Người xứ Nghệ

Từ Chi và khát vọng còn dang dở về mặt trời Đông Sơn trên Tây Nguyên

Những lúc rảnh rỗi hiếm hoi, tôi vẫn giở một đôi trang ghi chép của nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi, như chúng tôi vẫn thường gọi là cụ Từ, ra xem, để nhớ về Ông. Những lúc ấy nếu có một ông Bụt xuất hiện trước mặt và hỏi tôi ước gì, thì tôi  sẽ trả lời rằng, tôi cần một khoảng thời gian chừng 5 năm và một món tiền tối thiểu, để có thể mang theo tài liệu về nhà mồ, tượng mồ do cụ Từ  ghi chép, trở lại Tây Nguyên để thử  đọc và thử  làm sáng tỏ phần nào ý tưởng của Ông. Nhưng, thật tiếc, đấy chỉ là một điều ước và trước mặt tôi chả có ông Bụt nào…Tôi đành viết bài này dành tặng bạn bè,  đồng nghiệp và các thế hệ học trò của Cụ và mong ở những đời sau có ai đó sẽ cần biết…

 

I. Những ghi chép về nhà mồ, tượng mồ của người Bana và người Giarai trong di cảo của cụ Từ Chi

 

Thời gian trôi thật nhanh, dường như chỉ mới một thoáng thôi, thế mà nhà Dân tộc học Từ Chi đã xa vắng anh em, bạn bè, đồng nghiệp, học trò … 16 năm rồi! Khi cụ Từ ra đi, một phần gia tài mà ông để lại cho ngành dân tộc học là kho di cảo. Thành thực mà nói, trong tâm niệm của bà Tuất, vợ của cụ Từ thì đấy chỉ là một đống giấy lộn. “Trước lúc mất, ông Từ không có một lời dặn dò gì về “đống giấy lộn” này, do vậy nếu ông Thiệu thích thì chở về nhặt được cái gì thì nhặt (lời bà Tuất). Thú thực, bối cảnh như vừa đề cập đã đặt tôi vào một tình trạng khó xử. Tôi biết, đây là kho di cảo quý của một bậc thầy lớn, đáng kính, nhưng bởi 3 lý do: một là về chuyên môn, lúc đó tôi không còn trẻ và đã có lối đi riêng; mặt khác, ngoài lời nói miệng của bà Tuất, số di cảo này không có bất kỳ một loại giấy tờ mang tính pháp lý nào đi kèm; thứ nữa là lúc đó, cá nhân tôi không có đủ cơ sở vật chất để có thể bảo quản chúng… nên tôi đã lựa chọn “cách an toàn”: đưa chúng về lưu ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - nơi mà cụ Từ có mối quan hệ “sâu, xưa”. Tiếc rằng, sau thời kỳ GS. Phạm Đức Dương làm Viện trưởng,Viện Nghiên cứu Đông Nam Á không còn quan tâm tới những nghiên cứu chuyên sâu trên địa bàn Việt  Nam. Bởi thế, sau khi tuyển chọn các cuốn sách nhập vào thư viện, phần di cảo của cụ Từ không được xử lý để bảo quản. Thật may mắn đúng lúc khó khăn ấy, có một nữ giáo sư người Anh đến Việt Nam để nghiên cứu “tri thức dân tộc học”. Sau khi tìm hiểu thân thế và sự nghiệp dân tộc học của cụ Từ, bà được xem và lấy làm chua xót vì những di cảo mà ông để lại đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Bà hứa sẽ giúp tôi tìm kiếm một nguồn tài trợ nho nhỏ để tạm thời ngăn chặn sự xuống cấp của kho tư liệu đang diễn ra nhanh chóng. May mắn hơn, khi lời hứa vừa đề cập chưa đủ thời gian để thực hiện thì PGS.TS Nguyễn Văn Huy vào cuộc. Với tư cách là giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam lúc bấy giờ, ông Huy đã đề xuất ý tưởng đưa di cảo của cụ Từ về Bảo tàng của ông không chỉ để bảo quản mà còn coi đó là nguồn nguyên liệu chính để tổ chức một cuộc trưng bày chuyên để: “Từ Chi - Nhà Dân tộc học”. Ngay lúc bấy giờ, tôi tin ông Huy không phải là người nói chơi, và đúng như niềm tin của tôi, tiếp đó không chỉ di cảo của cụ Từ được chuyển về bảo quản trong Bảo tàng Dân tộc học VN mà lần đầu tiên ở Việt Nam một cuộc trưng bày rất hấp dẫn về cuộc đời của một nhà nghiên cứu bình thường (mà không phải là một lãnh tụ hay một vị khai quốc công thần, hoặc một anh hùng kiệt xuất nào đó như vẫn thường quan niệm) đã được tổ chức rất thành công - một chương mở đầu tuyệt vời cho một ý tưởng lớn của ông Huy về sự thể hiện trách nhiệm và sự trân trọng của người đời sau đối với các di sản trí tuệ mà các bậc tiền nhân để lại.

