Diễn đàn

Trách nhiệm phản biện, chống tiêu cực của báo chí

Báo chí là một nghề đầy sức hấp dẫn nhưng cũng lắm thử thách, đòi hỏi người theo đuổi phải thực sự đam mê, yêu nghề, có đạo đức, trách nhiệm và bản lĩnh. Hiện nay, chúng ta đang đối mặt với thực trạng đáng buồn là không ít tờ báo chạy theo lợi nhuận, đăng tải tin tức nhảm nhí, vô bổ; không ít PV, nhà báo có biểu hiện tha hóa, xuống cấp về đạo đức. Một bộ phận không nhỏ lại lựa chọn im lặng trước cái xấu, ngại đấu tranh, ngại phản biện. Trước thực trạng đó, những PV, nhà báo trẻ nghĩ gì? Đâu là lựa chọn của họ? Và theo họ, báo chí có trách nhiệm như thế nào trong việc lên tiếng đấu tranh chống tiêu cực ? Để trả lời các câu hỏi đó, VHNA đã trao đổi với một số PV trẻ về chủ đề “Trách nhiệm phản biện, chống tiêu cực của báo chí”.Trân trọng mời độc giả đón đọc và tiếp tục gửi ý kiến, đăng ký tham gia diễn đàn và gợi ý chủ đề cho các số tiếp theo về email trangdoanphan1412@gmail.com.

Ngụy Hải An – PV báo Hà Nội mới – Trách nhiệm của báo chí là hướng tới những giá trị nhân văn

Tôi cho rằng những người làm truyền thông, mà ở đây cụ thể là phóng viên hay nhà báo, đều là những người có vai trò định hướng dư luận. Trách nhiệm của chúng ta không chỉ là bảo đảm thông tin mà còn phải hướng tới những giá trị nhân văn. Đáng tiếc hiện nay, một thực tế đang hiện hữu là sự suy đồi đạo đức của người làm báo. Hiện tượng này biểu hiện ở nhiều góc độ như: không tuân thủ những chuẩn mực của nghề (tính trung thực của thông tin, câu chữ…); người làm báo dễ dãi với bản thân (làm tin cầu thả, bài viết một chiều, ít chất lượng…), không đặt giá trị nhân văn, lợi ích của người đọc lên trên mà coi trọng lợi nhuận,… Đặc biệt, tình trạng các báo chạy theo xu hướng giật tít câu view, lôi kéo người đọc bằng những câu chuyện giật gân, nhảm nhí đang khiến độc giả và những người làm nghề có trách nhiệm bức xúc. Để khắc phục tình trạng trên, theo tôi, không có cách nào khác là phải rà soát lại đội ngũ làm nghề. Các trang báo phải tự chấn chỉnh lại mình. Báo chí nhất định phải có tiếng nói phản biện, lên tiếng đấu tranh chống cái xấu, cái tiêu cực. Tuy nhiên, lên tiếng như thế nào là điều những người làm báo phải chọn lựa kỹ càng. Việc phê phán hay phản biện phải xuất phát từ thiện ý. Trách nhiệm của chúng ta là tôn trọng tính chân thực của thông tin, phản ánh khách quan thực tế cả xấu và tốt. Bởi so với khen để cổ vũ cái tốt, thì chê để thức tỉnh nhận thức của người đọc về cái xấu cũng quan trọng không kém.

Nguyễn Viết Ngọc Tú – PV báo điện tử Tri thức trẻ - Đã làm báo là phải có tính phản biện.

Đã làm báo là phải có tính phản biện. Nó góp phần làm “sạch” và đẹp hơn cho xã hội. Nếu nhà báo không có tính phản biện, báo chí không mạnh mẽ lên tiếng thì những vấn đề xấu, những sự việc tiêu cực mãi mãi nằm trong bóng tối mà không được đưa ra ánh sáng. Nếu như thế thật thì quả là nguy hiểm và báo chí dường như không còn có ý nghĩa. Để báo chí đạt được tính phản biện sâu sắc và hiệu quả, các nhà báo trước khi xác định bước vào nghề, cần phải chuẩn bị cho mình những kiến thức cơ bản về xã hội và phải trau dồi những tố chất cần thiết. Đó là bản lĩnh, sự xông pha và thực sự yêu nghề. Bản lĩnh để dám đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác. Bản lĩnh để không bị các đối tượng xấu lợi dụng hay bị dụ dỗ, mua chuộc. Xông pha, không ngại gian khó, để tìm hiểu sự thật. Đặc biệt, phải yêu nghề thì mới có thể chịu đựng được các áp lực để “sống” được với nghề.

