Nhìn ra thế giới

Trung Quốc - Ấn Độ: Thách thức Tây Tạng

 

Trong làn sóng liên tục các thông tin được đăng tải trên báo chí quốc tế thời gian qua, có tin: tháng 12/2009, Đan Mạch tuyên bố chính thức “phản đối nền độc lập của Tây Tạng” khiến người ta nhớ lại lời của một chuyên gia về nhân quyền nhấn mạnh rằng lập trường này là trái với Hiến chương của Liên Hợp Quốc (Quyền tự quyết của các dân tộc là một nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc

. Nguyên tắc nhất thể hóa về lãnh thổ của các Nhà nước nằm trong các qui định của Liên Hợp Quốc. Khi hai nguyên tắc này mâu thuẫn nhau, các bên liên quan đến phải tiến hành thương lượng một giải pháp như Đan Mạch và Grinlen đã làm. Đặc biệt hơn, quyền tự quyết có thể mang những hình thức khác nhau, từ quyền tự trị cho đến độc lập hoàn toàn). Trung Quốc chỉ trích Ấn Độ vì đã bật đèn xanh cho một chuyến thăm của Dalai – Lama tới Arunachal Pradesh, ở miền cực Đông Bắc của đất nước – một khu vực mà Trung Quốc bất ngờ coi là “đang bị tranh chấp” giữa hai nước láng giềng; vài tuần sau, nhà cầm quyền Trung Quốc đã phản đối gay gắt chuyến đi của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tới bang này; mới đây, tháng 1/2010, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bị cảnh cáo sau khi đã thông báo rằng ông sẽ gặp lãnh tụ Tây Tạng lưu vong vào ngày 10/2 tại Oasinhtơn.

Người ta càng không quên cuộc khủng hoảng Pháp – Trung Quốc xảy ra hồi năm 2008 (Tổng thống Pháp đã khiến Trung Quốc phải ra những đòn trừng phạt vì đã tiếp xúc với Dalai – Lama trong một chuyến thăm tới Ba Lan) cũng như cử chỉ đầy tranh cãi của Sở ngoại vụ Anh, cơ quan đã đơn phương cho rằng hiệp ước Simla (ký hồi năm 1914 giữa đại diện của phó Vương của toàn bộ thuộc địa của Anh ở Ấn Độ và Dalai – Lama thứ 13) là lỗi thời trong khi người Tây Tạng coi văn kiện này là bằng chứng cho nền độc lập của nước họ thời bấy giờ. Người ta có thể nhắc đến việc Trung Quốc thường xuyên gây nhiều sức ép đối với bất kỳ ai dám tiếp đón Dalai – Lama. Hoặc chiến dịch tuyên truyền lớn nhằm buộc mọi người phải chấp nhận cách giải thích của Trung Quốc về lịch sử Tây Tạng …

Nhưng tại sao Trung Quốc lại bám riết một nhân vật có tầm cỡ quốc tế, bị những xăm soi của Trung Quốc biến thành kẻ bung xung như vậy? Bản thân đương sự đã mỉm cười và nói rằng: “Nhà cầm quyền Trung Quốc đã biến tôi thành người được lòng dân nhất trong số các Dalai Lama”. Một yếu tố tạo nên câu trả lời rõ ràng là nằm trong mối quan hệ, sóng gió dưới cái vẻ bề ngoài nhã nhặn, của hai nước lớn nhất ở châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ.

Các đường biên giới đầy tranh cãi

Tình hình căng thẳng lại gia tăng ở dãy Himalaya

Năm 2009 được đánh dấu bằng những cuộc xung đột lặp đi lặp lại giữa hai nước láng giềng và đôi khi là những lời thóa mạ nhau không mấy lịch sự. Đồng thời, tình trạng tăng cường rõ rệt sự có mặt về quân sự của Trung Quốc và việc đẩy mạnh xây dựng các cơ sở hạ tầng mới về đường bộ, đường sắt, và đường không tại cao nguyên Tây Tạng đã khiến các lực lượng vũ trang Ấn Độ phản ứng lại với gần 300 vụ rắc rối trên biên giới ở vùng núi Himalaya, từ các cuộc đột nhập về đêm đến những mối đe dọa trực tiếp hơn đối với những người dân sống ở các ấp đơn lẻ trong các thung lũng xa xôi hẻo lánh. Hai sự kiện đặc biệt thu hút sự chú ý của báo giới: tại Ladakh nằm ở phía Tây của dãy núi, nơi các binh lính Trung Quốc đã buộc các dân làng phải ngừng việc xây dựng một con đường đang thi công cách không xa đường biên giới; và tại Arunachal Pradesh, ở phía cực Đông của dãy núi, nơi chuyến thăm của Dalai Lama vào tháng 11 đã được dùng làm cái cớ cho một trận đột kích của Trung Quốc. Các giới chính trị Ấn Độ muốn chơi con bài một cách thận trọng…

