Khách mời văn hóa

Văn hóa: Mã hóa và giải mã

Phan Văn Thắng: Tôi được biết anh là chuyên gia IT nhưng rất quan tâm nghiên cứu các lĩnh vực khoa học xã hội, trong đó có văn hóa. Anh đã từng đề xuất một định nghĩa về văn hóa. Anh quan niệm rằng, “văn hóa là một phức hệ những lý tưởng về đời sống của cá nhân và cộng đồng, và cùng với nó là những cố gắng bền bỉ để thực hành những lý tưởng đó, từ đó tạo dựng ra nền văn minh”. Đây là một định nghĩa, nói cách khác là một quan niệm mới và khác so với các định nghĩa mà tôi đã được biết trước đây. Anh có thể diễn giải cho rõ hơn về định nghĩa này?

 HOÀNG Hồng-Minh: Chào anh, tôi rất vui hạnh được chuyện trò cùng anh về câu chuyện văn hóa.

Văn hóa, ai cũng hay biết, là câu chuyện rất dài, dài như chính đời sống của mỗi chúng ta; và hơn cả như thế rất rất nhiều, dài như chính đời sống của các cộng đồng con người từ hàng ngàn năm cho đến hôm nay. Câu chuyện hôm nay có lẽ chỉ là phần mạo đầu, và nếu có điều kiện và thời gianthì tôi hi vọng chúng ta sẽ có thể trở đi trở lại về vấn đề này, cũng có thể gọi là “thiền án văn hóa”.

Đôi dòng ngoài lề, tôi làm việc lâu năm trong lĩnh vực IT, nhưng lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cũng là mảnh đất quen thuộc, tôi cũng đã từng may mắn có nhiều cơ hội tham gia nhiềuhoạt động cùng các nhà nghiên cứu, cả từ trong các hội thảo cho đến những đợt đi thực địa điền dãdài nhiều tháng ngày.

Tôi có nhiều diễn đạt khác nhau về văn hóa, và mục đích của những diễn đạt đó không phải là nhằm để thoả mãn lý tưởng “lập ngôn để đời”, mà là nhằm khắc nét về thực thể văn hóa từ những bối cảnh tùy theo. Nếu diễn đạt văn hoá như một hệ thống tĩnh, ta có thể nhìn nó như một hệ thống biểu định giá, để đánh giá (cho điểm) và qua đó khuyến dụ dẫn dắt các hoạt động của đời sống của mỗi người và của cộng đồng. Ở diễn đạt trên kia, tôi muốn nhìn nhận văn hóa trong sự vận động của đời sống trong suốt lịch sử của mình.

Một ngộ nhận rất phổ biến trong nhận thức là việc đánh đồng “thói quen” với “văn hóa”.

Có thể hình dung một dải phổ của ói quen>..ăn hoá>. Ở phía những “cực điểm” của dải phổ này, việc phân biệt “thói quen”, nếu chúng bền lâu từ nhiều đời thì có thể được gọi bằng chữ hán-việt là « tập tục », với “văn hóa” tỏ ra dễ dàng hơn. “Ăn tục nói phét” chẳng hạn, vốn là một thói quen vô cùng phổ biến, không chỉ ở nơi đất lề quê thói mà nó tràn dâng cho đến tận tầng thượng lưu triều đình, và theo nghĩa bóng thì nó lụt cả đến tầng lớp chí sĩ..  nhưng đó là thói quen, là tập tục, chứ không phải là văn hóa. Nó dẫu sao cũng chưa đạt đến ngưỡng “lý tưởng” của đời sống trong toàn thể cộng đồng, dù có thể đã mon men là “lý tưởng” của đời sống của những “bộ phận rất không nhỏ”. Đến khi mà những thói quen tập tục tồi tệ và vặt vãnh lại trở thành « lý tưởng » của cả một cộng đồng, thì điều đó không phải là văn hóa đã chuyển đổi, mà là sự sụp đổ của văn hóa, là sự trở về với hoang dã.

Thế nhưng, càng chạy về phía nằm ở giữa hai “cực điểm” của dải phổ .. ấy thì các thành tố của chúng nhoà dần, lẫn dần vào nhau. « Loè chữ » và « ham học » chẳng hạn lẫn dần vào nhau, hơn thế nữa chúng còn có thể bấu víu vào nhau.

Tôi đã có dịp thảo luận về sự gặp nhau thú vị của chữ « văn » và chữ « cultus », chữ « hoá » và chữ « culter », chữ « văn hoá » và chữ « culture » (xem thêm « Lòng người mênh mang », quyển #1, tr. 121-122).

Chữ « văn » xưa vốn là hình « xăm », người ta vẽ hình lên thân thể mình để nói « tôi (vốn, thực ra, phải, sẽ) là thế này», là rồng là phượng là rùa là rắn là v.v... gì đó. Hôm nay bạn mặc áo gì quần gì mũ gì cầm cờ gì mang trang sức gì… đó cũng là sự mở rộng của « hình vẽ trên cơ thể » đó, của « văn » đó, mặc dù các «hình vẽ này » đã được gián tiếp hoá, được đa nguyên hoá, được cách điệu hoá đi rất nhiều rồi, cái « mã DNA » của chúng đã được ẩn rất sâu ở bên trong chúng (mượn hình ảnh khái niệm DNA, « deoxyribonucleic acid », tế bào chứa các mã lệnh di truyền chi phối sự phát triển, vận hành, sinh sản của các sinh thể và của nhiều loại virus). Và cũng chính vì thế mà các cộng đồng thường cố gắng làm lại những lễ hội cổ truyền của mình để có dịp được ăn mặc gần giống trở lại với cái « hình vẽ thân thể» cố hữu xa xưa của mình

Cái hình vẽ « tôi (vốn, thực ra, phải, sẽ) là thế này », « văn » - đặc biệt là ở nghĩa mở rộng ra, chính là cái lý tưởng của con người, của cộng đồng người, chữ « cultus » (latin) thì nói rõ đó là việc « thờ phượng ». Để lôi ra được cái « lý tưởng » thực sự, thì phải lôi ra được bản thân sự thờ phượng, vì người ta thường dấu diếm và đội mũ nón cho « lý tưởng » trong đời thực kể cả do vô thức. Chữ « hoá » được gắn ở đây là «nỗ lực », tương tự như chữ « culter »  là « nuôi trồng ». Và nền văn minh, vật chất và tinh thần, là kết quả định hình của những nỗ lực thực hành hệ thống lý tưởng đó, là hệ thống các sản phẩm vật chất và tinh thần mang con dấu, mang mã dấu văn hoá.

