Nhìn ra thế giới

Vấn đề “hạt nhân Tập Cận Bình”

Ngày cuối cùng của Hội nghị TW6 (ngày 27/10/2016) xác định “ …toàn thể Hội nghị đánh giá cao độ thành tựu giành được toàn diện từ nghiêm trị đảng, cho rằng từ Đại hội XVIII đến nay, TW đảng lấy đồng chí Tập Cận Bình làm hạt nhân …” (Thông báo Hội nghị TW6/XVIII đảng CSTQ ngày 27/10/2016). Đây là vấn đề mà các nhà quan sát theo dõi tình hình chính trị Trung Quốc trong và ngoài Trung Quốc cho là nội dung quan trọng nhất của Hội nghị TW6, đã có nhiều ý kiến phân tích từ nhiều góc độ khác nhau đối với vấn đề “hạt nhân Tập Cận Bình”.

Vấn đề “hạt nhân” trở thành “thuyết hạt nhân, lý luận hạt nhân” trong cơ cấu quyền lực tầng cao đảng Cộng sản Trung Quốc như thế nào ?

“Hach tâm = hạt nhân” với nghĩa đen  là chỉ “cái hạt” của loại trái cây có 1 hạt; hoặc là chỉ “cái lõi”, “cái nòng cốt”, “cái trung tâm” của một sự vật sự việc, với tính chất bền chắc, vững vàng, cứng cỏi, không dễ phá vỡ, hư hỏng, lay chuyển, biến dạng trước những tác động của lực bên ngoài. Nó thể hiện sự kết tinh bản chất, tính chất, năng lượng, sức mạnh của một sự vật, sự việc. Chính vì vậy mà nó có vai trò trụ cột, chủ đạo trong quá trình phát sinh, tồn tại, phát triển của sự vật sự việc.

Từ hàm nghĩa ban đầu đó, mà Đặng Tiểu Bình đã vận dụng vào cơ cấu quyền lực lãnh đạo tầng cao, trải qua thực tiễn lãnh đạo của mình từ năm 1978 đến năm 1989 rút ra “bất cứ một tập thể lãnh đạo nào đều cần có một hạt nhân, sự lãnh đạo không có hạt nhân là không thể dựa vững chắc được” mà về sau gọi là “hạt nhân luận” của Đặng Tiểu Bình.

Vậy tại sao Đặng Tiểu Bình lại đưa ra “thuyết hạt nhân” vào lúc đó ? (ngày 16/6/1989, tức 12 ngày sau khi vụ “lục tứ” xẩy ra, Đặng đã nói câu nói trên khi Đặng hội kiến với những người lãnh đạo mới Trung Cộng gồm Dương Thượng Côn, Vạn Lý, Giang Trạch Dân, Lý Bằng, Kiều Thạch, Diêu Y Lâm, Tống Bình, Lý Thụy Hoàn). Thời Mao Trạch Đông, không thấy Mao nêu “hạt nhân Mao Trạch Đông” ? Hơn  nữa trong Điều lệ đảng CSTQ qua các thời kỳ đều không có mục nào ghi rõ điều kiện như thế nào thì được gắn danh hiệu “hạt nhân”, ai gắn cho, và giá trị, vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của “hạt nhân” là thế nào ?

Phải chăng gắn cái “mác” hạt nhân là thể hiện người lãnh đạo đó đã nắm được quyền lực cao độ trong tay mình, cho nên ai lên làm lãnh đạo đảng CSTQ đều muốn có được cái “mác” đó. Nhưng trước đây, Mao Trạch Đông không có gắn cái “mác” hạt nhân đó, mà Mao vẫn nắm trong tay quyền lực cá nhân cao độ, trở thành kẻ độc tài, chuyên quyền đã gây bao tai họa cho đảng CSTQ và nhân dân TQ qua các phong trào “tam phản”, “ngũ phản”, “chống phái hữu”, “đại nhảy vọt”, vân vân cho đến đỉnh cao là “đại cách mạng văn hóa”. Chẳng lẽ các nhà lãnh đạo Trung Cộng hiện nay đã quên những tai họa do độc tài quyền lực của Mao đã gây ra, nên nay ai cũng muốn nắm được tối đa quyền lực vào tay mình, nên rất say sưa với cái “mác” “hạt nhân”.

