở vòng ngoài chuyển dịch vào quãng giữa. ở đâu cũng vấp phải tuyến chiến hào kiên cố của chúng.

Dần dà diễn biến chiến đấu giảm dần tốc độ và cường độ, có lợi cho Tưởng Giới Thạch. Ông Hồ Học Lãm chỉ còn một cách ngầm chi viện cho Hồng quân là trì hoãn hay làm chậm được giờ nào hay giờ ấy công tác tiếp tế hậu cần. Tôi đi gặp người của Đảng bạn cũng không còn nhiều nội dung để thông tin trao đổi nữa. Một sự lo lắng bao trùm.

Cho đến ngày được tin đích xác là toàn bộ các lực lượng vũ trang của Hồng quân và Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phải bỏ các khu căn cứ, với hàng mấy chục triệu dân, tiến hành cuộc Vạn lý trường chinh theo hướng lên Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Cam Túc, từ Bộ Tổng tham mưu về, ông Hồ Học Lãm liền gieo mình xuống ghế, ngồi lặng đi hồi lâu. Tôi ngồi bên cạnh ông, như ngồi trên đống lửa.

- Lẽ ra thì đâu đến nỗi như thế này. Mất hết đất, mất hết dân! - Nói xong ông đứng dậy, chậm chậm đi vào phòng của mình, khép chặt cửa lại.

Chưa bao giờ tôi thấy trong lòng trống rỗng vô hạn như lúc đó".

Qua hồi ký của Lê Thiết Hùng, có thể nhận thấy rằng cho dù không được trực tiếp dự những trao đổi giữa Tổng tham mưu trưởng và Tổ lập đề án tác chiến của Quân đội Quốc dân Đảng với các cố vấn người Đức, ông Lãm vẫn có cách nắm bắt được nội dung của kế hoạch tác chiến để truyền đạt cho Hồng quân Trung Hoa.

ở chương sau, Lê Thiết Hùng viết tiếp về những diễn biến cuối cùng của cuộc Vạn Lý Trường Chinh.

“... Từ một năm nay, tôi chỉ được biết tin tức cuộc rút lui lên phía Tây Bắc của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hồng quân Trung Hoa qua các bản báo cáo gửi về Bộ Tổng tham mưu Tưởng Giới Thạch do ông Hồ Học Lãm nói lại. Gần đây, theo báo cáo tổng hợp cuối cùng thì "quân Cộng sản" đã tới Báo An và Diên An thuộc tỉnh Thiểm Tây. Cứ theo như báo cáo này thì "quân Cộng sản" đã mười phần chết chín, đợi ngày tan rã. Được tin này, cả ông Hồ Học Lãm và tôi đều xót xa vô cùng."...

 


[1] “Tôi được làm người học trò nhỏ của Bác Hồ”, đăng nhiều kỳ trong các số 8, 9, 10 Tạp chí Lịch sử quân sự, 1986; NXB Quân đội nhân dân, 2002.

[2] Một cuộc vận động cách mạng của các tầng lớp nhân dân trung quốc chống một quyết nghị của Hiệp định Versailles, theo đó một tỉnh của Trung Hoa chuyển thành lãnh thổ của Nhật Bản, nổ ra vào ngày 4 tháng năm, 1919. Các học giả cho rằng thắng lợi của  của phong trào này đã đưa đến sự truyền bá sâu rộng tư tưởng cộng sản vào Trung Hoa qua các trí thức như Lý Đại Chiêu, Trần Độc Tú … dẫn tới sự thành lập ĐCS Trung quốc năm 1921.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114497377

Hôm nay

274

Hôm qua

2365

Tuần này

22158

Tháng này

214770

Tháng qua

120308

Tất cả

114497377