Phan Văn Thắng: Anh cũng đã từng nói rằng, sự bền bỉ thực hành là điều gian truân, nhưng dễ hiểu hơn. Chính những lý tưởng về đời sống mới là những cái khó chiêm nghiệm, khó hiểu ngộ, và thật nan giải để làm chúng tiến hóa lên. Và anh giải thích, “Khó chiêm nghiệm, bởi lẽ những lý tưởng của đời sống thường được mã hóa trong các tập tục mà con người ta nhiều khi không còn ý thức được chúng nữa”. Như vậy, chính những cái tập tục, tập quán của các cộng đồng là hiện thân sinh động của các lý tưởng của các cộng đồng, là sự hiện diện cụ thể và toàn thể nhất của văn hóa cộng đồng?

Hoàng Hồng-Minh: Tập tục là hiện thân sinh động của các lý tưởng của các cộng đồng.. là như vậy, mà có vẻ như không hẳn là vậy... Tập hợp các lý tưởng, các thờ phượng không nhất thiết mang tính nhất quán, chúng thường khá hỗn độn, rời rạc, thậm chí xung đột nhau ở bên trong. Và điều đặc biệt là giữa cái « tôi là » và cái « tôi (vốn, thực ra, phải, sẽ) là thế này» lại có thể vô cùng khác nhau, thậm chí phản lại nhau, mà người mang chúng thì lại không biết rõ.

Chính vì « văn » là lý tưởng, là đồ thờ, nên việc soi lại, đánh giá lại thường hằng kho « văn » ấy, kho đồ thờ ấy, cũng phải là một lý tưởng, có như thế thì cái « văn » ấy mới có thể tự tiến hoá được, mới tự làm mới được, mới đủ chất lượng, đủ tươi sống để dẫn dắt tốt đẹp được việc « hoá ». Khi con người, khi cộng đồng quên đi hoặc bị tê liệt khả năng làm công việc soi lại, đánh giá lại thường hằng kho « văn » của mình, điều đó có thể sẽ bền bỉ dẫn họ vào.. thảm hoạ trước những khúc ngoặt quan trọng của đời sống, và khi đó càng nỗ lực thực hành, càng gắng « hóa », thì họ càng bị lún sâu vào thảm hoạ mà họ không hiểu tại sao. Lịch sử triều Nguyễn trước cuộc giao lưu lịch sử không thể thoái thác với châu Âu cho thấy rõ điều đó, càng cố đóng cửa nhắm mắt mong « bảo tồn dân tộc » thì hóa ra lại càng « hại dân tộc ».

Lại nói ví dụ về tập tục, người Việt cả trăm năm nay đã quanh năm sinh hoạt với « lịch tây » (thực ra là lịch Gregorian, nay đã phổ cập cho sinh hoạt trên toàn thế giới), người Việt đã bắt đầu thổi nến ăn bánh mừng ngày sinh của nhau theo lịch này, thế nhưng để kỉ niệm người đã chết thì lại nhất nhất phải theo lịch Trung Hoa cùng những phép bấm độn « thần bí »! Tôi lên vùng Ba Vì năm nay 2016, phiên « chợ Cò » của người Mường và Việt hôm nay vẫn cứ phải họp.. theo lịch Trung Hoa bởi vì « không biết tại sao mà ai lại đi hỏi như thế ạ»! Cũng trăm năm lại đây người Việt đã bắt đầu rục rịch kỉ niệm việc « giỗ các vua Hùng » ngày càng qui mô tập trung hơn để cố gắng « khẳng định bản sắc Việt », thế nhưng lại nhất định cứ phải « giỗ các vua Hùng » theo lịch Trung Hoa – mà những nhân vật vua Hùng huyền sử này nếu như có tồn tại thật thì đương nhiên là họ đã chết trước khi người Việt biết dùng lịch Trung Hoa. Ở đây tôi đang muốn lưu ý vào việc đọc các mã văn hóa, chứ không phải đang say mê phê bình. Tất cả những gì « kho khó », « sờ sợ », hoặc có hơi hướng « ma quỉ » là phải néo vào lịch Trung Hoa,  từ việc đi buôn, cho đến việc đụng đất xây nhà - kể cả nhà cửa của khu vực công cộng nhà nước, cho đến việc ăn hỏi nhau, hoặc việc đụng giường chiếu nhau… Các tập tục ma chay vay mượn của Trung Hoa rất phổ biến tràn lan trong người Kinh Việt và được xem như là những chân lý tuyệt đối, « đương nhiên phải là như thế, đừng có cãi ». Chỉ riêng câu chuyện lịch Trung Hoa này đã mách bảo biết bao nhiêu thứ đồ thờ sâu thẳm trong tâm thức Kinh Việt.

Anh Thắng có lý khi đặt vấn «.. chính những cái tập tục, tập quán của các cộng đồng là hiện thân sinh động của các lý tưởng của các cộng đồng, là sự hiện diện cụ thể và toàn thể nhất của văn hóa cộng đồng? », tuy rằng nhiều khi những lý tưởng ấy chúng bị biến hình qua nhiều tầng khúc xạ và bị biến đổi dung lượng. Các tập tục tồn tại được bền bỉ chẳng qua cũng là vì con người thờ phượng cái lõi « văn » của chúng, coi chúng như là hiện thân của « văn », của những chân lý vĩnh cửu chỉ được thờ và theo thôi, chứ không ai được quyền bàn đến, được quyền soi trở lại, dọn dẹp lại, thay đổi đi.