Có ý kiến cho rằng, Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền là không chính danh, không phải là Chủ tịch đảng, không phải là Chủ tịch nước, mà chỉ là Chủ tịch quân ủy TW trong 3 khóa XI, XII và XIII, nhưng đã thể hiện vai trò “hạt nhân”, “trung tâm” của TW đảng CSTQ trong thời kỳ khó khăn giải quyết hậu quả của đại cách mạng văn hóa để lại và  mở ra thời kỳ phát triển mới của đảng CSTQ và đất nước Trung Hoa, nên Đặng Tiểu Bình đưa ra “thuyết hạt nhân” nói trên và tự phong cho mình là “hạt nhân” sự lãnh đạo của đảng thế hệ II, và truy phong cho Mao là hạt nhân sự lãnh đạo của đảng thế hệ I, đồng thời Đặng Tiểu Bình cũng ban cho Giang Trạch Dân là hạt nhân sự lãnh đạo của đảng thế hệ III. Như vậy “hạt nhân” lãnh đạo của 3 thế hệ I, II, III đều do Đặng Tiểu Bình gắn cho, không phải do Hội nghị TW nào, cấp Tổ chức đảng nào quyết định cả.(Nội tình đằng sau, có ý kiến cho rằng, Đặng Tiểu Bình mạo xưng là “hạt nhân” thế hệ II là không đúng, vì Đặng là hoạt động cùng thời với Mao, đâu phải thế hệ II. Đây chính là Đặng đã cướp đi vai trò của thế hệ II là Hoa Quốc Phong, Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương. Còn việc Đặng gắn cho Giang là “hạt nhân” thế hệ III là với dụng ý, để Giang không lật lại vụ đàn áp “lục tứ” Thiên An Môn năm 1989. Nhưng không ngờ Giang lại lợi dụng cái “hạt nhân” này để lộng quyền.)

Như vậy không nhất thiết cứ là người với cương vị đứng đầu của đảng là được gắn cái mác “hạt nhân”, hoặc không phải là người đứng đầu của đảng vẫn có thể là “hạt nhân” của tập thể lãnh đạo của đảng. Nhất là với thuyết “súng đẻ ra chính quyền”, thì cương vị Chủ tịch quân ủy TW, trên thực tế, quyền lực quyền uy còn lớn hơn, mạnh hơn nhiều quyền lực, quyền uy của Chủ tịch nước, thậm chí của cả Tổng Bí thư. Tiêu chuẩn ở đây, tuy không có qui định rõ bằng văn bản nào cả, nhưng trên thực tế được hiểu là, người lãnh đạo đó có bản lĩnh, năng lực, đưa ra những quyết sách làm thay đổi cục diện một giai đoạn nhất định của đảng, của đất nước, có đủ quyền uy, nhất hô bá ứng, tập họp được sức mạnh trong tập thể ban lãnh đạo của đảng, và được sự ủng hộ, đồng thuận trong đảng, trong nhân dân. Người lãnh đạo như vậy coi như là “lãnh tụ” của đảng. (Lãnh tụ, theo ý nghĩa đen ban đầu là từ hai chữ Lĩnh là cái cổ áo, Tụ là cái cổ tay áo. Đây là hai bộ phận của áo thường bị mòn rách nhất và ở vị trí nổi bật nhất, người xưa rất chú trọng may hai phần này của áo rất cẩn thận, từ chất liệu, đến kiểu cách để  thể hiện được vừa bền vừa đẹp vừa cao sang. Từ ý nghĩa đen ban đầu đó mà ngày nay, khi nói đến xác lập hạt nhân lãnh đạo của một tổ chức, trên thực tế coi như xác lập một lãnh tụ mới.)

Với các yêu cầu này, thì Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, dù không cấp tổ chức đảng nào ra quyết định về “hạt nhân”, nhưng trong hành động thực tế của họ đã thể hiện được là vai trò “hạt nhân” lãnh đạo của đảng.

Với Giang Trạch Dân, “hạt nhân” có được, không phải tự mình xây dựng nên, mà là do bên ngoài (Đặng Tiểu Bình gắn cho) không đúng thực chất về yêu cầu của “hạt nhân” nói trên, nên đã gây tai họa cho đảng CSTQ và nhân dân TQ lâu nay.

Còn Hoa Quốc Phong, Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương, Hồ Cẩm Đào do có những lý do khác nhau, nên không có điểu kiện thể hiện được các yêu cầu cần có của “hạt nhân”.

