Bài viết của các nhà phân tích chiến lược và chuyên gia quân sự Ấn Độ Muzaffa Husein, Safraraz Ahmed và Daniel T Chang trong tạp chí “Các vấn đề chiến lược” tháng 9 viết về vấn đề này như sau:
Nhà chiến lược huyền thoại của Thổ Nhĩ Kỳ Kemal Ataturk từng nhận xét về sự lựa chọn của một quốc gia: “hoặc là độc lập hoặc là chết”. Trong bối cảnh Trung Quốc thể hiện sự gây hấn mới đây, chiến lược quân sự của Ấn Độ đối với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) cần phải dựa theo tinh thần này.
Quân đội Ấn Độ phải chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh thứ 2 mang tính quyết định với Trung Quốc. Đó là cách duy nhất để răn đe sự phiêu lưu của PLA trong bất kỳ một cuộc xung đột tương lai nào và ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh.
Chiến tranh hiện đại chứng tỏ rằng quy mô của quân đội không phải là vấn đề chính để giành ưu thế, mà nhiều khi lại trở thành gánh nặng. Khả năng cơ động và tác chiến của PLA vẫn còn ở mức thấp và họ sẽ phải hoàn thiện trong nhiều thập kỷ nữa.
Vấn đề chủ yếu nhất là đại đa số các loại vũ khí do Trung Quốc chế tạo chưa được thử thách qua chiến trường, bởi vậy các viên chỉ huy PLA thường sử dụng vũ khí nhập khẩu làm phương tiện tấn công hàng đầu. Mặc dù Trung Quốc đang hiện đại hóa quân đội với tốc độ rất nhanh, khả năng chiến đấu của họ vẫn chưa phải ở mức cao. Trung Quốc dựa vào quy mô quân đội của họ để đe dọa các nước láng giềng nhỏ hơn.
Trên thực tế, Trung Quốc là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh ở châu Á. Thái độ hung hăng của họ thể hiện từ khu vực Thái Bình Dương tới Ấn Độ Dương đã gây ra môi trường không ổn định, báo hiệu sự bất ổn định về môi trường an ninh trong tương lai. Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Hồ Cẩm Đào là mô hình cổ điển của nước Đức phát xít trong thế kỷ 20, có thể vứt bỏ mọi nguyên tắc được tuyên bố như “sự trỗi dậy hòa bình” vào sọt rác. Bởi vậy, cách họ xử sự với Ấn Độ cũng không khác gì.
Trung Quốc hoàn toàn là một nước tư bản, có mưu đồ bá quyền đối với các nước láng giềng châu Á nên gọi đây là nước cộng sản là sai về thuật ngữ. Đôi khi họ dùng ý thức hệ làm phương tiện để ngụy trang, và thường sử dụng chiến thuật gây sức ép và bắt nạt.
Hiện nay, Trung Quốc tranh chấp lãnh thổ với đại đa số các nước láng giềng. Trong khi một số tranh chấp là do vấn đề lịch sử để lại, hầu hết các tranh chấp này xuất phát từ sự “thúc đẩy” phù hợp với ý đồ của Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc nhằm kích động tâm lý dân tộc chủ nghĩa và hợp pháp hóa việc nắm quyền lực của họ về lâu dài.
Trung Quốc có nhiều mánh khóe trong việc sử dụng tư liệu lịch sử một cách chọn lọc để đòi sự nhượng bộ từ các nước khác hoặc gây tranh chấp biên giới. Do lãnh thổ là biểu tượng thể hiện quyền lực và uy thế trong tư duy cổ của Trung Quốc, quân đội Trung Quốc đang từ từ nổi lên như một trung tâm quyền lực riêng, đôi khi Đảng cộng sản Trung Quốc (CPC) phải tuân theo sự áp đặt của trung tâm này.
Đã có thời CPC kiểm soát được PLA qua các chính ủy, song hiện nay PLA đã tìm được cách kiểm soát CPC cũng qua các chính ủy có vai trò giống như con dao hai lưỡi. Hiện nay CPC phải nghe theo PLA trong một số vấn đề, trong đó có lợi ích kinh doanh của các tướng lĩnh.