Trở lại với kho di cảo của cụ Từ, trong “mớ tư liệu lộn xộn” viết tay trên vở học sinh và đủ loại giấy tận dụng có được thời “bao cấp”, có 3 vấn đề được đề cập khá tập trung: 1. Lịch sử hình thành các quốc gia cổ đại ở châu Phi; 2.Tài liệu dân tộc học về người Mường; 3.Về nhà mồ, tượng mồ của người Bana và của người Giarai.

 

Nguồn tài liệu về Lịch sử hình  thành các quốc gia cổ đại ở châu Phi nằm dưới dạng những bản nháp và các bản ghi chép (viết tay) bằng tiếng Pháp. Nhiều trang được viết chồng lên nhau chằng chịt. Theo như tôi được biết, trong thời gian dạy học ở Ghi nê ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu cả đọc tư liệu, trao đổi với các chuyên gia và trực tiếp khảo sát trên thực địa về sự hình thành các quốc gia cổ đại ở lục địa đen. Mục đích của ông là chuẩn bị tài liệu để sang Liên Xô, làm luận văn phó tiến sỹ. Nghe đâu đơn xin học của ông không được chấp nhận vì lí do thành phần xuất thân. Có lẽ vì vậy nên những tài liệu quý giá, hấp dẫn mà ông đã bỏ ra rất nhiều trí tuệ và công sức để có được cũng được ông đưa về Việt Nam, nhưng ông chẳng chẳng mặn mà gì với chúng. Thật đáng tiếc! Ngoài giá trị tư liệu về sự hình thành các quốc gia cổ đại ở châu Phi, qua cách nhìn của một học giả Việt Nam, nguồn tài liệu này còn phản ánh quá trình và phương pháp tự học, tự đào tạo rất bài bản của ông về dân tộc học

Phải nói, trong kho di cảo của cụ Từ, nguồn tài liệu dân tộc học về người Mường ở Hòa Bình có số lượng nhiều nhất, được ghi chép cẩn trọng và tỷ mỹ trong các cuốn vở học trò. Tài liệu cho thấy quá trình làm việc lâu dài và cực kỳ nghiêm túc trên thực địa của cụ Từ. Trong đó có những cuốn sổ ghi chép “tài liệu thô” khi thăm hỏi dân tộc học, và có những cuốn do ông viết lại ngay trên thực địa, trong cùng chuyến điền dã (trong đó bao gồm tài liệu thô, kèm theo những nhận xét, ghi chú và cảm xúc của người đi điền dã). Đặc biệt thú vị là có những hệ thống sổ ghi chép về cùng một nội dung nghiên cứu từ cùng một đối tượng, tại một điểm nghiên cứu, nhưng được thực hiện trong nhiều thời điểm khác nhau trong một năm hoặc nhiều năm. Ngoài các giá trị của tài liệu về văn hóa/lối sống của người Mường còn được lưu lại trong các trang ghi chép, có thể nói đây là hệ thống các sổ tay điền dã mẫu mực cho thấy cách thức làm việc cần mẫn, khoa học, tỷ mỹ của những người theo trường phái đề cao nguồn tư liệu thực địa trong nghiên cứu dân tộc học từ thế kỷ trước, do André Leroi Gourhan đề xuất và Georges Condominas - một người bạn lớn của cụ Từ - là một trong những môn đệ. Nguồn di cảo này cũng là chất liệu chính làm nên sự thành công cuộc trưng bày “Từ Chi: nhà Dân tộc học”. Đa phần các nội dung trong nguồn tài liệu này đã được cụ Từ khai thác sử dụng  trong các công trình nghiên cứu xuất sắc gắn liền với tên tuổi của ông về người Mường. Nhưng, ẩn tàng trong từng trang ghi chép về văn hóa/lối sống thô mộc của người Mường vẫn hiện lên mộc cách đậm đặc, có thể khai thác cho các công trình nghiên cứu khác sau này. Hơn thế, hệ thống sổ ghi chép này của ông đúng là những giáo cụ trực quan sinh động, đắt giá về cách tiếp cận và các phương pháp làm việc cụ thể trên thực địa cho các thế hệ học trò đời sau.