Mặt khác, cơ chế vận hành quyền lực của Trung Cộng là “trước dân chủ, sau tập trung”. Cái gọi là “trước dân chủ” là trước tiên cần lắng nghe, trưng cầu rộng rãi ý kiến của các bên làm sáng tỏ. Còn “sau tập trung” là sau đó do lãnh đạo đưa ra quyết đoán cuối cùng. Trung Cộng khi chưa nắm chính quyền, quán triệt rất tốt nguyên tắc này, nhưng sau khi đã nắm được quyền, nguyên tắc này đã thay đổi. Lúc đó Mao đã được tâng bốc lên là như “thần”, ông ta là “vĩ đại, quang vinh, đúng đắn”, không còn cần đến dân chủ kiểu lắng nghe mọi ý kiến, thậm chí không cho phép có bất kỳ một ý kiến nào khác, nếu ai có ý kiến khác, cho dù đó là ý kiến đúng đắn của những chiến hữu cùng vào sinh ra tử với nhau trước đây, cũng đều bị hãm hại hết sức bi thảm. Sau khi thời đại Mao kết thúc, Đặng Tiểu Bình, Trần Vân, Lý Tiên Niệm và một số lão đồng chí khác còn sống sót  sau đại thảm họa Đại cách mạng văn hóa đã thấm thía và cho rằng trong đảng nên tăng cường dân chủ, cần có sự ràng buộc đối với quyền lực của người lãnh đạo cao nhất của đảng, trong đảng không thể có lặp lại kiểu “nhất ngôn đường”, lặp lại vết xe xủa Mao, Trung ương cần thực hiện “lãnh đạo tập thể”. Đây cũng là điều mà Đặng Tiểu Bình muốn dùng để ràng buộc Giang Trạch Dân, nhưng lại chỉ thấy mặt tích cực mà không thấy mặt trái của nó ở chỗ người ta lợi dụng “lãnh đạo tập thể” để vô hiệu hóa vai trò người đứng đầu, như Giang đã làm đối với Hồ Cẩm Đào. Thể chế chính trị của Trung Cộng thực chất là “thể chế kẻ mạnh” không phải là một “thể chế người bình thường”. Chế độ “lãnh đạo tập thể” chỉ thích hợp với một nhân vật kiểu bàn tay sắt, người lãnh đạo như thế mới có đủ quyền uy để làm cho ý chí của mình được quán triệt. Còn chế độ “lãnh đạo tập thể” là một chế độ uốn nắn cái sai, có thể làm cho người đứng đầu không phạm hoặc ít phạm sai lầm. Đến thời đại “người bình thường” như Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào cầm quyền, chế độ “lãnh đạo tập thể ” đã cản trở Trung Cộng trị lý có hiệu quả đối với xã hội. Điều này là do “người bình thường” vừa thiếu quyền uy mà quyền lực lại bị ràng buộc, thì không thể có được hiệu quả trong trị lý đất nước.

Chính từ mặt thể chế vận hành quyền lực này, mà người lãnh đạo cao nhất của đảng CSTQ đều muốn có được cái mác “hạt nhân” để tạo quyền uy mạnh mẽ cho mình.

Với quan niệm cần có cái “hạt nhân” này của đảng CSTQ, cũng thể hiện quan niệm rất coi trọng về nhân trị. Còn các nước dân chủ khác trên thế giới, người đứng đầu đất nước không phải không cần quyền uy, mà là rất có quyền uy, quyền uy của họ là do thể chế pháp trị, luật pháp của đất nước, của những lá phiếu của cử tri trao cho họ, là chỗ dựa vững chắc cho quyền uy của họ, chứ không phải do đảng họ gắn cho họ.

Giang Trạch Dân đã lợi dụng uy quyền “hạt nhân” như thế nào ?

Có người đặt câu hỏi, quyền lực “hạt nhân” của lãnh đạo Trung Cộng cuối cùng là lớn mức độ nào ? Đồng thời người đó trả lời là, cứ xem việc làm của Giang trong thời kỳ ông ta cầm quyền thì rõ.

