Người xứ Nghệ

Hồi tưởng về cha tôi: Chí sỹ Hồ Học Lãm (viii)

Chương VIII

Con gái Thần Sơn

 

Mẹ tôi tên là Ngô Khôn Duy, là con gái cả của Thần Sơn Ngô Quảng - phó lãnh binh của Phan Đình Phùng. Ông ngoại tôi là người mưu trí, gan dạ, tôi nghĩ ông cụ là người nhỏ nhắn và cực kỳ nhanh nhẹn. Ông đã nhiều lần trốn thoát sự vây lùng của giặc Pháp ở các vùng núi cũng như trên sông, do đó nhân dân phong ông là Thần Sơn Thánh Thủy.

Sau thất bại của nghĩa quân Phan Đình Phùng ở Vụ Quang, ông ngoại tôi trốn tránh sự truy lùng của giặc Pháp và tập hợp các bạn chiến đấu, các nghĩa sỹ gây dựng cơ sở nhưng sự nghiệp dở dang.

Ông quê ở làng Tam Đa, xã Thần Lĩnh, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) - nay là xã Nghi Hưng. Thần Lĩnh là tên xã sau Cách mạng tháng Tám 1945 lấy tên hai nhà cách mạng ở địa phương: Thần là Thần Sơn Ngô Quảng; Lĩnh là Trương Vân Lĩnh người làng Tuy Anh, nay thuộc xã Nghi Phương. Trương Văn Lĩnh vốn là thanh niên công giáo yêu nước xuất dương sang Tàu, đã tốt nghiệp Trường Quân sự Hoàng Phố, là đảng viên cộng sản Trung Quốc, tham gia Quảng Châu công xã. Ông Lĩnh là người có nhiều công lao với cách mạng Trung Quốc và Việt Nam. Ông về nước năm 1940, bị Pháp bắt và cầm tù. Xã Thần Lĩnh nay gồm các xã: Nghi Phương, Nghi Hưng, Nghi Đông.

Nhìn ảnh lúc trẻ, mẹ tôi là một người phụ nữ xinh xắn, nhỏ nhắn. Bà tính rất nhanh nhẹn, hoạt bát, hay đọc Truyện Kiều và thơ Đường. Bà kém cha tôi chín tuổi, nghĩa là sinh năm 1893. Mẹ tôi có đôi mắt nhanh, rất sắc sảo, đồng tử màu hơi xanh lục. Mẹ tôi là người có khả năng ngoại cảm và tôi liên tưởng bà rất giống ông ngoại tôi. Cậu tôi là Ngô Chính Học có gương mặt rất giống mẹ tôi - nghĩa là ba cha con cụ Ngô Quảng rất giống nhau.

Theo mẹ kể, ông ngoại nay đây, mai đó, do đó phải gửi bà ở nhà cậu ruột - anh bà ngoại tôi ở một làng ven sông La. Cuối tháng 8-1946, sau khi từ Trung Hoa về Việt Nam, mẹ có đưa tôi về quê ngoại ở Hà Tĩnh, những ông bà bằng tuổi gọi mẹ tôi là o Quảng. Người nhà con cháu ông cậu hầu như không còn ai... Mẹ về thăm vài tiếng rồi đi khỏi làng luôn. (Hồi đó tôi còn ngô nghê quá, cho nên không ghi nhớ tên làng xã gì cả).

Bà nói, quê ông ngoại tôi ở làng Tam Đa, Nghi Lộc, Nghệ An, ở quê cưới vợ chưa kịp có con ông đã bỏ nhà theo cụ Phan Đình Phùng. Bà ngoại đẻ ra mẹ tôi là vợ thứ hai, người Hà Tĩnh. Sinh mẹ tôi được vài ba tuổi thì bà sinh thêm một em gái. Mẹ tôi từ nhỏ không được ở gần cha mẹ. Về sau bà ngoại tôi bị Pháp bắt vì là vợ "giặc" và ốm chết trong tù. Người em gái thất lạc đâu không biết.

Bà kể: Vì thương em gái mình lặn lội theo chồng đây đó, cho nên ông cậu rất thương và cưng mẹ tôi. Bà khó tính đủ đường, mợ rất ghét bà, nhưng cậu rất mực cưng chiều, do đó tính tình mẹ càng canh cải hơn. Sau khi cụ Phan Đình Phùng ốm mất, nghĩa quân tan rã, ông ngoại vẫn tiếp tục hoạt động, thường hay tập kích vào doanh trại Pháp, chúng căm tức lắm, lùng sục khắp nơi, ông ngoại suýt bị bắt nhiều lần. Ông lấy tên con gái làm tên mình. Về sau lấy tên là Ngô Chính hoạt động ở các vùng làng đạo một thời gian.