Vấn đề luôn nhạy cảm về đường biên giới giữa hai nước vẫn đang được đặt ra. Trước khi quân Trung Quốc vào Tây Tạng năm 1949, Ấn Độ đã có một đường biên giới tự nhiên và lịch sử: tuyến đường McMahon được dùng để phân định theo nội dung của hiệp ước Simla năm 1914. Kế tiếp Đế chế Anh tại Ấn Độ, một Ấn Độ có chủ quyền và độc lập đã chấp nhận về chiến thuật những lời lẽ của hiệp ước trên, trong khi Trung Quốc vẫn giữ thái độ im lặng một cách thận trọng, muốn giữ các con bài của mình. Sự chiếm đóng “nóc nhà của thế giới” của Trung Quốc đã làm thay đổi dữ kiện một cách tàn bạo. Từ đó, bóng ma Tây Tạng không ngừng bao trùm lên mối quan hệ giữa hai nước. Cho đến năm 1949, 75 cảnh sát Ấn Độ đã được triển khai dọc đường biên giới dài khoảng 4.000 km này. Hiện nay, hàng nghìn binh lính được trang bị các thiết bị chiến tranh tinh vi hiện đại tập trung ở hai bên đường biên giới. Theo một số chuyên gia, chỉ cần một tia lửa là có thể châm ngòi cho thùng thuốc súng này…

Đọc qua báo chí của Trung Quốc và Ấn Độ trong những tháng qua, người ta có thể tự hỏi có phải hai nước đang chuẩn bị tiến hành một cuộc thử sức không. Thông báo của Trung Quốc, vào tháng 8/2009, về các cuộc tập trận lớn trong thời hạn hai tháng ở vùng thuộc dãy núi Himalaya đã không thể không khiến các nhà lãnh đạo Ấn Độ lo ngại. Họ đã đáp lại bằng việc tổ chức một loạt các cuộc tập trận ít nhiều bí mật và đã phái quân tăng viện, kể các máy bay chiến đấu, tới các vùng liên quan, và hành động này ngay lập tức bị các nhà phân tích Trung Quốc chỉ trích.

Trước hôm tiếp tục lại các cuộc thương lượng biên giới vào giữa tháng 8, một trang web chính thức của Trung Quốc đã đăng một bài bình luận, ký tên là XinLang Boke, liệt kê “vài ý kiến đề nghị mang tính chiến lược có thể phục vụ cho việc phá vỡ Liên minh Ấn Độ”. Không cần phải nói rõ rằng bài bình luận trên đã gây ra một sự tức giận ở Ấn Độ như thế nào vì họ coi đây là một sự khiêu khích và là một cuộc tấn công chống họ. Bài bình luận trên đã chỉ trích việc tồn tại các đẳng cấp theo “ý muốn của các tầng lớp thống trị’ áp đặt một hệ thống dựa vào chủ nghĩa Hinđu. Bài bình luận không loại trừ khả năng ủng hộ nhiều phong trào phiến loạn hành động ở khắp đó đây trong xã hội Ấn Độ, dù lại chịu sự chi phối của chủ nghĩa Mao hay sắc tộc như ở Casơmia hay ở Assam. Bài bình luận thậm chí còn có ý định dung nạp vào cuộc phiêu lưu này cả Pakixtan, Nêpan, Xri Lanca hay Butan, để chiến thắng đối thủ được coi là “có tính ngạo mạn và gian xảo’. Và đi đến kết luận rằng dù sao thì “không thể có hai mặt trời trên một vùng lãnh thổ”.

