Nhưng Vũng Áng, hay là cá chết ở biển miền Trung chỉ là sự kiện “hot”, và mới, trong liên hoàn kỳ trận tàn phá môi trường đã tồn tạo suốt mấy chục năm nay ở Việt Nam. Ở đâu có nhiều tài nguyên thì ở đó càng phải chịu đựng sự tàn phá dã man hơn. Câu thơ Rừng đã hết và biển thì đang chết là hiện thực của đất nước hôm nay. Riêng Tây Nguyên, chưa đầy 40 năm mà đã mất ngót nửa diện tích rừng. Rừng Tây Bắc đang cạn kệt thêm từng ngày. Đồng bằng sông Cửu Long đang chết vì người Trung Quốc chặn dòng Mekong. Không biết có phải họ học theo người Tàu hay không mà trong những ngày này người ta lại trình Chính phủ một dự án ngăn sông Hồng để làm giao thông và thủy điện của một nhà tư bản mới nổi người Ninh Bình. Phải chăng họ đang cố tình bức tử non nước Việt này? Rừng trọc, sông cạn và bây giowifg là biển chết.
Rừng, sông và biển đều không tự tử. Nó không tự chết mà bị bức tử. Con người bức tử nó. Con người bức tử Mẹ Thiên Nhiên. Con Người đang tự hủy hoại môi trường sống của mình.
Tại sao vậy?
Vì con người cũng đang ở trong trạng thái khủng hoảng nhân tính, khủng hoảng đạo đức. Sự giảm thiểu tính người, tức là các phẩm chất văn hóa – đạo đức phải nhường chỗ cho bản năng, cho dục vọng phi nhân tính để dẫn đến sự truy sát, tận diệt Thiên Nhiên và đồng loại. Vì thiển cận, kém cỏi, ích kỷ, vô trách nhiệm và tham lam những lợi ích trước mắt mà con người Bức tử Mẹ thiên nhiên. Khủng hoảng nhân tính này ngày càng trầm trọng hơn khi nó bất chấp tất cả để tìm kiếm lợi nhuận vật chất. Diệt biển, diệt sông, diệt rừng, hủy hoại không khí vẫn chưa đủ, họ còn tàn phá, hủy hoại sự sống của con người. Chưa có bao giờ mà con người lại cố tình đầu độc đồng loại đến mức dã man như bây giờ. Nói đến chuyện ăn, chuyện uống là cả nước này ai cũng sợ độc và bẩn. Chưa có bao giờ người ta lại pha axit thành dấm ăn;sản xuất giá ăn bằng thạch cao, bột đá và hóa chất; lợn nuôi bằng chất chất tạo nạc; măng nhuộm bằng chất gây ưng thư…Và gần đây nhất, đã có những kẻ mua gom để tiêu thụ cá chết vì chất độc ở biển miền Trung.
Chưa bao giờ các dục vọng thấp hèn lại trỗ dậy như hôm nay. Tham nhũng, trộm cắp là chuyện hầu như ở đâu cũng có. Án oan không còn là chuyện lạ. Vụ quán cà phê Xin chào và cái lều vịt trong tháng tư vừa rồi ở huyện Bình Chánh [thành phố Hồ Chí Minh] là cái mặt nạ bị bóc gỡ để lộ ra cái mặt thật của những công chức thấp và hèn. Chưa hết, hiếp dâm, đĩ điếm là chuyện thường ngày trong cuộc sống. Ngoại tình và lừa đảo đang dần trở thành thuộc tính của rất nhiều người, già cũng có và trẻ cũng có.
Sự manh động và tàn độc của con người ngày ghê rợn hơn. Giết người không còn là chuyện hiếm. Nhiều mạng người vô cớ bị cướp đi oan uổng. Xã hội bất an vì thói côn đồ ngày càng lộng hành. Cái thiện thoi thóp vì sự rớt giá của đạo đức.Cái chân phải ẩn mình vì sự lên ngôi của thói giả dối. Đồng chí, đồng nghiệp cũng phải nghi ngờ nhau vì thói đố kỵ và bản năng tranh giành.
Chúng ta đang ở trong tình thế “họa vô đơn chí”. Thảm họa môi trường và khủng hoảng đạo đức song hành. Khủng hoảng nhân tính là nguồn gốc của thảm họa môi trường.
Nguồn gốc sâu xa của tình trạng này là bởi chúng ta chúng ta chưa có một môi trường xã hội có kỷ cương. Mấy chục năm vội vàng chạy theo tăng trưởng nóng, bon chen, kèn cựa nhau trong khủng hoảng và thiếu thốn, trong cơ chế thị trường chưa minh bạch, lại bị các nhà tư bản nội – ngoại cố tình “chơi bẩn”, chúng ta đã quên đi công việc hàng đầu là kiến tạo một nhà nước pháp quyền mạnh mẽ và tiến bộ, hiện đại và nhân văn để trân trọng và nuôi dưỡng các phẩm chất Người, làm cho các giá trị nhân bản tỏa sáng, xóa đi hết các góc tối tăm của bản năng thấp hèn có thể có trong mỗi con người, trong cả xã hội. Chúng ta cũng chưa có các chế tài thật mạnh mẽ và hiệu quả để ngăn chặn và trừng trị những kẻ tàn phá môi trường.
Mỗi một thảm họa có một cách khắc phục khác nhau. Nhưng nguyên tắc chung là phải bắt đầu từ Con người và sự tồn tại xã hội của nó với tư cách là công dân của một Nhà nước. Không chỉ có kêu đòi hoặc thuyết giảng mà cái Ác, cái Xấu biến mất để nhường chỗ cho cái Thiện, cái Chân mà phải có Luật pháp để ngăn ngừa và tiêu diệt cái Ác, bảo vệ và tôn vinh cái Thiện. Muốn vậy phải có một Nhà nước hiện đại, tiến bộ, văn minh; một nhà nước minh bạch, biết phục vụ dân và biết kiến tạo các giá trị nhân văn, tiên tiến, bền vững.
Thảm họa môi trường đang thử thách ý chí, tài năng và đạo đức của người Việt Nam.