Mẹ kể tiếp: “Lần cuối cùng ông con bị săn đuổi ráo riết, ông trốn lên núi Ngàn Hống (Hồng Lĩnh), chúng đổ xăng đốt rừng, ông trốn khỏi núi, bơi từ bờ bên này sang bờ tây, cải trang thành người đốn củi (tiều phu) và chạy trốn sang Lào, rồi sang Xiêm. Năm mẹ hơn mười tuổi, từng làm giao thông liên lạc cho các nhóm hoạt động bí mật. Năm 16, 17 tuổi mẹ sang Xiêm, học chữ Nho với cụ Đặng Thúc Hứa. Mẹ học giỏi, luôn đứng đầu lớp, được cụ Đặng Thúc Hứa rất quý. Mẹ là niềm tự hào của ông ngoại con. Năm 19 tuổi, mẹ được cụ Đặng Thúc Hứa đưa sang Trung Quốc học cùng một số thanh niên yêu nước khác. Khi ở Xiêm, mọi người gọi ông ngoại tôi là cố Khôn.

Nhờ liên hệ giữa cụ Đặng Thúc Hứa và cụ Phan Bội Châu, mẹ tôi được gửi vào học trường Đức Hoa nữ tử cao đẳng tiểu học tại Khúc Giang, Quảng Đông. Học 6 năm, bà tốt nghiệp năm 25 tuổi, qua mối lái của cụ Phan Bội Châu, cha mẹ tôi lấy nhau ở Hàng Châu. Hai năm sau thì sinh chị tôi - Hồ Diệc Lan năm 1920 (khi đó bà 27 tuổi, cha tôi 36 tuổi). Thế nghĩa là hai ông bà lấy nhau năm 1918.

Vì sinh nở nhiều lần, con chết yểu, bà bị chấn thương tinh thần, nhưng cha tôi không biết một tý gì. Bà kể, có lần đẻ xong con chết, bà không ngủ 3 tháng 10 ngày liền, cứ thấy một con ngựa trắng chạy qua trước mặt. Sau uống nhiều thuốc bắc mới khỏi chứng mất ngủ và ảo giác. Sau này tôi kể cho bạn bè là bác sĩ, họ cho rằng bà bị tâm thần từ đó, nhưng vì trong nhà không ai biết, không chữa dứt điểm, cho nên bệnh tâm thần hoang tưởng nặng dần lên.

Bệnh tâm thần của mẹ tôi cũng quái ác lắm. Không ai biết bà có bệnh, bà không đập phá. Bà hay cáu và nói linh tinh, mọi người (các đồng chí cộng sản trong nhà) cho là bà khó tính, khắt khe và hay mắng mỏ người này người nọ. Các đồng chí ở trong nhà bằng mặt không bằng lòng, nghĩ là bà tiếc miếng ăn với anh em. Ngay cha tôi cũng không biết nguồn cơn sâu xa về mẹ tôi. Bây giờ nghĩ lại tôi mới thấy bệnh của mẹ mình là tâm thần hoang tưởng.

Mẹ tôi luôn nghi ngờ người xung quanh ghét mình, nói xấu về mình, do đó cứ tự nhiên vô cớ sinh sự trong nhà. Về sau, bà luôn nghi kỵ có đặc vụ Quốc dân đảng, lưu manh đang theo dõi, muốn hãm hại bà. Trong tai bà luôn nghe văng vẳng tiếng người ta nói xấu mình (bà hay tâm sự với tôi như vậy, và bắt tôi theo dõi người ta - một người hàng xóm Trung Quốc đang nói xấu gì bà. Nhưng tôi chẳng hề nghe thấy ai nói gì về bà cả, chỉ thấy họ kể cho nhau những chuyện vu vơ như, "rồng từ trên trời thả vòi rồng xuống hút nước như thế nào". Còn bé, tôi rất thú vị những câu chuyện như thế.

ở mẹ tôi pha trộn lẫn lộn cái thông minh, sắc sảo, trượng nghĩa, trọng người tài, yêu nước, thích làm việc nghĩa, việc thiện. Nhưng vì tính nghi kỵ, sinh ra khó tính, canh cải, tự cao tự đại, coi thường người khác, mạt sát người khác thẳng cánh khi trái ý mình, sống không mềm dẻo, khéo léo lấy lòng người khác...