Tất cả các vấn đề biên giới và nhạy cảm đều thuộc thẩm quyền giải quyết riêng của PLA. CPC không có vai trò trực tiếp. Ấn Độ bị Trung Quốc xếp vào diện nước có tranh chấp biên giới và thù địch với họ. Như vậy, chính PLA kiểm soát chính sách đối với Ấn Độ chứ không phải CPC. PLA luôn mang hệ tư tưởng cũ và có xu hướng phiêu lưu dù đó là vấn đề biên giới, xâm nhập hay đưa quân vào vùng Giamu và Casơmia do Pakixtan chiếm đóng (PoK).
Mặc dù Trung Quốc đã trở thành một xã hội trọng vật chất và hiện nay đại đa số người nước này thích cuộc sống phồn vinh trong nền kinh tế thị trường, “Bức tường thép vĩ đại” của Trung Quốc, PLA – thực thể đắm mình trong hào quang vẫn sống với tư duy của những ngày xưa cũ. Bởi vậy thế giới nhìn thấy ở Trung Quốc những hình ảnh rất tương phản nhau.
Một mặt của Trung Quốc là mới hoặc siêu mới, trong khi phần còn lại thuộc về lực lượng nuối tiếc quá khứ. Nhìn bề ngoài, Trung Quốc có vẻ là một khối đồng nhất, song trên thực tế có nhiều Trung Quốc khác nhau. Ví dụ, Trung Quốc thời Mao Trạch Đông, Trung Quốc thời Đặng Tiểu Bình hay Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Hồ Cẩm Đào, tất cả những nhà lãnh đạo này đều chỉ trích lẫn nhau khi lên nắm quyền lực nhằm tôn vinh bản thân như là “vị cứu tinh” của dân tộc Trung Hoa.
Giống như tệ tham nhũng thường được gọi bằng thuật ngữ “vô ký luật” – một biệt ngữ cộng sản giả mạo, những trung tâm quyền lực khác nhau và sự kình địch về quyền lực thường được gán cho cái tên gọi là “các cải cách cơ cấu” trong nội bộ đảng. Như vậy, sự kình địch giữa PLA và CPC trong nhiều trường hợp được che giấu dưới những biệt ngữ khó hiểu đối với những người ngoài cuộc.
Tuy nhiên, tồn tại nhiều sự căng thẳng giữa hai bên. Hai trụ cột khác của hệ thống quyền lực Trung Quốc – giới tinh hoa lãnh đạo mà Đại sứ Trung Quốc Trương Viêm là một thành viên và giới maphia Trung Quốc đã biết cách tồn tại trong hòa bình.
Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) là một thứ gì đó giả mạo. Đôi khi người ta đã thảo luận đề tài giữa PRC và Đài Loan đâu là Trung Quốc thực sự? Nhân dân Trung Quốc ủng hộ cuộc cách mạng năm 1949 và đã tham gia cuộc Vạn lý trường chinh, song họ chưa bao giờ thừa nhận Bộ chính trị CPC có quyền lãnh đạo đất nước tới muôn đời. Bởi vậy, những người cộng sản Trung Quốc mới luôn kêu gào về quyền lãnh đạo hợp pháp của CPC và nghi ngờ về tương lai của bản thân họ.
Do vậy, cơn sốt dân tộc chủ nghĩa giúp CPC nắm giữ quyền lực và bảo đảm với dân chúng của họ rằng đảng này được kiểm soát. Điều ưu tiên cao nhất, Bộ chính trị CPC kê cho dân chúng Trung Quốc một toa thuốc: sẽ là tốt cho Trung Quốc khi CPC nắm quyền lực – một sự tưởng tượng hoang đường.
Nguy cơ thực tế
Yếu tố quyết định chiến thắng trong một cuộc chiến tranh không phải là vũ khí mà chủ yếu là cuộc đấu trí. Tuy vậy, sẽ là điều nguy hiểm đối với Ấn Độ nếu nước này không chịu công nhận Trung Quốc là kẻ thù số một mà không cần lãng phí thời gian vào các cuộc tranh luận kéo dài bất tận.
