Đây là một khái niệm mới, một dịch vụ mới của cộng đồng mạng… Tuy còn nhiều tranh cãi – song, khi được áp dụng rộng khắp trên toàn cầu… thì quả thực thế giới phẳng… không phải lúc nào cũng phẳng!
Thực ra, vấn đề này không mới. Tháng 06/2014 tòa án công lý Châu Âu đã ra phán quyết về vấn đề này để bảo vệ nhân quyền. Nguyên do là một người đàn ông Tây Ban Nha tên là Mario Costeja Gonzalezyêu cầu Google xóa hết các kết quả tìm kiếm có liên quan đến quá khứ bị thu dữ tài sản thế chấp của mình được đăng trên báo chí. Anh ta cho biết, những thông tin lỗi thời đó ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống hiện tại của anh ta và anh ta không muốn nhìn thấy nó nữa…
Sau khi yêu cầu của M.Gonzalez được tòa án công lý Châu Âu chấp nhận và ra phán quyết – hãng Google đã nhận được hàng chục thậm chí hàng trăm ngàn yêu cầu xóa bỏ những thông tin cá nhân khỏi hệ thống tìm kiếm… Do đó, ‘quyền được lãng quên’ dần dần trở thành khái niệm quen thuộc ở nhiều nước…
Theo quy luật cung cầu.Nhu cầu trên đã trở thành dịch vụ - tạm gọi là dịch vụ ‘quyền được quên lãng’… khả năng Google sẽ hốt bạc.
2. Quyền được biết – đó là một trong những quyền trong Hiến chương về nhân quyền của Liên hợp quốc. Quyền được biết về nguồn gốc bản thân mình, gia đình mình… Quyền được thông tin của công dân đối với một quốc gia… Quyền được biết, được tìm hiểu nghiên cứu về lịch sử đất nước mình… đó là điều đương nhiên.
3. Quyền được biếtlà quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của mỗi một công dân. Còn quyền được lãng quên là một khái niệm mới của cộng đồng mạng cũng như pháp luật ở một số nước. Tuy nhiên, 2 quyền này không thể và không bao giờ là… một cặp phạm trù của nhau! Bởi lẽ, trong quyền được biết – có quyền được biết sự thật về lịch sử của quốc gia, của dân tộc. Mà không ai có thể từ chối được. Không ai có thể xóa đi được!
Còn quyền lãng quên – anh chỉ có thể yêu cầu Google xóa đi những thông tin bất lợi của anh (bản thân, thể nhân, pháp nhân…) mà thôi!
4. Theo Phó ban tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng và Thiếu tướng AHLLVT Lê Mã Lương thì:cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược năm 1979 của quân và dân ta ở biên giới phía Bắc – mọi công dân có quyền được biết về khúc ca bi tráng này!
Hơn thế nữa, phải ghi chép đầy đủ những trang lịch sử này để truyền dạy cho muôn đời con cháu mai sau! Tác giả của bài hát ‘Chiến đấu vì độc lập tự do’ – Nhạc sĩ Phạm Tuyên, trong thời điểm lịch sử ấy đã viết: “đất nước của ngàn chiến công đang sục sôi khí thế hào hùng, những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa – đang gọi ta viết tiếp bản hùng ca… lịch sử đã giao cho người một sứ mệnh thiêng liêng… mang trong mình còn lắm vết thương vẫn cùng nhau xông pha chiến trường…”.
Sự hy sinh anh dũng của 64 chiến sỹ trong cuộc hải chiến Gạc Ma 1988 –mọi công dân có quyền được biết!
Tri ân 64 anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Gạc Ma năm 1988, những dòng chữ này xin được là một nén hương thơm tưởng nhớ tới các anh và tưởng nhớ tới hàng chục vạn đồng bào và chiến sỹ ta đã hy sinh để bảo vệ từng tất đất của tổ quốc!