Những góc nhìn Văn hoá

Lập luận của người Việt trong truyện cười từ góc nhìn nghệ thuật ứng xử

 

Trong bài này, loại truyện cười được khảo sát là truyện cười logic. Truyện cười logic, theo cách hiểu của chúng tôi là truyện cười được gây cười bằng thủ pháp logic (tạo ra cái phi logic hoặc hợp logic một cách bất ngờ để gây cười). Đối lập với loại truyện cười này là truyện cười thông thường- truyện cười được gây cười bằng các thủ pháp truyền thống (như ngôn ngữ đáng cười, hành động đáng cười, hoàn cảnh đáng cười và tính cách đáng cười).

Tìm hiểu nghệ thuật ứng xử trong truyện cười logic là tìm hiểu cách thức, phương pháp ứng xử đầy tính sáng tạo. Cách ứng xử nào toát lên được vẻ đẹp trí tuệ của dân gian, mang lại cho người đọc, người nghe nhiều khoái cảm thẩm mỹ thì cách ứng xử đó đạt đến mức nghệ thuật.

Nghệ thuật ứng xử trong truyện cười logic chủ yếu là nghệ thuật tạo ra những cái sai, cái phi logic trong cách suy nghĩ, lập luận. Có thể nói, tranh luận là nội dung chính ở mảng truyện cười này. Khi tranh luận, các nhân vật ứng xử thường tìm cách chỉ ra cái đúng của mình (chứng minh) hoặc chỉ ra cái sai của đối phương (bác bỏ). Dĩ nhiên, để làm được việc đó, họ phải tập hợp luận cứ và có phương pháp luận chứng. Và cái sai về logic của các nhân vật thường xuất hiện ở những khâu này.

Chẳng hạn, để chứng minh cho luận điểm của mình, người luận chứng đưa ra luận cứ là một phán đoán mà tính chân thực của nó chưa được chứng minh.Ví dụ:

Dễ thôi!  

Trong phòng đồ cổ của viện bảo tàng, người thuyết minh chỉ tay vào chiếc bình cổ, nói: - Chiếc bình này có cách đây 1.030 năm.

Khách tham quan hỏi: - Căn cứ vào đâu mà ông biết?

- Dễ thôi! Khi tôi về đây ông giám đốc bảo tàng cho biết nó đã có cách đây 1.000 năm, mà tôi về làm công việc này đã 30 năm.

Hay nhằm vào luận cứ là một phán đoán có nội dung hoàn toàn đúng nhưng lại chưa đủ để tất yếu suy ra tính chất đúng đắn của luận đề:                               

Bà rượu lậu và ông trưởng thôn  

Bà nọ chuyên nấu rượu lậu. Ông trưởng thôn rình rập mãi nhưng không sao bắt được quả tang bà đang nấu rượu. Một hôm bực mình quá, ông ta bèn đến nhà bà thu hết đồ nấu rượu và giải bà về đồn cảnh sát.

Trên đường đi, bà này cãi: - Ông là kẻ vu oan giá họa! Ông có bắt được quả tang tôi đang nấu rượu bao giờ đâu mà ông bảo tôi phạm tội nấu rượu?

Ông trưởng thôn giải thích: - Tôi không bắt được quả tang bà đang nấu rượu nhưng bắt được bà tàng trữ dụng cụ nấu rượu!

Đôi co nhau một lúc, mót tiểu quá, ông trưởng thôn bèn rẽ vào một bụi cây ven đường. Tức thì, bà kia ập tới túm chặt “dụng cụ” của ông ta  rồi kêu to: - Ông phạm tội hiếp dâm, tôi sẽ dẫn ông về đồn!

Ông này cáu: - Đồ vu khống! Bà bắt được tôi hiếp dâm ai mà bảo tôi phạm tội hiếp dâm?

Bà kia giải thích: - Tôi không bắt được quả tang ông đang hiếp dâm nhưng bắt được ông tàng trữ dụng cụ hiếp dâm!

Tuy nhiên, cũng có trường hợp cuộc tranh luận giữa các nhân vật diễn ra phức tạp hơn. Xin lấy truyện cười truyền thống sau đây làm ví dụ:

Đã có thần đây ạ!

Vua hỏi cận thần: - Xứ ta trị vì có nơi nào không có ruồi không?

- Tâu bệ hạ, ở đâu có người thì ở đó ắt có ruồi ạ! Cận thần đáp.

- Khanh nói sai rồi! Ta biết có nơi không có người mà vẫn có ruồi đấy.