So với nhóm tài liệu về người Mường, nhóm di cảo về nhà mồ, tượng mồ của người Bana, người Giarai không nhiều và mới chỉ là những ghi chép vội vàng trên thực địa, chưa được ông hệ thống lại. Có thể nói lúc sinh thời cụ Từ luôn bị ám ảnh về tục thờ mặt trời của các cư dân nông nghiệp. Ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu và dày công giải mã đồ họa hình mặt trời trên trống đồng Đông Sơn[1].Việc giải mã hoa văn Mường theo ông là đã đi vào ngũ cụt. Bên ngoài ánh hào quang của sự thành công về việc chỉ ra được mối liên hệ giữa các mô típ đồ họa trong hoa văn Mường trên đồ dệt với hoa văn trên trống đồng Đông Sơn, ở các điểm: một số mô típ ở hai thời kỳ lịch sử rất xa nhau lại rất tương đồng; một dạng được dệt  trên mặt vải theo các băng dài, dạng khác đựợc tạo tác theo đường tròn trên nguyên liệu đồng bằng kỹ thuật đúc... Nhưng, bởi tính ước lệ rất cao của cả hoa văn trên trống đồng lẫn hoa văn trên đồ vải Mường mà cụ Từ cho rằng rất khó đọc ý tưởng của người xưa gửi gắm lên đấy, nhắt là về “tục thờ mặt trời”. Lúc ông đang trăn trở thì miền nam giải phóng, Từ Chi có cơ hội trở lại Tây Nguyên (phiên dịch cho Condominas) và tận mắt nhìn lại nhà mồ, tượng mồ. Theo ông, trên thế giới, nền văn hóa, nhà mồ, tượng mồ bằng gỗ xuất hiện tương đối đồng dạng ở 3 khu vực: Châu Phi, ngoài các đảo thuộc Thái Bình Dương và khu vực Tây Nguyên (bao gồm cả nam, hạ Lào và đông bắc Cămpuchia). Ở mỗi khu vực, tượng mồ có những đặc điểm riêng: tính quái đản ở Châu Phi, tính cổ điển ở Melanesia và tính thô phác ở Tây Nguyên. Chính đặc điểm thô phác ấy đã thu hút cụ Từ: có thể dễ hơn khi đọc ý tưởng của người xưa đã gửi gắm lên đấy so với cách thể hiện các ý tưởng khi đã có tính ước lệ cao trên hoa văn Mừơng và trên trống đồng Đông Sơn Chăng?

Đáng tiếc là cơ hội để để Từ Chi trở lại Tây Nguyên xuất hiện rất muộn mằn. Vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước, ông mới có dịp trở lại Tây Nguyên với sự thu xếp của một người bạn - ông Sanh, hồi đó là giám đốc Sở Văn hóa thông tin tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Giai đoạn đầu ông đã khá thành công với việc hoàn thành cuốn sách “Hoa Văn các dân tộc Giarai - Bana”. 

Nhưng đến giai đoạn sau, khi chuyển sang tìm hiểu về nhà mồ và tượng mồ thì ông đã đổ bệnh. Sự mỏi mệt đã hằn lên trong những trang tài liệu ghi chép vội vàng của ông. Thật đáng tiếc ông không còn đủ sức lực, đủ thời gian đề “làm lại” các trang tài liệu điền dã theo cách mà ông từng làm như những cuốn sổ điền dã về người Mường. Đáng tiếc nữa là người đi cùng ông - TS. Ngô Văn Doanh, cũng là một đệ tử của ông nhưng vốn được đào tạo ngành lịch sử mỹ thuật ở Liên Xô nên không chia sẽ được nhiều với cách tiếp cận dân tộc học/nhân học văn hóa kiểu Từ Chi, bởi vậy mà hai cuốn sách, liên quan tới các nghiên cứu về nhà mồ và tượng mồ trong các chuyến nghiên cứu của Từ Chi, là sản phẩm đặt hàng phải trả cho Sở Văn hóa thông tin tỉnh Gia lai - Kon Tum mà ông Doanh phải đảm nhận viết và đã được xuất bản[2], mới chỉ là những ghi chép theo cách của ông Doanh xung quanh quan niệm về cõi sống, cõi chết của người bản địa, các nghi lễ và các hoạt động liên quan đến tang ma của người Giarai và người Bana. Còn những tri thức và những tư liệu do chính tay Từ Chi ghi chép còn chưa được phản ánh vào các cuốn sách ấy. Thật đáng tiếc về một ý tưởng lớn của một nhà nghiên cứu lớn còn dang dỡ!  Nhưng trong cái họa lớn, vẫn còn có cái phúc nhỏ nhoi, đến nay một phần những ghi chép của ông còn được bảo quản trong Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam…