Khổng giáo vào xứ Việt từ rất lâu đời và có một vị thế vô cùng vững chắc trong tâm thức Việt, mà rất nhiều những hình thái sinh hoạt ngày nay dù đã được mang tên gọi khác, thậm chí có lúc như là để « nhằm chống Khổng giáo », thì cũng vẫn chỉ là Khổng giáo. Về hình ảnh điều này giống như hình xăm trên cơ thể, rộng hơn thì có cả « hình xăm khứa trên bộ não », chúng vẫn còn khá nguyên vẹn, chỉ có áo khoác ngoài mũ nón đội lên là tha hồ cải biên, tầng tầng lớp lớp mươi cái áo với dăm cái mũ chồng lên nhau mà thôi... Cần để ý một điều khác nữa khá phổ biến: nhiều khi ở những mảnh đất mà những thờ phượng được nhập khẩu thì chính những thờ phượng ấy lại được bảo tồn còn nguyên vẹn và lâu dài hơn cả so với ở nơi mà chúng vốn đã được sinh ra; tại sao, tại vì những người chép lại sự thờ phượng họ bị tê liệt tự nhiên, họ tự cho rằng mình không có quyền nghĩ lại về những thứ mình đã chép lại, họ cố tự hào rằng bản chép lại của mình là « chân chính duy nhất », trong khi chính những người vẽ ra chúng thì sẽ dễ dàng hơn trong việc tự cho rằng mình có thể có quyền thay đổi chúng. Các hệ tư tưởng cũng thường ở trong tình trạng như thế. Vả lại, xứ vay mượn thường là xứ kém phát triển hơn so với xứ cho mượn, các ý tưởng vay mượn lại càng được cực giản hóa. Khổng giáo đọng lại cái căn bản nhất dưới dạng thô giản nhất trong đầu người dân xứ vay mượn: trong nhà thì có bố con vợ chồng, ở ngoài thì có thày, có quan nhỏ quan to, rồi trên cùng thì có vua, họ lần lượt là những bố của bố mình, bố của chồng mình;  các việc gì của bố của chồng của thày của quan của vua thì đừng có mà ho he nghĩ tới, động tới, kẻo mà thiệt thân thì đừng có oán trách.

Một cộng đồng chưa có một truyền thống tự do trở lại với những tập tục của chính mình, nghĩa là chưa có khả năng tự mình tách ra khỏi chúng về ý thức, biết nhìn những tập tục ấy như là một thực thể ở bên ngoài mình, một thứ di sản, mình có quyền suy xét, phê phán, lựa chọn, đổi thay chúng, thì cộng đồng ấy bị bất lực, bị tê liệt về « văn ». Mà văn hoá là hệ thần kinh của một cộng đồng, nó là quan toà định giá đúng sai hay dở trong đời sống cộng đồng, nó hướng dẫn đời sống của cộng đồng. Đời sống vận động không ngừng, mà văn hoá lại bị tê liệt, hoặc bị suy đồi, thì nền văn minh cũng đến lúc phải bị đổ vỡ, hỗn loạn, huỷ hoại theo. 

Phan Văn Thắng : Anh đã nghiên cứu quá trình mã hóa đó của người VN, văn hóa VN? Quá trình mã hóa đó như thế nào, thưa anh?

Hoàng Hồng - Minh: Mã hoá là một chu trình tự nhiên trong quá trình « hoá » của cái “văn”, quá trình kiến tạo đời sống sao cho cái « văn », hệ thống thờ phượng, được thực hành, được triển khai, được bảo dưỡng.

Nếu con người tiếp tục sống ở trong những « làng nước » như hàng ngàn năm trước đây (thậm chí chỉ như trong vài chục năm trước đây) người ta thấy « văn » và « hoá » sẽ rất đơn giản và tự nhiên, cứ như là « đạo » vậy. « Đạo » chỉ là ý niệm câm về thứ « chân lý tuyệt đối liệt khẩu không nói ra được ». Luỹ tre, cái cày, con trâu, mùa màng, sinh bệnh lão tử.. cùng với tục ngữ ca dao và dăm câu của thánh hiền Trung Hoa về cái đạo « thờ vua, thờ bố, thờ chồng », là “rõ hết cả rồi”, không có gì để mà nghĩ nữa. Thực ra cũng có vài cái đạo khác nữa nhưng chúng bị yếm thế hơn trong sinh hoạt của người Việt.

Vấn đề nảy sinh ra ở chỗ khác.

Vấn đề là dân số đông đúc lên, di chuyển dễ dàng lên, giao tiếp mở rộng ra, công nghệ phát triển lên, hiểu biết tiến triển lên, nhu cầu vượt trội lên, các cấu trúc đời sống xã hội nhiều tầng phức tạp hình thành lên, rồi thì quốc gia hóa, rồi thì toàn cầu hoá, v.v. Lưu ý rằng tâm thức “làng nước” chưa phải là tâm thức “quốc gia”. Kho thờ phượng kia được cố níu mãi, kéo mãi, nứt nẻ toác ra nhưng rồi vẫn cố lành thì đùm rách, khiến tất cả trở nên tê liệt, và rồi khủng hoảng là điều tự nhiên. Cái « văn » của xã hội Việt vẫn muốn cai quản nhau như ngàn năm về trước, tất nhiên là không thể làm được điều đó, nhưng nó cũng không tự nhiên mà sẵn sàng thoát ra khỏi điều đó, lớn lên ra khỏi đó. Đừng vội nghĩ về chính quyền chính thể to tát: ngay cái đám ma của người Việt với những ràng buộc họ hàng làng thôn vụn vặt xa xưa cùng trăm thứ mê muội vẫn luôn luôn đang đè bẹp ngổn ngang lên cả cái xã hội Việt đang « hiện đại hoá », “xã hội hóa” thúc bách hôm nay.

Nhìn ra quá trình « mã hoá » đó, để xem những gì phải dẹp. Dẹp bằng nhiều cách, mà việc xây dựng và thực hành được hiến pháp và các bộ luật thông minh và văn minh được thiết kế dần lên từ nền tảng của các quyền làm người, đó là cách hiệu quả nhất, để con người có được những đòn bẩy, có được những cái tựa để vin vào chúng mà lò dò đi ra được.

Con người phải thay đổi thái độ với tập tục, phải xây đắp tự do cá nhân cho mỗi người, để có thể kiến tạo nên những hình thái sinh hoạt mới của đời sống.