Tất nhiên, điều đó không cản trở các cuộc thảo luận về biên giới diễn ra như dự kiến, tuy nhiên vẫn không hề có sự tiến triển nào tới một nghị quyết về các điểm có thể tranh chấp, vẫn là: sự có hiệu lực của tuyến đường McMahon và tuyến đường nhạy cảm của các vùng xung quanh Tây Tạng. Đồng thời, từ cả hai bên, các nhà lãnh đạo chính trị đã gia tăng những lời lẽ hòa dịu để khỏi phá hỏng sự phát triển của những trao đổi kinh tế, thương mại và văn hóa. Kim ngạch ngoại thương hai chiều giữa hai nước đã lên tới khoảng 52 tỷ USD vào năm 2008, tức là tăng 34% so với năm 2007. và dự kiến sẽ đạt 60 tỷ USD vào năm 2010. Nhà cầm quyền Trung Quốc đã thông báo đến năm 2010 sẽ mở 4 trung tâm thương mại mới ở biên giới giữa Ấn Độ và … Tây Tạng.

Tuy nhiên, cần phải làm nhiều hơn nữa để làm cho Ấn Độ bớt đi những sự dè dặt. Một phân tích mới đây đã lưu ý rằng mặc dù mối quan hệ giữa hai nước đang phát triển, nhưng sự ngờ vực lẫn nhau vẫn có xu hướng gia tăng. Các nhà lãnh đạo Ấn Độ vẫn không quên rằng vào tháng 3/2009, Trung Quốc đã mưu toan phong tỏa một khoản cho vay 2,9 tỷ USD mà Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dành cho Ấn Độ với cái cớ là khoảng 60 triệu USD phải được đầu tư vào một dự án ở Arunachal Pradesh. Khoản cho vạy cuối cùng vẫn được thực hiện vào giữa tháng 6 khiến các đại diện của Trung Quốc rất bất bình. Thái độ kiềm chế chính thức rõ ràng của các nhà lãnh đạo Ấn Độ trước thái độ gay gắt của Trung Quốc có thể cũng là do việc lập ra một “đường điện thoại nóng” giữa hai thủ đô. Chính Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào là người đã đưa ra ý tưởng này với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh trong một cuộc hội đàm “để tránh bất đồng về biên giới chuyển sang sự đối đấu về quân sự”.

Những yêu sách xa xưa về lãnh thổ

Từ khi biên giới Ấn Độ – Tây Tạng biến thành biên giới Ấn Độ – Trung Quốc (do Trung Quốc chiếm đóng Tây Tạng), khu vực núi non hiểm trở này đã trở thành một trong những khu vực quân sự hóa nặng nề nhất trên thế giới, nhất là ở sườn phía Tây – nơi Pakixtan tranh chấp chủ quyền vùng Casơmia với Ấn Độ và là nơi Trung Quốc tự khẳng định chủ quyền đối với Aksai Chin sau cuộc chiến tranh năm 1962. Tháng 12/1959, Ấn Độ đã tố cáo Trung Quốc đối xử với tù nhân Ấn Độ “tồi tệ hơn tù nhân chiến tranh”, và đã yêu cầu nhà cầm quyền Trung Quốc có “hành động thích hợp chống lại những người đã đối xử vô nhân đạo với các tù nhân Ấn Độ bị bắt trong một cuộc phục kích của các binh lính Trung Quốc tại Ladakh ngày 21/10”. Khi được thả, các tù nhân Ấn Độ đã tố cáo công khai những điều kiện giam giữ và tra tấn mà họ đã phải chịu đựng ở Trung Quốc.

Đối với B. Chellaney thuộc trung tâm nghiên cứu chính trị ở Niu Đêli, “các chính sách đồng hóa bắt buộc ở Tây Tạng và ở Tân Cương đã bắt đầu được thực hiện sau khi Mao Trạch Đông lập ra một đường bộ hành lang giữa hai vùng phiến loạn bằng cách chiếm đoạt Aksai Chin – rộng 38.000 km vuông thuộc lãnh thổ của Ấn Độ. Vùng này (rộng bằng Thụy Sĩ) dần dần nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc, trước tiên bằng những sự lấn chiếm lén lút ngay từ những năm 1950, trước khi Mao Trạch Đông củng cố và mở rộng ảnh hưởng của mình bằng cách tiến hành một cuộc chiến tranh chống Ấn Độ vào năm 1962. Aksai Chin là con đường duy nhất có thể tiếp cận giữa Tây Tạng và Tân Cương thông qua dãy Kunlun”. Do đó, Aksai Chin có tầm quan trọng rất lớn và các nhà  chiến lược Ấn Độ luôn phản đối việc quân đội Trung Quốc chiếm giữ vùng đất này.

