Những góc nhìn Văn hoá

Tiếng vọng thời gian (Qua ba bài thơ"Màu tím hoa sim", "Núi Đôi" và "Quê hương")

  Đất nước Việt Nam ba mươi năm chiến tranh (1945-1975) – ba mươi năm khói bom, lửa đạn… lắm vinh quang, hào hùng; song cũng đầy mất mát, thương đau. Và dẫu biết rằng văn học luôn là tấm gương phản chiếu hiện thực, nhưng do đặc điểm của hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ mà nội dung phản ánh đã không được trọn vẹn, đủ đầy. Tính chất ngợi ca, tuyên truyền, cổ động trở thành chi phối toàn bộ quá trình sáng tác của các cây bút suốt cả một thời gian dài khi ấy.

Tuy nhiên, nằm trong dòng chảy chung của bầu không khí thời kỳ kháng chiến đó, có một số nhà thơ đã tự mình vượt ra khỏi “quỹ đạo” như đã qui định để tìm ra một lối đi riêng. Và lạ kỳ thay, trong bước đường tìm tòi đầy gian nan, dũng cảm ấy, họ đã gặp được nhau, cùng nhau để lại cho hậu thế những bài thơ bất hủ. Đó là trường hợp của nhà thơ Hữu Loan với bài thơ “Màu tím hoa sim”, Vũ Cao với “Núi đôi” và Giang Nam với bài thơ “Quê hương”.