- Không sai đâu ạ! Cận thần mau miệng cãi lại.

Một hôm, cận thần theo vua tới một khu rừng hẻo lánh để săn bắn. Vua hỏi cận thần: - Ta thấy ở đây có ruồi nhưng làm gì có người?

- Nếu bệ hạ không chịu nhận là người thì đã có thần đây ạ!

Vua cho rằng câu nói của cận thần “Ở đâu có người thì ở đó có ruồi" là sai. Nhưng khi chứng minh, đáng lẽ chỉ cần đưa ra căn cứ "Có nơi có người nhưng không có ruồi" thì vua lại đưa ra căn cứ "Có nơi không có người mà vẫn có ruồi". Điều này là không thuyết phục, vì tính đúng đắn của phán đoán này không dẫn tới tính sai lầm của phán đoán kia. Sở dĩ như vậy là do, ở đây cận thần chỉ khẳng định "Có người thì có ruồi" chứ không khẳng định "Không có người thì không có ruồi", nên trong trường hợp này, sai lầm của cận thần coi như chưa được chứng minh.

Nhưng do cả vua và cận thần đều cho rằng điều mình nói là chính xác nên cuộc tranh luận chuyển sang hướng chứng minh cho luận cứ. Ai cũng biết, trong thực tế có nhiều nơi không có người mà vẫn có ruồi. Song cái làm tăng thêm tính lắt léo và khôi hài là ở chỗ vua muốn chứng minh điều mình nói một cách trực quan. Vì thế, khi đến một khu rừng hẻo lánh để săn bắn, vừa nghe vua nói “Ta thấy ở đây có ruồi nhưng làm gì có người", cận thần đã mau miệng:

- Nếu bệ hạ không chịu nhận là người thì đã có thần đây ạ!

Thông thường, xét thuần tuý về hình thức, nếu điều cận thần nói là đúng thì điều vua nói là sai. Thế nhưng lời của vua lại không sai, vì chữ "người" ở đây ông muốn chỉ “những người sinh sống trước đó" chứ không phải "bất cứ ai" (trong đó có vua và cận thần) hiện đang có mặt tại đó, như cách hiểu ngụy biện của cận thần.

Báo Lao động số 95 năm 2001 đăng tải một truyện cổ tân trang của Giả Chu. Nếu giấu tên người viết, chắc chắn nhiều độc giả cho đây là truyện cười dân gian truyền thống một trăm phần trăm chứ chẳng tân trang chút nào (và trong thực tế nó cũng đã được dân gian hóa). Chúng tôi xin trích một đoạn để minh hoạ cho kiểu ứng xử chứng minh, bác bỏ:

Giáp Ất tranh luận

Giáp hỏi Ất: - Đúc đồng làm chuông, đẽo gỗ làm dùi, lấy dùi đánh vào chuông, tiếng kêu boong boong. Tiếng kêu ấy ở gỗ hay đồng?

Ất đáp: - Lấy dùi gõ vào tường không có tiếng kêu, gõ vào chuông, chuông kêu. Thế thì tiếng kêu ở đồng.

Giáp vặn: - Lấy dùi gõ vào tiền chinh không có tiếng kêu. Thế thì có chắc tiếng kêu ở đồng mà ra không?

Ất nói: - Đồng tiền đặc, cái chuông rỗng, vậy tiếng kêu từ vật rỗng mà ra.

Giáp lại hỏi: - Lấy đất ướt làm chuông, gõ vào không ra tiếng. Thế thì có chắc tiếng kêu từ vật rỗng mà ra không?...

Trong một hoàn cảnh cụ thể, hạn hẹp, chỉ có sự tương tác giữa hai vật thể là dùi gỗ và chuông đồng thì kết luận của Ất rằng “tiếng kêu ở đồng” là hợp lý. Và vấn đề sẽ chẳng còn gì để bàn, nếu như ai cũng hiểu rằng "đồng" ở đây là của "chuông đồng" (phân biệt với "gỗ" của "dùi gỗ") chứ không phải mọi vật làm bằng đồng.

Thế nhưng khi tranh luận, "đồng" từ nghĩa cụ thể, hạn hẹp đó đã bị Giáp đánh tráo sang một phạm vi khác rộng hơn, thành "đồng nói chung" (tức “Mọi vật làm bằng đồng đều kêu”).

Do mơ hồ về phạm vi của khái niệm mà mình đang sử dụng nên Ất đã bị sập bẫy. Thế nên ở những câu trả lời tiếp theo của Ất, sai lầm nối tiếp sai lầm.