Nguyễn Phương Anh – PV Tạp chí sông Hương - Báo chí phải luôn nhìn thẳng vào sự thật

Thời gian qua, tôi thấy, có một sự thay đổi tích cực đối với các tạp chí trong nước. Nhiều tạp chí đã không chỉ chủ động mở ra những chuyên đề có tính học thuật cao mà còn bám sát các vấn đề nhức nhối trong đời sống xã hội để có tiếng nói phản biện sắc sảo. Đó là một hướng đi hợp lý bởi báo chí không thể đứng ra ngoài dòng chảy của cuộc sống. Báo chí phải là tiếng nói vì nhân dân, vì sự phát triển của đất nước, do đó, lẽ dĩ nhiên, bên cạnh ngợi ca, nó phải đấu tranh chống tiêu cực, phải phản ánh cả những thành công lẫn những hạn chế, khó khăn, thất bại. Báo chí phải luôn nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật,  phản ánh mọi mặt hoạt động của đời sống xã hội một cách chân thật, khách quan, đúng bản chất. Muốn phản biện hiệu quả, tôi nghĩ, người làm báo phải đưa ra chứng cứ, luận điểm chính xác và thuyết phục, không làm việc theo cảm tính. Có như thế mới được dân tin tưởng. Hiện nay, khi lên tiếng một vấn đề nhạy cảm, phản ánh cái xấu, cái tiêu cực, một số nhà báo vẫn đang còn gặp nguy hiểm. Dù một nhà báo có tâm luôn không ngại hiểm nguy đi tìm ra những chứng cứ xác thực để truyền đạt thông tin đến độc giả một cách chính xác nhất nhưng cũng cần có cơ chế để bảo vệ cho nhà báo để họ có thể an tâm làm đúng chức năng, trách nhiệm của mình.  

Kiều Mai Sơn – Báo Nông Nghiệp Việt Nam - Cái roi phê bình chống tiêu cực

Báo chí phản ánh xã hội ở cả hai mặt: tích cực và tiêu cực. Thường thì, viết về cái xấu, cái tiêu cực hay được chú ý trên mặt báo hiện nay. Một thời gian, mở tờ báo ra là phải đọc những tin bài với chủ đề “cướp, giết, hiếp” hoặc “tình, tiền, tù, tội”. Có khi khai thác quá đà, cơ quan quản lý buộc phải “thổi còi”, trở về vạch xuất phát. Theo tôi, người làm báo vừa có trách nhiệm chỉ ra cái xấu, cái tiêu cực trong xã hội, đồng thời cũng vừa gợi mở hướng giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Tôi nói gợi mở vì báo chí không có chức năng làm thay cơ quan Nhà nước. Nhiều người nhầm vai, thấy mình công tác ở cơ quan báo chí thì trong bài viết đã buộc tội nhân vật trước cả cơ quan tố tụng, cụ thể ở đây là Tòa án Nhân dân các cấp. Người làm báo không ngần ngại cất tiếng nói phản biện trước những hiện tượng xấu, tiêu cực trong xã hội. Tuy nhiên, tôi muốn lưu ý rằng, dù chỉ ra cái xấu, dù phản biện những chuyện tiêu cực, thì người làm báo cũng vẫn phải bám sát sự thật, không thổi phồng, bóp méo, hay bôi đen câu chuyện mà mình phản ánh. Ở đây, cũng cần nói thêm rằng, những người làm báo khi tham gia đấu tranh chống tiêu cực chưa được hệ thống văn bản pháp luật coi là đi làm công vụ. Điều đó khiến cho nhiều người chán nản sau những va chạm và đó cũng chính là một trong những lý do làm cho nhiệt huyết của những người tham gia chống tiêu cực giảm dần. Cần lắm, những cái roi phê bình chống tiêu cực của báo chí. Tuy nhiên, như bạn đọc thấy, bên cạnh những bài phê bình thẳng thắn, không khoan nhượng các mặt tiêu cực đã và đang xảy ra trong một số đề tài văn hóa - xã hội mà tôi viết; cũng có không ít bài tôn vinh những gương sáng của người trí thức trong cuộc sống. Bởi tôi muốn nhấn mạnh, trong xã hội dù cái xấu, tiêu cực luôn tồn tại, nhưng cái đẹp vẫn cứu rỗi chúng ta. Cuộc sống vốn luôn cân bằng như vậy!

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512723

Hôm nay

2260

Hôm qua

2400

Tuần này

2660

Tháng này

219596

Tháng qua

121356

Tất cả

114512723