          Điểm gặp gỡ của ba nhà thơ trước hết là ở cấu tứ của mỗi bài thơ. Ba thi phẩm đều giống như một câu chuyện tự sự kể về sự “ra đi” đầy bất ngờ và chua xót của người thân yêu. Điều đáng nói ở đây là xưa nay, trong văn học viết về đề tài chiến tranh – sự hi sinh, mất mát (nếu có nhắc đến) thường là rơi vào những người lính – những người trực tiếp cầm súng ra chiến trường (Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi – Xưa nay chinh chiến mấy ai về ). Song nghịch lý thay, ở cả “Màu tím hoa sim”, “Núi đôi”“Quê hương” đều nhắc đến sự hy sinh của những người con gái, của người ở hậu phương. Nếu như ở bài thơ “Màu tím hoa sim”, Hữu Loan không nói nguyên do của sự “ra đi” ấy hoặc người đọc có thể “ngầm hiểu”; thì ngược lại ở Vũ Cao, Giang Nam, hai ông đều nói rất rõ. Với Vũ Cao là nỗi niềm chan chứa: “Giặc giết em rồi dưới gốc thông”, còn Giang Nam cũng bàng hoàng, thảng thốt: “Giặc bắn em rồi, quăng mất xác”. Và ta nghe trong câu thơ, không đơn thuần chỉ là nhắc lại một hiện thực phũ phàng của thời chiến nữa; mà đọng lại là cả một tấm tình, một tiếng lòng chua xót, một tiếng khóc nghẹn ngào… của mỗi nhà thơ trước sự ra đi của người mình yêu – và đau đơn hơn nữa lại ra đi dưới mũi tên, hòn đạn của giặc mà tưởng như ở quê nhà có thể bình yên. Một cách ngẫu nhiên, câu thơ không chỉ làm tê tái thương yêu tâm hồn thi sĩ về một thời kỳ đau thương của dân tộc; hơn thế, còn làm tím cả cõi lòng của những người đang sống hôm nay. Và chính bởi đi sâu vào “mặt trái” của cuộc chiến mà đã có một thời, có thi phẩm đã bị “cấm” không được tuyên truyền rộng rãi đối với bạn đọc và người yêu thơ, hay người ta ngại ngần nhắc đến (cùng với dáng kiều thơm của Quang Dũng). Lớp người say mê và yêu thích những bài thơ kiểu “Màu tím hoa sim” chỉ được lưu giữ và ghi chép chúng trong cuốn sổ tay cá nhân của mình rồi chuyền tay nhau mà ngậm ngùi chua xót. Trường hợp GS.Hoàng Như Mai giảng thi phẩm của Hữu Loan cho sinh viên Đại Học Tổng hợp những năm 1970 thật lắng đọng, âm vang … là rất hiếm. Có hiện tượng đó, âu cũng là một điều dễ hiểu. Bởi lẽ trong khi cả nước đang gồng mình lên để chiến đấu với kẻ thù mạnh hơn… thì tất yếu những bài thơ buồn, uỷ mị như thế sẽ không có lợi cho cuộc chiến tranh cách mạng. Song do cả 3 bài thơ đều nói được những điều đúng đắn, chân thành và sâu lắng nhất trong tận đời sống tâm linh con người…, nên sau khi cuộc chiến qua đi, chúng đã được trả lại giá trị đích thực. Cả 3 thi phẩm được đánh giá là những bài thơ khá hay vì chúng là tiếng nói thành thực của người nghệ sĩ trước vòng quay của lịch sử, của một thời đã đi qua không bao giờ trở lại. Và người đọc hôm nay chợt hiểu ra rằng: thơ ca kháng chiến đâu chỉ có niềm vui. Bởi bên cạnh cái “hùng” trong phạm trù thẩm mỹ luôn có cái “bi” song song tồn tại. Cái “bi” chính là ở những đau thương, mất mát; ở hiện thực tàn khốc của cuộc chiến tranh không gì bù đắp nổi. Nhưng cái “bi” ấy không phải là cái buồn mơ hồ, luẩn quẩn, bế tắc của các thi nhân trong phong trào thơ mới – mà đó là cái buồn tích cực trong thời kỳ cách mạng. Họ hiểu rõ nguyên nhân, nguồn gốc sâu xa, chứ không còn “vô cớ” như chàng Xuân Diệu ngày nào (Hôm nay trời nhẹ lên cao/ Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn). Bởi vậy “nỗi buồn chiến tranh” ở cả 3 nhà thơ của chúng ta đều không hề né tránh. Nhưng trong cái buồn chất chứa niềm đau, sự xa xót ấy, vẫn thấy ánh lên niềm tin yêu, hy vọng, sự sống và lòng quyết tâm tiêu diệt kẻ thù. Chẳng thế mà trong đoạn kết bài “Núi đôi”, Vũ Cao viết: “Anh đi bộ đội sao trên mũ/Mãi mãi là sao sáng dẫn đường/Em sẽ là hoa trên đỉnh núi Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm”. Hay Giang Nam cũng hạ bút: Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm/Có những ngày trốn học bị đòn, roi/ Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/Có một phần xương thịt của em tôi”.
          Đọc những câu thơ như thế liệu chúng ta còn thấy nó đơn thuần chỉ là đau thương uỷ mị? Hay chính đau thương, uỷ mị lại nâng cao “tầm vóc” con người? Dẫu biết rằng khi đặt bút kết thúc khép lại mỗi bài thơ, mỗi người đọc, người yêu thơ, chưa hẳn đã dứt ra khỏi nỗi buồn, niềm đau; nhưng dường như đằng sau mỗi câu chữ ấy, ta thấy nỗi buồn, niềm đau kia đã chuyển thành tinh thần quyết tâm chiến đấu với kẻ thù, nói theo ngôn từ ngày ấy, là biến đau thương thành hành động cách mạng. Và như vậy, cả 3 bài thơ nói đến tình yêu chồng vợ, tình yêu đôi lứa – có vẻ rất riêng tư nhưng đã hoà chung trong tình yêu lớn – yêu quê hương đất nước, của cả một cộng đồng dân tộc. Cá nhân và dân tộc gặp nhau trên chiến trường.
          Trước đây có một thời kỳ do cực đoan, phiến diện, chúng ta cho rằng những bài thơ viết về nỗi đau, sự hi sinh, mất mát là bi lụy, làm hạn chế lại dòng vận động của lịch sử hào hùng. Nhưng vượt qua lớp bụi thử thách của thời gian, thực tế đã chỉ ra một điều hết sức ý nghĩa là: chiến tranh nếu không có hi sinh mất mát… thì làm sao người ta thấy hết được giá trị của những tháng ngày sống trong yên ấm, hoà bình ? Thế cho nên, ở một góc độ nào đó, 3 bài thơ “Màu tím hoa sim”, “Núi đôi”, “Quê hương” chính là góc nhìn chân thực, không hề né tránh của tấm gương văn học trong việc phản ánh đời sống xã hội. Hiện thực chiến tranh khốc liệt như vậy đó. Và chúng ta phải vô cùng cảm ơn những con người đã hi sinh cả tuổi thanh xuân và tràn đầy ước vọng của mình để có được một đất nước trọn vẹn, thống nhất như ngày hôm nay. Với ý nghĩa như vậy, dù các nhà thơ không nói, nhưng chúng ta thấy như còn vang vọng đâu đây một lời nhắc nhở thầm về sự trân trọng và yêu mến các giá trị của cuộc sống thực tại – của những gì mà ta đã phải đánh đổi trong ngày hôm qua. Một hành trình qua thống khổ mới tới đầu mút bên kia của hạnh phúc…
          Quan niệm như thế nào là một bài thơ hay xem chừng đó vẫn còn là một câu hỏi lớn. Song nói gì thì nói thơ hay phải bắt nguồn từ những xúc cảm chân thành về cuộc đời và về số phận con người. Và đến với thơ ca, cũng nên tiếp nhận nó “bằng tình yêu thương con người chứ không phải vì chính trị hay vụ lợi riêng” (Hữu Loan – tâm sự ngày 05/03/1995 tại Nga Sơn, Thanh Hóa).
          Phải chăng vì thế mà khi cuộc chiến tranh đã lùi xa cách đây hơn ba mươi năm, nhưng cho đến tận bây giờ cả 3 bài thơ “Màu tím hoa sim”, “Núi đôi”, “Quê hương”… vẫn là những bài thơ hay hấp dẫn và có sức lay động sâu xa trong lòng người đọc ?
 
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511073

Hôm nay

272

Hôm qua

2359

Tuần này

21447

Tháng này

217946

Tháng qua

121356

Tất cả

114511073