Năm 1999, Chu Dung Cơ hai lần tranh biện với Giang Trạch Dân tại hội nghị Thường vụ Cục chính trị, cho rằng nếu không thận trọng xử lý vấn đề Pháp luân công sẽ gây ra mâu thuẫn. Giang cho rằng, 10 năm vụ “lục tứ” đang đến là thời kỳ hết sức nhạy cảm, nhất định phải dùng biện pháp cứng rắn với Pháp luân công, nếu không sẽ vong đảng vong quốc. Ngày 25 tháng 4  năm 1999, cả vạn học viên Pháp luân công biểu tình hòa bình ở Bắc Kinh, trong 7 ủy viên Thường vụ Cục chính trị, chỉ có một mình Giang Trạch Dân kiên trì trấn áp, còn lại 6 ủy viên đều phản đối, ngay cả Lý Bằng cũng không đồng ý trấn áp. Tại cuộc họp Thường vụ Cục chính trị, cả Chu Dung Cơ, Hồ Cẩm Đào đều bỏ phiếu chống lại kiến nghị trấn áp Pháp luân công của Giang. Mặc dầu 6 ủy viên Thường vụ phản đối (Lý Bằng, Chu Dung Cơ, Lý Thụy Hoàn, Hồ Cẩm Đào, Úy Kiện Hành, Lý Phong Thanh). Lúc đó Giang ở vào thế hết sức cô lập, nhưng Giang đã vận dụng quyền quyết định cuối cùng của “hạt nhân” để tiến hành trấn áp Pháp luân công. Ngày hôm sau, 26/4, Chu Dung Cơ hội báo tình hình sau khi Chu trực tiếp đối thoại với học viên Pháp luân công với Hội nghị Thường vụ Cục chính trị, Chu vừa nói đến “để cho bà con về luyện tập …”, thì Giang Trạch Dân liền đứng phắt dậy tay chỉ vào mũi Chu Dung Cơ và nói xối xả : “hồ đồ ! hồ đồ ! hồ đồ ! như thế là sẽ vong đảng vong quốc ! biết không ?” Cái mũ và cái gậy quá lớn, Chu Dung Cơ không thể chịu nổi.

Giang Trạch Dân thực sự nói mạnh “thuyết hạt nhân” là từ sau tháng 7/1999, tức sau khi Đặng Tiểu Bình qua đời, vì trước đó ảnh hưởng “hạt nhân” Đặng còn rất lớn.

Tháng 11/1999, trong cuộc Giang nói chuyện với tầng cao bên quân đội, đột nhiên cao giọng nói về vai trò “hạt nhân” của mình, và nói Trung Cộng “cần có một hạt nhân, đây là một qui luật lịch sử”. Giang còn đặc biệt nhấn mạnh, “hạt nhân” của ông ta là Đặng Tiểu Bình định cho. Đó là vì, trước đó ngày 20/7/1999, Giang tự mình quyết định phát động chiến dịch trấn áp Pháp luân công, kế hoạch trong 3 tháng diệt sạch Pháp luân công. (Pháp luân công là một loại luyện công để chữa bệnh, tăng sức khỏe bắt nguồn từ thành phố Trường Xuân từ năm 1992 do ông Lý Hồng Chí hướng dẫn, có hiệu quả kỳ diệu, nên đã lan truyền rộng khắp trong cả Trung Quốc. Đến năm 1999 đã có khoảng 100 triệu học viên tham gia luyện tập. Lúc đó người thân gia đình các ủy viên Thường vụ, Cục chính trị, cả người nhà Giang Trạch Dân đều tham gia luện Pháp luân công, nên đều phản đối chủ trương của Giang.)

Sau 3 tháng không diệt trừ được Pháp luân công, từ ủy viên Thường vụ, ủy viên Cục chính trị, đến cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đều tiêu cực. Tăng Khánh Hồng, quân sư của Giang hiến kế 3 điều : “1) Thực hiện chế độ người đứng đầu phụ trách của các cấp, nếu số lượng người Pháp luân công đi khiếu kiện quá mức số lượng nhất định, cách chức người đứng đầu; 2) số người ở Sơn Đông đi lên khiếu kiện nhiều nhất, báo cho Ngô Quan Chính, nếu dân vẫn lên nhiều, thì cách chức Bí thư tỉnh và cả chức ủy viên Cục chính trị, nếu trấn áp mạnh mẽ sẽ xem xét vào Thường vụ cục chính trị Đại hội 16 của ông ta; 3) thái độ Hồ Cẩm Đào rất ẩm ờ, vốn chúng ta định chọn Lý Trường Xuân trấn áp ở Quảng Đông, người lãnh đạo thế hệ 5, nhưng cũng không đắc lực. Chúng ta cần có biện pháp.”