Trong nhiều thập kỷ qua, Ấn Độ đã bị ám ảnh bởi Pakixtan vì đó là trò chơi giữa các tướng lĩnh người Punjab ở cả hai phía (bang Punjab ở Ấn Độ và tỉnh Punjab ở Pakixtan), song mối đe dọa thực sự đối với chủ quyền của Ấn Độ chính là từ Trung Quốc. Trung Quốc đã thể hiện họ không thèm đếm xỉa tới chủ quyền của Ấn Độ và thách thức Ấn Độ ở bất kỳ cơ hội nào có thể nhằm khẳng định họ chứ không phải Ấn Độ nắm quyền lực thực sự ở châu Á.
Việc Trung Quốc triển khai quân đội ở vùng Casơmia do Pakixtan chiếm đóng (PoK), mặc dù họ bác bỏ về mặt chính thức, là động thái khiêu khích mới nhất đối với Niu Đêli, và cả Bắc Kinh và Ixlamabát đều chờ đợi Ấn Độ mắc sai lầm để họ có thể thực hiện kế hoạch tiếp theo.
Một mặt, Trung Quốc rất nhạy cảm đối với việc Thủ tướng Manmohan Singh thăm Arunachal Pradesh vốn là một phần lãnh thổ Ấn Độ, song họ lại chờ đợi những nước khác phải giữ im lặng khi họ có những hành động thù địch nhất.
Đáng tiếc rằng Ấn Độ không nắm được ma trận quyền lực thực sự của Trung Quốc… Cũng giống như các nước Đông Nam Á, Ấn Độ đã mắc sai lầm tương tự trong thời gian dài khi cho rằng việc Trung Quốc nổi lên không làm mất sự cân bằng quyền lực hiện nay, ít nhất là về quân sự. Điều thú vị là cả Cố vấn an ninh quốc gia và Bí thư đối ngoại đều mang danh “các chuyên gia” của Ấn Độ về Trung Quốc vì có thời gian dài làm việc tại đế chế của Hồ Cẩm Đào.
Phủ Thủ tướng và các cơ quan khác của Chính phủ Ấn Độ thường đưa ra câu chỉ đạo: “Mối đe dọa Trung Quốc không phải là thực sự” và mỗi khi có một nhà lãnh đạo Ấn Độ nào đó thăm Bắc Kinh thì các chuyến thăm đó đều được gọi là “thành công”. Còn hiện tại thì mối đe dọa đó đã kề tận cổ.
Ấn Độ cần phải hành động tích cực hơn nữa để đề phòng Trung Quốc. Vụ tranh cãi xung quanh vấn đề visa là thách thức trực tiếp đối với toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ. Bây giờ Ấn Độ có thể xé toạc tấm bản đồ Trung Quốc và tuyên bố từ bỏ “chính sách một Trung Quốc”.
Mỹ, EU và Nhật Bản vẫn quan hệ bình thường với Đài Loan. Người ta từ chối công nhận Đài Loan chẳng qua vì e ngại trước sức nặng kinh tế và chính trị của Trung Quốc mà thôi.
Đã tới lúc Ấn Độ cần phải xây dựng quan hệ quân sự mạnh mẽ với Đài Loan để có thể lường trước sự bố trí quân sự của Trung Quốc. Hợp tác chiến lược và chia sẻ thông tin tình báo với Đài Loan cần phải là bước đầu tiên để đề phòng trước mưu đồ của Trung Quốc, song Ấn Độ lại mềm yếu đầu hàng trước sức ép của Trung Quốc.
Trừ phi lựa chọn giành thắng lợi đột phá ở Tây Tạng và phá hủy các hệ thống đường bộ và đường sắt ở Tây Tạng bằng các cuộc ném bom quy mô lớn, khó khăn đối với Ấn Độ sẽ tiếp tục đến. Ý tưởng này nhằm đảo ngược cuộc chiến năm 1962 và gây thiệt hại nặng nề cho PLA tương tự như quân Trung Quốc đã gây ra cho quân đội Ấn Độ năm 1962.
Trung Quốc chỉ tôn trọng những kẻ mạnh chứ không nể những kẻ mềm yếu như ông Manmohan Singh.
Về mặt quân sự, cần phải tiến hành một cuộc chiến tranh trên hai phương diện. Một là cuộc chiến trên không trên bộ tại Tây Tạng, và một cuộc chiến không quân – hải quân ở đâu đó để can dự với Trung Quốc trên hai mặt trận chiến lược nhằm cắt đứt các đường tiếp tế năng lượng của họ. PLA đã tích lũy lượng lớn vũ khí và phương tiện quân sự song bản thân họ cũng không nắm rõ kỹ năng sử dụng chúng tới mức nào.
