Diễn đàn

Thực chứng [hay là Ngành sử là hay chép lại lẫn nhau nhiều nhất]

Thực chứng là phương pháp dùng cho nhiều ngành khoa học, trong đó có khoa học lịch sử.

Ngay cả khoa học hình sự gì đó mà người ta cũng hay dùng đến phương pháp này.

Trong lịch sử Việt Nam chống xâm lược, có cuộc hành quân của Tây Sơn Quang Trung từ Phú Xuân ra bắc để tiêu diệt 290.000 quân Thanh. Người ta gọi đó là "hành quân thần tốc".

Nghe nói là để cho hành quân liên tục, không một phút nghỉ ngơi, và cũng để cho "thần tốc", quân Quang Trung mới cho thay phiên nhau cứ 2 lính khiêng võng 1 lính.

Làm như vậy thì ai cũng được ngủ nghỉ.

Và do vậy mới có hành quân liên tục được, mới "thần tốc" được, mới phá tan quân xâm lược Thanh, giải phóng thành Thăng Long ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789 trước khi hạ cây nêu 2 ngày ("vượt mức kế hoạch" mà Quang Trung đã tuyên bố tại Tam Điệp - Ninh Bình là tiến vào giải phóng thành Thăng Long vào ngày hạ cây nêu - ngày 7 tháng Giêng năm Kỷ Dậu).

Chuyện trên đây không biết thực hư ra sao.

Và để thử nghiệm xem, thời hiện đại, bộ đội của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã "diễn lại" phương pháp hành quân đó.

Nhưng, kết quả là nếu cứ 2 người thay phiên nhau khiêng võng 1 người thì hành quân rất chậm chạp, rất khó khăn, chứ không có "thần tốc" cái chi chi cả.

Đó là mình nghe vậy. Cũng không biết có chuyện đó thật hay không. Nếu có thì mình không rõ khi áp dụng làm lại cách hành quân như thế thì có phải là áp dụng phương pháp thực chứng không.

Phương pháp thực chứng quan trọng lắm. Nhưng cũng còn tùy điều kiện. Nghĩa là có điều kiện thì áp dụng tốt, không có điều kiện thì không thể áp dụng được.

Cuộc tọa đàm khoa học diễn ra chiều 26-2-2016 tại Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội) với chủ đề ẤN GỖ "SẮC MỆNH CHI BẢO" PHÁT HIỆN TRONG ĐỢT KHAI QUẬT KHẢO CỔ HỌC TẠI HOÀNG THÀNH THĂNG LONG NĂM 2012 - 2014 do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức dấy lên nhiều ý kiến khác nhau.

Trong hàng loạt ý kiến như vậy, mình thấy có ý kiến rất đáng chú ý liên quan tới phương pháp thực chứng là: Tại sao bàn về chiếc ấn gỗ (hay mẩu gỗ) khắc chữ "Sắc mệnh chi bảo" mà lại không thấy đưa hiện vật ra cho người tham dự trông thấy?

Nghe nói đến thời gian cuối của cuộc tọa đàm khoa học này, người ta mới "rinh" cái hiện vật đó đến cuộc tọa đàm. Để kết luận hiện vật đó có phải là "ẤN" hay không, và nếu nó là ấn thì có phải là "ẤN ĐỜI TRẦN" hay không thì còn cả một quãng thời gian dài, mà chưa chắc đã kết luận thỏa đáng, chưa chắc đã làm cho mọi người tâm phục khẩu phục, vì chứng cớ chưa thật rõ.

Điều này nói rằng, phương pháp thực chứng quan trọng lắm đối với nghiên cứu khoa học lịch sử. Khi chưa có thực chứng, chưa có gì là chắc chắn thì chớ có kết luận gì cả.

Hãy đợi đấy!

Lầm lẫn, sai lệch cứ như chơi!

Lê Văn Tám làm đuốc sống vào đốt cháy kho xăng địch ở Nhà Bè thời kháng Pháp đấy! Ai cũng biết, nếu thực chứng thì chuyện đó sai lè lè, chẳng có Lê Văn Tám Lê Văn Chín gì cả. Nếu có thực chứng thì tẩm xăng vào mà đốt thì cùng lắm người bị đốt chỉ có chạy được mấy bước là gục quỵ ngay chứ không chạy nổi mấy chục mét mà vào tới kho xăng!

Cũng tương tự như vậy.

Chẳng có Nguyễn Văn Bé gì đâu. Không có chuyện đầu độc ở Phú Lợi. Không có chuyện tay không quật ngã máy bay lên thẳng UH1 của Mỹ. Không có chuyện chính quyền Ngô Đình Diệm lê máy chém đi chém giết (thực tế chỉ giết 01 người mà thôi). Vân vân. Nhiều sự kiện không có thật cứ viết vào sử. Không có chứng cớ!

Trong khoa học lịch sử, làm sao mà mà tái hiện trong những trang viết những việc của ngày xửa ngày xưa? Không nói những việc xa lắc xa lơ, mà ngay cả những sự kiện mới 30 - 40 năm nay thôi mà người thì bảo thế này, người thì bảo thế kia, chẳng ai nhất trí được với ai.

Có những việc đâu có áp dụng phương pháp thực chứng được. Vì thế mới phải dựa vào phương pháp đa ngành hay liên ngành.

