Theo văn bia cúng ruộng từ đường dựng tại quê, do chính Mặc Trai soạn (2), đã cho biết chỉ hai năm sau khi thi đỗ đại khoa, vào năm Nhâm Ngọ (1702), ông đã được triều đình bổ dụng giữ chức Tham chính tỉnh Sơn Tây, là chức quan trên Tri huyện, vào hàng tứ phẩm. Sau đó, đến năm Giáp Thân (1704), ông được cử làm Đốc trấn Cao Bằng. Việc chúa Trịnh Căn cử Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn giữ chức Đốc trấn Cao Bằng là thể hiện sự tin tưởng đánh giá cao của triều đình về tài đức của ông. Sử sách đã cho biết năm Ất Mùi, niên hiệu Vĩnh Thịnh (1715), sau khi ông Đinh được cử làm Phó sứ sang Trung Quốc, thì chúa Trịnh Cương cử người bạn đồng khoa và đồng liêu với ông là Tiến sĩ Nguyễn Công Hãng giữ chức Đốc trấn Cao Bằng. Sách “Lịch triều tạp kỉ” - (LTTK) (3) cho hay: lúc đầu ông Hãng không muốn đi. Nhưng chức Đốc trấn Cao Bằng vốn có tiếng là chức quan “béo bở”. Chúa Trịnh muốn đem món quan lộc ấy đãi Nguyễn Công Hãng, nên mới cho Hãng đi. Quả nhiên, đến năm Đinh Dậu, niên hiệu Vĩnh Thịnh (1717), tức chỉ hai năm sau, Đốc trấn Nguyễn Công Hãng đã được chúa Trịnh Cương vời về Kinh để giữ chức Binh bộ hữu thị lang, hàm tam phẩm và sang năm sau (1718), ông Nguyễn lại được cử làm Chánh sứ, dẫn đầu đoàn sứ bộ ta sang Trung Quốc, để cáo phó việc tang vua Lê Hy Tông và cám ơn vua Thanh đã chấp thuận thay đối, miễn giảm việc triều cống mà đoàn sứ bộ trước đó, do Đinh Hoàng giáp làm Phó sứ đề xuất. Sự việc kể trên của ông Nguyễn Công Hãng, cũng tương tự trường hợp Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn chục năm trước đó, giúp chúng ta biết ông Đinh Nho Hoàn là một nhà khoa bảng có đức, tài nên cũng được vua chúa ưu ái, trọng vọng, đề cử, cất nhắc làm Đốc trấn Cao Bằng và sau đó rút về triều giữ chức Phó sứ trong đoàn sứ bộ nước ta năm Ất Mùi (1715) sang Trung Quốc.
Cao bằng thời bấy giờ là vùng biên ải quan trọng của nước ta, thường xảy ra tranh chấp biên giới và luôn bị bọn phỉ từ Trung Quốc tràn sang cướp phá. Theo tấm bia “ Hoa thương” cho biết, thì trong thời gian Đinh Hoàng giáp giữ chức Đốc trấn tỉnh này, người Hoa tỏ ra kính trọng, biết ơn ông đã tạo điều kiện thuận lợi để họ giao thương buôn bán với nước ta được phát đạt. Điều này chứng tỏ rằng kinh tế Cao Bằng thời ông Đinh làm Đốc trấn phát triển, tình hình xã hội cũng ổn định, nạn cướp bóc không còn hoành hành. Đây chính là một đóng góp có ý nghĩa cho nhân dân, đất nước của Đinh Hoàng giáp trong thời gian đảm nhận chức vụ Đốc trấn.