Chính sự gia tăng những yêu sách của Trung Quốc đối với Arunachal Pradesh, nằm ở cực bên kia của vòng cung Himalaya thuộc Ấn Độ (một vùng lãnh thổ theo truyền thống gắn bó với nền văn hóa của Tây Tạng mà Trung Quốc coi là của mình với tư cách “Tây Tạng phía Nam”, dường như đã kích động nhà quân sự cấp cao này công khai nói ra những lời lẽ trên. Trên thực tế, thung lũng Tawang đã được nhượng cho Ấn Độ của nước Anh bằng hiệp ước Simla, và Ấn Độ độc lập đã thừa hưởng nó trong công cuộc phi thuộc địa hóa. Vùng lãnh thổ xa trung tâm này, trước hết được biết đến dưới cái tên Cơ quan biên giới vùng Đông Bắc (NEFA), đã được đặt lại tên là Arunachal Pradesh vào năm 1972. Cũng vào năm này, nó được nhận qui chế “Lãnh thổ Liên minh” (tức là do chính phủ trung ương cai trị) trước khi chính thức bị chuyển thành bang thứ 24 của Ấn Độ vào năm 1987. Nằm ở phần kéo dài trực tiếp của Tây Tạng và trên biên giới Mianma, trong một vùng mà ở đó các cộng đồng khác nhau sống chen chúc với những con đường đi lại chật hẹp, nhưng nó có một giá trị chiến lược cao, vì dân chúng chủ yếu là theo đạo Phật có mối quan hệ chặt chẽ với người tị nạn Tây Tạng. Chính bằng thung lũng Tawang mà Dalai Lama thứ 14 và đoàn tùy tùng của ông đã đến được Ấn Độ sau một sự xuất phát vội vàng từ Lhassa, trong tình trạng lộn xộn của cuộc nổi dậy của nhân dân chống Trung Quốc năm 1959.

Thật là sự trớ trêu của lịch sử, có lẽ là không một nước nào trong hai cường quốc đang nổi lên của châu Á dường như muốn là người đầu tiên thừa nhận rằng con voi trong cửa hàng đồ sứ chung của họ chính là Tây Tạng. Vào lúc Trung Quốc, nhân dịp diễn ra lễ hội kỷ niệm lần thứ 60 ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân, đang tăng cường cuộc tấn công nhằm thuyết phục tất cả các đối tác kinh tế của mình hiện nay hoặc trong tương lai rằng Tây Tạng chỉ là một “công việc nội bộ”, thì Ấn Độ dường như lại quyết định tiếp tục hành động riêng rẽ… theo cách của mình. Các nhà lãnh đạo Ấn Độ hiện nay cũng đang vất vả thoát khỏi một quá khứ phức tạp mà một số người đã hiểu rằng nếu họ xem xét lại quá khứ đó thì họ cần phải xem xét sát sao hơn vai trò của đất nước họ và nhất là gương mặt tiêu biểu là Jawaharlal Nehru trong tình trạng hỗ độn liên miên liên quan đến qui chế của Tây Tạng.

Tây Tạng, nền tảng của cuộc cạnh tranh Trung Quốc – Ấn Độ

Sức nặng của quá khứ

Tháng 11/1950, Chính phủ ở Lhassa đã cầu cứu đến Liên Hợp Quốc và nhiều chính phủ khác để họ chú ý đến cuộc xâm lược của Trung Quốc. El – Xanvađo tự cho mình là người phát ngôn của Tây Tạng tại tổ chức quốc tế, nhưng Ấn Độ lại muốn chủ trương hòa giải với lý lẽ rằng có thể giải quyết bất đồng này ngoài những bức tường của thể chế mới. Theo một số nhà sử học, Thủ tướng Ấn Độ lúc bấy giờ sợ nhất là vấn đề gay cấn về Casơmia nổi lên trên diễn đàn quốc tế. Ông này cho rằng “một chút chủ nghĩa xã hội không gây ra điều gì xấu” để làm rung chuyển các cơ cấu xã hội lỗi thời của Tây Tạng…

Phó Thủ tướng Sardar Vallabhai Patrl không đồng ý với lập trường này. Ông tuyên bố tại Niu Đêli rằng việc sử dụng thanh kiếm chống lại nhân dân Tây Tạng có truyền thống hòa bình là không thể biện minh được. Không một nước nào khác trên thế giới thiết tha với hòa bình như Tây Tạng. Chính phủ Trung Quốc đã không nghe theo ý kiến của Ấn Độ, nước mong muốn giải quyết các bất đồng một cách hòa bình. Rajendra Prasad, khi đó là chủ tịch Liên minh Ấn Độ, đã nói trước Quốc hội: “Ấn Độ cần thiết phải quan tâm đến tình hình đang diễn ra ở Tây Tạng để quyền tự trị của đất nước hòa bình này được bảo vệ”. Sau này, một số người đã chỉ trích Nehru, khi đó đang ở đỉnh cao của vinh quang, là muốn xoa dịu theo kiểu công lý với hy vọng hão huyền là thiết lập mối quan hệ thân thiện và lâu dài với nước láng giềng mới này.