Việc kẻ thù vẫn hoài nghi về khả năng của họ là một lợi thế lớn đối với Ấn Độ. Dự án đường Karakoram không phải là ý tưởng của Pakixtan tới Trung Quốc trong 6 tháng gần đây, trong đó có Tướng Ashfaq Kayani nắm quyền lực lớn nhất, là bằng chứng về điều đó.
Binh lính Trung Quốc mặc quần áo công nhân như trường hợp ở châu Phi, nơi Trung Quốc có các dự án đầu tư với quy mô lớn, đang sẵn sàng mở một mặt trận mới đối với Ấn Độ. Để đề phòng con đường này và sự tập trung binh lính Trung Quốc, Ấn Độ cần phải triển khai tên lửa BrahMos ở các khu vực phía trước.
Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, tên lửa BrahMos vốn không có đối thủ ở giai đoạn hiện nay, kể cả tên lửa Mỹ, có thể dễ dàng quét sạch các đơn vị quân đội của đối phương. Tên lửa BrahMos có thể tiêu diệt phần lớn các mục tiêu với mức độ khá chính xác và nó có thể tránh sự phát hiện của rađa và hệ thống phòng thủ phối hợp của Trung Quốc – Pakixtan.
Tướng Kayani mới đây đã phối hợp với Trung Quốc đưa Gulbuddin Hekmatyar được Cơ quan tình báo Trung ương Pakixtan (ISI) bảo trợ và Tổng thống Ápganixtan Hamid Karzai ngồi vào bàn thương lượng. Khi ông Karzai thăm Bắc Kinh cách đây vài tháng, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Mã Hiểu Thiên đã đồng ý với ý tưởng này.
Nếu Trung Quốc có thể làm trung gian giữa ông Karzai và Taliban một khi Mỹ rút khỏi vùng đất của các chiến binh này, thì Bắc Kinh có thể biến Pakixtan thành một châu Phi khác, nơi họ săn lùng các nguồn tại nguyên y hệt những kẻ thực dân châu Âu đã làm trong thế kỷ 19.
Phản ứng của Ấn Độ
Kỷ niệm lần thứ 60 thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ và Trung Quốc là dịp để thể hiện quan hệ đa chiều giữa hai cường quốc đang nổi lên ở châu Á.
Sự khiêu khích mới nhất mà phía Trung Quốc tạo ra là khi họ từ chối cấp visa cho một viên tướng cấp cao của Quân đội Ấn Độ với lý do ông chỉ huy quân khu miền Bắc, trong đó có Giamu và Casơmia mà Bắc Kinh coi là vùng đất tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakixtan.
Tướng Jaswal được cử tới Trung Quốc tham gia cuộc gặp các quan chức quân sự cấp cao thường kỳ giữa hai nước. Theo nguồn tin đáng tin cậy, từ tháng 7, Ấn Độ đã được phía Trung Quốc thông báo rằng sẽ là “khó khăn” cho ông Jaswal thực hiện chuyến thăm vì ông giám sát một khu vực “khó khăn”.
Thông điệp là rõ ràng và Niu Đêli coi đó là thủ đoạn đặt vấn đề về chủ quyền của Ấn Độ đối với Giamu và Casơmia. Điều đó xảy ra bất ngờ bởi Bắc Kinh đã lặng lẽ tỏ thái độ trung lập, không đứng về phía Pakixtan cũng như Ấn Độ trong suốt nhiều thập kỷ qua trong vấn đề Casơmia.
Rõ ràng là bằng hành động trắng trợn như vậy, Bắc Kinh cố tình khiêu khích Ấn Độ bất chấp các nhà lãnh đạo Trung Quốc liên tiếp lặp lại các tuyên bố về xây dựng quan hệ đối tác chiến lược và kinh tế mạnh mẽ hơn với Ấn Độ.
Niu Đêli đã trả đũa bằng cách từ chối cấp visa cho 3 sĩ quan quân đội Trung Quốc, trong đó có một đại tá và hai đại úy tới Ấn Độ và ngừng tất cả các cuộc trao đổi quốc phòng cho tới khi vấn đề visa được giải quyết.
