Triết lý giáo dục là nền tảng để xây dựng các mục tiêu, chương trình cụ thể và triển khai các bước cải cách giáo dục. Hiện nay, nền giáo dục Việt Nam chưa minh định một triết lý giáo dục mới tương thích với giai đoạn lịch sử mới, nhưng đã tiến hành cải cách giáo dục, nên các chương trình dự án cải cách đều mang tính vay mượn, chắp vá, loạn hệ thống, phi hệ thống và xung đột hệ thống. Trong bối cảnh đó, việc nhận thức các tư tưởng giáo dục truyền thống và xây dựng triết lý giáo dục mới phù hợp nhất cho dân tộc hôm nay là vô cùng hệ trọng. Thế nhưng, qua các ý kiến bàn thảo trên công luận, có thể thấy nhiều điều đáng lo lắng và báo động. Nhận thức về triết lý giáo dục trong xã hội cũng còn nhiều bất cập, méo mó và sai lệch. Điển hình là những bài viết, những công trình của GSTS Trần Ngọc Thêm. Trong bài viết “Giáo dục hỏng chính là do triết lý giáo dục sai lầm” đăng trên báo Lao Động số ra ngày 27-6-2016, GSTS Trần Ngọc Thêm đã phê phántriết lý giáo dục truyền thống “Con ngoan trò giỏi”của dân tộc - một triết lý theo ông có bản chất phản phát triển: “Con ngoan trò giỏi thì xã hội đồng nhất, có đồng nhất thì mới góp phần tạo nên tính cộng đồng cao, mới hướng nội...Nay là thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập; xã hội không còn hướng nội mà cần hướng ngoại…Phải thay đổi triết lý giáo dục từ hướng đến ổn định chuyển sang hướng đến phát triển”[3]
Ở đây, Trần Ngọc Thêm đã sai lầm khi không tiếp cận triết lý giáo dục “Con ngoan trò giỏi” từ góc độ nhân học, văn hoá học, giá trị học mà tiếp cận từ xã hội học dung tục. Từ đó dẫn đến hạ tầm khái niệm trong triết lý giáo dục của cha ông. Khái niệm“ngoan”trong triết lý này mang bản chất truyền thừa các giá trị nhân văn hài hoà bền vững của giống nòi, trở thành một kiểu tế bào gốc gìn giữ dòng giống Việt. “Ngoan” ở đây thực chất là khái niệm nhân học, giá trị học, tích hợp bao nhiêu tinh tuý văn hoá tư tưởng nhân ái vị tha của Nho giáo, Phật giáo và đạo lý dân gian. Nhưng trong bài viết của mình, khái niệm “ngoan”đã bị Trần Ngọc Thêmbứng khỏi hệ hình văn hoá truyền thống sâu sắc và tinh tế, quy giản thành hành vi “vâng lời” trong hệ sinh hoạt đời thường thô thiển. Trong khi đó, trong lập luận, hành vi “cãi”đã được ông tâng lên thành tương táctrí tuệ để quy kết tổ tiên không cho con cãi là không cho phản biện. Những tuỳ tiện trong cách lồng ghép nội hàm khái niệm, hạ cấp khái niệm và đưa khái niệm từ hệ thống này sang hệ thống khác để phục vụ ý tưởng chủ quan của mình…nhan nhản trong các công trình và bài viết của GS Trần Ngọc Thêm mà tôi đã có bài phân tích từ hai mươi năm trước[4]. Thực chất triết lý giáo dục “Con ngoan, trò giỏi” có cội nguồn “Nhân cách luận” của tiền nhân gắn liền với hệ văn minh tinh thần của phương Đông đã bị Trần Ngọc Thêm đem “Kinh tế luận” trong văn minh vật chất của phương Tây phủ định một cách giản đơn.
Nhân cách luận truyền thống với thái độ “Trọng nghĩa khinh tài”,“Người sống hơn đống vàng”, “Người ta là hoa đất”…đã tạo ra cả một chuỗi giá trị bền vững trong nền tảng sinh tồn của dân tộc, làm nên độc lập, làm nên những bậc cao tăng đạo sỹ, những kẻ sỹ, nhân sỹ, anh hùng dựng nước và giữ nước- những nhân cách văn hoá đặc thù với bao nhiêu cải cách và hướng ngoại đầy bản lĩnh văn hoá Việt, kiên trì ngoại giao nhiều năm để xin bằng được hàng trăm bộ kinh sách từ Trung Hoa về cho dân tộc, thậm chí mang gươm đi mở cõi để đất nước rộng lớn như ngày nay. Thế là không phát triển sao? Thế là những hành vi của những nhân cách hướng nội, chỉ muốn ngủ ngon trong ổn định như Trần Ngọc Thêm kết tội sao?