Chúng ta đều biết, bản thân một vật khi có sự tác động của vật khác muốn phát ra tiếng kêu cần có sự phối hợp của nhiều yếu tố: chất liệu (làm bằng đồng, gỗ hay đất), cấu tạo (đặc hay rỗng) và tình trạng (khô hay ướt)... Một trong những yếu tố ấy chỉ là điều kiện cần chứ không phải đủ để nó phát ra tiếng kêu. Vì không nhận thức được điều đó nên khi Giáp vặn: "Lấy dùi gõ vào tiền chinh không có tiếng kêu, thế thì có chắc tiếng kêu ở đồng mà ra không?", Ất đáp: "Đồng tiền đặc, cái chuông rỗng, vậy tiếng kêu từ vật rỗng mà ra". Cách chứng minh này vô tình vừa thừa nhận rằng ở trên mình đã đưa ra một kết luận sai (“Vật nào làm bằng đồng cũng kêu”), vừa đưa ra một kết luận mới trái với thực tế (“Mọi vật rỗng đều kêu”) để cho đối phương dễ dàng bác bỏ một cách hiệu quả.

Đọc truyện này, ta liên tưởng ngay đến một truyện khác trong kho tàng truyện cười dân gian Việt Nam:

Hỏi đáp vô cùng

- Vì sao con ếch lại kêu?

- Vì nó có da.

- Vì sao đôi dép của cậu có da lại không kêu?

- Vì nó bị đóng đinh.

- Vì sao cái trống bị đóng đinh lại kêu?

- Vì nó có mặt.

- Vì sao cái sàng có mặt lại không kêu?

- Vì nó có lỗ.

- Vì sao cái kèn có lỗ lại kêu?

- Vì nó có loa.

- Vì sao miệng cậu và miệng tớ cũng có " loa" lại không kêu?

- ?!

So với văn bản trên, về phương diện logic cấu trúc của văn bản này có phần đơn giản hơn. Trong truyện, câu hỏi được nhân vật thứ nhất nêu ra như một luận điểm cần phải chứng minh. Để làm sáng tỏ điều này, nhân vật thứ hai đã dựa vào hai luận cứ, trong đó có một luận cứ ngầm ẩn.

Luận đề: Con ếch kêu.

Luận cứ 1: Tất cả những vật có da đều kêu (ẩn)

Luận cứ 2: Con ếch có da. (tường minh)

Nhưng luận cứ ngầm ẩn (Tất cả những vật có da đều kêu) lại là một phán đoán sai nên nhân vật thứ nhất đã bác bỏ nó bằng cách chỉ ra một vật có da không kêu (Đôi dép của cậu có da lại không kêu). Hình thức chứng minh - bác bỏ này cứ thế diễn ra cho đến hết chuyện.

Chúng tôi đã dẫn ra một vài cách chứng minh thiếu thuyết phục do nhân vật ứng xử dựa vào luận cứ ngầm ẩn là những phán đoán sai. Điểm đáng nói là cái sai của các phán đoán trong những truyện cười đang xét đều thuộc về lượng. Như mọi người đều biết, trong ngôn ngữ, lượng từ (từ ngữ chỉ số lượng) được chia thành hai loại: lượng từ xác định (Ví dụ: Ba sinh viên nghèo học giỏi) và lượng từ không xác định (Ví dụ: Một số sinh viên nghèo học giỏi). Lượng từ của phán đoán logic thuộc loại thứ hai - lượng từ không xác định. Loại lượng từ này lại được chia thành hai loại nhỏ: toàn thể và bộ phận. Khái niệm "sai về lượng" chỉ dùng cho phán đoán toàn thể. Phán đoán có dạng "Mọi S là / không là P" bị coi là sai về lượng khi trên thực tế chỉ có "Một số S là / không là P". Về nhận thức, nguyên nhân của sai lầm này phần lớn là do khái quát hoá vội vã. Đây là hiện tượng thường gặp trong truyện cười Việt Nam hiện đại. Có những truyện cười trong đó nhân vật này đưa ra một phán đoán sai, nhân vật kia, với sự phản ứng nhanh nhạy của mình đã phản bác ngay luận đề đó bằng cách chỉ ra một mâu thuẫn. Ví dụ:

Biểu diễn phụ

Đạo diễn dặn: - Khi hát, bao giờ anh cũng phải biểu diễn phụ theo bài hát của mình. Chẳng hạn, đến chữ "con tim" thì anh đưa tay lên ngực, đến chữ "mái tóc" thì đưa tay lên đầu,... Nào, bắt đầu!

