Văn hoá học đường

Trường PTNK TDTT Nghệ An: Hai trong Một?

“Ngủ gật, chơi đùa, đánh nhau,... thậm chí là hát một mình ngay trong giờ học” là những tình huống dở khóc dở cười mà người viết được thầy cô trường Phổ thông năng khiếu (PTNK TDTT) tỉnh chia sẻ khi nói về các học trò của mình.

Năm 2012, Trường PTNK TDTT được thành lập, trực thuộc quản lý của sở VHTTDL nhằm giải quyết việc học văn hóa cho các vận động viên trong độ tuổi một cách thuận lợi nhất, phù hợp với đặc điểm là các em vừa tập luyện, thi đấu các môn thể thao đồng thời học hết chương trình phổ thông trung học, để sau khi hết thời gian thi đấu, các em có đủ điều kiện để công tác hay học lên cao hơn phục vụ cuộc sống lâu dài. Với đặc thù đó nên số lượng học sinh không do nhà trường tuyển chọn mà do UBND tỉnh quyết định. Các em học sinh của trường từ nhiều vùng miền khác nhau trong tỉnh tập trung về, đặc biệt, hầu hết các em đều có hoàn cảnh khó khăn, 75-80% gia đình là hộ nghèo, cận nghèo. Mặt khác, các em phải thường xuyên tập luyện và thi đấu, có lúc thi đấu kéo dài cả tháng trời, nên việc học văn hóa bị gián đoạn, chuyện học bù, lổng kiến thức đối với các em là điều dễ hiểu.

Trước đây, VĐV được gửi học ở các trường phổ thông không chuyên nên gặp rất nhiều trở ngại trong học tập lẫn tập luyện hay khi đi thi đấu. Nhưng từ khi được thành lập, trường đã giải quyết được vấn đề “học” văn hóa cho VĐV năng khiếu. Tuy vậy, cái khó ở đây là các em không có đủ thời gian, tâm trí để học. Vì thế, ban giám hiệu nhà trường luôn tạo điều kiện hết mức giúp các em củng cố lại kiến thức để có thể theo kịp với các bạn trong lớp. “Vào những thời điểm chuẩn bị cho các giải đấu, lịch tập huấn hay thi đấu sẽ trùng vơi thời gian học văn hóa, việc vắng học sinh thường xuyên là chuyện thường tình. Dù có những hôm ít học sinh chúng tôi vẫn giảng dạy cho những em không đi thi đấu, tập huấn. Sau đó, những em đi thi đấu, tập huấn về, chúng tôi sẽ tập trung lại để dạy bù buổi tối, nhằm giúp các em theo kịp chương trình”. Thầy Hoàng Minh Thành, Hiệu trưởng cho biết.

Tuy vậy, chất lượng học văn hóa của các em vẫn còn nhiều băn khoăn lo ngại. Mới hết tiết học thứ hai nhưng cô giáo Lê Ngọc Ái, giáo viên môn Văn khối 12 khá mệt mỏi khi chia sẻ về những tiết dạy của mình: “Vì học trò ở đây hầu hết là sống xa gia đình, thiếu sự quan tâm quản lý của bố mẹ, trong khi đó thời gian tập luyện thì nhiều,... vậy nên việc học tập đối với các em rất khó khăn. Có hôm mình soạn bài rất háo hức, tâm đắc nhưng khi lên lớp thấy các em uể oải không muốn nghe giảng, thậm chí có lúc đang giảng bài thì có em hát nghêu ngao trong giờ học,... những lúc vậy ức chế lắm,... nhưng rồi cũng gắng nén cảm xúc, dừng tiết dạy để trò chuyện với các em cho đỡ căng thẳng cả cô lẫn trò”. Còn thầy Đức, giáo viên môn Toán chia sẻ: hầu hết học sinh ở đây có cá tính mạnh, rất hiếu động, học các môn văn hóa như là “học môn phụ” đối với các em. Do ít thời gian nghiên cứu tài liệu nên khả năng tiếp thu của các em thường chậm hơn học sinh bên ngoài. Thầy cô ở đây ai cũng “chấp nhận bằng lòng những điều đó”, đồng thời tâm niệm “điều cần thiết trong việc giảng dạy là giúp các em có được những kiến thức cơ bản để thi tốt nghiệp”.

Với các em học sinh, việc học văn hóa như một áp lực nặng nề, học chỉ để “gắng lấy bằng tốt nghiệp”. Em Học Thị Cang, VĐV Điền Kinh (học lớp 10), chia sẻ: “Ngày em được tuyển chọn vào, cả gia đình không hiểu rõ lắm về đời sống VĐV, cứ nghĩ xuống Vinh sẽ có tương lai sáng rạng nên ai cũng vui mừng, cả nhà em còn tổ chức ăn mừng nữa. Nhưng xuống đây học, mỗi ngày bọn em phải dậy từ 5h sáng để tập luyện, 7h sáng lên trường học 5 tiết (tận 11h30 mới nghỉ), chiều 1h30 lại tập trung tập luyện (5h chiều mới được nghỉ), chưa kể nếu chuẩn bị đi thi đấu giải gì đó thì phải nghỉ học dài ngày để giành toàn thời gian tập luyện, sau khi thi về sẽ đi học bù vào buổi tối”. “Vừa học lại vừa tập luyện với cường độ như vậy nên em thấy rất mệt mỏi, mỗi lần lên lớp ai cũng đều buồn ngủ, học bài không vô”, Cang nói. Còn em Long VĐV Bóng Đá (đang học lớp 12): “Dù không muốn học nhưng em cũng cố gắng để hoàn thành tốt nghiệp, lỡ sau này nếu không theo nghiệp thể thao thì vẫn có thể học một nghề khác để kiếm sống”. Do gia cảnh khó khăn nên nhiều vị phụ huynh cũng không mấy lo lắng chuyện học văn hóa của con em mình. Với họ khi đã xác định theo nghiệp thể thao rồi thì “học văn hóa là phụ, là để lấy bằng tốt nghiệp mà thôi”, dì Nguyên (phụ huynh của một VĐV bóng đá quê ở TX Hoàng Mai chia sẻ khi được cô giáo chủ nhiệm gọi vào vì học sinh lười học, hay quấy phá trong lớp). 