Thế nên, sau tháng 11/1999, Giang Trạch Dân một mặt bắt đầu dùng lợi ích dụ dỗ các quan địa phương muốn thăng quan tiến chức thì theo Giang bức hại Pháp luân công; mặt khác bắt đầu tung ra mạnh cách nói về “thuyết hạt nhân” để uy hiếp “chư hầu” các bên chỉ có thể nghe một tiếng nói của Giang trên những vấn đề chính trị trọng đại. Sau đó cách diễn đạt của quan phương Trung Cộng đều nêu “Trung ương đảng lấy Giang Trạch Dân làm hạt nhân.”

Trước đó, từ năm 1992, Đặng Tiểu Bình rõ dần chân tướng Giang Trạch Dân, không phải là người đi theo con đường cải cách của Đặng, nên năm 1992, khi Đặng đi thị sát phía nam đã công khai nói ra “ai không cải cách, người đó sẽ xuống” và định loại bỏ Giang. Nhưng Trần Vân khuyên Đặng bình tĩnh : “sự bất quá tam”, anh không nên liên tục thay Tổng Bí thư, Hồ, Triệu, nay Giang là khó thuyết phục nội bộ. Đặng đành để Giang cho hết nhiệm kỳ, và điều Hồ Cẩm Đào đang là Bí thư Tây Tạng về TW làm Bí thư Ban Bí thư, đưa vào Thường vụ Cục chính trị, và công bố rõ Hồ Cẩm Đào là hạt nhân Trung Cộng thế hệ IV. Nhưng sau đó, nhất là sau khi Đặng qua đời, Giang đã không thực hiện bàn giao lại vai trò hạt nhân, Chủ tịch quân ủy TW cho Hồ Cẩm Đào như Đặng đã quyết, mà còn vô hiệu hóa vai trò Tổng Bí thư của Hồ Cẩm Đào bằng cơ chế “9 con rồng trị thủy” của Giang, Tăng bày ra.

Hai lý do cơ bản mà Giang sợ Hồ Cẩm Đào lên thay, đó là :

Thứ nhất, về chính trị, từ năm 1999 đến 2002, Giang và tập đoàn người ngựa của Giang đã vi phạm pháp luật, điên cuồng bức hại Pháp luân công, như nhiều tài liệu đã công bố tội ác của Giang và đồng bọn, liên quan đến tội chống lại loài người.

Thứ hai, về kinh tế, Giang thực hiện phương châm trị quốc “ngậm miệng phát tài to”. Dưới sự lôi kéo của Giang, toàn thể đảng viên Trung Cộng bắt đầu lăn xả vào kiếm tiền, kéo cả xã hội tất cả hướng về tiền (Tiền ở đây, thời kỳ trước là chỉ hướng tiến lên phía trước, còn nay là hướng về đồng tiền.) thậm chí giết người hại mệnh, cờ bạc, buôn bán ma túy chất độc đều thịnh hành dậy lên. Hồ Cẩm Đào liêm khiết không tham nhũng hủ bại, Giang sợ Hồ lên sẽ vạch các tội lỗi này của chúng, nên bằng mọi cách cản trở Hồ Cẩm Đào trở thành Tổng Bí thư, nhất là trở thành hạt nhân của Trung Cộng.

Đằng sau việc xác lập “hạt nhân” Tập Cận Bình.

Hội nghị TW6 vừa rồi, cuối cùng cũng đã xác lập vị trí “hạt nhân” của Tập Cận Bình trong Ban chấp hành TW đảng CSTQ. nhiều góc nhìn nhận khác nhau về sự kiện này.

Các báo chí nước ngoài, như Nhật báo Bình quả (Hồng Kông), Trung Quốc Thời báo (Đài Loan), Guardian (Anh quốc), Thời báo NewYork (Mỹ) đều mô tả : “xác lập chính thức “hạt nhân Tập” vị trí ngang với Mao Đặng”, hoặc “vị trí “hạt nhân” của Tập là do Tập tự làm nên từ thực tiễn hành động của mình, là rất xứng đáng.”, vân vân …

Cũng có ý kiến cho rằng, Tập đã tập trung quyền lực mọi mặt trong tay rồi, còn muốn cái mác “hạt nhân” này nữa là với ý đồ gì đây ? và đứng trên tầm của một tổ chức lãnh đạo để giải thích rằng, một số việc quan hệ đến giải quyết vấn đề quan trọng đến toàn cục, bức thiết cần có một “tập thể lãnh đạo trung ương và hạt nhân lãnh đạo” kiên cường và kiên trì “từ nghiêm trị đảng” toàn diện.

