Diễn đàn

Góp ý đặt và đổi tên đường phố ở TP Vinh

VHNA: Tên đường/phố của một đô thị phản ánh lịch sử và truyền thống văn hóa không chỉ của đô thị đó mà còn là của cả một cộng đồng rộng lớn hơn, của một tỉnh, một vùng, của cả nước. Và nó thể hiện nhận thức và tâm thức văn hóa của cộng đồng, trong đó có các nhà quản lý, quy hoạch đô thị, và tầng lớp trí thức của cộng đồng đó. Tên đường/phố không chỉ đơn thuần là dấu hiệu để chỉ về một con đường, một khu phố mà còn ẩn chứa những giá trị tinh thần, thể hiện tâm tính của cộng đồng. TP Vinh đang thực hiện đặt mới và đổi tên đường phố.

Đây là một việc lớn, và bởi vậy mà nó khó, nên cần nhiều trí tuệ của mọi người. Với lẽ đó, chúng tôi trân trọng kính mời mọi người, bất kể là ai, người Nghệ hay không phải là người Nghệ, ở Nghệ hay không ở Nghệ, hãy dành một chút quan tâm đến công việc này và có những ý kiến đóng góp, dù nhiều hay ít, để cho TP Vinh thân thiện, nhân ái, trí tuệ và sang trọng ngay từ mỗi tên đường, tên phố. 

Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp gửi về địa chỉ: Tạp chí Văn hóa Nghệ An - 36A - Nguyễn Đức Cảnh - TP Vinh - Nghệ An. Email: tapchivanhoanghean@yahoo.com 

Những năm qua, sau nhiều đợt, thành phố Vinh đã đặt tên được gần 400 đường phố. Cùng với  công trình kiến trúc đô thị, hệ thống đường chiếu sáng, công viên, cây xanh, hồ nước, tên đường phố đã góp phần vào văn minh đô thị; gợi nhớ giáo dục lòng yêu nước, yêu quê hương, tri ân các danh nhân lịch sử trong tiến trình dựng nước và giữ nước.

Tuy nhiên, trong việc đặt tên đường phố, theo tôi, còn bộc lộ một số khiếm khuyết hoặc chưa hợp lý. Chẳng hạn như: chưa hài hòa cân đối giữa tên danh nhân với sự kiện, địa danh lịch sử văn hóa. Tên đường phố nên phong phú hơn bằng các danh lam thắng cảnh, tên núi, tên sông, vùng đất có tiếng của quê hương; những địa danh, nhân vật gắn với thành tựu đối ngoại, hữu nghị của Nghệ An…

Một tên Lý Thường Kiệt do chưa có đoạn giữa (phường Hưng Bình) thành ra có hai đường phố (ở phường Lê Lợi và phường Hưng Phúc). Hai đường phố trùng họ tên và hiệu của một danh nhân (Đặng Thái Thân - Ngư Hải). Danh nhân mà Bộ Văn hóa Thông tin đã ra văn bản đình chỉ đặt tên (Phan Vân ở phường Lê Lợi). Một số đường phố “dích dắc” khó tìm địa chỉ như đường Hồ Sỹ Dương (phường Hưng Bình), Nguyễn Khánh Toàn (phường Hưng Phúc), Tôn Thất Thuyết (phường Hà Huy Tập)… Vài tên đường phố quá dài trên 3000m như đường Nguyễn Trường Tộ (phường Lê Lợi, Đông Vĩnh, xã Hưng Đông), Trương Vân Lĩnh (xã Nghi Phú)…

Việc đặt tên và đổi tên các đường phố đợt tới trong bối cảnh Vinh là đô thị loại I, được mở rộng thêm, số lượng tên đường phố cần đặt là rất lớn.

Xin đề nghị đặt tên các đường phố như sau:

* Tên tỉnh Nghệ An xưa: Hoan Châu, Hoan Diễn, Nghĩa An, An Tĩnh.
* Tên núi: Bắc Trường Sơn (bắt đầu dãy Trường Sơn hùng vĩ), Puxailaileng (cao 2711m, đỉnh núi cao nhất tỉnh), Pù Hoạt (Quế Phong), Kim Nhan (Anh Sơn), Tháp Bút (Thanh Chương), Đại Huệ (Nam Đàn), Thần Vũ (Nghi Lộc)…
* Tên sông: Sông Lam, sông Hiếu, sông Giăng, sông Bùng, Hoàng Mai…
* Vùng đất có tiếng: Phủ Quỳ (vùng đất đỏ bazan có bề dày lịch sử lâu đời), Pù Mát (vườn quốc gia, khu rừng nguyên sinh lớn nhất trong cả nước).
* Biển đảo: Biển Đông, Song Ngư, Đảo Mắt.
* Cửa khẩu quốc tế: Nậm Cắn (Kỳ Sơn), Thanh Thủy (Thanh Chương), Thông Thụ (Quế Phong).
* Di chỉ khảo cổ: Thẩm ồm (Quỳ Châu, dấu tích người Việt cổ), Làng Vạc (Thái Hòa, Văn hóa Đông Sơn)…
* Cội nguồn dân tộc, các vị hoàng đế có công lớn trong các triều đại: Hùng Vương, Đinh Tiên Hoàng, Lý Công Uẩn, Lê Thánh Tông, Trần Nhân Tông…
* Phong trào yêu nước chống thực dân Pháp: Cần Vương, Văn Thân, Đông Du…
* Địa danh nổi tiếng trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh: Hạnh Lâm, Võ Liệt (Thanh Chương), Thái Lão (Hưng Nguyên), Lộc Đa, Yên Dũng (thành phố Vinh)…
* Địa danh trong kháng chiến chống Mỹ: Truông Bồn, KM 0 Tân Kỳ.
* Địa danh, nhân vật gắn với cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh: Làng Sen (quê nội), Hoàng Trù (quê ngoại), Dục Thanh (Bác dạy học ở Phan Thiết), Bến Nhà Rồng (Bác ra đi tìm đường cứu nước), Pắc Bó (Cao Bằng), Ba Đình (Quảng trường Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập); Hà Thị Hy (bà nội Bác Hồ), Nguyễn Sinh Cung (thời thơ ấu), Nguyễn Tất Thành (tuổi thanh niên), Nguyễn ái Quốc (ở Pháp, Trung Quốc và Quốc tế Cộng sản…).
* Lãnh đạo Đảng và Nhà nước: Tôn Đức Thắng (Chủ tịch nước), Phạm Văn Đồng (Thủ tướng Chính phủ), Võ Nguyên Giáp (Đại tướng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam), Nguyễn Văn Linh (Tổng Bí thư Đảng)...
* Tiến sĩ Hán học: Đinh Bộ Cương (đậu năm 1467), Nguyễn Thế Bình, Phan Nhân Tường (Thanh Chương), Hồ Tông Đốn, Hồ Tông Thành (Yên Thành)...
* Nhà triết học nổi tiếng: Hồ Phi Huyền (Quỳnh Lưu).
* Nhà giáo tên tuổi: Lê Văn Miến (Nghi Lộc, thầy học của Bác Hồ).
* Anh hùng lớp đầu tiên của Nghệ An: Đặng Đình Hồ (Thanh Chương, Anh hùng lực lượng vũ trang tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ), Hoàng Hanh (Nam Đàn, Anh hùng lao động nông nghiệp)…
* Lão thành cách mạng được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta: Tôn Quang Phiệt (Phó trưởng ban Thường trực Quốc hội), Nguyễn Côn (Phó thủ tướng Chính phủ), Võ Thúc Đồng (Bộ trưởng, Phó Bí thư Khu ủy 4)…
* Tướng lĩnh: Chu Huy Mân (Đại tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước).
* Chiến sĩ cách mạng: Nguyễn Sỹ Quế (Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An).
* Nhà văn được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật: Nguyễn Minh Châu (Quỳnh Lưu).
* Chức sắc tôn giáo nhân từ, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc: Thích Diệu Niệm (Sư bà, trụ trì chùa Cần Linh, TP Vinh, đại biểu HĐND tỉnh, ủy viên Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An); Vương Đình ái (Linh mục, Giáo xứ thành phố Vinh, Phó chủ tịch ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam).
* Tên tuổi quốc tế: Karl Marx (lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản toàn thế giới), Lô giơ bai (Luật sư người Pháp, ân nhân của lãnh tụ Nguyễn ái Quốc), Cayxỏn Phômvihản (Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam), Xuphanuvông (Hoàng thân Lào, ghi dấu các công trình thủy lợi giao thông trên đất Nghệ An), Fidel Castro (Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba, người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam với câu nói nổi tiếng: Vì Việt Nam, sẵn sàng hiến cả máu của mình).
* Các tỉnh trong nước và nước ngoài kết nghĩa với tỉnh Nghệ An trong chiều dài lịch sử: Quảng Ngãi (kết nghĩa từ năm 1960), Xiêng Khoảng (nước CHDCND Lào), Hồ Nam (Trung Quốc, quê hương Chủ tịch Mao Trạch Đông), Ulianốp (CHLB Nga, quê hương V.I. Lê Nin).
Đề nghị bố trí tên đường phố đặt ở nơi nào, cần hợp lý ở mức tối đa có thể được. Chẳng hạn như đường Nguyễn Du đặt ở tuyến đường đi sang Nghi Xuân - Hà Tĩnh, đường phố Nguyễn Sinh Sắc trên đường đi lên quê Bác, đường phố Tuệ Tĩnh đi qua bệnh viện Y học cổ truyền, đường phố Tôn Thất Tùng đi qua bệnh viện Nhi, đường phố Lê Mao đi qua Thành ủy Vinh… là rất hợp lý.
Các quốc lộ 1, 46, đường tránh Vinh, đường sinh thái ven sông Lam đều cần phân đoạn để đặt tên.
Đề nghị bỏ đoạn phố Lý Thường Kiệt qua phường Hưng Phúc, chỉ để đoạn phố qua phường Lê Lợi do đoạn giữa qua phường Hưng Bình chưa thông tuyến. Chọn một trong hai tên đường phố Đặng Thái Thân hoặc Ngư Hải. Đường phố Nguyễn Trường Tộ, Trương Vân Lĩnh nên chia đôi để đặt thêm tên danh nhân hoặc danh lam thắng cảnh. Đổi tên đường Phan Vân nếu văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin còn hiệu lực, hoặc có sự giải trình khác. Đường phố 46 (Nghi Phú - Nghi Kim nên thay bằng tên khác vì đó là tên của cả một quốc lộ)…
Rất mong các cơ quan có thẩm quyền lắng nghe ý kiến của nhân dân để có quyết định khoa học trong việc đặt và đổi tên đường phố ở thành phố Vinh đợt này.


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511150

Hôm nay

2149

Hôm qua

2359

Tuần này

21524

Tháng này

218023

Tháng qua

121356

Tất cả

114511150