Nguyễn Thị Thảo – Công ty TNHH Lelong – TP. Hồ Chí Minh.
Tôi nghĩ, tính trách nhiệm là điều quan trọng hàng đầu với mỗi cá nhân bởi chỉ khi có trách nhiệm người ta mới làm việc đến nơi đến chốn, mới suy nghĩ cẩn trọng để không làm ảnh hưởng lợi ích chung. Một người không có trách nhiệm với chin mình thì khó có thể có trách nhiệm với người khác được. Dù hiện nay có một bộ phận người trẻ làm việc theo kiểu đối phó, làm đủ thời gian rồi về, không hết mình trong công việc nhưng tôi vẫn thấy nhiều bạn mới ra trường rất có trách nhiệm với việc mình đang làm, thậm chí mang việc về nhà, tăng ca để hoàn thành đúng tiến độ. Nếu bạn cho rằng người ta không thể đòi hỏi bạn có trách nhiệm khi mà trả công không xứng đáng với những gì bạn bỏ ra; nếu bạn vì chán môi trường, công việc rồi làm cầm chừng thì bạn đã sai lầm. Thay vào đó bạn nên thẳng thắn đề xuất với cấp trên hay chuyển một công việc khác. Đừng để bản thân tự đánh mất đi tinh thần trách nhiệm của mình vì những lí do khách quan.
Võ Minh Nhật – Nhân viên Vingroup – TP. Hồ Chí Minh
Một người sống có trách nhiệm trước hết phải là một người tử tế và là một người làm chủ lời nói, hành vi của mình, không vì mình (một cá thể) mà ảnh hưởng đến một tập thể, một cộng đồng. Giữa trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, tôi sẽ sắp xếp theo thứ tự ưu tiên lần lượt sẽ là: Trách nhiệm với bản thân, gia đình rồi tới xã hội. Trong xã hội hiện nay, người ta sống ít có trách nhiệm hơn, ít quan tâm tới lợi ích của cộng đồng của xã hội mà quan tâm nhiều đến lợi ích của bản thân dẫn đến thói vô cảm, bàng quan với mọi việc xung quanh. Tính tự nhiệm đang trở thành một điều xa xỉ, bởi người ta đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của tập thể.Xã hội phát triển, công nghệ phát triển, đời sống được nâng cao,nhu cầu thể hiện bản thân, so sánh và đặt nặng quyền lợi cá nhân dẫn tới thói vô trách nhiệm trong hành vi, ứng xử của mình với xã hội và công việc. Tôi cho rằng, điều này hết sức nguy hại. Nó có thể dẫn đến rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Chính vì thế, giáo dục và chấn chỉnh thái độ sống cho giới trẻ là hết sức cần thiêt. Chúng ta nên đặt ra những quy định rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn của mỗi cá nhân, rèn cho con cái mình thói quen tự chịu trách nhiệm trước mỗi hành vi của bản than dù là nhỏ nhất. Đặc biệt hãy để chúng được sống trong môi trường, nơi mỗi người đều có trách nhiệm trước những việc mình đang làm.
Hồ Văn Loan – Cử nhân Kiểm toán – Hà Nội
Trong suy nghĩ của tôi, người sống trách nhiệm là người luôn suy nghĩ về việc mình làm, biết nghĩ trước nghĩ sau, suy nghĩ cho mọi người và dám làm dám chịu. Theo tôi. Điều đó rất quan trọng. Với tôi, trách nhiệm trước hết là với bản thân, sau nữa là với gia đình và cuối cùng là với xã hội bởi trung thực mà nói, hiện nay, khó có ai nghĩ đến cộng đồng trước cá nhân mình. Hơn nữa, chỉ khi có trách nhiệm với chính những hành động của mình bạn mới có trách nhiệm được với những điều lớn lao hơn. Tôi không dám nói bất kì một lời nào có tính khẳng định rằng thời nay người ta ít trách nhiệm hơn. Thời nào cũng có người thế này, kẻ thế nó, khó mà kết luận được. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận hiện nay một bộ phận không nhỏ cán bộ, viên chức làm việc thiếu tinh thần trách nhiệm. Để giới trẻ hôm nay sống có trách nhiệm hơn, tôi nghĩ phải tập trung vào giáo dục. Đặc biệt là người lớn, những cá nhân đi đầu, ở vị trí quan trọng phải sống có trách nhiệm trước đã. Đừng ra rả nói ai phải sống trách nhiệm khi chính bạn chưa làm được điều đó.