Cái chết sớm của S. Patel đã khiến Nehru được tự do hoạt động, mà chủ nghĩa thực dụng nhuốm màu chủ nghĩa lý tưởng đôi khi có phần lãng mạn đã in một dấu ấn mạnh mẽ lên di sản chính trị gia đình. Vị lãnh tụ Ấn Độ sau này đã phải thừa nhận rằng ông không có khả năng giúp đỡ người Tây Tạng khi vào năm 1954 ông ký một thỏa thuận với Trung Quốc công nhận Tây Tạng với tư cách là “khu vực của Trung Quốc”. Tuy nhiên, các nhân chứng đã nhận thấy một kiểu khó chịu bất bình thường ở ông trước vị Dalai Lama trẻ tuổi trong một cuộc gặp mặt đầu tiên tại Niu Đêli vào năm 1955 nhân dịp ngày lễ của người Buddhajayanti, kỷ niệm lần thứ 2.500 ngày ra đời của Bouddha. Ông đã khuyên ông này hòa giải và kiên nhẫn, khuyến khích ông hy vọng tìm ra một giải pháp ổn thỏa, trong khi cuộc nổi dậy đã nổ ra, nhất là ở Kham và Amdo, nơi cuộc kháng chiến của nhân dân đang lan rộng.

Mặc dù cuộc nổi dậy ở Lhassa năm 1959 dường như đã khiến các nhà lãnh đạo Ấn Độ bất ngờ và hốt hoảng , nhưng ông Nehru vẫn không do dự dành nơi lưu vong cho Dalai Lama, gia đình ông ta và các cận thần, cũng như cho hàng nghìn người tị nạn nhanh chân chạy theo ông này. Nhưng ngoài cử chỉ nhân đạo đối với vị thủ lĩnh tôn giáo còn quá trẻ này, Chính phủ Ấn Độ vẫn hết sức tránh công nhận chính quyền lưu vong với tư cách là chính phủ Tây Tạng lưu vong, điều này được hiểu là một sự công nhận về chính trị. Điều cũng có ý nghĩa là những người tị nạn, dù thế nào đi chăng nữa thì cũng là những nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất, đã được định cư tại một nơi ở xa các trung tâm hành chính như thể cần phải gạt họ ra bên lề để không khiến nhà cầm quyền Trung Quốc tức giận. Người ta có thể cấp cho họ đất đai, nhà ở, trường học, các thiết bị xã hội cho phép họ có thể được sống trong những điều kiện khả dĩ. Vấn đề Tây Tạng không phải vì thế mà đã được giải quyết; và rõ ràng đây là điều chủ yếu trong nghịch lý về Tây Tạng, tiếp tục tác động mạnh mẽ lên mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Trở ngại Tây Tạng

Sau cuộc xung đột ngắn xảy ra năm 1962 và việc rút các lực lượng Trung Quốc (tuy nhiên các lực lượng này vẫn tiếp tục chiếm đóng Aksai Chin), mối quan hệ giữa hai nước láng giềng trở nên nguội lạnh. Lớp băng đã tan trong một sứ mệnh của A. B. Vajpayee, khi đó là Ngoại trưởng Ấn Độ, vào năm 1979, nhưng chính chuyến thăm của Thủ tướng Rajif  Gandhi vào năm 1988 đã cho thấy mọi sự lại tiếp tục tồi tệ hơn. Những sự phản kháng lặp đi lặp lại trong vùng tự trị, lệnh thiết quân luật được áp đặt ở Tây Tạng vào đầu năm 1989, vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn vào tháng 6/1989 và việc trao giải Nobel hòa bình cho Dalai Lama cũng vào năm đó đã trì hoãn mọi thỏa thuận: phải đến năm 1996, Ấn Độ và Trung Quốc mới quyết định lại tiếp tục thương lượng để đảm bảo an ninh dọc đường biên giới giữa hai nước. Hai năm sau, tình hình căng thẳng lại gia tăng với vụ thử hạt nhân đầu tiên của Ấn Độ, với lý do là đối phó với mối đe dọa của Trung Quốc đối với nền an ninh của Ấn Độ…