Điểm tựa triết học phải bị thay đổi: không phải sự nô lệ của người kia (khác) đưa đến sự tự do cho người này, mà sự tự do của « tất cả mỗi người kia (khác) » kiến tạo nền tảng cho sự tự do của « mỗi người (này) ».

Phan Văn Thắng: Quá trình mã hóa đó trong mỗi cá thể thành viên chịu, hay bị, ảnh hưởng từ cuộc sống cộng đồng như thế nào?

Hoàng Hồng - Minh:Một cách tự nhiên, thì mỗi cá thể thành viên chịu-bị-được ảnh hưởng của toàn bộ “cái bầu nước ối”, “cái nôi”của tập tục-văn hoá của cuộc sống cộng đồng, ngay từ trong bụng mẹ, từ trong nôi, cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay.

Sự thay đổi tập tục-văn hoá về bản chất không đến từ cộng đồng toàn bộ chung chung, mà đến từ những cá nhân con người, từ những nhóm người có hiểu biết, có năng lực, có lòng yêu thương cuộc sống và có mong muốn mạnh mẽ làm cho đời sống tốt đẹp lên, khoẻ khoắn lên,tự do lên; sự tác động đó trong lịch sử đôi khi có cả từ nhóm người đến từ bên ngoài. Tất nhiên trong sự đổi thay nào cũng có cả những sự phá rào theo hướng phá phách kiếm lợi đơn thuần, và chúng thường là cái cũ mèm đã được đổi áo thay mũ, cần phải được nhận ra và chế ước.

Tiến hoá về văn hoá rất khó khăn, cứ xem như những ý tưởng cách tân phi bạo lực, dốc học hành, và quyết đồng hành cùng thế giới đang văn minh lên của ông Phan Châu Trinh đầu thế kỉ XX tuy thật là đơn giản mà đã qua cả trăm năm nay vẫn còn chưa được cộng đồng Việt thật sự hiểu ra, thật sự đồng thuận.

Phan Văn Thắng: Là người Việt/Phương Đông đang sống và làm việc ở Phương Tây, sống cùng và trong lòng cộng đồng văn hóa Phương Tây, theo anh, đặc trưng khác biệt lớn nhất giữa văn hóa Phương Đông và Phương Tây là gì?

Hoàng Hồng - Minh:Tôi thực ra không đồng ý với cách gọi và cách đối chọi cực giản « phương đông », « phương tây ». Các thuật ngữ này rất thuận tiện sử dụng cho các quan sát thô sơ ban đầu, đặc biệt vào vài trăm năm trước đây khi mà các cộng đồng con người còn sinh hoạt rất khu biệt, và lần đầu tiên họ nhìn thấy nhau thì họ phải sửng sốt biết bao nhiêu trước cuộc đụng nhau của những « da vàng mũi tẹt » và « da trắng tóc vàng ».

Nói chuyện riêng, khi bạn ở lâu một nơi, nhiều khi bạn mới bắt đầu chợt thấy ra rất tự nhiên « ơ cái ông François này sao mà giống bác Cày ở xứ ta đến thế nhỉ, giống hơn rất nhiều so với ông Michel anh ruột của ông ấy ». Lúc ấy bạn đã chợt vượt qua những tầng tầng áo mũ bên ngoài để đi đến những dây rễ tâm lý cá thể vô hình ở bên trong họ.

Tôi rất ngạc nhiên khi người ta say sưa nói đến những « minh triết phương đông » để đối chọi lại với « minh triết phương tây », tuy rằng không thấy đả động gì đến những « minh triết địa lý nam  bắc » gì khác nữa! Đã là minh triết, thì phải là... « minh triết”; nói dài ra hơn thì là “minh triết vũ trụ ».

Người Việt nói chữ « phương đông », nếu chịu khó bóc cái mã hoá của nó ra, thì đó phần nhiều chỉ là khu vực Trung Hoa và vài nước xung quanh vốn bị chịu ảnh hưởng truyền thống của Trung Hoa mà thôi, cụ thể là hai xứ Korea (Bắc Hàn - Nam Hàn, từng là « An Đông đô hộ phủ »), Việtnam (từng là « An Nam đô hộ phủ »), và nửa chừng nào đó liên quan tới Nhậtbản. Nhưng vì vô thức muốn tự mình đồng nhất vào mảng đó, người Việt lại thường muốn có cái thái độ hãnh diện nước đôi « Trung Hoa, nhưng mà không phải Trung Hoa ». Ví dụ người Việt thích nói « âm lịch », chứ không chịu nói hoặc thừa nhận rằng đó là « lịch Trung Hoa », thích nói « đông y », chứ không chịu hiểu ra thực chất đó là « y học cổ truyền Trung Hoa » (những “bài thuốc Nam” là những kinh nghiệm và dược liệu ở xứ Việt nhưng lý sự của nó vẫn là của « y học cổ truyền Trung Hoa »). Y học ngày nay là khoa học-công nghệ để trị bệnh cứu người, sử dụng mọi hiểu biết từ mọi nguồn thông qua các nghiên cứu-thử nghiệm-thực nghiệm-thống kê, đâu phải là thứ gắng gượng địa phương chủ nghĩa « tôi là tây y ».

Chúng ta vẫn có thể dùng các thuật ngữ nặng về mô tả tiện lợi « phương đông », « phương tây », nhưng phải dứt khoát về khái niệm. Lưu ý rằng bản thân nhiều cây viết của châu Âu cũng hay lẫn lộn cùng lạm dụng mấy chữ này; đương nhiên không phải ai trong số họ cũng đều giỏi giang xuất sắc cả, hoặc nhiều người trong số đó giỏi giang về chuyên ngành nhưng họ không để ý đến mặt nhận thức triết học phổ quát hơn.

Cho đến hôm nay, thì về cơ bản ở châu Âu tinh thần khoa học duy lý đã trở thành một trong những cốt lõi của văn hoá, cùng với đó là đầu óc mở rộng, lòng khoan dung, tinh thần nhân văn, ý thức về các quyền tự do căn bản của mỗi con người phải được thực thi, ý thức về môi sinh, trách nhiệm trước đời sống thế giới trong toàn thể, đương thời và dài hạn.