Niu Đêli cũng nhắc nhở Bắc Kinh thể hiện “sự nhạy cảm đối với các vấn đề lo ngại của nhau”. Hành động từ chối cấp visa cho một tướng lĩnh cấp cao Ấn Độ diễn ra sau việc Trung Quốc cấp visa trên tờ rời (thay vì trong hộ chiếu) thời gian gần đây cho người dân Ấn Độ ở vùng Jammu và Casơmia. Ấn Độ đã giận dữ phản đối hành động xảo quyệt này của Trung Quốc, song mọi lời phản đối đó đều rơi vào những cái tai điếc.
Trong thời gian Bắc Kinh thông báo quyết định của họ không cấp visa cho Tướng Jaswal, Ấn Độ thể hiện sự bất bình của mình bằng cách gặp gỡ Đạtlai Lạtma, Thủ lĩnh tinh thần của người Tây Tạng, người là quân bài tốt nhất để gây khó chịu cho lãnh đạo Trung Quốc.
Trước tiên là cuộc gặp kín giữa Bí thư đối ngoại Nirupama Rao và Đạtlai Lạtma tại Dharamsala, trụ sở của Chính phủ Tây Tạng lưu vong hồi tháng 7. Tháng 8 Thủ thướng Manmohan Singh đã tiếp Đạtlai Lạtma tại tư dinh của ông ở Niu Đêli.
Trung Quốc phản đối, song Ấn Độ phản bác thẳng thừng rằng thủ lĩnh người Tây Tạng là “khách danh dự của Ấn Độ” và bởi vậy, ông có quyền tự do gặp các nhà lãnh đạo Ấn Độ và thăm bất kỳ nơi nào thuộc nước này. Lập trường này đã được Thủ tướng Singh đưa ra trong cuộc gặp của ông với người đồng cấp Trung Quốc Ôn Gia Bảo bên lề Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ – ASEAN tại khu du lịch Huahin của Thái Lan hồi năm ngoái.
Vấn đề Đạtlai Lạtma đã phủ bóng đen lên quan hệ Ấn – Trung năm ngoái, khi Chính phủ Ấn Độ cho phép Thủ lĩnh người Tây Tạng này thăm thành phố Tawang ở bang Arunachal Pradesh. Thủ tướng Singh cũng đi thăm Arunachal Pradesh và tuyên bố về một loạt dự án phát triển bang vùng Đông-Bắc này của Ấn Độ mà Trung Quốc đòi chủ quyền. Trung Quốc kịch liệt phản đối hai chuyến thăm này, song Ấn Độ giữ vững lập trường của mình.
Tuy nhiên, hai bên đã giảm nhẹ sự kình địch và căng thẳng khi đưa ra lập trường chung về vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu. Tại hội nghị của LHQ về biến đổi khí hậu toàn cầu ở Côpenhaghen (Đan Mạch) năm ngoái, Ấn Độ và Trung Quốc đã gây kinh ngạc cho thế giới khi liên kết với các nước khác trong nhóm BASIC (Braxin và Nam Phi) cứu các cuộc thương lượng về khí hậu khỏi nguy cơ thất bại. Tuy nhiên, cái gọi là “tình bạn Côpenhaghen”, không tồn tại lâu. Năm 2010 được bắt đầu bằng dấu hiệu tích cực với việc cả hai bên nỗ lực giữ quan hệ không bị chao đảo và xây dựng kế hoạch về một hành trình tham vọng nhân kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Thủ tướng Singh gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhóm BRIC tại Brasillia hồi tháng Tư, với việc nhóm BRIC cam kết thúc đẩy chương trình nghị sự chung về cải cách cấu trúc quản lý toàn cầu, trong đó có LHQ.
Sau chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Krishna tới Bắc Kinh, Tổng thống Pratibha Patil đã thăm chính thức Trung Quốc vào tháng 5. Trung Quốc đã trải thảm Đỏ chào đón Tổng thống Ấn Độ. Bắc Kinh tỏ dấu hiệu sẽ không phản đối Ấn Độ ứng cử vào ghế thường trực Hội đồng an LHQ.