Khi trở thành Thủ tướng, A. B. Vajpayee lại tới thăm Bắc Kinh vào tháng 6/2003 để tìm cách nối lại cuộc đối thoại. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều bổ nhiệm các đại diện đặc biệt phụ trách việc giải quyết bất đồng về biên giới. Từ đó đến nay, khoảng 12 vòng thương lượng đã diễn ra nhưng không đạt được kết quả nào: vấn đề Tây Tạng vẫn là trở ngại chính cho dù để tránh cho các cuộc gặp căng thẳng, các nhà lãnh đạo quân sự của Ấn Độ và Trung Quốc đã thỏa thuận đi tuần tại các vùng tranh chấp trong những ngày khác nhau. Chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Ôn Gia Bảo vào năm 2005 đã cho phép bắt đầu một “quan hệ đối tác chiến lược” dựa trên cơ sở “tham số chính trị và nguyên tắc vì lợi ích của những người dân liên quan”.

Bất chấp những tuyên bố đầy thiện chí này, Tây Tạng và người dân Tây Tạng vẫn ở vị trí phụ trong các cuộc thảo luận. Vào lúc Trung Quốc bằng mọi cách mưu toan gây ảnh hưởng đối với châu Á cũng như trên toàn thế giới, vấn đề Tây Tạng và sự dai dẳng của mối bất đồng, do bản chất chính trị, vẫn cản trở những tham vọng của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cố sức nhưng vô ích gia tăng các cuộc tấn công trực tiếp chống những người lưu vong, bắt đầu bằng lãnh tụ tinh thần của họ, và gia tăng sức ép với tất cả những người đối thoại với họ với hy vọng lôi kéo họ theo quan điểm của mình. Nhà cầm quyền Ấn Độ vẫn giữ phương hướng của mình. Họ chỉ quan tâm đến việc không để xảy ra các hoạt động chống Trung Quốc trên lãnh thổ của Ấn Độ, trong khi vẫn để cho những người tị nạn gần như được tự do tiến hành các hoạt động của họ trên đất nước này.

Một số nhà bình luận không do dự nói rằng Trung Quốc không quan tâm mấy đến một sự suy giảm, thậm chí ngừng hoàn toàn các hoạt động của Chính quyền Tây Tạng lưu vong. Rõ ràng, điều khiến chế độ Trung Quốc tức giận nhất chỉ là sự có mặt của Dalai Lama thứ 14 tại Ấn Độ, người mà ảnh hưởng và tầm quan trọng không ngừng gia tăng trong suốt một nửa thế kỷ lưu vong. Bằng cách mới đây tái khẳng định, trước hôm diễn ra chuyến thăm Arunachal Pradesh của lãnh tụ Tây Tạng, rằng “Dalai Lama là một vị khách danh dự của Ấn Độ”, Thủ tướng Manmohan Singh đã lặp lại lập trường của những người tiền nhiệm của ông.

Sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc

Ngoài những bất đồng của các đảng và vô số những vấn đề liên quan đến những đặc thù của Ấn Độ, các nhà chính trị không thể phớt lờ những lời cảnh báo lặp đi lặp lại của các cố vấn và các nhà chiến lược của họ. Những người này chăm chú theo dõi sự gia tăng nhanh chóng sức mạnh quân sự của Trung Quốc cả về người và về các thiết bị ngày càng tinh vi hiện đại. Tầm quan trọng chiến lược của việc mở tuyến đường sắt giữa Bắc Kinh và Lhassa vào năm 2006 càng không thoát khỏi sự chú ý của họ. Một  tuyến đường có thể kéo dài tới Nêpan, thậm chí tới Ấn Độ, chính thức là nhằm mục đích trao đổi thương mại – điều này không loại trừ những ý đồ khác ít mang tính hòa bình hơn.