Còn ở xứ Việt thì vì mới phát triển, quốc gia hiện đại mới hình thành, nên tinh thần « gia đình-họ hàng-làng xã » vẫn là nền tảng xuyên suốt. « Làng xã » được mã hoá rộng ra, nghĩa là gồm cả các phường hội khác nhau mà con người cụ thể tham gia vào đó, có quyền lợi (các cơ quan, đoàn thể, người quen, người thân…). « Tinh thần quốc gia » hiện đại thực ra còn rất yếu kém, vì « công dân tự do » thực sự chưa hình thành được, mà « đang được thai nghén », tình trạng của xã hội dân sự hiện trạng là một thước đo. Sự mê tín, mà bản chất của sự mê tín là sự sợ hãi hoang tưởng, là thứ phổ biến ở mọi tầng lớp, kể cả trong giới « các nhà khoa học », đầu óc địa phương chủ nghĩa, kém khoan dung, ý niệm về các quyền tự do căn bản của mỗi con người chưa được hình thành trong cộng đồng, trách nhiệm trước thế giới hoặc không tồn tại hoặc rất mờ nhạt.

Phan Văn Thắng:Ta có thể quan niệm kết quả của quá trình mã hóa đó là các hệ thống ký hiệu văn hóa, hay là hệ giá trị của các nền văn hóa? Quá trình mã hóa và kết quả mã hóa khác nhau được quy định bởi các yếu tố nào?

Hoàng Hồng - Minh: Văn hoá rốt cuộc không phải là để lên gân, mà là để đời sống được yên lành, trôi chảy, thuận lợi, hiệu quả, nhiều yêu thương, giàu có về thẩm mỹ.

Quá trình mã hóa và mã hóa trở lại được diễn ra rất tự nhiên. Dấu vết của nó ở khắp nơi.

Trong tâm thức người Việt vốn có vị trí « Vua » là người thay “Trời” chiếm hữu chăn dắt cả một nước, tức là cả lãnh thổ và thần dân ở trong đó. Ngày nay việc chức danh « chủ tịch hội đồng nhà nước » của nền cộng hoà (đang được xây dựng) thường cứ được gọi tắt rất hồn nhiên ra là « chủ tịch nước », đó chính là sự mã hoá trở lại của cái « văn » cũ kĩ đó ra ngôn ngữ thông dụng một cách vô thức, ngô nghê.

“Đọc” một sản vật xã hội, là phải đọc ra cái “văn” được mã hóa ở trong đó như thế nào, đến đâu. Sản vật “thuế má” chẳng hạn. Với cái “văn” xưa, “thuế má” vừa là để “đánh dấu” tài sản của vua chúa, vừa là đặc lợi của riêng vua chúa, họ muốn tiêu dùng chúng ra sao tùy thích; người dân coi thuế má là phần tiền của phải cống nộp đi, phải bị mất đi, họ không có quyền gì với chúng một khi đã cống nộp. Với cái “văn” của nền cộng hòa (đang xây), “thuế má” phải là cách thức sử dụng tài sản thông minh cho sinh hoạt cộng đồng, nhằm giải quyết những vấn nạn chung như phát triển hạ tầng (điện, nước sạch, giao thông , viễn thông...), nuôi dưỡng nền điều hành dịch vụ công hiệu quả, phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, phòng chống thiên tai, khuyến khích giúp đỡ phát triển công nghệ mới, đảm bảo quốc phòng an ninh, trợ giúp nuôi dưỡng người già yếu, nghèo kém, bệnh tật, tàn tật v.v.; người dân coi thuế má là phần tiền của họ đóng góp theo thỏa thuận của luật pháp, họ có quyền với ngân sách thuế má trong việc kiểm tra, quyết định chi tiêu, điều chỉnh chi tiêu những khoản tiền đó hoặc trực tiếp hoặc thông qua đại biểu của mình. Chúng ta thấy đó, cũng là việc thuế má mà bản chất văn hóa xã hội của nó đã phải khác nhau một trời một vực khi được vào mã-giải mã khác nhau. Tôi tin chắc là số đông người dân chúng ta còn rất lẫn lộn câu chuyện này, và chưa giải được câu chuyện này.

Có mã hóa thì phải có chìa khóa để giải mã. Đó là cả một quá trình kiến tạo một đời sống. Ngày xưa thì chỉ cần những hò vè và việc ruộng việc nhà trong họ ngoài làng là đủ. Ngày nay đó là một thách thức của giáo dục, đào tạo, kiến tạo, truyền thông, bảo dưỡng xã hội.

Hệ thống kí hiệu mã hóa chỉ có giá trị nếu nó biểu hiện được các giá trị được tôn trọng. Như thế, kết quả đích thực của quá trình mã hoá là cả hệ thống các kí hiệu văn hoá và hệ giá trị văn hoá bảo lãnh cho hệ thống các kí hiệu văn hoá.

Có thể hình dung việc xây dựng được hệ thống mã hóa của đời sống hiện đại sẽ cho phép con người xây dựng được tiếp lên những hệ thống văn minh lớn hơn, phức tạp hơn, hoàn thiện hơn, được bảo đảm, được bảo lãnh bởi hệ thống các giá trị văn hoá. Tựa như khi bạn cắm một chiếc máy in mới mua vào một chiếc máy tính thông minh hôm nay , chúng tự động nhận ra nhau, trao đổi mã thông tin cho nhau và tích hợp trôi chảy được lẫn nhau thành ra một hệ thống lớn hơn và hiệu quả hơn: chúng chia sẻ “văn” và thực hiện được “hóa” nhờ thông qua bộ « mã ».

Phải mở ra với thế giới, muộn quá rồi (và chắc rồi sẽ còn tiếp tục muộn nhiều nữa!). Rất nhiều điều phải học hỏi và thay đổi trong nền văn hoá của mình, và những giá trị lớn lao mà thiếu vắng trong truyền thống thì phải « nhập khẩu », đơn giản như sự tôn quí các quyền tự do, các quyền làm người của mỗi cá nhân.

