Diễn đàn

Sự cố môi trường biển và trách nhiệm của tuổi trẻ

 Thời gian qua, vụ việc cá chết hàng loạt tại biển miền Trung đã thu hút sự chú ý của dư luận và chắc chắn, là con dân nước Việt, không ai có thể thờ ơ trước nỗi đau này. Thông tin vụ việc liên tục được cập nhật và phản ánh nhiều chiều gây ra không ít hoang mang, nghi ngờ trong dân chúng. Đặc biệt mạng xã hội là một kênh phát tán thông tin nhanh và khó kiểm chứng khiến cho tình hình càng trở nên phức tạp. Trước thực trạng đó, để tạo điều kiện cho các bạn trẻ trực tiếp và chính thức bộc lộ quan điểm của mình về vụ việc, Diễn đàn trẻ của VHNA số này đề cập đến chủ đề: Sự cố môi trường biển và trách nhiệm của chúng ta. Trân trọng mời các bạn đón đọc và tiếp tục gửi ý kiến về email trangdoanphan1412@gmail.com.

Nguyễn Trần Đăng - Trưởng phòng Môi trường, Công ty TNHH một thành viên Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường – TP. Vinh

Tôi không được tham gia trực tiếp các đoàn nghiên cứu và kiểm tra nên không thể nắm bắt được toàn bộ thông tin về sự việc cá chết vừa rồi. Tuy nhiên, dưới góc độ chuyên môn và tổng hợp thông tin trên các báo, tôi cho rằng hiện tượng cá chết trong tháng 4 vừa qua là hiếm gặp, bất thường. Đúng là các cơ quan chức năng đã chậm trễ trong việc xử lý nhưng đây là câu chuyện không đơn giản để tìm ra nguyên nhân. Thực tế, ô nhiễm trên một vùng biển khó xác định nguyên nhân hơn so với trên sông, hồ … vì chất thải có thể từ nhiều nguồn khác nhau. Theo một số thống kê, 30% nguồn thải xuống biển là từ các hoạt động ven biển (các khu công nghiệp, nhà máy, khu du lịch, sử dụng phế thải, phá dỡ tàu hỏng…), 70% từ hoạt động của con người ở đất liền. Do đầu tư môi trường tốn kén nên để có lợi nhuận cao, các doanh nghiệp hầu như ai cũng có ý định xả “chui” để giảm chi phí. Do đó hiện chỉ có 42% khu công nghiệp của chúng ta có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Như vậy bạn tưởng tượng lượng chất ô nhiễm từ đất liền đổ ra biển lớn như thế nào. Về nguyên nhân cá chết, tôi nghiêng về nhận định có sự gia tăng của một số loại chất gây độc trong môi trường nước.

Bên cạnh gây ảnh hưởng đến đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, du lịch, việc này còn gây mất lòng tin của người dân. Tôi được biết hiều nơi, ngư dân không dám đi biển; hải sản, du lịch biển bị tẩy chay; người dân tích trữ hàng tạ muối, hàng chục lít nước mắm… Đại dương có thể tự khắc phục hậu quả nhanh nếu chúng ta chặn đứng được các nguồn gây ô nhiễm nhưng sẽ mất khá lâu để củng cố lòng tin của nhân dân. Hiện tại chúng ta đang để cho con cháu những món nợ lớn về môi trường. Để đảm bảo phát triển bền vững, tôi nghĩ bên cạnh thực hiện đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước, chúng ta phải làm được như phát biểu mới đây của Thủ tướng Chính phủ. Đó là mọi cơ quan đều phải liêm chính, nghĩa là anh không bị bất kỳ yếu tố gì khác chi phối, phải thực sự vì người dân, vì tương lai. Cần có một khuôn khổ pháp luật và các công cụ đủ mạnh hơn nữa để ngăn chặn từ đầu, giám sát tuân thủ thường xuyên. Năm 2015, Quốc hội khóa XIII đã bổ sung các tội danh liên quan đến gây ô nhiễm môi trường vào Bộ Luật Hình sự. Chính phủ cũng đã có Nghị định số 179/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Nguyên tắc chung của Việt Nam cũng như thế giới hiện tại vẫn áp dụng quy tắc “PPP”, nghĩa là “người gây ô nhiễm phải bồi thường”. Tuy nhiên, việc thanh kiểm tra hầu như chỉ tập trung tại các cơ sở “nổi cộm”. Chúng ta cũng chưa khởi tố được nhiều vụ án liên quan đến môi trường mặc dù sai phạm thì có thể nói sờ vào cơ sở nào cũng có. Tôi nghĩ trước một sự việc có tính chất ảnh hưởng lớn như hiện tượng cá chết vừa qua, sẽ không có bất kỳ đơn vị nào được chiếu cố nếu gây ra ô nhiễm.

Là một kỹ sư môi trường, tôi mong muốn các cơ quan chức năng cần có phản ứng nhanh hơn, mỗi cán bộ chuyên môn phải tạo niềm tin cho người dân hơn. Chúng ta không nên để những sự so sánh kiểu như thủ tướng Abe ăn cá, Tổng thống Obama uống nước là những hành động đẹp, trong khi các đồng chí lãnh đạo của ta khi ăn hải sản tại các vùng biển “có vấn đề” lại bị xem là “diễn”. Niềm tin là quan trọng như vậy.