Hoàng Thị Lan Hương – Giáo viên – Hà Tĩnh
Tôi nghĩ không cần thiết phải nhắc lại định nghĩa về trách nhiệm. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh, trong quan niệm của mình, một người có trách nhiệm là người cân nhắc cẩn thận khi suy nghĩ hành động để nó không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn mang lại điều tốt đẹp cho xã hội, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Tôi nhận thấy ngày nay đúng là con người ta ít có trách nhiệm hơn hoặc trách nhiệm đó không xuất phát từ tự nguyện mà nó có nhiều sự thức ép. Lối sống thực dụng, sự cạnh tranh không lành mạnh và mặt trái của xã hội khiến con người không dám thể hiện trách nhiệm một cách thật tâm. Nhiều khi trách nhiệm quá lại ngược dòng trong môi trường mình đang sống. Do tác động của nhiều yếu tố mà không ít bạn trẻ ngày nay thích hưởng thụ, nghĩ đến quyền lợi nhiều hơn là trách nhiệm. Người trẻ ngày nay nhạy cảm, tài năng và chịu tác động mạnh bởi thông tin. Trong một thời kỳ mà đất nước bộc lộ nhiều vấn đề tiêu cực và thông tin đến với họ đa chiều như hiện nay thì phản ứng đó là điều dễ hiểu. Theo tôi, trách nhiệm chủ yếu thuộc về giáo dục. Bản thân họ ngay khi đi học ít được trang bị những kĩ năng sàng lọc thông tin; đi học thì chạy theo thành tích; ra trường không có việc làm thì rơi vào trạng thái mất niềm tin, nỗ lực thực hiện ước mơ, trách nhiệm công dân. Vậy nên điều mấu chốt là giáo dục, để người trẻ nếu nhìn thấy tiêu cực thì đấu tranh thay vì chạy trốn. Họ cần được giáo dục về trách nhiệm công dân, về nhân cách và kỹ năng thay vì học quá nhiều tri thức sách vở.
Nguyễn Văn Hải – Nhân viên văn phòng – Hà Nội
Tôi không dám nhận mình là người sống có trách nhiệm. Dù đó là trách nhiệm với bản thân mình. Tuy nhiên tôi cũng đã từng trăn trở: sống có trách nhiệm là gì? Rút cục, sau rất nhiều lần tự tìm câu trả lời, tôi nghĩ, không cần quá nặng nề về khái niệm. Cứ sống đúng với lương tâm mình và với đạo lý của xã hội là được rồi. Nói về tính tự nhiệm của người trẻ hiện nay, tôi thấy khó có thể đánh giá rõ được. Lối sống thích hưởng thụ hay ích kỷ mà chúng ta thường nói đến phải chăng chỉ là bề nổi? Tôi thấy còn đó rất nhiều những tấm gương hết lòng trong công việc, luôn cống hiến cho xã hội. Chúng ta nên đặt mình vào vị trí của người trẻ, hiểu rõ những nhu cầu của họ và tạo môi trường cho họ thể hiện. Không biết cảm nhận của tôi có đúng không nhưng tôi thấy những đứa trẻ ở nông thôn thì ý thức tự nhiệm cao hơn so với thành thị. Phải chăng bởi ở thành thị, sự nhạy cảm với xã hội của chúng cao hơn và chúng bị tác động bởi nhiều nguồn thông tin tiêu cực dẫn đến mất niềm tin và quay sang lối sống vị kỷ?