Những góc nhìn Văn hoá

Thơ lục bát Phan Thái - Sự nhuần nhuyễn và chuyên tâm

(Nhân đọc “Quẩy nắng vào đêm” – thơ Phan Thái, nhà xuất bản Hội Nhà văn – 2012)    

“Quẩy nắng vào đêm”là tập thơ thứ 2 của Phan Thái gồm có 100 bài thơ được viết theo nhiều thể thơ khác nhau, nhưng dường như thể lục bát được Phan Thái viết nhuần nhuyễn và chuyên tâm nhất – 73/100 bài thuộc thể lục bát. Thơ lục bát Phan Thái mang những đặc điểm chính của thể thơ lục bát Việt Nam. Hay nói cách khác, thơ lục bát Phan Thái đậm đà tính chất truyền thống, truyền thống từ kết cấu đến nhịp điệu:

Về luật thơ, 73 bài thơ Phan Thái tuân thủ đúng quy định về luật thơ lục bát truyền thống, đó là một cặp lục bát gồm hai dòng thơ với số tiếng cố định: dòng sáu tiếng (câu lục) và dòng tám tiếng (câu bát).

Giống như thơ lục bát truyền thống, thơ lục bát Phan Thái vừa gieo vần chân, vừa gieo vần lưng (Tiếng cuối câu lục gieo vần xuống tiếng thứ sáu câu bát, tiếng cuối câu bát gieo vần xuống tiếng cuối câu lục tiếp theo). Cách gieo vần ở chữ thứ sáu câu bát của Phan Thái rất chuẩn mực và tinh tế.

“Biết rằng cơm áo phù vân

Có khi là cái nợ nần treo ngang

Loay hoay đãi ngọc tìm vàng

Chẳng hay chữ nghĩa có mang nổi mình?

[Câu thơ trộn nắng, tr.5]

Hay là:

“Đất gầy thương lắm người ơi

Yêu nhau kê lệch cả trời sang nhau”

[Câu hát sân đình, tr.29]

Cách gieo vần khiến cho đoạn thơ sự liên tục nhịp nhàng, nhẹ nhàng mềm mại. Điều đó tạo nên âm điệu bay bổng, du dương và uyển chuyển:

“Vắt vai câu hát sân đình

Bến quê trong đục vẫn mình với ta!

Cánh cò nghiêng phía đồng xa

Lặn trong mắt mẹ như sương rơi.

Đất gầy thương lắm người ơi

Yêu nhau kê lệch cả trời sang nhau…”

[Câu hát sân đình, tr.29]

Phan Thái thường viết bằng những cảm xúc tự nhiên nảy sinh trong tâm hồn, thổi hồn vào những câu thơ đem đến cho sự vật sự sống, thể hiện trạng thái, cảm xúc tinh vi nhất của sự vật và chính bản thân tác giả. Cái tài của Phan Thái là ở chỗ, viết về những thứ quen thuộc với mọi người như đồng ruộng, làng quê,…. nhưng vẫn tạo nên sự hấp dẫn riêng. Nhà thơ nói sự vật, sự việc này mà như đang nói sự vật sự việc khác:

“Ngày xưa ông Gióng về trời

Mang theo cả gốc tre nơi quê nhà

Thân thương những rặng tre ngà

Cánh cò bay lả bay la gọi mùa.

…Quanh năm cấy hái, cày bừa

Rạ rơm làng ngấu phèn chua trên đồng

Lẫn trong tấm áo nâu sồng

Lới tre lay ngọn tơ hồng ríu giăng.

[Tre làng, tr.53]

 Sự gắn bó khăng khít của tâm hồn nhà thơ với cuộc sống đời thường để đến câu, chữ lục bát cứ ngân nga, dặt dìu khiến người đọc như không dứt ra được giai điệu nhẹ nhàng, trầm lắng mà tự nhiên, da diết:

“Gánh ngày cong cả bờ tre

Trâu nằm nhai cạn tiếng ve ồn ào

Lại ngồi khỏa nước cầu ao

Giặt mây như những hôm nào đợi trăng”

[Hạ quê, tr.71]