Những đồng chí như Thái Lai (Hà Huy Tập), Lê Hồng Phong, chị Duy (Nguyễn Thị Minh Khai), anh Liễu (Mạnh Văn Liễu - Phùng Chí Kiên), mẹ tôi hết lời ca ngợi: Họ là những người tài giỏi, không tẹp nhẹp hay nói xấu đồng chí của mình, biết tôn trọng người khác... Bà chê một số đồng chí ở trong nhà là trình độ văn hóa thấp nhưng lười đọc sách báo, không có chí tiến thủ, vô công rồi nghề, chuyên nói xấu nhau...

Thực ra không ít trong số những người ở nhà tôi, do trình độ văn hóa thấp, nhận thức còn nhiều hạn chế, nhưng lại chờ thời cơ đi Liên Xô học chính trị. Thời kỳ sau 1934 - 1935, Đảng Cộng sản Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn, không tạo được điều kiện cho các đồng chí Việt Nam sang Liên Xô học. Số người này cũng không về nước hoạt động. ở lại Trung Quốc, họ không có trình độ gì, cho nên cha tôi cũng không kiếm được việc làm cho họ. Mặt khác, họ cũng sống theo kiểu buông xuôi và chờ đợi... Tôi nhớ có anh Văn người Lào, anh hiền lành, văn hóa thấp, tiếp thu chậm, Lý Quang Hoa giúp anh học quốc ngữ (đa số những người ở nhà tôi không đọc được sách báo Trung Quốc), học một số kiến thức chính trị... Anh Văn cùng anh Giai, Đức, Thược (Đặng Văn Cáp sau này) giúp mẹ tôi làm việc nhà, cùng mẹ tôi đi chợ búa, nấu nướng hàng ngày. Một số khác như Lý Quang Hoa, Đỗ Đăng Trình, Hải (Phi Vân, Nguyễn Hữu Căn), Đông A (Trần Quốc Tuấn) v.v... lau dọn nhà cửa. Chú Quốc Trụ cũng thuộc loại văn hóa thấp, chú đi làm nghề cắt tóc kiếm tiền. Lê Tân Dân lúc đầu là Ban trưởng (trung đội trưởng) về sau lên Liên trưởng (Đại đội trưởng) ở Binh đoàn cơ giới (Trung Quốc gọi là Khí xa binh đoàn). Khi lấy chị tôi hè 1937, anh là Liên phó (đại đội phó). Thời kỳ ở Lão Hà Khẩu là Dinh phó (Tiểu đoàn phó, có lẽ vì là người ngoại quốc, họ chỉ cho giữ chức phó). Lý Quang Hoa viết chữ đẹp đến năm 1938 là chuẩn úy văn thư trong quân đội Quốc dân đảng Trung Quốc. Sau này tôi phỏng đoán (trẻ con đâu có biết việc và mối quan hệ giữa người lớn) mẹ tôi đắc tội với nhiều đồng chí cộng sản. Họ ở nhờ cũng là điều bất đắc dĩ, ngoài mặt họ tỏ ra vui vẻ, trong bụng hết sức không bằng lòng mẹ tôi.

Khi hai mẹ con tôi tới Liễu Châu tìm gặp Cụ Hồ, cậu tôi là Trần Báo cũng ở đó. Mọi người có ý nghi Trần Báo phản bội, vì thấy cậu tôi thời kỳ này giao du với Nguyễn Hải Thần, Trương Bội Công. Mẹ tôi hay mắng cậu tôi là làm ô danh gia đình. Cậu tôi trả lời: “Khổ quá, chị chẳng hiểu gì cả (?). Dù sao, cậu tôi đã không để cho Nguyễn Hải Thần, Trương Bội Công xác định được Hồ Chí Minh chính là Nguyễn ái Quốc. Trước đó, năm 1938, cậu tôi đã chắp nối với đại diện Đảng Cộng sản Trung quốc cho chị tôi và ông Cao Hồng Lãnh đi học ở khu căn cứ xô viết Thiểm Bắc.

Căn bệnh mẹ tôi mắc phải là chứng tâm thần phân lập ngày một tiến triển. Căn bệnh này, nghĩ lại thật đáng sợ. Người bệnh không hề biết mình có bệnh, bên tai họ luôn có những tiếng nói văng vẳng về sự thù ghét, hãm hại. Người ngoài không thể biết, và không thể tin mẹ tôi mắc bệnh, vì bà không đập phá gì, nói năng, suy nghĩ rất tỉnh táo, tinh tường. Cha, chị và tôi không hề biết mẹ có bệnh, chỉ riêng anh Lê Tân Dân biết, nhưng có lẽ anh cũng phỏng đoán vậy thôi.