Đánh giá chung về học lực của học sinh, thầy hiệu trưởng cho biết: đa số các em chỉ đạt mức trung bình. Mặc dù thầy cô đã cố gắng rất nhiều, ngay cả trong khâu chấm điểm cũng thông thoáng nhưng năm học vừa qua, trong tổng số 315 học sinh thì có đến 166 em có học lực trung bình, 100 em học lực khá, 33 em học lực yêú. Nguyên nhân thì nhiều nhưng một phần lớn là do hầu hết các em ở xa, thiếu sự sâu sát của gia đình, thiếu sự phối hợp thật ăn ý giữa nhà trường và Trung tâm ĐT&HL TDTT, CLB Bóng Đá SLNA. Nhà trường chỉ quản lý các em vào buổi sáng khi lên lớp, ngoài ra là do các đơn vị chuyên môn thể thao quản lý. Nhưng nguyên nhân hàng đầu có lẽ là do các em chú trọng và dồn hết sức lực vì thành tích thể thao hơn là chuyện học văn hóa.

Khi mà các em VĐV phải tập luyện và phải thi đấu, phải nghỉ học dài ngày thường xuyên thì Chương trình và nội dung học văn hóa như thế nào cho phù hợp?  Hiện tại, dù là trường chuyên thể thao nhưng khối lượng chương trình học nặng không kém gì các học sinh các trường bình thường khác. Cô Lê Ngọc Ái, cho biết: “Khó khăn nhất là về thời gian, bởi VĐV phải tập luyện buổi chiều, có khi cả ngày, thậm chí cả tuần nếu vào dịp có lịch thi đấu, nhưng vẫn phải học theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra. Các em vẫn phải học đủ 37 tuần với đầy đủ các môn: văn, toán, lý, hóa, sinh... và cả một số môn khác, như: công nghệ, GDCD. Để giúp học sinh có đủ khả năng thi tốt nghiệp THPT, giáo viên của trường đã phải nỗ lực, kiên trì rất nhiều kể cả vượt qua những áp lực tâm lý.

“Sĩ số lớp học ổn định” cũng là một bài toán với nhà trường. Việc sĩ số lớp học thường xuyên không ổn định ở đây không chỉ do các em phải đi thi đấu, tập luyện mà còn do quá trình tập luyện thi đấu không đạt được theo chỉ tiêu đề ra nên bị đào thải, đồng nghĩa là các em sẽ ngừng học để chuyển về địa phương sinh sống. Hoặc một số em VĐV khác lại được tuyển bổ sung nên sẽ nhập học muộn.

Trong Hội khỏe Phù Đổng vừa qua, Nguyễn Thị Trinh  (học sinh lớp 11 Trường THPT Bắc Thành, Yên Thành) được tuyển chọn vào đội tuyển Võ Vovinam. Khi quyết định chuyển vào đây học, em không khỏi lo lắng về việc học của mình: “em mới vào được hơn 1 tháng nhưng nghe các anh chị bảo việc tập luyện nghiêm ngặt, thậm chí những lúc thi đấu phải nghỉ học văn hóa, có hôm phải tập cả buổi đêm,... em rất lo lắng liệu mình có gắng trụ được không. Em thích thể thao nhưng nếu vì thể thao mà bị gián đoạn chuyện học hành em không hề muốn chút nào”, Trinh nói.

Vì thế, nên chăng cần có một chương trình học riêng, hoặc quy chế học riêng đối với học sinh PTNK TDTT, “chẳng hạn giảm bớt một số môn học văn hóa không cần thiết cho nhẹ chương trình”, cô Ái nói thêm.

Đào tạo văn hóa cho VĐV là cần thiết nhằm đáp ứng mục tiêu đào tạo toàn diện, đồng thời đảm bảo tương lai phát triển lâu dài của VĐV. Tuy nhiên, rất cần một chương trình phù hợp, tạo điều kiện cho VĐV vừa học tốt văn hóa vừa đảm bảo thời gian, khối lượng tập luyện để có thể phát triển tới đỉnh cao. Ngoài ra, sự phối hợp giữa nhà trường và bộ môn thể thao là rất cần thiết nhằm giúp VĐV xác định được tầm quan trọng của việc học văn hoá đối với cuộc sống của bản thân mình.Lẽ đó, cần xem xét mô hình Hai trong Một, trường PTNK TDTT nên nằm trong Trung tâm đào tạo huấn luyện thể thao với hình thức chia làm 2 bộ phận: Một bộ phận có nhiệm vụ đào tạo huấn luyện thể dục thể thao, một bộ phận có nhiệm vụ giảng dạy văn hóa. Hai bộ phận này có mối quan hệ hữu cơ trong việc đào tạo tài năng thể thao và trang bị kiến thức văn hóa cho các em...

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114558284

Hôm nay

2266

Hôm qua

2379

Tuần này

21843

Tháng này

225827

Tháng qua

122920

Tất cả

114558284