Lại có ý kiến với góc nhìn khác, giải thích cho rằng người lãnh đạo cao nhất Trung Cộng sợ rằng đến Đại hội 19, nếu TW6 không xác lập được vị trí “hạt nhân” là đánh mất cơ hội phát huy “quyền quyết định cuối cùng” về bố cục nhân sự tầng cao, về các vấn đề trọng đại trong đảng, nhất là về quyền uy chủ đạo Đại hội 19. Hoặc nếu không xác lập được “hạt nhân Tập” thì cũng khó loại trừ ảnh hưởng của “hạt nhân Giang”, biết đâu một số tàn dư thế lực Giang nhân cơ hội, trổi dậy lại, rất có thể làm cho cục diện chính trường thêm phức tạp.

Cho nên, mặc dầu Tập trong gần 4 năm chiến đấu đã đem lại thành tựu lớn về cải cách quân đội, về đánh hổ, nhất là đánh bại “tứ nhân bang mới”, các bang phải khác và các thành tựu khác không ai có thể phủ nhận, nhưng về mặt xác lập “hạt nhân Tập” không phải là việc giản đơn, mà là cả một quá trình chiến đấu quyết liệt với thế lực Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng.

Ngay từ tháng 01 năm nay, 3 từ “hạt nhân Tập” đã bắt đầu đưa ra nổi bật trên báo chí quan phương. Sau đó, ngày 11 đến ngày 15/1/2016 đã có ít nhất 15 Bi thư tỉnh ủy bày tỏ “kiên quyết ủng hộ hạt nhân Tổng Bí thư Tập Cận Bình”. Đến tháng 8/2016, Lật Chiến Thư, Chủ nhiệm Văn phòng TW đảng CSTQ, trong khi phát biểu với quan chức cơ quan trực thuộc TW, từng nêu lên cần ủng hộ “hạt nhân Tập”. Lúc đó có dư luận cho rằng, Lật Chiến Thư đưa ra “hạt nhân Tập” trước khi Hội nghị Bắc Đới Hà là có mục đích rất rõ. Đến gần Hội nghị TW6, quan phương tạo thế “hạt nhân Tập” đột nhiên càng dồn dập.

Có phân tích của báo chí HồngKông hoặc như Lý Thiên Tiếu, nhà bình luận thời sự chính trị thuộc Đại học Colombia Mỹ cho rằng “từ nghiêm trị đảng”, “hô hoán hạt nhân” đã trở thành chủ đề quan trọng tại Hội nghị TW6 lần này, đã từ đằng sau màn ám thị chính trị bước ra trước sân khấu tỏ rõ chính trị. “Hô hoán hạt nhân” là để thanh trừ triệt để thế lực phái Giang trong đảng, thanh toán tội ác bức hại pháp luân công của Giang Trạch Dân và thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa biến cách thể chế tạo dựng quyền uy. Vấn đề “hạt nhân Tập” được đưa ra, trên thực tế là đã tổng kết sự cầm quyền của Tập vừa qua,   trong quá trình chống tham nhũng đánh Giang, cái “hạt nhân” này đã được hình thành tự nhiên rồi mà xác nhận thêm thôi, chứ không phải đặc biệt vì cái gì đó mà đưa ra. Sự xác nhận này trên thực tế không phải đơn giản là vì để chống tham nhũng mà chống tham nhũng, cái chống tham nhũng hơn 3 năm qua, kỳ thực chỉ là thủ đoạn, trên thực tế của mục đích sâu xa là thanh trừ toàn diện tập đoàn tội phạm Giang Trạch Dân. Hiện nay, Tập cần cái “hạt nhân” này không phải để tăng thêm quyền lực, vì đã quá đủ rồi, mà Tâp muốn mượn cái khái niệm “hạt nhân” này để thúc đẩy hơn nữa quá trình thanh trừ Giang, và tiến hành biến cách toàn diện chính trị ở Trung Quốc, sau khi đã thanh trừ Giang.