Quan hệ Trung Quốc – Pakixtan
Mối quan hệ này tỏ ra đi đúng hướng cho tới khi thỏa thuận hạt nhân bí mật giữa Trung Quốc và Pakixtan được đưa ra công khai, gây nhiều lo ngại ở Niu Đêli. Theo thỏa thuận này, Trung Quốc sẽ xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân cho Pakixtan với lý lẽ thỏa thuận được ký kết từ trước khi Trung Quốc tham gia câu lạc bộ Nhóm các nước cung cấp hạt nhân (NSG).
Ấn Độ phản đối thỏa thuận này và coi đó là động thái khuyến khích phổ biến hạt nhân và đe dọa an ninh của Ấn Độ. Thỏa thuận hạt nhân Trung Quốc – Pakixtan đánh dấu điểm căng thẳng mới nhất trong quan hệ Ấn – Trung vốn đã có thể thấy trước kể từ khi Ấn Độ và Mỹ ký hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự lịch sử (chính thức ký tháng 10/2008 sau các cuộc thảo luận kéo dài ở cả hai nước).
Trong thực tế, căng thẳng hiện nay có thể bắt nguồn từ hiệp định hạt nhân Ấn – Mỹ mà Trung Quốc coi là bước đi chiến lược nhằm kiềm chế Trung Quốc nổi lên thành một cường quốc toàn cầu. Cách đây vài tháng, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã thăm Niu Đêli, một chuyến thăm thành công, trong đó hai bên đã thảo luận về các nguyên tắc chỉ đạo và giới hạn chính trị để giải quyết tranh chấp biên giới kéo dài nhiều thập kỷ qua thông qua giải pháp cả gói bằng cách tìm kiếm sự điều chỉnh lẫn nhau trong vấn đề lãnh thổ từ triển vọng chính trị cao hơn.
Tháng 7/2005, Mỹ – Ấn Độ xúc tiến đàm phán về hiệp định hạt nhân giữa hai nước, động thái làm cho Trung Quốc khó chịu, song Bắc Kinh quyết định không làm căng vấn đề này và tập trung vào mở rộng quan hệ thương mại song phương. Khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào thăm Ấn Độ, ông đã đồng ý một cách đáng ngạc nhiên về hợp tác chặt chẽ hơn với Niu Đêli trong lĩnh vực năng lượng, song vẫn giữ thái độ không rõ ràng về vấn đề ủng hộ Ấn Độ tại NSG.
Sự lưỡng lự nói trên đã chuyển thành thái độ thù địch ngấm ngầm vào tháng 9/2008, khi Trung Quốc tìm cách ngăn chặn NSG đạt được đồng thuận trong việc bãi bỏ cấm vận hạt nhân đối với Ấn Độ bằng cách vận động các nước nhỏ hơn có lập trường cứng rắn trong vấn đề cấm phổ biến hạt nhân. Kiểu chơi đòn ngầm của Trung Quốc tại NSG đã khiến Ấn Độ bị bất ngờ bởi Niu Đêli vẫn cho rằng Bắc Kinh có thể bảo lưu ý kiến song không chống lại sự đồng thuận của NSG.
Sự lưỡng lự nói trên đã chuyển thành thái độ thù địch ngấm ngầm vào tháng 9/2008, khi Trung Quốc tìm cách ngăn chặn NSG đạt được đồng thuận trong việc bãi bỏ cấm vận hạt nhân đối với Ấn Độ bằng cách vận động các nước nhỏ hơn có lập trường cứng rắn trong vấn đề cấm phổ biến hạt nhân. Kiểu chơi đòn ngầm của Trung Quốc tại NSG đã khiến Ấn Độ bị bất ngờ bởi Niu Đêli vẫn cho rằng Bắc Kinh có thể bảo lưu ý kiến song không chống lại sự đồng thuận của NSG.
Cách hành xử của Trung Quốc tại NSG đã phủ bóng đen lên mối quan hệ song phương cho tới tận ngày nay. Hiện Trung Quốc tìm cách trả đũa hiệp định hạt nhân Mỹ – Ấn bằng một hiệp định tương tự với Pakixtan, nhằm ngăn chặn sự nổi lên của Ấn Độ bằng cách kiềm chế không để Ấn Độ vượt ra ngoài “cái hộp” Nam Á.