Dưới thời chúa Trịnh Cương, việc tuyển chọn các đoàn sứ bộ nước ta sang bang giao với Trung Quốc đặc biệt được coi trọng. Các vị Chánh Phó sứ đều tuyển chọn trong số đại quan tại triều, đỗ Tiến sĩ trở lên, có tài năng, đức độ và uy tín cao. Qua tờ “khải” của Tiến sĩ Nguyễn Công Hãng đã giúp chúng ta biết ít nhiều về tiêu chuẩn những người được cử đứng đầu các đoàn sứ bộ thời kì này: “… Sự khinh trọng há phải vì một kẻ sứ giả, mà thực quan hệ ở chổ làm cho nước láng giềng xa lạ phải trọng hay khinh. Cho nên tất phải kén sứ giả là những người biện luận giỏi, hiểu biết nhiều, nay là cầu những bậc trọng thần có đức tốt… Vậy nếu không phải là bậc chân tài đặc biệt, khác thường thì sao đủ đáp ứng những mĩ ý ân cần khẩn khoản (của chúa) trong sự tuyển lựa sứ giả…“(LTTK- Sđd- Tr. 276). Bởi thế, việc Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn được cử làm Phó sứ của đoàn sứ bộ ta năm Ất Mùi (1715) sang Trung Quốc, chứng tỏ ông là một trọng thần được triều đình tín nhiệm, đánh giá cao về tài đức, uy tín.
Tuy sử sách không thấy ghi chép cụ thể về những đóng góp riêng của Phó sứ Đinh Nho Hoàn trong chuyến ngoại giao này. Chỉ thấy tờ “khải” dâng chúa Trịnh trước khi đoàn sứ bộ do ông Đinh làm Phó sứ lên đường sang Trung Quốc. Nội dung có đoạn như sau:“Bọn thần trộm nghĩ: xưa kia việc sai thần đi sứ bắt đầu thấy chép ở Kinh thi. Các tiên vương, hiền triết nhà Chu, để tỏ tình thể tất bầy tôi, thương xót sứ giả nhọc nhằn vất vả trong khi đi đường, có thân hành làm ba chương thơ” Hoàng hoa”, phổ biến cho nhạc công, lồng vào tiếng tơ tiếng trúc, để biểu thị tấm lòng ân cần, quyến luyến. Sự việc đó được thi nhân ghi chép dùng để dạy dỗ đời sau. Rốt lại, đó là thịnh đức rộng rãi và mĩ ý trung hậu. Các đời sau sai bầy tôi đi sứ tuy có thấy chép ở sử sách, nhưng chỉ là những chuyện đem công việc mà sai làm, cốt mong để tiếp nối được tiếng tốt của cố nhân… Nước ta từ Đinh, Lý, Trần trở đi đều thông sứ giao hiếu với Trung Quốc. Về việc sai sứ đề đạt ý kiến nhà vua trong lễ bang giao, thường chỉ theo lệ, lần lượt cử người đi làm. Ý chí gắn bó đinh ninh giữa nhà vua với sứ thần, tuy rằng thỉnh thoảng cũng có, nhưng chưa thấy thể hiện ở thơ ca, phổ vào âm nhạc như kiểu văn phong rực rỡ ở đời Thành Chu!. Ngày nay, kính thấy chúa thượng (Trịnh Cương- Nv chú), chính mình trông coi mọi việc chính sự nhà nước, gây tình thân thiện với lân bang, chuyến sai sứ thần đi sứ này là lần đầu, từ khi chúa thượng lên nối nghiệp. Bọn thần sức kém tài hèn, thấy mình đội ơn được đặc biệt để ý, được tuyển lựa vào sứ bộ, trong lòng vừa mừng vừa thẹn, vì ơn rộng bao la phủ khắp kẻ dưới... Ngày bọn thần từ biệt trước thềm, đã được lời vàng ngọc dụ bảo, vỗ về, an ủi ân cần, ban cho hai bài thơ Quốc âm, trước hết khuyên bảo bọn thần nên chăm lo sứ mạng, truyền đạt ý chỉ của triều đình, thứ đến khuyên dạy phải giữ lo đắc thế trong những lời lẽ ngoại giao, cuối cùng thì mong cho hai chữ “công danh” được thành tựu. Trong thơ nhà chúa nét bút sáng như sao Khuê, tiếng thơ kêu như vàng ngọc, lời và ý đều hồn hậu, hoàn toàn, tỏ ra ân tình chu đáo, thắm thiết. Thật là duyên kì ngộ một đời và là chuyện nghìn xưa hiếm có! Bọn thần, sau khi nâng đọc, hồi hộp đến ruột gan, cảm động tận xương tủy. Thấy rằng ơn ấy sâu hơn biển cả và đức ấy nặng hơn núi cao, bọn thần dầu tan nát đến muôn thân cũng không đủ báo đáp được muôn một!... Chỉ mong thánh cung trường thọ muôn năm, lên như mặt trời, đều như mặt trăng, thế nước được vững như Thái sơn, bàn thạch, xã tắc được lâu dài mãi mãi. Bọn thần nấp bóng oai linh, ngước nhờ hồng phúc, ngõ hầu việc được xong xuôi và công được thành tựu mà thôi. Xin kính cẩn dâng tờ khải lạy tạ để nhà chúa nghe biết”. (LTTK- Sdd- Tr.216,217).