Còn ScottKennedy Phó Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế của Mỹ bình luận rằng, vị trí hạt nhân lãnh đạo của Tập Cận Bình có ý nghĩa tượng trưng quan trọng, địa vị của Tập hiện nay thực sự cao hơn tất cả những người lãnh đạo khác, thực chất Tập có được cái quyền phủ quyết, tuy phía quan phương không nói thế nhưng trong thao tác thực tế, khi quyết định về nhân sự và chính sách, Tập có quyền phủ quyết trong tầng cao lãnh đạo, nhất là đối với Đại hội19 sắp tới. Đến lúc đó có thể lại đưa ra “Tư tưởng Tập Cận Bình” như các vị tiền nhiệm đã từng đưa ra. (Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình, Thuyết ba đại diện Giang Trạch Dân, Phát triển có khoa học Hồ Cẩm Đào,)

Nhưng cũng có cách nhìn khác về “hạt nhân Tập” :

Báo chí các địa phương Trung Quốc, sau Hội nghị TW6, nhất loạt không đưa tin vấn đề TW đảng CSTQ nhất trí Tập là “hạt nhân” lãnh đạo của TW đảng, mà chỉ đưa tin đã thông qua hai văn kiện “Chuẩn tắc”, “Điều lệ” và quyết nghị thời gian Đại hội 19. Chỉ có một tờ báo nhỏ “Báo tin nhanh hiện đại” trên trang đầu với tựa đề “Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã trở thành hạt nhân toàn đảng”, cũng chẳng được dư luân để ý tới. Vậy ai đứng đằng sau chỉ đạo đồng loạt các báo chí địa phương có hành động này ?

Nhà phân tích chính trị Trần Phá Không cho rằng “hạt nhân Tập” ra lò được, đó là sản phẩm tổng hợp của sự uy hiếp, thỏa hiệp và mặc cả qua lại.

Nói làuy hiếp, trước Hội nghị TW6, một loạt động tác tung gươm múa kiếm của thế lực Tập Vương sắp đặt từ “Thành báo” Hồng Kông công khai khiêu chiến Trương Đức Giang, Lưu Vân Sơn, ủy viên Thường vụ Cục chính trị, phái Giang; Ủy ban Kỷ luật TW điều tra Văn phòng Hồng Kông Ma Cao và Văn phòng Ban liên lạc đối ngoại TW do Trương Đức Giang chủ đạo; Ủy ban Kỷ luật TW đưa lên màn hình bộ phim chống tham nhũng 8 tập “mãi mãi đi trên đường”, gấp rút chiếu xong trước 2 ngày khi vào Hội nghị TW 6, với dụng ý là gây kinh động tinh thần tầng cao. Ngụ ý các động tác múa kiếm của Tập Vương là : Tập Cận Bình phải được gọi là “hạt nhân”, kẻ phản đối sẽ gặp lưỡi kiếm của Ủy ban Kỷ luật TW.

Còn thỏa hiệp và mặc cả, là ẩn hiện xen trong các dòng chữ của bản Thông báo Hội nghị TW6, như các đoạn văn ghi :

“Thực hiện kết hợp lãnh đạo tập thể với phân công cá nhân phụ trách với nhau, là bộ phận hợp thành quan trọng của chế độ tập trung dân chủ, cần phải trước sau kiên trì.” Tiếp sau đó, dùng liền 3 từ “bất cứ” để tạo một câu : “bất cứ tổ chức và cá nhân nào trong bất cứ tình hình nào đều không cho phép lấy bất cứ lý do nào đi ngược chế độ này”. Đoạn văn này chỉ có thể hiểu là để ràng buộc Tập Cận Bình. Đó phải là phái Giang, như Trương Đức Giang, Trương Cao Lệ, Lưu Vân Sơn đề ra, với hàm ý là : nếu muốn chúng tôi tiếp nhận anh là “hạt nhân”, chúng tôi có điều kiện là, tiếp tục kiên trì phân công thường vụ, mỗi người quản một mảng. Như vậy Tập không thể làm được như Đặng Tiểu Bình là đã phá bỏ Chuẩn tắc kiểu này thời năm 1980, buộc Tập phải thỏa hiệp và mặc cả với đối phương : “chỉ cần các anh đồng ý tôi làm “hạt nhân”, tôi sẽ hết sức đáp ứng điều kiện của các anh”. Thế nên mới họp ở khách sạn Kinh Tây, cửa nặng khóa sâu, canh gác cẩn mật, các bên đấu đá tranh cãi quyết liệt, từng câu từng chữ, ăn miếng trả miếng cả ngày suốt đêm. Rất có thể trực tiếp thảo văn bản này là hai Sơn họ Vương và họ Lưu, bên chống bên đỡ, nhiều phen đọ sức, bỏ để, tổng hợp, nhượng qua nhượng lại, cuối cùng mới có được bản Thông báo đầy ắp sự thỏa hiệp mặc cả đôi bên, thể hiện ở nhiều đoạn khác nữa như : “Công việc quyết sách, chấp hành, giám sát trong đảng, cần phải chấp hành nguyên tắc và trình tự dân chủ của Điều lệ đảng, qui chế đảng xác định, bất cứ tổ chức đảng và cá nhân nào đều không được áp chế dân chủ trong đảng, phá hoại dân chủ trong đảng.” Hoặc về phần lựa chọn đề bạt cán bộ, nhấn mạnh : “ngũ hồ tứ hải”, ám chỉ không thể để “quân nhà Tập” một mình chiếm lĩnh. Hoặc về hệ thống lý luận hai lần nhấn mạnh: “kiên trì lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng 3 đại diện, quan điểm phát triển có khoa học làm chỉ đạo, đi sâu quán triệt tinh thần một loạt lời nói quan trọng của Tổng Bí thư Tập Cận Bình”. Đúng ra không cần nhấn mạnh đến hai lần, nhưng dụng ý của phái đối lập với Tập là yêu cầu Tập không được phủ nhận tư tưởng và vai trò lịch sử của từ Mao, Đặng đến Giang, Hồ, trọng điểm là phải bảo vệ chặt Giang Trạch Dân (“3 đại diện” là đại danh từ của tư tưởng Giang). Mao, Đặng, Hồ không là vấn đề đối với Tập, mà Giang mới là vấn đề khó xử đối với Tập, mà Tập đang gấp rút muốn xóa đi. Hai Trương một Lưu nói bảo vệ Giang, cũng là để tự bạo về mình trước hết. Như vậy ở đây, Tập buộc phải thỏa hiệp, hoặc là tạm thời thỏa hiệp, thỏa hiệp có tính sách lược. Trong hành động cụ thể, Tập đã phải đưa Thư ký của Giang trước đây lên nhận nhiệm vụ mới, em gái Giang lộ diện trong tham gia một số hoạt động quốc tế.