II. Nhận xét những hình trang trí trên mái một ngôi nhà mồ của người Giarai ở Tây Nguyên (một đoạn trích những ghi chép từ Sổ tay điền dã của Nguyễn Từ Chi)

Nhà mồ của người Gia rai ở Tây Nguyên có nhiều dạng mái: mái dài, mái tròn nhô cột cút lên ở chính giữa mái cao… Ngôi nhà mà chúng tôi đang đề cập thuộc loại nhà mái cao, bằng tôn. Các hình trang trí được tạo ra bởi các nét màu trên tôn.

 

 

 

9. Nhận xét cuối

Ẩn hiện trong tổng thể trang trí trên mái của một ngôi nhà mồ của người Giarai ở Tây Nguyên, có thể gợi cho chúng ta những quan niệm khởi nguyên của vũ trụ. Vũ trụ như một cái cây lớn được chia làm 3 thế giới:

- Thế giới bên trên (tầng 1) là thế giới của các thiên thể, mà ở đó mặt trời là chúa tể.

- Trần gian, nơi mà cây vũ trụ nở hoa kết trái, là nơi sinh thành ra muôn loài, là nơi đang hàng ngày hàng giờ cuộc sống đời thường đang tiếp tục.

- Thế giới bên dưới, là thế giới của các loài thủy quái (rồng, rắn, cá sấu...). Nhưng đây cũng chính là mẹ - đất, mẹ đất nằm im lìm và trước những tác động của cha - trời (như sấm, chớp, nắng, mưa...) mẹ đất đã, đang và sẽ sinh ra muôn loài.

Như đã đề cập từ đầu, chép lại một đoạn sổ điền dã của cụ Từ,  tôi vừa như thầm tưởng nhớ về Ông, hồi tưởng lại phần nào ý tưởng lớn lúc sinh thời của Ông, vừa hy vọng  có ai đó, nhất là các bạn trẻ, có thể chia sẽ, và dũng cảm chuẩn bị hành trang tiếp bước, đi nốt đoạn đường mà Ông còn dang  dỡ....

 

........................

[1]. Mặt trời là một trong những yếu tố chính trong VŨ TRỤ, tạo nên sự sống cho muôn loài, từ cổ xưa đã được các cư dân, nhất là cư dân nông nghiệp tôn thờ. Trong cuộc đời nghiên cứu của mình, cụ Từ rất quan tâm đến các tín ngưỡng thờ mặt trời. Ngoài 2 tác phẩm 01. Hoa văn Mường (Nxb. VHDT, Hà Nội, 1978); 02. Hoa văn các dân tộc Giarai-Bana (Sở Văn hóa thông tin Gia Lai-Kon Tum, xuất bản 1986) - những tác phẩm mả trong đó cụ Từ đã giành nhiều công sức để tìm hiểu mối liên hệ giữa các mô típ hoa văn trên đồ vãi với hoa văn trên trống đồng Đông Sơn đặc biệt là mô típ MẶT TRỜI.- Cụ còn viết một loạt bài chuyên về tín ngưỡng thờ mặt trời của các cư dân nông nghiệp. Ví dụ:  Làng xã Hương Sơn (ghi chép dân tộc học), Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 140, 141/ 1971; 02. Mặt trời với nghi lễ trên nương của người Mãng (Mạng Ư); Sức sống Đông Sơn, Tạp chí VHNT (Trong sưu tập Góp phần Nghiên cứu Văn hóa và tộc người, Nxb. VHDT. Hà Nội, 2003), v.v…

[2]. Ngô Văn Doanh ,

Lễ bỏ mả Bắc Tây Nguyên. Nxb. Văn hóa dân tộc. Hà nội, 1995.

-  Nhà mồ và tượng mồ Giarai Bơ hnar. Sở Văn hóa Thông tin và Thể thao tỉnh Gia Lai và Viện Đông Nam Á, 1993.

[3].Ở loại nhà mồ mái cao, tròn của người Giarai, cột Cút- cột chính của ngôi nhà nhô lên chính giữa mái. Tại phần cột Cút tiếp xúc với mái, người dân tạc háng (quang) của nữ dâm thầnKroih, trông rất năng động và hoành tráng. 

..........................................

Bản tác giả gửi VHNA

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443595

Hôm nay

2153

Hôm qua

2333

Tuần này

21408

Tháng này

218769

Tháng qua

112676

Tất cả

114443595