Đoàn sứ thần nước ta năm Ất Mùi (1715) sang Trung Quốc lần đầu tiên trong thời chúa Trịnh Cương trị vì, các Chánh Phó sứ đều là những bậc đại khoa, Đệ tam giáp Tiến sĩ, như Nguyễn Công Cơ, Lê Anh Tuấn, Nguyễn Mậu Áng. Riêng Phó sứ Đinh Nho Hoàn đỗ Đệ nhị giáp. Vì thế văn phong, ý tứ bài khải nói trên chắc chắn có Đinh Hoàng giáp tham gia và đóng góp ý kiến. Tuy nội dung chuyến đi sứ không thấy sử sách ghi chép. Nhưng qua các câu, chữ trong bài khải cũng cho chúng ta biết chúa Trịnh Cương đã giao cho đoàn sứ thần nước ta có trọng trách bàn bạc, tranh luận với triều đình nhà Thanh Trung Quốc nhiều vấn đề quan trọng trong quan hệ giữa hai nước thời bấy giờ. Đặc biệt lần đầu tiên trong lịch sử, nhà chúa đã ban cho đoàn sứ bộ hai bài thơ Nôm, thể hiện những chỉ dụ và đòi hỏi của nhà chúa. Nội dung hai bài thơ này nay chưa tìm thấy. Song hai bài thơ chúa Trịnh Cương ban cho đoàn sứ bộ thứ hai sau đó vào năm Mậu Tuất (1718) thì nay vẫn còn. Chúng tôi xin ghi lại đây để tham khảo:
Bài I (nguyên văn chữ Hán).
Phiên âm: “Hoàng đạo thanh di, diệu sứ tinh
Minh thời trọng tuyển, thuộc thời anh
Vân tiên chỉ xích Khâm Chu bệ
Nhật lộ tam thiên Vũ Hán tinh
Bão phụ trung thành xa thượng khuyết
Kích ngang từ sắc bá Yên Kinh
Tân ân cựu phục cung thiên chỉ
Hào phụng qui lai điệp quốc vinh.”
Dịch thơ : “Đường vua rộng, sao sứ tinh
Người mang sứ tiết thờ bình tài cao
Bút hoa dâng tới thiên trào
Dặm xa cờ rợp khác nào tiễn chân
Lòng trung cửa khuyết tới gần
Yên Kinh lừng lẫy sứ thần nước ta
Ý trời ơn mới ban ra
Đem về thắng lợi nước nhà vẻ vang.”
( Hương Nao dịch).
Bài II ( Chữ Nôm): “Đá vàng là tiết, sắt là lòng
Khăn khắn thư này việc hiếu trung
Nghĩa lợi ổn tường trong vấn đáp
Kinh quyền nhẫm thấu ấy quan phòng
Giá cao ắt thấy xem loan, phượng
Thế trọng thêm bền vững Thái, Tung
Công ấy kíp nên, danh kíp toại
Đã đành một vẹn chữ “hưu đồng”.