Mặt khác, những giá trị đặc sắc của thẩm mỹ tinh luyện được trong nền văn hóa truyền thống là những điều quí giá, làm sao gìn dưỡng được chúng như tài sản của đất nước: món ăn, đồ uống, đồ  mặc, trò chơi, kiến trúc, âm nhạc, múa hát, hội hoạ, võ thuật, ngôn ngữ.. Việc đầu tiên là làm sao “ghi chép” (lưu nhớ, theo nghĩa rộng nhất) được tỉ mỉ chúng một cách có hệ thống với nhiều bằng chứng nhất có thể, bằng nhiều thể loại nhất có thể, « ghi chép » sao cho đủ để có thể tái dựng chúng trên hiện thực vật chất. Nói ví dụ như một ngôi chùa cổ quí báu nào đó mà bị cháy thì chúng ta phải dựng lại được nó trong toàn bộ, trong mọi chi tiết.

Công việc bảo tồn thật vô cùng quan trọng. Nói ví dụ để năm mươi năm nữa còn nhìn thấy được năm mươi mấy ngôi làng cổ nguyên vẹn, mỗi ngôi làng là điển hình cổ truyền của mỗi sắc tộc trên đất Việt. Các món ăn cũng cần được gìn giữ thế nào, và muốn gìn giữ được chúng thì phải gìn giữ nuôi trồng được những sản phẩm bắt buộc phải có, cùng các nghệ nhân và công chúng của họ. Các nhà thiết kế áo quần luôn luôn có thể gìn giữ khéo léo những cảm hứng từ quần áo cổ truyền được mã hoá trở lại trên áo quần hôm nay, đôi khi chỉ cần thông qua một vài chi tiết nhỏ nhưng lại khéo đủ nói, đủ dinh dưỡng tinh thần. v.v.

Các sản vật cổ truyền được lưu giữ luôn luôn là những nguồn vốn, những “bộ gen” rất giá trị để rồi thực hiện được vô vàn những cách tân thú vị mà đặc sắc. Không những chỉ là gìn giữ tài sản cổ truyền của dân tộc mình cho dân tộc mình, mà còn phải biết nghĩ đến gìn giữ tài sản ấy là đóng góp cho loài người nói chung.

Các sản vật cổ truyền được lưu giữ là những mẫu vật mách bảo để cái « văn » có thể và cần phải được giải mã thêm, giải mã trở lại chúng khi ta lại gặp phải những khúc quanh của đời sống.

Phan Văn Thắng: Hình như tiến trình văn hóa của các cộng đồng, kể cả các quốc gia dân tộc, chính là quá trình mã hóa và giải mã? Giải mã để tiếp tục mã hóa các dữ liệu mới thành những hệ thống ký hiệu và giá trị mới? Theo anh, quá trình giải mã và mã hóa hiện nay có gì khác trước?

Hoàng Hồng - Minh:Có thể thấy về căn bản đời sống của cây cỏ là làm sao để sống sót, để lan tràn, nhưng có lẽ chúng cũng không biết là chúng sống sót, và chúng cũng không cần biết sự tồn tại của mình có ý nghĩa gì.

Đời sống của con người trước hết thì cũng là sống sót và phát tán. Nhưng con người còn có nhu cầu, ngày càng mạnh mẽ và sâu sắc hơn, sống như thế nào để có được nhiều tiện nghi hơn, để cảm nhận được nhiều hạnh phúc hơn.

Sống siêu bảo thủ, nghĩa là sống để kéo dài được cái tập tục mà mình đang thừa hưởng của người đi trước, bất kể tập tục ấy là từ đâu đến và có ý nghĩa gì, gây khổ sở gì, thì nghĩa là sống mà không cần giải mã, hoặc không có khả năng giải mã những tập tục ấy. Đó thực ra là một sống đời mồ côi văn hóa.

Việc thực sự giải mã và tiến hoá văn hoá chỉ trở thành nhu cầu khi con người muốn thay đổi cải thiện được đổi đời sống của mình, trước hết là mỗi con người cá nhân. Mỗi con người cá nhân dần dà phải có nhu cầu về triết học, nghĩa là họ muốn tự đánh giá, tự suy nghĩ lại hiện sinh của mình, giành được quyền bảo lưu tự do của mình, tìm cách bảo vệ tự do của mình và của mọi người, tìm cách tiến hoá đời sống của mình và của mọi người: họ bắt đầu phải đặt vấn, và họ phải giải mã văn hoá-tập tục như một yêu cầu riêng tư thiết thực.

Phan Văn Thắng: Cái lạc hậu, cái lỗi thời có phải là cái không giải mã được?

Hoàng Hồng - Minh: Cái lạc hậu, cái lỗi thời, ngược lại, chính là cái giải mã được, với điều kiện con người nhận ra được rằng chúng là lạc hậu, là lỗi thời. Nhưng thực sự nhận ra được rằng những tập tục nọ là lạc hậu, là lỗi thời là điều không hiển nhiên, vì con người thường vá víu lặt vặt cho xong việc và tưởng rằng như thế là mình đã ra khỏi cái lạc hậu, cái lỗi thời. Toàn bộ thể chế quản trị mệnh lệnh-tập trung ở các xứ sở có truyền thống Khổng giáo chỉ là hình thái khác đi của thể chế Khổng giáo, là “tân-Khổng giáo” nếu thích dùng chữ, và nhiều người ở trong đó tưởng rằng mình đã ra khỏi cái lạc hậu, cái lỗi thời, thực ra chỉ là vì họ đã không giải mã được nó, hoặc lờ đi.

Ngược lại, chúng ta đã chứng kiến hàng loạt những ngôi làng đẹp bị chính những người làng phá dỡ hoặc làm hư hại nhanh chóng trong những năm vừa qua, ngoài nguyên nhân chạy đua kiếm tiền thì còn có nguyên nhân là những người làng không giải mã được các di sản văn hóa, không hiểu được những giá trị lớn lao mà họ đang có trong tay, và thản nhiên phá bỏ chúng đi. Và không chỉ ở làng quê! Các thành phố lớn như Hànội, Sài gòn... cũng phải chịu cùng những cảnh ngộ mất mát như thế.