Thứ hai, GSTS Trần Ngọc Thêm đã ngộ nhận cảm tínhvề sự ngăn cách đối lập giữa “Nhân cách luận” và “Kinh tế luận”. Coi giá trị nhân văn như một giá trị hướng nội, phản kinh tế, phản phát triển là một sai lầm, bộc lộ sự bất cập trong hiểu biết về mối liên hệ giữa các giá trị kinh tế và các giá trị nhân văn. Đây là ngộ nhận có cội nguồn từ chủ nghĩa kỹ trị toàn thống và tinh thần kinh tế luận cực đoan thực dụng trong nền văn minh vật chất phương Tây đương đại. Gần đây, các nước phát triển hàng đầu như Nhật Bản và Mỹ đã chủ trương giảm bớt hoặc loại bỏ các chương trình giáo dục hay xã hội liên quan đến sự duy trì và phát triển các giá trị nhân văn để tập trung vào phát triển các giá trị công cụ, thúc đẩy sự lớn mạnh của chuỗi giá trị khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) nhằm tạo ra sự phát triển trong nền kinh tế toàn cầu. Rất nhiều trường đại học, cao đẳng ở Hoa Kỳ và Nhật Bản đã phải tái cơ cấu chương trình dạy học theo hướng tăng STEM, giảm hoặc bỏ các bộ môn thuộc ngành xã hội nhân văn để sinh viên ra trường có thể đáp ứng nhanh nhất nhu cầu phát triển kinh tế. Điều đó đã làm cho các chính khách, các nhà tư tưởng và các nhà hoạt động văn hoá trên thế giới lo lắng. Trước chủ trương loại bỏ các các môn học xã hội nhân văn ở các trường đại học của chính phủ Nhật, tờ Japan Times nhận định: “Đó có thể là sai lầm mà họ sẽ hối tiếc trong những năm tiếp theo”.[5]
Thực tế là những giá trị nhân văn có vai trò quyết định trong tăng trưởng. Trong cuốn “Truy tìm căn nguyên tăng trưởng”[6], một cuốn sách được các chuyên gia tài chính hàng đầu thế giới như coi là “Cuốn sách phi thường và độc đáo”, “Cuốn sách về phát triển kinh tế tuyệt vời nhất”, tác giả Willyam Easterly cho biết đã khẳng định vai trò quyết định của các giá trị nhân văn, của nguồn lực con người trong tăng trưởng. Từ sau chiến tranh thế giới thứ II, rất nhiều nhà kinh tế học liên tục truy tìm cây đũa thần tăng trưởng cho thế giới thứ Ba, những tất cả các thần dược đưa ra như Vốn, Công nghệ, Giáo dục...đều không đem lại kết quả như hứa hẹn vì chúng vi phạm một nguyên tắc kinh tế học căn bản, đó là con người với động cơ riêng của nó. Động cơ sống, làm việc của con người là nhân tố quyết định cho tăng trưởng. Nhận thức khoa học mới đó của các học giả phương Tây đã soi sáng vai trò quyết định của con người nhân bản- sản phẩm của nền giáo dục truyền thống trong lịch sử dựng nước, giữ nước, phát triển và hội nhập của dân tộc Việt nam.
Trần Ngọc Thêm còn có nhiều ý kiến lệch lạc sai lầm khác về giáo dục. Nhưng khuôn khổ bài viết này không cho phép đề cập đến. Xin được bàn riêng trong những bài viết khác./.
[1]Lời ghi ở trang đầu Quyển sổ vàng của trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương
[2]Nguyễn Quốc Vương – Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản, NXB Phụ nữ, 2016, trang 181.
[3]http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/gstskh-tran-ngoc-them-giao-duc-hong-chinh-la-do-triet-ly-giao-duc-sai-lam-566901.bld
[4]https://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/ve-mot-thai-do-vi-chung-van-hoa
[5]http://www.baodanang.vn/channel/5433/201507/nhan-van-trong-nen-kinh-te-toan-cau-2426021/
[6]Willyam Easterly - Truy tìm nguyên nhân tăng truổng – NXB Lao động- Xã hội, 2016.