Đối với vai trò và công năng Ủy ban Kỷ luật TW, trong Thông báo đầy rẫy những câu chữ có tính ràng buộc chặt chẽ, cũng là những câu chữ của hai Trương một Lưu chèn chặt vào. Đối với công tác giám sát trong đảng, Thông báo nhấn mạnh : “cần xây dựng kiện toàn sự lãnh đạo thống nhất của TW đảng”, “Ban chấp hành TW, Cục Chính trị TW, Ban Thường vụ Cục chính trị TW lãnh đạo toàn diện công tác giám sát trong đảng. Cấp ủy đảng, Ban cán sự đảng chịu trách nhiệm chủ thể trong giám sát trong đảng, Bí thư là người chịu trách nhiệm thứ nhất, ủy viên Thường vụ cấp ủy, thành viên Ban cán sự đảng và cấp ủy viên thực hiện chức trách giám sát trong phạm vi chức trách của mình. Ủy ban kiểm tra kỷ luật các cấp của đảng cần thực hiện chức trách giám sát chấp hành kỷ luật và hỏi trách nhiệm.” Hoàn toàn không đề cập gì đến vai trò trách nhiệm Ủy ban Kỷ luật TW   đối với lĩnh vực giám sát trong toàn đảng, có phải là gián tiếp loại vai trò Vương Kỳ Sơn.

Tập có được “hạt nhân”, đúng là một thắng lợi, nhưng chỉ là thắng lợi một nửa, một phần, không phải là thắng lợi hoàn toàn. Hoặc như La Vụ nói, đó chỉ là hư danh. Điều này cũng dễ hiểu, vì Ban chấp hành TW khóa 18 này, không phải đa số là người của Tập, mà là của Giang, Tăng và các bang phái khác, người thực sự của Tập, Vương là số ít. Trong tình thế này, trong so sánh lực lượng này, Tập Vương lấy ít đọ nhiều, khổ chiến gần 4 năm, thực hiện phá vòng vây chính trị, đạt được như vậy, tuy chưa trọn vẹn, nhưng là một thắng lợi lớn. Bước tiếp theo, đặt hy vọng ở cuộc chiến cài cắm nhân sự trong thay nhiệm kỳ ở các đảng bộ địa phương, bộ ngành, nhân sự Đại hội 19, làm thế nào “quân nhà Tập” chiếm cho được trên 60%, lúc đó “hạt nhân Tâp” mới là thực sự./.

      (Tổng hợp từ mạng chính thống và phi chính thổng ở Trung Quốc, cung cấp tham khảo.)                                                             

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434938

Hôm nay

2209

Hôm qua

2349

Tuần này

21588

Tháng này

211986

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434938