Giấc mơ từ xa xưa của Trung Quốc được tiếp cận với các vùng biển nhiệt đới đang được thực hiện bằng trò chơi liên minh các tình huống. Sau Pakixtan, nước mà Trung Quốc vẫn cung cấp công nghệ hạt nhân để bảo đảm cho mình một căn cứ ở cảng nước sâu tại Gwader, và Nêpan vươn lên hàng đối tác ưu tiên từ khi chế độ quân chủ bị lật đổ (Katmandou vừa mới thông báo một khoản viện trợ quân sự của Trung Quốc, nhất là gồm việc huấn luyện các binh lính gọi là các Gourkhas), Chính phủ Trung Quốc đã chọn hội đồng quân sự Mianma để cung cấp chính vũ khí và kiên quyết ủng hộ chế độ Mianma trên các diễn đàn quốc tế để đổi lấy việc đặt các căn cứ rađa ở các đảo Coco. Mới đây, Trung Quốc đã vươn tới tận Xrilanca, thông qua một khoản vốn đầu tư một tỷ USD trong việc xây dựng một trung tâm hậu cần chuyển tải bằng đường biển tới Hambantota, nằm ở miền Nam của đảo này. Đổi lại, nền ngoại giao Ấn Độ ủng hộ Chính phủ Côlômbô trong cuộc đấu tranh chống “chủ nghĩa ly khai” Tamill. Ấn Độ thấy trong việc rụng “chuỗi hạt trai” này (cũng gồm các điểm bỏ neo trong các cảng từ Chittagong đến Bănglađét và ở Sittwe ở Mianma) một mưu toan bao vây khó mà che đậy nhằm giảm bớt phạm vi khu vực ảnh hưởng trong khu vực…

Những điểm bất đồng khác

Thách thức khác làm nổi bật tính phức tạp của tình hình xung quanh Tây Tạng là vấn đề nước. Các cuộc thảo luận sôi nổi ở Côpenhaghen (Đan Mạch) về vấn đề biến đổi khí hậu đã không cho phép dành sự quan tâm như mong muốn đến việc xấu đi của môi trường trên toàn hành tinh, mà nhiều nhà nghiên cứu và khoa học coi là “trục thứ ba” của hành tinh. Không những Tây Tạng là tảng băng thứ ba lớn nhất trên trái đất trong khi sự nóng lên ở đó diễn ra nhanh hơn ở những nơi khác, mà Tây Tạng còn là tháp nước của châu Á.

Tất cả các dòng sông chảy xuống sườn núi Himalaya để tưới nước và làm tăng độ phì nhiêu cho đất đai của các nước thuộc châu Á đều xuất phát từ các cao nguyên của Tây Tạng: các sông Sutlej, Indus, Karnali (cung cấp nước cho Gange), Yarlung Tsangpo (bắt đầu từ Brahmapoutre ở Ấn Độ và kết thúc ở Jamuna thuộc Bănglađét), các sông Salouène và Mêkông, sông Dương Tử và sông Hoàng Hà, đấy là chưa kể đến Irrawaddy tiếp nhận Tarong từ trên cao. Những người dân sống dọc các bờ sông và có thể phải chịu những hậu quả của những sự nắn dòng chảy của các con sông này (xây dựng các đập, hồ chứa nước, nhà máy thủy điện, những sự ô nhiễm khác) hiện đang sống rải rác không những ở Trung Quốc và Ấn Độ, mà còn cả ở Butan, Bănglađét, Mianma, Nêpan, Campuchia, Lào, Thái Lan, Pakixtan và Việt Nam. Tình trạng hạn hán nghiêm trọng hiện đang hoành hành ở vùng châu thổ sông Mêkông khiến các nước ven sông rất lo ngại, bất chấp những sự phản đối gay gắt của người Trung Quốc.

Một sự đảo lộn những sự cân bằng mong manh về sinh thái của các cao nguyên Tây Tạng có thể gây ra, một cách gián tiếp (sự di chuyển dân, hạn hán, gió mùa, phá rừng, khai thác tài nguyên thiên nhiên), những hậu quả tai hại đối với toàn bộ những người dân của Ấn Độ và Trung Quốc, kể cả Tây Tạng. Bằng cách chiếm lãnh thổ Tây Tạng, Trung Quốc đã bảo đảm cho mình một đòn bẩy sức ép gần như là không tránh khỏi đối với tất cả các nước nằm ở chân núi Himalaya, từ đó càng gia tăng sức mạnh chiến lược của mình.