Phan Văn Thắng: Có lẽ xin phép anh tạm dừng câu chuyện về định nghĩa văn hóa chúng ta sẽ ở đây để chờ đợi tiếp tục vào một dịp khác sau khi có các ý kiến khác trao đổi.

Thưa anh, gần đây tôi có được đọc một số đoạn văn vô cùng ngắn của anh nói về văn hóa, về minh triết. Anh đã có những phát hiện rất lý thú về văn hóa, về tư duy, về triết lý, về cuộc sống, về phong tục tập quán của người Việt. Mặc dù tôi chưa đọc được nhiều nhưng hình như anh có thông điệp rất mạnh mẽ về cách tư duy, cách tồn tại của người Việt, văn hóa Việt, xã hội của người Việt hiện tại đang có nhiều bất cập. Theo anh thì điều đáng quan tâm nhất, đáng phải điều chỉnh nhất của Văn hóa Việt bây giờ là gì?

Hoàng Hồng - Minh: Tôi nghĩ rằng người Việt đã đấu tranh rất gian khổ và dài lâu cho nền độc lập nhân sự về quản trị, để chính người Việt được đứng lên và đứng vào vị trí cai quản đời sống của chính mình. Thế nhưng, họ chưa có được cuộc đấu tranh gian khổ và dài lâu cho nền tự do cá nhân của con người trong đời sống xã hội, đương nhiên thôi, vì điều đó khó khăn hơn rất nhiều về mặt nhận thức. Hơn thế nữa, những thành công trong việc đấu tranh rất gian khổ và dài lâu cho nền độc lập nhân sự về quản trị đã góp phần gây ra ảo tưởng rằng việc tiến hoá về tự do cá nhân hoặc là « đã xong rồi », hoặc là « không cần thiết ». Không có tự do cá nhân thì dân chủ là một từ không có nghĩa.

Thực ra thì tự do là một khái niệm phức tạp. Con người xưa cũ chỉ nghĩ đến tự do theo kiểu là một thứ đối phó với quyền lực hành chính: hoặc là vùng lên giành được quyền lực, có quyền lực rồi thì sau đó lại tha hồ ra lệnh, thế là tự do; hoặc là lủi thủi bầu rượu túi thơ chui vào chốn thanh tịnh ngâm nga để trốn tránh quyền lực, để trêu chọc quyền lực hành chính, thế là tự do.

Người Việt không có truyền thống tư duy triết học. Những triết lý thở dài thì ở đâu cũng có, người nào cũng có, nhưng chúng manh mún, phi hệ thống, chúng giúp xì hơi sự thất vọng, nhưng không khuyến dụ con người xây dựng được tư duy hệ thống đặng cải tiến đời sống về chất lượng. Tâm lý thần bí chấp nhận những  “chân lý mẹ truyền” một cách tuyệt đối nhi nhiên, người ta bảo “bạn tuổi con lợn” thì bạn chỉ còn có việc suy diễn say sưa tiếp xem mình giống con lợn đến như thế nào.  Tư duy triết học nhìn những “chân lý mẹ truyền” như những giả định, người ta bảo “bạn tuổi con lợn” thì bạn suy nghĩ tại sao người ta lại nghĩ ra như thế, từ thời đại nào, nguồn gốc ra sao.. tại sao các dân tộc khác lại không tin mê giống như thế... Bạn là một chủ thể của nhận thức, chứ không phải là một cái hũ để người ta muốn chất gì vào đó bạn cũng hớn hở.

Về hình ảnh, các nốt nhạc, kể cả nhạc lý đi nữa, vẫn chưa phải là âm nhạc. Âm nhạc là một năng lực sử dụng âm thanh, tiết tấu, hoà thanh, giọng điệu để mô tả vũ trụ và con người, để thể hiện những đam mê những khắc khoải của con người. Tư duy triết học là một năng lực, chứ không phải là một mớ tụng niệm các khái niệm cùng các định nghĩa. Một năng lực cố gắng thống nhất các hiểu biết cục bộ đã có được về sự vật ngày càng trong sự thẳm sâu của nó, và trong toàn bộ hệ thống mà nó tham gia, để giúp sức mạnh cho các quyết định. Cố gắng này cần được khuyến dụ trong giáo dục, để mỗi con người mỗi khi mở rộng thêm được hiểu biết bao nhiêu thì lại phải tự phát triển thêm năng lực để tái cấu trúc tập hợp các hiểu biết, các thông tin đã có được thành một hệ thống rộng lớn hơn, sâu sắc hơn, đảm bảo được tính nhất quán hơn. Tôi hình dung năng lực triết học có chức năng làm hội nhập (integration) kiến thức, biên định kiến thức (compilation), hệ thống hóa (systematisation) kiến thức, nhất quán hóa (validation-coherence) kiến thức – điều này được thực hiện giản dị hay phức tạp tùy theo tầm độ và lĩnh vực nhận thức của mỗi chủ thể nhận thức, nhưng ai ai cũng cần phải có. Và năng lực triết học cũng là năng lực để đi đến tự do. Đây là một hành trình gian nan thường hằng, và đầy hứng thú, chứ không phải “cứ tốt nghiệp khóa đào tạo triết học, có chứng chỉ, thì thành và xong nhà triết học”.

Có một chuyện vui, trong một dịp nọ có người bạn phân trần rằng anh ấy bị sách nhiễu phải thế nọ phải thế kia nặng nề u uất quá trong các « việc họ hàng » của mình. Tôi vui vẻ bảo anh ấy rằng « anh có biết người khởi điểm cho một dòng họ là ai không? Đó là một người không của dòng họ ấy, và nếu anh muốn thì anh sẽ là người khởi điểm cho ra một dòng họ mới. » Anh ấy tươi rói hẳn ra, tuy nhiên rốt cùng vẫn cười giảng hoà “thôi, thôi ạ”. Triết học là một năng lực có thể cho ra được những quyết định cội rễ, chứ không phải là một tập hợp của những lời nói trống rỗng kêu to cốt chỉ để diễn tả sự bất lực.

Phan Văn Thắng: Xin anh cho ba ví dụ và giải thích theo quan điểm của mình?