Điều đặc biệt, Phan Thái đã rất thành công khi phát huy sự kết hợp giữa đặc trưng của thể lục bát là uyển chuyển, giàu nhạc điệu với phong cách thơ của mình là mộc mạc, đằm thắm, dịu dàng. Thể thơ lục bát thông thường chủ yếu ngắt nhịp chẵn (2-2, 2-4, 4-4, hoặc 4-2), cũng có một số câu ngắt nhịp 3-3 hoặc 3-3-2. Đa phần thơ lục bát Phan Thái ngắt nhịp chẵn. 2/4; 4/2 ở câu lục và nhịp 4/4, 2/6 ở câu bát:

“Quê nghèo/ nước vại/ cơm niêu

Ruộng đồng vẫn chật/ bao nhiêu mùa màng

Vạt trăng/ cong nhịp/ sẩy sàng”

 [Viết ở làng mình, tr.58]

Câu thơ lướt đi êm ái trên nhịp chẵn của câu 6. Từng nhịp điệu câu thơ, miêu tả một cách tỉ mỉ, từ đó đưa ra những cảm xúc sâu kín mà nhà thơ muốn nói ra:

“Chẳng ai/ khỏe được/ đến già

Mẹ giờ /như một/ nhành hoa héo dần

Mỗi năm/ xuân chỉ một lần

Mong sao/ tặng mẹ /ngày xuân thật dài”

[Mùa xuân bên mẹ, tr.18]

Những rung động thật tinh tế trong các bài thơ lục bát của Phan Thái khi ông hầu hết sử dụng nhịp chẵn của thơ ca truyền thống. Dường như đó là nhịp lòng của nhà thơ, nhịp của tâm hồn rung lên trước cuộc sống, sẵn sàng bộc lộ những cảm xúc, những suy ngẫm về cuộc đời.

“Nắng hòn Trống mái/ ai têm

Để bao giọt mắt/ đầy thêm nồng nàn”

(Bên hòn Trống mái)

Hay:

 “Không nghèo/ cũng chẳng/ giàu sang

Dăm ba chữ nghĩa/ làng nhàng vắt vai

Méo gầy/ cũng giọt/ sương mai

Ta như hạt thóc,/ củ khoai trên đồng”

[Ta còn câu thơ, tr.96]

Phan Thái đã sử dụng những hình ảnh quen thuộc trong ca dao để khơi dậy trong người đọc những trường liên tưởng mới mẻ:

“Trai gái là để cho nhau

Như trầu không quấn thân cau mặn nồng

Trót vương một nhánh tơ hồng

Dẫu thương chín núi mười sông vẫn tình”

[Bên hòn trống mái, tr.114]

Hay là:

“Hình như các cụ giống mình

Đã yêu, nghiêng cả sân đình ca dao

Mỏng manh một mảnh yếm đào

Trăng non cũng đổ mưa rào ngẩn ngơ..”

[Têm nắng cho chiều, tr.55]

Sử dụng chất liệu văn hóa dân gian về câu từ và thể thơ lục bát dân tộc mang lại chất nhạc tính cho thơ Phan Thái. Mỗi câu thơ lục bát ấy như được quyện trong bầu không khí ca dao. Những câu lục bát mang âm hưởng ca dao đã đưa chúng ta trở lại với những nét văn hóa đẹp đẽ của một thời, lòng mình như rung ngân lên những giọng điệu êm dịu, nhịp nhàng:                                                  “Rùng giằng câu hát “người ơi”

Để chiều giã bạn rối bời cỏ may

Nồng nàn môi thắm trầu cay”

(Quan họ liền anh)

Là một trong số ít người làm thơ lục bát ở Thái Nguyên, Phan Thái luôn cật lực lao động, tích cực chủ động chống lại sự sói mòn, xô cứng để tìm nghĩa mới cho từ. Trong nhưng bài thơ lục bát của mình, Phan Thái khá dụng công trong việc chon lọc từ, chọn hình ảnh làm mới ngôn từ.Ông dụng công ngay trong cách đặt tên bài thơ. Phan Thái nâng sự vật hiện tượng lên một tầm cao mới, khiến nó mang những đặc điểm và hành động như con người. Nhan đề bài thơ nó như là “núm đồng tiền” đẹp nhất, ẩn chứa cái hay của cả tập thơ: “Câu thơ trộn nắng” [tr.5], “Ta về nhốt gió ngày xưa” [tr.8], “Gội trăng” [tr.15], “Têm nắng cho chiều” [tr.54], “Ta về cõng núi” [tr.107]…

