Diễn đàn

Tuổi trẻ với Quốc hội

Lời tòa soạn: Ngày 22/5/2016, cử tri cả nước sẽ tham gia bỏ phiếu bầu cử Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 – 2021. Trước thềm bầu cử, những người trẻ tuổi nghĩ gì về Quốc hội và mong muốn điều gì ở các đại biểu Quốc hội? Họ có nhận thức được vai trò quan trọng của Quốc hội và có thờ ơ với vấn đề này hay không? Để biết được điều đó, VHNA đã phỏng vấn các bạn trẻ về chủ đề này. Lắng nghe ý kiến của họ mới thực sự  thấy giới trẻ ngày nay không thờ ơ với chính trị - xã hội, với các vấn đề trọng đại của đất nước như nhiều người vẫn nghĩ. Họ có trách nhiệm và mong muốn được đóng góp để xây dựng đất nước tiến bộ, văn minh hơn.

Lương Phan Khánh Linh (Tp.Vinh- Nghệ An)- sinh viên Cao học về An ninh con người - Đại học Aarhus - Đan Mạch

Trong vài năm gần đây, tôi tương đối ấn tượng với sự thay đổi của Quốc hội Việt Nam, cởi mở hơn, tích cực hơn và gần với quần chúng hơn. Năm 2012, tôi cho rằng Quốc hội đã có một bước tiến lớn khi bắt đầu nói về chuyện hôn nhân đồng giới. Hiện tại chỉ mới có 15 nước trên thế giới công nhận hôn nhân đồng giới, và quốc hội Việt Nam từ năm 2012 đã thảo luận để nới rộng luật, bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng LGBT. Đó là điều thực sự mới mẻ. Trong một xã hội dân chủ, Quốc hội là nơi phản ánh nguyện vọng và tiếng nói của quần chúng nhân dân. Nếu theo dõi  sự phát triển của các phong trào chính trị, xã hội trong nước và hoạt động của Quốc hội sẽ thấy có sự liên đới chặt chẽ. Chính vì thế tôi nghĩ rằng Quốc hội Việt Nam đang từng bước hoàn thiện, và đóng vai trò không thể thiếu trong việc xây dựng một Việt Nam tốt đẹp hơn. Để Quốc hội hoạt động hiệu quả cần đặc biệt quan tâm đến đại biểu Quốc hội. Họ là những người đại diện cho tiếng nói của quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, đại biểu QH Việt Nam trước giờ vẫn mang tiếng là thụ động và chưa tận dụng được hết thế mạnh của mình. Là người tiếp thu nguyện vọng của nhân dân, tham gia quá trình lập pháp, đáng lẽ tiếng nói của họ phải có tầm ảnh hưởng lớn hơn trong quần chúng nhưng dường như quần chúng thích like và follow facebook của blogger mạng xã hội hơn là đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó tôi không phủ nhận hiện nay có nhiều đại biểu Quốc Hội  rất trẻ và tích cực. Tôi nghĩ, để quốc hội hoạt động hiệu quả hơn, các đại biểu phải gần gũi với quần chúng và đa dạng trong thành phần, tiếng nói hơn. Khi tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử, tôi biết các ứng cử viên phần nhiều còn lúng túng khi bày tỏ quan điểm và chương trình hành động của mình với tư cách là đại biểu quốc hội. Những giới thiệu tiểu sử dài dòng, khô khan sẽ không khiến cử tri quan tâm. Tôi mong đại biểu quốc hội có thể khiến người dân hiểu rằng khi họ bầu là bầu cho ai và kì vọng người này sẽ đưa Việt Nam phát triển tốt đẹp hơn như nào. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng nên tạo nhiều điều kiện, cơ hội hơn cho các ứng viên độc lập, tự ứng cử. Nên như thế nếu không người dân vẫn sẽ nhìn nhận QH là cơ quan của giới cầm quyền và họ không có tiếng nói ở đấy, vẫn là Đảng cử, dân bầu.

Hoàng Kim Hoàn (Nghĩa Đàn - Nghệ An) - sinh viên trường Khoa học Chính trị, thuộc Đại học Belgrade, Serbia.