Hoàng Hồng - Minh: Bản thể của tự do không phải là từ chối trốn tránh loanh quanh, mà nó tự khẳng định: là hiểu biết, là sáng tạo, là năng lực, là đam mê.

Cho bạn một cây đàn, bạn làm gì với nó, đó là một con đường dài đi tới tự do.

Cả một miền đất ven biển cằn cỗi, làm sao lọc được nước biển thành nước ngọt, cải tạo đất cát, thay đổi giống má, gieo trồng nên được những cây trái tốt tươi, đó là một con đường dài đi tới tự do.

Từ một cộng đồng luẩn quẩn ngàn năm với việc « làm vua » hay « quét lá đa », rồi lại lật ngược nhau, để mong « con vua thất thế lại ra quét chùa », làm sao thiết kế dựng nên và quản trị được một « cỗ máy nhân hậu dân chủ thông minh », để người già người bệnh được xã hội chăm sóc qua các quỹ xã hội chứ không chỉ qua con hoặc cháu họ nếu như họ có chúng, để người trẻ được quyền học hành làm việc, để người trung niên được quyền đào tạo lại đều đặn để có thể thăng tiến hoặc chuyển đổi được ngành nghề, để nhân viên cảnh sát phải tuần tra lo bảo vệ nhà dân khi họ đang đi nghỉ hè, để con chó đi ra đường phải bị đeo rọ mõm và có người dắt dẫn chịu trách nhiệm, v.v., đó là một con đường dài đi tới tự do.

Phan Văn Thắng: Minh triết cũng là văn hóa. Tôi cũng được biết anh có quan tâm đến minh triết Việt, của người Việt và có nhiều phê phán rất có lý, có tình. Điều nổi bật lên tất cả mà anh phản biện, anh phê phán về sự lỗi thời của một số triết lý, minh triết Việt là gì? Và Tại sao? [Anh cho 3 ví dụ]

Hoàng Hồng - Minh:  Vâng, xin phép anh nói tới ba ví dụ đơn giản cho dễ cảm ạ.

-Người Việt say mê nói trạng, nói sấm, say mê chuyện những nhân vật ông trạng hay những ông sứ của mình giỏi cãi vặt ứng đối sao cho « chủ của mình không bị chịu nhục », kiểu như trạng tiếp khách xứ bắc thì biết ra đầu thuyền đi tè rồi ứng đối « mưa tràn biển bắc». Những say mê đó hướng giục người ta phản ứng đanh đá nhanh gọn để  ghi điểm xúc cảm, mà quên đi công việc chính phải giải quyết. Công việc chính của người đi sứ là làm sao bảo vệ tốt nhất được quyền lợi thiết thực của đất nước, chứ không phải là để « nổ » thật đã đời. 

Khuyến dụ tư duy « vào việc », nhận ra vấn đề, đi thẳng vào đề, sao cho giản dị, thực chất, điểm huyệt, hiệu quả; không say mê loay hoay lạc nước quanh chuyện đấu nhau hư từ.

- Người Việt ít để ý đến cái ác một cách thật tinh tế. Đây là điều nguy hiểm vì con người cần phải được rèn luyện thật thông minh, thật nhạy cảm trước cái ác. Cái ác không chỉ là, và có khi không phải là, cái sờ sờ trước mặt, mà nó thường lẩn mình lừa lọc rất khéo léo. Ngày nay có trường hợp nhiều người lái xe gặp hoặc gây tai nạn mà không dám dừng lại cứu trợ tuy biết rằng như thế là họ phạm luật càng trầm trọng hơn, vì họ sợ bị dân làng dân phố đánh chết trước khi được phán xử đúng sai do tòa án thụ lý.

Tôi thật sự bị cắn rứt khi thấy người mẹ trẻ lại ru con thế này:

« Con chó khóc đứng khóc ngồi

Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng »

Một câu ca dao đặt chính con chó vào vị trí đứa trẻ của người mẹ.. mà lại tự muốn được làm thịt với củ riềng gia vị! Tất nhiên đây chỉ là sự nông cạn phổ biến và vụ lợi để ghi nhớ việc sử dụng « gia vị giềng » của một cư dân thích quen dễ dãi.

- Và rốt cùng người Việt phải ra biển lớn.

Hầu hết các tết lễ trong năm của người Việt vốn là của Trung Hoa, chưa nói đến đám cưới thì phải có chữ « Song Hỉ » - người ta sợ rằng nếu không như thế thì sẽ không thành đám cưới(!), đám ma phải áo xô chống gậy đi giật lùi, chùa chiền xây mới cũng nhăm nhe thuê chép chữ Hán trừ mỗi dòng chữ “Hòm công đức”, mà không hiểu rằng phải viết chữ Việt ở trong chùa mới, thứ chữ dùng kí tự ghi được lời ăn tiếng nói Việt rạch ròi, ai ai cũng đọc lên được - đó mới thực sự là « chữ của mình ».

Tôi không thể hiểu được trò chơi dựng lại rôm rả chợ bán chữ Hán ngày Tết!

Phải nhìn rộng ra, sống là phải có lựa chọn, đi về phía ánh sáng và tự do, không chỉ vấn đề là « thoát Trung », mà phải tự đặt cho mình cả một công việc rộng lớn hơn rất nhiều, « thoát khỏi chính mình ».

Để « thoát khỏi chính mình », nghịch lý thay, phải biết nâng niu quí trọng chính mình, phải lựa chọn tinh chiết và phát triển được văn hóa của mình. Không thoát được khỏi chính mình, thì không thể tiến hóa được.

Và không thể thoát được khỏi chính mình khi mãi mãi chí thú « lội nước đi sau » thiên hạ, đã đi sau rồi lại còn đi chậm quá, khi ngẩng lên nhìn thì chẳng thấy còn ai.

Phan Văn Thắng: Cảm ơn anh về cuộc trao đổi thú vị này. Hy vọng chúng ta sẽ có nhiều cuộc trao đổi khác về đề tài văn hóa và minh triết này.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511117

Hôm nay

2116

Hôm qua

2359

Tuần này

21491

Tháng này

217990

Tháng qua

121356

Tất cả

114511117