1. Trong cách nghĩ của tôi, các nhà sử học Việt Nam(cụ thể là không dưới 500 GS, PGS, TS chuyên về lịch sử Việt Nam cổ trung đại) đã không làm tròn bổn phận sống, nghĩa vụ công dân, trách nhiệm khoa học của mình. Tại sao nghiên cứu cả đời mà cho đến tận bây giờ, chẳng có ai phân định được ông nội của Lý Công Uẩn là ai, gia phả thế nào? Chúng ta kỷ niệm rình rang một vị vua có tầm nhìn xa ngái, biết cái lẽ chọn Kinh đô tuyệt vời, hợp đạo trời, thuận lòng người nhưng lại không biết ông từ đâu sinh ra, gia phả ra sao? Sự mù mờ đó của tri thức là điều khó chấp nhận, nhất là trong cái “lý” ngàn đời của mọi dân tộc trên thế giới, hai từ “mất gốc” luôn đậm tính ê chề. Tôi biết bài mới nhất nói về lai lịch của Lý Công Uẩn là bài của nhà nghiên cứu Trần Viết Điền, đăng trênKhoa học và Đời sống (7.10). Sở dĩ “mất gốc” (từ dùng của Trần Viết Điền) là vì 8 năm sau khi dời đô, Lý Thái Tổ mới phong Hậu cho bà nội, còn ông nội của nhà vua thì… không(!); do đó, chẳng ai biết ông nội của vua Thái Tổ là ai? Tôi không muốn nhắc đến hai từ vừa nêu nhưng buộc phải nói bởi nếu các nhà sử học không chứng minh được thì có nghĩa là chi? 500 nhà sử học có chức vị, danh phận không làm nổi điều không thực khó lắm là do đâu? Lịch sử không có chỗ cho sự nhập nhằng. Nếu bất cứ một sự kiện quan trọng nào mà giới sử học đều không thể phân định được giữa có và không thì đó chẳng phải là sử học nữa. Lẽ ra tôi đã đưa ý kiến này ra từ lâu nhưng tôi nghĩ nó không hợp và không đúng vì đặt vấn đề sớm quá sẽ đụng chạm đến niềm tự hào chính đáng về thủ đô, về Tổ quốc, giống nòi mà ai cũng có.
2. Khi phim Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long trở thành điểm nóng nhất trước lễ hội, có rất nhiều ý kiến cho rằng chừng nào các nhà sử học chưa lên tiếng thì chừng đó chỉ là “chúng ta tranh luận cho vui”(!) Cách đặt vấn đề như thế không phải là không có lý (những quan điểm trên được đưa ra sau khi tôi có viết một bài, nhan đề Đường tới phủ Khai Phong; nhưng chẳng ai công nhận tôi là nhà sử học. Cũng đúng thôi nên tôi cố ý chờ các nhà sử học đích thực lên tiếng). Câu trả lời là sự im lặng đáng sợ. tại sao lại thế? Nếu các chuyên gia lịch sử Việt Nam cổ trung đại cứ làm thinh quái ác như thế thì lấy ai “chỉ vẽ” cho dư luận đây? Tôi luôn cho rằng một khi dư luận xã hội tranh cãi về một điều gì đó thì bổn phận tất nhiên của những người trong chuyên môn gần nhất phải lên tiếng. Đó là cái thuộc tính tự nhiên của nghề nghiệp, của lương tâm khoa học. Mọi sự bao biện vì lẽ này hay lẽ khác chỉ là cách chạy trời trốn nắng mà thôi.
3. Đọc bài Ngụy biện trên blog Đoan Trang nói về việc ông Dương Trung Quốc bênh vực cho bộ phim trên, nỗi đau buồn của tôi nhân lên gấp 3 lần. Tác giả Đoan Trang cho rằng Dương Trung Quốc đã ngụy biện theo cách dùng “sức ép bằng chứng” (Burden of Proof) hay theo cách nói của GS Nguyễn Văn Tuấn là “luận điệu ngược ngạo”. Đoan Trang có phải là nhà sử học hay không tôi không biết nhưng chị đã đúng vì Dương Trung Quốc sai nhiều lẽ. Thứ nhất, sự bênh vực của ông đến hơi khí muộn mằn. Chẳng lẽ nếu là sự thật mười mươi mà lại phải nghĩ lâu đến thế khi ai cũng biết sự nổi tiếng và thông minh của ông? Thứ hai; Dương Trung Quốc nói rằng “Nếu coi đó là biểu hiện không đề cao tinh thần dân tộc thì hãy đặt câu hỏi cho chính người đặt câu hỏi rằng họ mặc gì, đông đảo người dân và các quan chức cao cấp nhất lúc ấy ăn mặc ra sao”? Ông Dương Trung Quốc có nhầm không khi chính ông là Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam mà lại bắt tất cả những người dưới tài mình, kém chức vụ mình phải đi trả lời thay ông? Tại sao ông không nói thẳng ra cho lũ dân đen biết họ sai và những lều sử học nửa vời như tôi được thông tỏ “đường ra, lối vào” của cái vườn đào thật lắm bổng lộc và đam mê? Thứ ba, dù cá nhân ông Dương Trung Quốc không muốn thì với tư cách là Tổng Thư ký, ông có quyền yêu cầu Viện Sử học hoặc một, một nhóm GS, TS nào đó đứng ra để giúp dư luận. Đây là trách nhiệm thiêng liêng của ông với tư cách kép là đại biểu Quốc hội. Chẳng lẽ hàng vạn công dân yêu cầu, băn khoăn, dáo dác mà một vị đại biểu của dân lại không nghe, không biết? Thứ tư, Trần Viết Điền là giảng viên khoa Vật Lý, Đại học Sư phạm Huế mà nghiên cứu về Lý Công Uẩn rành rẽ như thế (chưa luận đúng, sai), chẳng lẽ các nhà Việt Nam Học - Sử học như ông Dương Trung Quốc và các vị khác không phân định được, không áy náy hoặc xấu hổ một chút nào ư? Thứ năm, nhân bài viết của Đoan Trang, xin hỏi ông Dương Trung Quốc một câu hỏi rất nhỏ rằng bộ phim mà ông bênh vực là tốt hay xấu cho tinh thần dân tộc; đúng hay sai cho cái lẽ phụng thờ tiên tổ; thỏa đáng hay không cho cái nghĩa uống nước nhớ nguồn và có phù hợp với Tư tưởng Hồ Chí Minh hay không trong nguyên tắc của tinh thần độc lập, tự do?
Giới sử học Việt nam nếu cứ im lặng mãi hoài hoặc phát biểu nửa vời về sự thật lịch sử thì có còn khoa học lịch sử nữa hay không?
Huế, 10.10.10.