Quốc hội nước ta hiện tại bao gồm 500 đại biểu đại diện cho hơn 90 triệu người dân Việt Nam. Ngoài nhiệm vụ tham gia thảo luận và quyết định các vấn đề như: lập hiến, lập pháp; bàn bạc và quyết định chính sách, chủ trương, nhiệm vụ về kinh tế- xã hội; đường lối đối nội, đối ngoại của nhà nước; các đại biểu còn có trách nhiệm nêu những vấn đề còn tồn đọng, tâm tư, nguyện vọng của cử tri tại nơi mà đại biểu đó được bầu. Tuy nhiên, như chúng ta thấy, hiện nay, các đại biểu Quốc hội vẫn chưa thực sự làm tốt vai trò đó. Nhiều vụ việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, quyền lợi của người dân nhưng các đại biểu quốc hội vẫn chưa quan tâm sâu sát, nắm bắt tình hình một cách chính xác khách quan để bảo vệ công lý, bảo vệ quyền lợi của người dân. Tôi nghĩ để QHVN hoạt động hiệu quả hơn, ĐBQH cần phải hoạt động một cách tích cực hơn nữa để lá phiếu bầu của cử tri có giá trị. Đặc biệt, chúng ta cần phải “trẻ hoá” Quốc hội, điều đó có nghĩa là chúng ta cần phải làm sao tăng thêm số lượng ĐBQH là các tầng lớp tri thức trẻ, có tài, có đức và đặc biệt có tâm huyết để xây dựng đất nước, Tổ Quốc mình ngày một giàu mạnh đi lên.

 

Mai Thị Diệu Hải – Nhân viên văn phòng- Hà Nội

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.QH có vai trò lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Quyền lực sẽ đi cùng trách nhiệm: Quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn. Chính vì thế, tôi nghĩ, các đại biểu Quốc hội cần chứng minh rằng nhân dân đã bầu ra những đại biểu xứng đáng đại diện cho quyền lợi hợp pháp của mình.Đại biểu QH được bầu ra từ lá phiếu của người dân nên họ chính là những người đại diện cho quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Thay vì chỉ sử dụng các bản báo cáo từ  cấp dưới, các đại biểu nên “vi hành” để nhìn, lắng nghe, cảm nhận cuộc sống thường ngày của người dân. Hơn nữa, các đại biểu nên đặt mình vào vị trí của người dân, có như vậy những lời phát ngôn hay những bản báo cáo sát thực tế. “Lật thuyền mới biết dân là nước”. Muốn Quốc hội hoạt động hiệu quả thì đại biểu QH phải thực sự lắng nghe và nhìn ra sức mạnh của nhân dân.

Luật sư Nguyễn Hữu Sơn (TP. Vinh – Nghệ An)- Đoàn luật sư tỉnh Nghệ An

Quốc hội có vai trò, chức năng quan trọng quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước nên tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò, chất lượng của các đại biểu Quốc hội. Chất lượng của đại biểu Quốc hội quyết định đến chất lượng hoạt động của Quốc hội. Chính vì thế việc bầu lên những đại biểu này cần được tiến hành một cách nghiêm túc, kỹ càng. Tôi thấy mặc dù chất lượng đại biểu đã dần được nâng lên qua các nhiệm kỳ nhưng để nói đai biểu quốc hội đã đại diện được ý chí, nguyên vọng, nói lên được tâm tư của nhân dân, của cử tri thì còn là một khoảng cách lớn. Các đại biểu quốc hội còn mang tính hình thức nhiều, chưa thể hiện được vai trò là người đại diện của  cử tri. Các vấn để nóng, nổi cộm trong đời sống xã hội mà cử tri đặt ra trong các cuộc tiếp xúc cử tri vẫn chưa được giải quyết. Ý thức của một số đại biểu trong các kỳ họp chưa thật sự nghiêm túc. Thời gian vừa qua đã có nhiều đại biêu ngủ gật trong kỳ họp, thật là một hình ảnh phản cảm. Bên canh đó, cũng đã có rất những đại biểu dám nói thẳng vào các vẫn đề còn tồn tại và cần giải quyết để quốc hội có thể định hướng đưa ra phương án giải quyết. Theo bản thân tôi, để nâng cao chất lượng đại biểu quốc hội, chúng ta cần có nhưng ứng cử viên có tâm, có tầm, dám nói, dám làm, không né tránh các vấn đề quan trọng hoặc nhạy cảm. Đặc biệt họ phải thật sự gần dân, lắng nghe dân và vì dân.

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512718

Hôm nay

2255

Hôm qua

2400

Tuần này

2655

Tháng này

219591

Tháng qua

121356

Tất cả

114512718