Kiềm chế Ấn Độ và đối phó với quan hệ Mỹ – Ấn đang gia tăng, trên thực tế đã trở thành động lực quan trọng trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh ở khu vực và những toan tính của họ thể hiện qua những hành động gây hấn về vấn đề biên giới bằng cách tái khẳng định đòi hỏi chủ quyền đối với bang Arunachal Pradesh và, gần đây nhất, tỏ ý không chấp nhận chủ quyền của Ấn Độ đối với vùng Giamu và Casơmia. Năm ngoái, Bắc Kinh không những chỉ phản đối các chuyến thăm của các nhà lãnh đạo Ấn Độ tới Arunachal Pradesh mà còn tìm cách ngăn chặn Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho Ấn Độ vay tiền với lý do một phần khoản vay này nhằm thực hiện một số dự án phát triển ở Arunachal Pradesh.
Ngoài ra, mới đây có những thông tin về việc Trung Quốc triển khai 11.000 quân tại Gilgit – Batisatn, một phần của vùng Casơmia do Pakixtan chiếm đóng (PoK). Trung Quốc bác bỏ thông tin này, song căn cứ vào các kế hoạch tham vọng của Trung Quốc trong việc xây dựng hạ tầng cơ sở tại PoK, các thông tin này đã làm sống lại nỗi ám ảnh về mối đe dọa hiển hiện của Trung Quốc.
Đằng sau động thái gây hấn của Trung Quốc ở vùng Casơmia ẩn chứa một ý đồ chiến lược to lớn hơn nhiều, đặc biệt nếu người ta đặt câu hỏi vì sao Trung Quốc tỏ thái độ trung lập về vấn đề này trong suốt 3 thập kỷ qua. Các nhà nghiên cứu cho rằng Trung Quốc đang chơi con bài Casơmia để “giam chân” Ấn Độ tại Nam Á và tiếp sức cho đồng minh Pakixtan của họ đang ngày càng tỏ ra là một nhà nước thất bại.
Theo một số thống kê, Trung Quốc có kế hoạch chi 16-20 tỷ USD cho môt loạt dự án phát triển ở PoK. Kế hoạch này nhằm mục tiêu kết nối Trung Quốc với khu vực Trung Đông giày năng lượng bằng cách hiện đại hóa tuyến đường Karakoram và mở rộng tuyến đường này tới cảng Gwada của Pakixtan.
Trung Quốc hành động như vậy trên cơ sở cho rằng Ấn Độ không thể chất vấn theo kiểu như vậy về chủ quyền của họ đối với Tây Tạng. Tuy nhiên, Ấn Độ không chịu ngồi yên. Năm ngoái, Ấn Độ đã lặng lẽ khôi phục lại con bài Tây Tạng.
Chính phủ Ấn Độ đã cho phép Đạtlai Lạtma thăm Tawang ở Arunachal Pradesh và Thủ tướng Manmohan Singh năm ngoái cũng tới thăm bang này. Thủ tướng Singh gặp Đạtlai Lạtma hồi tháng 8 năm ngoái bất chấp việc biết trước Trung Quốc sẽ phản đối.
Sau đó, Ngoại trưởng Krishna khi ngồi cạnh người đồng cấp Nhật Bản đã tái khẳng định rằng Đạtlai Lạtma là khách danh dự của Ấn Độ có quyền gặp các nhà lãnh đạo Ấn Độ và đến thăm bất kỳ nơi nào thuộc lãnh thổ Ấn Độ mà ông này muốn. Rõ ràng quan hệ hai bên trở nên lạnh nhạt, song cả hai bên đều cố gắng không để việc cãi nhau nhỏ nhặt về vấn đề visa vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Bóng đen phủ lên quan hệ giữa hai cường quốc châu Á dường như sẽ không sớm chấm dứt cho tới khi vấn đề biên giới được giải quyết.
Trong khi đó, lãnh đạo hai nước đang tìm kiếm những biện pháp ngăn chặn không để các vấn đề gai góc ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ song phương rộng lớn hơn. Bất chấp tất cả những bất đồng, dường như họ tiếp tục hợp tác trên các diễn đàn đa phương về vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu và cải cách các thể chế tài chính quốc tế./.
Nguồn:TTXVN (Niu Đêli 15/10)