- Sao anh không hát?

- Dạ... khó lắm! Tôi không thể biểu diễn được, vì bài này có hai chữ... "con chim"(!).

Tất nhiên, khi nói đến khái niệm "sai về lượng" là chỉ mới nói đến cấp độ phán đoán đơn. Dưới đây xin đề cập đến trường hợp luận cứ sai là một phán đoán phức:

 Nói láo! 

Sếp hỏi nhân viên: - Anh có vợ rồi hả?

- Báo cáo sếp, đúng vậy!

- Nói láo! Tôi đã cho người kiểm tra và thấy trong túi anh có tiền.

Trong đối thoại trên, sếp quả quyết rằng không phải anh chàng nhân viên của mình đã có vợ. Để chứng minh điều này, ông ta dựa vào hai căn cứ: "Nếu có vợ thì không có tiền trong túi" và "Anh này có tiền trong túi" (Chứng tỏ, "Không phải anh này đã có vợ”).

Cách lập luận này hoàn toàn hợp logic nhưng luận đề lại chưa đủ sức thuyết phục, vì luận cứ ngầm ẩn ("Nếu có vợ thì không có tiền trong túi”) là một phán đoán sai.

Trong truyện cười của người Việt, việc nhân vật ứng xử bác bỏ luận điểm của đối phương bằng cách chỉ ra sai lầm của các phán đoán làm luận cứ là một hiện tượng phổ biến. Ngoài ra, có một hiện tượng khá phổ biến khác cần được đề cập, đó là cách ứng xử luẩn quẩn. Sự luẩn quẩn này có khi chỉ thể hiện qua một đôi câu ứng xử. Ví dụ:

Vòng tròn kinh tế

- Này ông, chiếc bình này đắt thế ư?

- Đúng thế, vì nó rất cổ!

- Có thật nó rất cổ không? Làm sao mà biết được điều đó?

- À, vì nó rất đắt!

Nhưng cũng có khi được thể hiện qua một chuỗi câu ứng xử, trong đó hầu hết những câu này đều sai về nội dung.

Nghe rõ chưa?  

Phụ nữ nọ mời một ông thầy bói vào nhà bói cho mình một quẻ. Nhác thấy dưới bếp có nhiều vỏ khoai lang, thầy phán:

- Hiện nay chị sống cơ khổ lắm!

- Dạ đúng. Còn tương lai, thưa thầy?

- Cơ khổ cho tương lai của chị luôn.

- Sao thầy biết?

- Này nhé, vì khổ nên phải ăn khoai lang. Ăn khoai lang nhiều nên nóng ruột. Nóng ruột thì không ngủ được. Không ngủ được thì sinh tật đông con. Mà đông con thì nghèo. Nghèo rồi lại phải ăn khoai lang, nghe rõ chưa?

Logic học gọi sai lầm trên đây là sai lầm về về luận chứng. Sai về luận chứng là sai về cách thức lập luận. Trong truyện cười, ngoài sai lầm do cách lập luận dài dòng, luẩn quẩn còn có trường hợp sai do cách lập luận vi phạm các quy luật của tư duy. Ví dụ:

Sao lại là ba? 

Buổi trưa đi học về, cậu bé vui vẻ nói với ba: - Ba ơi, chiều nay ba đến lớp để cô giải lại bài toán cô ra ngày hôm qua!

- Sao lại là ba? Ba có đi học đâu?

- Cô bảo tất cả những ai làm sai bài toán này đều phải đến ạ!

Để chứng tỏ điều mình nói ("Chiều nay ba đến lớp để cô giải lại bài toán cô ra ngày hôm qua”) là đúng, cậu bé đã dựa vào hai căn cứ:

- Tất cả những ai làm sai bài toán này đều phải đến. (Lời cô dặn)

- Ba là người làm sai bài toán này. (Trên thực tế)

Ở đây, nội dung của hai phán đoán làm luận cứ đều đúng nhưng cách lập luận của cậu bé lại không logic, vì phạm luật đồng nhất: Cụm từ "tất cả những ai làm sai bài toán này" được cô giáo dùng theo nghĩa hẹp, chỉ "tất cả những ai trong lớp ta" lại bị cậu bé hiểu thành nghĩa rộng, chỉ "bất cứ ai".

Đây là cái sai hồn nhiên của trẻ thơ. Vì thế, mục đích của câu chuyện chỉ nêu lên một cách ứng xử vui chứ chẳng nhằm phê phán, đả kích ai cả.