Làm thơ bằng cả tâm hồn và những cảm xúc của mình. Lấy mạch từ những cảm xúc đó, Phan Thái thổi hồn vào những gì bình dị nhất, gần gũi nhất. Nhưng những cái ta tưởng chừng như dung dị, hồn nhiên và đơn giản ấy đã hiện lên qua ngòi bút Phan Thái với một hệ thống câu từ được sử dụng chắt lọc một cách khéo léo và tinh tế. Đó thực sự là thứ ngôn ngữ được gọt giũa, tôi luyện:

Lũy tre vuốt bóng sân đình

Trăng buông dải yếm buộc tình cho thơ

[Làng, tr.6]

 “…Nắng om chín cả mồ hôi trên đồng

Bờ đê cong nhịp gánh gồng

Mảnh ao lõm nắng phập phồng đợi mưa

Ta về nhốt gió ngày xưa”

[Ta về nhốt gió ngày xưa, tr.8-9]

Lời thơ trong sáng, giản dị nhưng rất “mĩ miều” về ngôn từ:

“Quẩy miền thương nhớ xôn xao

Mượn xuân hứng giórót vào nỗi nhau” (Đợi)

Rồi liên tiếp các câu thơ  “cầu kì” của Phan Thái được hiện lên trong bài thơ lục bát: “Câu ca mắc chật cánh diều” (Ngồi hát bên trời), “Ao gầy xõa vạt bèo non” (Lạc ngõ nhà ta),  “Tiếng cười va ánh trăng rung cả làng” (Giếng làng), “Em têm giọt mắt vào anh” (Ngồi hát bên trời); “Vốc trăng têm lại chữ tình” (Ta về nhốt gió ngày xưa); “Đêm thu trăng chật tiếng cười trẻ con” (Một thoáng quê xa); “Nhặt lên một khúc ca dao/ Chợt như gặp nụ cười nào trong hoa” (Hoa gạo bên làng); “Ngõ quê giọt giọt chuông chùa rơi nghiêng” (Tháng Giêng quê nhà);….

Phan Thái sử dụng câu từ vừa hồn nhiên, bình dị, vừa gần gũi, tài hoa mà giàu hình ảnh tu từ. Trước cuộc sống mưu sinh thường nhật, miếng trầu cay truyền thống ngày nào nay đã mặn mòi theo những giọt mồ hôi:

“Cả đời chưa hết lo toan

Đồng tiền bát gạo cứ ràn rạt trôi

Miếng trầu mặn giọt mồ hôi

Rạ rơm ngái cả trong lời ru xanh”

[Làng, tr.7]

Hình ảnh thơ rất giàu sức gợi tả bởi giữa những câu thật mộc mạc, dân dã lại là những câu hiện đại đến bất ngờ. Câu thơ như quyện vào hồn người.:

“Áo nâu lấm cánh đồng vàng

Lệch vai gánh nắngđổ ngang vạt chiều

Nón nghiêng mắc cạn cách diều

Gióng chân nõn cả bao nhiêu luống bừa”

[Men mùa em, tr.22]

Câu thơ đọc lên tưởng như “vu vơ” ấy mà ta cứ ngỡ là câu hát hay một bản nhạc, vừa có vần, có điệu, nghe rất thanh thoát và êm tai:

“Tối bồng con cái người ta

Đêm về giọt nước mắt va bóng mình

Chắt trăngcạn cả ao đình

Chị ngồi khâu một chữ tình để mơ!”

[Chị tôi, tr.19]

“Bước trâu vỡ ánh trăng vàng

Giọt mồ hôi mẹ mặn sang sá cày”

[Xin em một góc chiếu chèo, tr. 30]

Ngoài việc sử dụng cách ngắt nhịp chẵn truyền thống, Phan Thái cũng khai thác đến mức tối đa những phụ âm trong việc tạo nên nhạc điệu cho các bài thơ. Các phụ âm đầu trong thơ ông mang nhiều những cung bậc khác nhau. Chúng được láy lại, tạo nên cảm giácluyến láy của khổ thơ:

“Bước trâu sậm sụt luống cày

Con đò lẻ bến, chiều hay háy chiều

Mặn mòinước vại cơm niêu

Làng đau đáu thắp bao điều tri âm”

[Mắc câu lục bát bờ ao, tr.59]

Láy tạo nên những âm hưởng đặc biệt và có tác dụng lớn trong việc biểu đạt nội dung câu thơ cần nói đến:

Nhấp nhô một nét thị thành

Lẻ loivài nếp nhà tranh lối mòn”

[Lạc ngõ nhà ta, tr.45]

Trong những bài, đoạn thơ lục bát của Phan Thái có xuất hiện tín hiệu ngôn ngữ đặc biệt. Đó là những dấu chấm lửng “…”. Việc đưa dấu chấm lửng vào trong câu thơ là một ý đồ nghệ thuật mang lại cho câu thơ, bài thơ giá trị về nhịp điệu, tăng khả năng biểu cảm. Dấu chấm lửng đó đã tạo ra chỗ ngắt nhịp khiến hơi đọc lên dài hơn, lâu hơn, thể hiện những cảm xúc riêng sâu lắng trong mạch thơ:

“Bềnh bồng xứ Thái người xinh

Vừa nâng nhấp chén trà tình…đã say!”

[Bềnh bồng xứ Thái, tr.90]

“Đói no giấy rách giữ lề

Lời xưa bầu bí…bộn bề tri âm.

Thả hồn bái vọng từ tâm

Câu kinh kệ cũng ướt đầm đa đoan”

[Làng, tr.7]

Đó cũng là những cảm xúc rất riêng của nhà thơ, muốn dừng lại để lắng nghe âm thanh của cuộc sống, tạo không gian cho sự lắng đọng của tâm hồn: “Bên sông ngơ ngác cánh cò/ Qua cầu thèm tiếng “ơi đò”…xa xôi”(Ta về nhốt gió ngày xưa, tr.9) …

Tuy nhiên, trong thơ lục bát Phan Thái, câu từ thường hay lặp lại: Chẳng hạn như xuất hiện nhiều lần các từ“gầy”, “têm”,  “nhặt”, “chật”, “vạt”, “quẩy nắng”….  Điều này đã giảm đi phần nào nét ý nghĩa tự nhiên tươi mới của câu thơ, làm vơi đi cái bất ngờ, thú vị của những “nốt nhạc hay” trong một “bản đàn lục bát”.

Tuy nhiên, chất thơ lắng lại đằng sau những hình ảnh giản dị, mộc mạc về con người và tình cảm với đất nước trong thơ lục bát Phan Thái. Việc tiếp thu chọn lọc và có sự sáng tạo những giá trị truyền thống của dân tộc, cảnh quê, hồn quê trong thơ lục bát  Phan Thái còn vương vấn và neo đậu mãi trong tâm hồn người đọc.

Có thể nói, sự khác biệt giữa thơ lục bát với các thể thơ khác là ở chỗ từng cặp câu 6/8 cộng với cách gieo vần, ngắt nhịp đã tạo nên sự hài hòa cân đối, uyển chuyển và mềm mại, mang lại cho người nghe cảm giác êm dịu nhẹ nhàng. Sử dụng nhuần nhuyễn, điêu luyện thể thơ lục bát thuần Việt, cùng với lối viết luôn tìm tòi những âm điệu, hình tượng thơ phong phú, sáng tạo, gọt giũa ngôn từ mới, Phan Thái đã mang đến cho người đọc những bài thơ lục bát hay, trong sáng về cảnh người quê hương thấm đậm phong cách ca dao từ hình ảnh, ngôn ngữ đến nhịp điệu và lối diễn đạt, góp thêm cho dòng thơ Thái Nguyên nói riêng và thơ Việt Nam nói chung nhiều tác phẩm có giá trị cao, được người đọc hôm nay và mãi đến sau này yêu thích và mến mộ./

 

Tài liệu tham khảo:

[1]. Cao Hồng (2013), Lý luận, phê bình văn học – đổi mới và sáng tạo, Nxb Hội Nhà văn, H.

[2]. Bùi Văn Nguyên, Hà Minh Đức (2006), Thơ ca Việt Nam hình thức và thể loại, Nxb Đại học Quốc gia, H.

[3]. Phan Thái (2012), Quẩy nắng vào đêm, Nxb Hội Nhà văn, H.

[4]. Trần Đình Sử (chủ biên), La Khắc Hòa, Nguyễn Xuân Nam (2010), Lí luận văn học (tập II), Tác phẩm và thể loại văn học, Nxb Đại học Sư Phạm, H.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114565803

Hôm nay

2166

Hôm qua

2330

Tuần này

2496

Tháng này

224327

Tháng qua

129483

Tất cả

114565803