Sau khi thầy tôi mất (1943), cuối năm 1945, Chính phủ ta cho người đón ba mẹ con tôi về nước. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, mẹ tôi sống ở làng Quỳnh Đôi. Bà có tham gia một số công tác ở làng và được kết nạp vào Đảng cộng sản, được bầu làm Chủ tịch Hội Liên Việt của làng Quỳnh Đôi. Sau năm 1954, mẹ tôi chuyển ra Hà Nội, làm việc tại báo Nhân Dân và sống với gia đình nhỏ của tôi.

ở Hà Nội, khoảng những năm 1960, 1970, có lần tôi nói chuyện với anh Lê Thiết Hùng:

"Anh nhỉ, khi ở Trung Quốc, các chú ở trong mình nhà ghét mẹ, có lẽ họ cho rằng mẹ tiếc miếng ăn, hay mẹ có như vậy thật?".

Anh nói:

"Không phải đâu, mẹ tính nóng và thẳng, hơi "điên điên", em và Sinh, (chồng tôi, họa sĩ Đặng Đức Sinh) đừng chấp mẹ, vì mẹ có bệnh. Do anh em không hiểu chứ mẹ không có tính nhỏ mọn như vậy đâu... Mẹ sinh nở nhiều lần mà không nuôi dưỡng được, cho nên mẹ buồn sinh ra chứng yếu thần kinh...".

Năm 1977, mẹ tôi mắng chửi suốt đêm, nghi một cậu thiếu niên hàng xóm tuổi bêu xấu hình mình dán ở Bạch Mai, nghi con gái mình ăn cắp tiền của mình... Có lúc bà cụ dằn vặt, chửi bới, làm sôi xương nổi thịt đến mức tôi muốn tự tử. Mẹ tôi ghét anh Sinh lắm, tôi cũng không hiểu vì lý do gì. Vì thương cháu trai là Hiền, mới 8, 9 tuổi, tôi mới nguôi được ý nghĩ đó. Anh Lê Thiết Hùng đưa xe đón mẹ tôi đi bệnh viện Tâm thần Thường Tín. Đến bệnh viện, toàn người điên, cơ sở vật chất rất tồi tàn. Tôi thương mẹ quá, khóc nức nở. Ba hôm sau, tôi yêu cầu anh Hùng cho xe đón mẹ tôi về. Cuộc sống lại điên đảo. Cho mẹ đi nhà thương điên thì thật không nỡ, không thể yên tâm được, đón mẹ về, cuộc sống gia đình lại như địa ngục.

Một hôm, bà Thanh (Nguyễn Thị Thanh – vốn là vợ ông Lê Đình Thiệp), cán bộ chính sách ở Văn phòng Trung ương Đảng, đến nói rằng sẽ cho mẹ tôi về trại "dưỡng lão" dành cho những người có công với cách mạng ở An Dương. ở đó toàn các bà mẹ cô đơn có con hy sinh trong chiến tranh. Cơ sở và điều kiện mọi mặt với thời bấy giờ là ổn. Mẹ tôi được ở riêng một buồng. Do đó tôi cũng tạm yên tâm. Nửa năm sau, bà Thanh nói với tôi:

"Chồng em đến khóc với chị, kêu là bà cụ làm cho cả nhà sống không yên, hỏi chị có thể gửi bà về đâu được không? Một thằng đàn ông mà phải khóc thì khổ quá, cho nên chị mới xin cho cụ về đấy...". Khi đó tôi mới vỡ lẽ, có lẽ nghĩ cái nghĩa đối với ông Hồ Học Lãm, cho nên Văn phòng Trung ương đã xử lý như vậy... Nhưng đúng hơn là nhờ bà Thanh, bà thương hai vợ chồng tôi nên mới giúp đỡ tận tình như vậy, đó là khoảng tháng 10 năm 1977. Trước đó, bà Thanh còn gửi mẹ tôi vào chữa bệnh ở bệnh viện E một tháng. Bác sĩ, y tá, bệnh nhân luôn kêu trời vì sự khó tính "điên điên" của mẹ tôi.

Đến đầu năm 1980 thì mẹ tôi mất.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114435005

Hôm nay

2276

Hôm qua

2349

Tuần này

21655

Tháng này

212053

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114435005