Qua nội dung bài “khải” và hai bài thơ trên, có thể cho chúng ta hình dung chúa Trịnh Cương đã giao trách nhiệm cho Chánh, Phó đoàn sứ bộ nước ta năm Ất Mùi (1715) là phải khéo léo ứng xử, đối đáp, tranh luận sao cho hợp lí, ổn thỏa và có lợi cho đất nước. Còn việc quân sự, phòng bị phải cân nhắc tính toán cẩn thận khi nói năng, không được làm tiết lộ bí mật quốc gia và nhà chúa rất tin tưởng vào sự tài giỏi, vững vàng như núi Thái, núi Tung của sứ giả nước ta, mong họ không phụ lòng, sẽ lập được công danh và đem lại cho đất nước niềm vui thắng lợi (4).
Sử sách chỉ thấy ghi đến năm Bính Thân, niên hiệu Vĩnh Thịnh (1716) đoàn sứ bộ do Đinh Hoàng giáp làm Phó sứ đã trở về nước thắng lợi. Song đoàn đã đạt được kết quả cụ thể nào thì không thấy sử sách ghi chép. Nhưng trong thời gian tại vị, chúa Trịnh Cương rất coi trọng việc bang giao giữa nước ta và nước láng giềng lớn Trung Quốc, bởi lẽ để giữ được hòa hiếu cho “dân nước nhỏ yên ổn làm ăn”. Vì thế việc tranh chấp chủ quyền biên giới, việc bọn phỉ nhà Thanh vượt biên sang cướp phá ta. . .rất có thể là những vấn đề quan trọng mà đoàn sứ bộ năm Ất Mùi đã đề xuất, tranh luận với triều đình Trung Quốc?. Phải chăng đoàn đã tạo tiền đề cho những thắng lợi ngoại giao của các đoàn sứ bộ về sau, để đến năm Mậu Thân, niên hiệu Bảo Thái (1728) vua nhà Thanh đã phải trao trả cho ta 40 dặm đất vùng biên giới Hà Giang bây giờ mà họ đã lấn chiếm.? (4).
Có một sự kiện cụ thể mà đoàn sứ thần nước ta năm Ất Mùi đề xuất và được triều đình nhà Thanh chấp nhận. Đó là việc triều cống. “… Các đồ cống thường như lư hương, bình hoa bằng vàng, chậu bằng bạc, đều cho phép khấu ra vàng bạc bằng nén, rồi giao cho Ty bố chính Quảng Tây thu nhận, tàng trữ. Ngà voi, sừng tê đều miễn cả, không phải cống. Số hành nhân thì cho châm chước rút đi, chỉ ít nhân viên và chức dịch tiến Kinh thôi...” (LTTK- Sdd- Tr.220). Chúng ta đều biết việc hàng năm nước ta tiến cống cho Trung Quốc là rất nặng nề. Chẳng hạn, trước đó thời Cảnh Trị (1663), mỗi năm số đồ cống gồm 4 bộ lư hương và bình hoa bằng vàng nặng 209 lạng, 12 chiếc chậu bằng bạc nặng 691 lạng, 20 bộ sừng tê giác, 20 chiếc ngà voi… (5) và số người áp tải, mang vác khá đông đến tận Yên Kinh, phải qua sông sâu núi hiểm, đường dài mấy ngàn cây số. Có thể do đoàn sứ bộ nước ta năm Ất Mùi (1715) biện bác, tranh luận sắc bén, hợp lí, nên vua Thanh đã chấp nhận các đồ cống bằng vàng, bạc, trước đấy bắt ta phải gia công chế tác, thì nay chỉ phải nộp bằng nén. Một số khác như sừng tê, ngà voi đều được miễn. Số người đi cống cũng được giảm và chỉ cần đến Quảng Tây giao nộp, chứ không phải sang tận Yên Kinh (Bắc Kinh) đường xá xa xôi, trắc trở, cực kì vất vả, tốn kém. Chỉ nói riêng hai đoàn sứ bộ nước ta sang Trung Quốc năm Ất Mùi (1715) và năm Mậu Tuất (1718), trên đường đi đã hy sinh mất hai vị Phó sứ là Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn và Tiến sĩ Nguyễn Tất Bột (6). Đây là một thắng lợi ngoại giao rất có ý nghĩa mà đoàn sứ bộ của Phó sứ Đinh Nho Hoàn mang lại cho đất nước. Rất tiếc là khi đoàn trở về nước tâu trình thắng lợi với vua, chúa, triều đình, thì Phó sứ Đinh Nho Hoàn chẳng may đã mất lúc vừa tới Yên kinh. Nhưng chắc chắn trước khi khởi hành và trên đường đi mấy tháng liền, các vị lãnh đạo đoàn sứ bộ nước ta đã bàn bạc cặn kẽ những kế sách ứng đối, tranh biện với triều đình nhà Thanh Trung Quốc, để làm sao thực hiện được những nhiệm vụ được giao. Chắc chắn với cương vị Phó sứ, Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn cũng đã có những ý kiến đóng góp giá trị. Vậy nên, tuy Phó sứ Đinh Nho Hoàn đã hy sinh trên đường làm nhiệm vụ, không được trực tiếp nhận lời ban khen của vua, chúa và triều đình về những thắng lợi ngoại giao mà đoàn đã mang về nước, song những thắng lợi đó mặc nhiên không thể thiếu sự đóng góp xứng đáng của ông.
Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn còn để lại cho hậu thế một số trước tác thi ca, trong đó có những bài thơ ông sáng tác trong chuyến đi sứ Yên kinh. Ở đây chúng tôi không có tham vọng phân tích những cái hay, độc đáo về thơ ca của Mặc Trai. Nhưng qua một số bài tác giả làm để tặng, họa mấy nho sĩ Trung Quốc như “Tặng Hán Khẩu Bao dật nhân”, “Tặng Kim Lăng thi ông Mã Kì Tiên”, đã cho chúng ta biết tài thi văn của Đinh Hoàng Giáp còn được người nước ngoài trân trọng, ca ngợi, xin thơ văn đề họa. Cũng như khi Mặc Trai mất, vua Khang Hy nhà Thanh Trung Quốc đã làm thơ viếng và sai triều thần dụ tế, chứng tỏ ngay cả vua quan Trung Quốc cũng rất trọng vọng đức độ của ông.
Với vài nét phác họa sự nghiệp, công trạng của Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn trong bài viết này, cũng như trước tác “ Mặc Trai thi tập” vừa được sưu tầm công bố, đã cho thấy ông là một nhân vật lịch sử Việt nam đã có những đóng góp quí báu cho nhân dân, đất nước, mà hậu thế chúng ta rất đỗi tự hào, ngưỡng mộ.
Tài liệu tham khảo:
(1) Năm sinh và mất của Tiến sĩ Tham tụng Nguyễn Hiệu các sách vở xưa nay ghi khác nhau. Ở đây chúng tôi căn cứ vào gia phả dòng họ Nguyễn quê ông ở xã Nông Trường, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
(2) Đinh Nho Hoàn – Mặc Trai thi tập – Nxb Văn học 2009 – Tr.289.
(3) Ngô Cao Lãng – Lịch triều tạp kỉ Tập I- Nxb KHXH, H. 1975
(4) Một dặm của TQ bằng 500m. Vậy số đất đòi được có chiều dài 20km
(5) Quốc sử quán triều Nguyễn – Khâm định Việt sử thông giám cương mục- Tập II – Nxb Giáo dục 1998.
(6) Quốc Chấn – Các vị đứng đầu kinh thành Thăng Long( Thế kỉ XIII-XVIII)- Nxb Giáo Dục 2010 – Tr.93,102.