Cố giáo sư Trần Quốc Vượng khoái phương pháp đa ngành, liên ngành lắm. Ổng "chơi" với nhiều nhà khoa học ở rất nhiều ngành và chuyên ngành khác nhau, quảng giao, nhưng rốt cuộc là ổng học bạn để dùng cho cho việc SỬ của ổng.

Nghiên cứu lịch sử mà chỉ có dựa vào tài liệu thành văn thì chết ngắc.

Thời Hùng Vương gì đó, xứ mình làm gì có tài liệu thành văn. Do vậy, phải đi vòng qua tài liệu thành văn của nước khác, tài liệu của đời sau viết, tài liệu của dân tộc học/nhân học, tài liệu khảo cổ học, tài liệu văn hóa văn nghệ dân gian, v.v.Nghĩa là cần nhiều, vô thiên lủng các tài liệu khác để kiểm chứng nó, hiểu đúng nó.

Thế cho nên, đọc một số cuốn sử, do người viết chưa dựa vào nhiều nguồn tài liệu, mình thấy lịch sử gì mà cứ nhuốm màu truyền thuyết. Nhuốm màu đó là do người viết chuộng truyền thuyết, chỉ dựa vào truyền thuyết mà thôi.

Trong nghiên cứu lịch sử hiện đại cũng vậy. Đã không áp dụng phương pháp thực chứng thì chớ, rất nhiều người nghiên cứu (cứ tạm gọi là "nhà khoa học" đi) lại cứ "viết dựa". Mình dùng hai chữ "viết dựa" cho lịch sự, chứ thực ra đó là ăn cắp, là đạo, là thuổng, là chôm của người khác. Bệnh này là bệnh của lười biếng, là được chăng hay chớ. Có khi bệnh này lại đẻ ra từ những "miệng nhà quan" rồi bắt người khác phải công nhận.

Họ không dựa vào tài liệu gốc. Cũng chẳng dựa vào tài liệu cơ bản (tuy không phải là gốc nhưng đáng tin cậy hơn), lại dựa vào tài liệu mà người ta đã biên soạn rồi. Thành thử thuổng, chép cả cái sai của người ta thành của mình.

Cái sai chồng lên cái sai. Ngày này qua ngày khác. Năm này qua năm khác. Thế kỷ này qua thế kỷ khác.

Thế rồi thành chân lý!

Mình có thể dẫn ra ti tỉ trường hợp về vấn đề này.

Nếu không kiểm chứng gì sất, nếu không thực chứng thì cứ viết bừa thôi. Rõ nữa là trong các sách giáo trình, giáo khoa lịch sử. Cứ chép lẫn nhau thôi. Một số tác giả còn chua câu ở lời mở đầu là kế thừa công trình này, công trình nọ. Trong phần kê "Tài liệu tham khảo" thì có ghi là tài liệu, sách của người này, người nọ. Nhưng kỳ thực, đó cũng là chép lại thôi.

Cái sai, cái hời hợt được/bị tán phát theo cấp số nhân.

Tệ hại nhất là đã đọng lại trong đầu của nhiều thế hệ học trò những tri thức ất ơ đó. Thẩm định hời hợt một hiện vật, một di tích gì đó rồi kết luận cứ như đinh đóng cột rồi hằng năm tổ chức lễ hội, khấn vái, "phát ấn", diễn ra "cướp có văn hóa", dẫn khách du lịch đi tùm lum.

Tháng 2, sau Tết Bính Thân (2016), mình nhận được yêu cầu của Tổng Biên tập một tạp chí sử học về việc thẩm định bản thảo bài viết của một nhà khoa học gửi tới đăng tạp chí. Bài viết này nêu ra ý kiến ("nhận thức") trên cơ sở của một bản hồi ký.

Mình cảm thấy khó chịu.

Trước hết, hồi ký là dạng tài liệu không đáng tin cậy. Hồi học ở trường, bọn mình đã được quý thầy cô dạy như thế rồi. Vậy, khi sử dụng hồi ký, phải kết hợp với nhiều tài liệu khác để đối chiếu, kiểm tra, xác minh rồi mới có thể kết luận được.

Hai là, hồi ký mà nhà khoa học này dựa vào để "nhận thức" không phải là bản gốc, nó được đăng qua một tạp chí khác. Độ tin cậy như thế lại càng xa vời. Hồi ký bản gốc còn "chưa ăn ai", huống hồ đây lại là bản hồi ký đã qua tay người khác.

Mắc lỗi ngay từ khâu phương pháp. Ý kiến của mình gửi đến ông Tổng Biên tập tạp chí đó là cứ cho đăng, nhưng phải có lời của Ban Biên tập. Đăng để người đọc biết rõ cái phương pháp của nhà khoa học đó đã sử dụng như thế nào. Không biết tạp chí đó có đăng không.

Tác phẩm sử học nào được viết dựa trên cơ sở tài liệu xác đáng thì rất đáng tin cậy. Tài liệu gốc là số 1. Rồi các sự kiện, các nhận định có điều kiện thì nên được miêu tả, nhận định trên cơ sở thực chứng. Viết thế mới có sức thuyết phục. Chứ mình thấy, ngành sử là hay chép lại lẫn nhau nhiều nhất.
 

Viết tại Hà Nội, ngày 29-2-2016

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512744

Hôm nay

2281

Hôm qua

2400

Tuần này

2681

Tháng này

219617

Tháng qua

121356

Tất cả

114512744