Nguyễn Thị Luyến – Tạp chí sông Lam

Điều cần nhất là thông tin chính xác, kịp thời cho người dân lại không có. Theo tôi, trách nhiệm trước hết ở chính quyền sở tại – nguồn cung cấp “thông tin chính thống” cho các kênh báo chí. Thứ nữa, là trách nhiệm ở báo chí – kênh phát tán, đưa tin về thực trạng sự việc. Tôi đã mong muốn: ngay và luôn, sau khi nhận được báo cáo về hiện tượng cá chết từ người dân và tự đi kiểm tra thực trạng, cơ quan chức năng địa phương có thể gấp rút báo tình hình lên trung ương; thành lập hội đồng nghiên cứu khoa học uy tín tìm hiểu nguyên nhân sự việc để đi đến một kết luận chân thực, rõ ràng, đáng tin cậy và thống nhất. Các kênh báo chí-truyền hình cần có được kết luận thống nhất đó để tránh tình trạng “suy đoán nguồn tin”, “dự đoán sự việc”… Điều cần thiết tiếp theo mà tôi nghĩ nhiều người mong muốn là nhanh chóng xử lý/giải quyết tình trạng cấp bách, vì, không chỉ riêng cá chết, kéo theo ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn sống của bà con ngư dân, du lịch, ẩm thực mà còn là nhiều vấn đề về môi trường biển. Đó là điều cần làm hơn là ăn để chứng tỏ hải sản an toàn! Bản than tôi tin rằng, những nhà đầu tư, họ lường trước được những tác động đến môi trường. Tuy nhiên, cách họ làm rõ ràng là không có sự hòa hợp nào với thiên nhiên. Người ta đưa ra rất nhiều những khẩu hiệu về môi trường, nhưng trong số những người đọc to khẩu hiệu, có ai ngẫm kỹ và quyết tâm thực hiện vì tấm lòng với thiên nhiên? Hãy đối với thiên nhiên, như đối với người mà bạn yêu thương nhất!

Nguyễn Thanh Truyền, GV trường THCS Hoàng Xuân Hãn, Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Có lẽ không có ai bàng quan trước hiện tượng hải sản chết hàng loạt ở vùng biển miền Trung vừa rồi. Hiện nay, cuộc sống của những ngư dân  bám biển rơi vào tình cảnh bất ổn. Bữa ăn của mỗi gia đình, trong lúc thực phẩm bẩn tràn lan thị trường, có thêm một mối bận tâm/ cân nhắc (từ món cá biển, từ giọt nước mắm, đến từng hạt muối…). Những tổn thất về kinh tế, tâm lý xã hội tất yếu xảy đến như hiệu ứng domino. Vậy mà đến nay nguyên nhân vẫn chưa được chính thức công bố. Theo tôi, con người không thể vô can trước những thay đổi của môi trường. Nhưng không có “con người” chung chung. Trước môi trường, lỗi và trách nhiệm của mỗi chúng ta đều rất cụ thể. Tôi đồng tình với quan điểm của Thủ tướng tại buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hiện tượng hải sản chết bất thường, rằng: "Dù bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào vi phạm pháp luật đều phải điều tra làm rõ trên cơ sở khoa học, không ai được bao che". Tôi nghĩ, để phát triển bền vững, chúng ta phải kính trọng Mẹ Thiên Nhiên. Mọi hành động của con người từ chính sách, chiến lược, dự án,… đều cần phải quan tâm điều đó. Trong nhà trường, từ lớp 6, các em học sinh của chúng tôi đã được học một văn bản về thiên nhiên và môi trường có tên “Bức thư của thủ lĩnh da đỏ”. Đây là một đoạn trích mà tôi nghĩ trong bối cảnh này ai cũng nên đọc lại: "...Tôi đã chứng kiến cả ngàn con trâu rừng bị chết dần chết mòn trên những cánh đồng trơ trọi vì bị người da trắng bắn mỗi khi có đoàn tàu chạy qua. Tôi là kẻ hoang dã, tôi không hiểu nổi tại sao một con ngựa sắt nhả khói lại quan trọng hơn nhiều con trâu rừng mà chúng tôi chỉ giết để duy trì cuộc sống. Con người là gì, nếu cuộc sống thiếu những con thú? Và nếu chúng ra đi, thì con người cũng sẽ chết dần chết mòn vì nỗi buồn cô đơn về tinh thần, bởi lẽ điều gì sẽ xảy đến với con thú thì cũng chính xảy ra đối với con người. Mọi vật trên đời đều có sự ràng buộc. [....] Con người chưa biết làm tổ để sống, con người giản đơn là một sợi tơ trong cái tổ sống đó mà thôi. Điều gì con người làm cho tổ sống đó, tức là làm cho chính mình.”

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512717

Hôm nay

2254

Hôm qua

2400

Tuần này

2654

Tháng này

219590

Tháng qua

121356

Tất cả

114512717