Những điểm  gây bất đồng khác điểm xuyết mối quan hệ láng giềng vốn đang trong tình trạng không mấy hữu hảo này: những bất đồng về việc không cấp thị thực cho các quan chức Ấn Độ ở Arunachal Pradesh hoặc ở Casơmia với lý dó là các vùng lãnh thổ này “đang bị tranh chấp”: sự có mặt bất hợp pháp của các nhân công Trung Quốc trên các công trường dành do các xí nghiệp của chính người Trung Quốc trên đất Ấn Độ; Trung Quốc không muốn thấy Ấn Độ là thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc; những sự báo động bất thường dọc biên giới Himalaya. Tất cả những điều trên đã làm cho tình hình căng thẳng và những sự ngờ vực gia tăng…

Dù diễn biến của các sự kiện là như thế nào đi chăng nữa thì vấn đề Tây Tạng vẫn là trọng tâm trong  bất đồng giữa hai nước Trung Quốc và Ấn Độ. Chừng nào vấn đề này vẫn chưa tìm được giải pháp thỏa đáng cho người Tây Tạng ở trong nước cũng như sống lưu vong, và đứng vững được đối với hai cường quốc châu Á liên quan đến số phận của mình thì vẫn chưa thể có sự ổn định thực sự ở Trung Quốc, như vậy cũng không thể có một sự “hài hòa thực sự” trong mối quan hệ đang bị xáo động giữa Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước đông dân nhất thế giới, chiếm một nửa nhân loại. Liệu một nửa kia có thoát được những hậu quả của một cuộc xung đột mới mà không ai dám mạo hiểm tới mức dự đoán trước vào năm 2012 cho một sự đổi mới ban lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc? Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 60 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, hồi đầu tháng 1, Trung Quốc đã cho biết rằng báo chí Trung Quốc đã được lệnh giảm bớt những lời chỉ trích đối với Ấn Độ và ngừng đăng các bài báo có thể “gây tổn hại đến mối quan hệ giữa hai nước”.

Nhân dịp chuyến thăm của một phái đoàn Anh tới Tây Tạng vào tháng 9/2009, người ta đã đưa ra một ý kiến biến Lhassa – hoặc ít ra là phần còn lại của Tây Tạng – thành một kiểu “tòa thánh Vatican của châu Á” trong chừng mực mà Dalai Lama tự giới hạn mình ở vai trò tinh thần của nó. Phải có một bài báo đăng trên tuần báo Trung Quốc, Nam Feng Chang, vào giữa tháng 4/2010 mới có một câu trả lời ít ra là không chính thức cho ý kiến trên. Dưới đầu đề “Tây Tạng không phải là tòa thánh Vatican” và ký tên Zeng Biao, bài báo đã không có gì mới cũng không gây ngạc nhiên trừ việc nó tiết lộ một sự chú ý mới về khía cạnh chính trị của vấn đề Tây Tạng.

Mới đây, tuyên bố ngày 13/5/2010 của Serguei Lavrov, Ngoại trưởng Nga, đã không do dự bày tỏ công khai mối quan tâm của Nga về việc tiến hành một cuộc đối thoại giữa chế độ Trung Quốc và Dalai Lama, thậm chí tuyên bố trên còn đi tới chỗ đề nghị có những động tác nhằm tạo thuận lợi cho cuộc gặp gỡ trên. Việc hai chủ đề cũ của Trò chơi Lớn dưới thời kỳ thực dân lại chú ý tới vấn đề Tây Tạng chỉ có nghĩa rằng sự ổn định mà chế độ hiện nay ở Trung Quốc mong muốn nhất thiết phải có một giải pháp ổn thỏa cho vấn đề Tây Tạng. Một vấn đề chắc chắn sẽ bắt đầu ngày càng làm xáo trộn trật tự thế giới mà các cường quốc, dù là mới nổi, mong muốn.

Theo các lịch trình cũ vẫn diễn ra tại Ấn Độ và Trung Quốc, 60 năm, tức là gấp 5 lần một con giáp, theo truyển thóng là đánh dấu sự chấm hết của một chu trình và báo hiệu những hy vọng mới. Trong cuộc cạnh tranh giữa “nền dân chủ lớn nhất thế giới”  và một trong những chế độ độc tài cứng rắn nhất, vào lúc những biểu tượng giữ một vai trò chủ yếu trong một cuộc đấu tranh luôn lại bắt đầu vì quyền tự do, người dân Tây Tạng vẫn không thôi mơ ước các quyền của họ được tôn trọng. Nếu dư luận quốc tế đôi khi có lắng nghe họ, thì chắc chắn là đã đến  lúc họ cũng được những người tự cho mình có trách nhiệm về hiện tại và tương lai của mảnh đất của họ lắng nghe.

***

Tạp chí “Politique internationale” số 128/2010

 Nguồn:  ABS  (Theo TTXVN)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114557783

Hôm nay

2144

Hôm qua

2273

Tuần này

21342

Tháng này

225326

Tháng qua

122920

Tất cả

114557783