Ngoài đời, không riêng gì trẻ em mà người lớn cũng có thể phạm sai lầm này. Có điều, sai lầm của người lớn lắm khi thiên về cố tình nhiều hơn là vô ý.

 Da mặt ai dày?  

Một anh có râu và một anh không râu ngồi nói chuyện với nhau. Anh không râu muốn chế anh có râu, mới hỏi xỏ: - Đố anh biết trong thế gian cái gì cứng nhất?

Anh có râu đáp: - Đá với sắt chứ gì?

Anh không râu lắc đầu: - Không phải! Đá đập cũng phải vỡ, sắt nung cũng phải mềm.

Anh có râu đành chịu, hỏi lại: - Thế thì cái gì?

Anh không râu chỉ vào cằm anh có râu: - Râu là cứng nhất.

- Vì sao?

- Da mặt anh dày như thế kia mà râu cũng dùi thủng ra được thì râu chẳng cứng nhất là gì?

Anh có râu điềm tĩnh bảo: - Da mặt tôi dày thật nhưng sao bằng da mặt anh được.

Anh không râu vặn lại: - Bằng vào đâu mà anh lại nói như vậy?

- Râu cứng thế mà cũng không dùi thủng được mặt anh. Vậy da mặt anh chẳng dày hơn da mặt tôi là gì?

Cuộc tranh luận bắt đầu từ một câu hỏi được anh không râu đặt ra là "Cái gì cứng nhất?". Khi anh có râu đáp rằng "đá" và "sắt" thì anh không râu lắc đầu: "Đá đập cũng phải vỡ, sắt nung cũng phải mềm". Theo logic thông thường thì từ đây ta có thể suy ra "cái cứng nhất" phải là cái đập không vỡ, nung không mềm. Thế nhưng anh không râu lại khẳng định "Râu là cái cứng nhất". Lý do: "Da mặt anh dày như thế kia mà râu cũng dùi thủng ra được thì râu chẳng cứng nhất là gì?".

Dễ dàng nhận thấy kết luận "Râu cứng nhất" là sai. Để bác bỏ điều này, thiết tưởng chỉ cần nêu một câu hỏi: "Râu đập có đứt, nung có mềm không?" thì ngay lập tức anh kia sẽ tắc tị, khút nút. Nhưng không, khi anh không râu cho rằng "Da mặt anh dày như thế kia..." thì anh có râu đã bị xúc phạm. Vì thế, vấn đề hệ trọng cần làm sáng tỏ bây giờ không còn là "Cái gì cứng nhất" nữa mà là "Da mặt ai dày hơn". Anh có râu bảo:"Da mặt tôi dày thật nhưng sao bằng da mặt anh?". Chứng minh: "Râu cứng đến thế mà cũng không dùi thủng được mặt anh, vậy da mặt anh chẳng dày hơn da mặt tôi là gì?"

Ai cũng biết, yếu tố quyết định một người đàn ông có râu hay không râu không phải do da mặt mỏng hay dày. Nhưng vì ngón đòn "dùng cái vô lý để bẻ lại cái vô lý" của anh có râu đã đạt được hiệu quả nên cuộc tranh luận cũng kết thúc.

                                                    *

Trên đây chúng tôi vừa phân tích nghệ thuật ứng xử của người Việt qua một số truyện cười từ góc độ logic. Đây là một hướng tiếp cận mới mẻ. Nó phát xuất từ quan niệm của người viết cho rằng, nếu truyện cười là loại truyện trí tuệ thì trong truyện cười, tính trí tuệ thể hiện đầy đủ nhất qua cách gây cười bằng yếu tố logic. Vì thế, nghiên cứu nghệ thuật truyện cười, trong đó có nghệ thuật ứng xử, mà không khai thác khía cạnh logic thì mới chỉ hiểu truyện cười một cách phiến diện, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của người đọc trong thời đại kinh tế tri thức.

Tuy nhiên, ở nước ta, số người nghiên cứu hoặc giảng dạy văn học dân gian nói chung và truyện cười nói riêng rất nhiều, song những người quan tâm đến logic học lại quá ít. Việc tiếp nhận quan niệm trên như thế nào, do đó mà cần phải có thời gian. Mọi sự khẳng định hay phủ định vội vã đều khó bảo đảm tính khách quan, khoa học.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511065

Hôm nay

264

Hôm qua

2359

Tuần này

21439

Tháng này

217938

Tháng qua

121356

Tất cả

114511065