Diễn đàn

Cách nghĩ hiện đại?

Lời tòa soạn: Yêu nước là phẩm chất cực kỳ quan trọng của một công dân, một con người của quốc gia - dân tộc. Đây một vấn đề luôn được bàn luận trong muôn thủa lịch sử. Có thể, mỗi quốc gia - dân tộc, mỗi cộng đồng dân cư, trong mỗi thời đại, mỗi hoàn cảnh lịch sử có những nhận thức, quan niệm và cách thể hiện lòng yêu nước khác nhau. Nhưng bất luận thế nào thì đều phải tôn trọng và bảo vệ danh dự và lợi ích của quốc gia - dân tộc. Ý kiến sau đây của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn có thể không có nhiều người đồng tình, nhất là có những khác biệt so với quan niệm truyền thống nhưng dẫu sao cùng là một sự mạnh dạn và không phải không có những điều để chúng ta suy nghĩ và trao đổi.

  1/"Từ điển danh ngôn thế giới" do Lưu Văn Hy biên soạn bản của nhà Tổng Hợp TP HCM 2006 có một ưu điểm, so với một số cuốn khác tôi đã đọc. Ở đây, tác giả chọn được ra nhiều câu nói thú vị có liên quan đến đời sống chính trị hiện đại. So với tư tưởng cổ điển, nó mang nhiều chất nghịch lý, không xuôi chiều, nhưng lại có vẻ đúng với tình hình đương thời. Chẳng hạn, sách có dẫn lời nhà văn Mỹ Henry Brooks Adams (1838 – 1918) từng chỉ ra một khía cạnh của nghề chính trị: “Làm chính trị, trên thực tế, bất luận trong lĩnh vực nào, luôn luôn là việc tổ chức một cách có hệ thống lòng căm thù.”(tr 12)

 Một tư tưởng đang có sức mạnh lôi cuốn con người hiện đại là lòng yêu nước. Trong cuốn sách trên, thấy dẫn lại câu của tiểu thuyết gia Anh Elizabeth Gaskell (1810 -1865) nói về lòng yêu nước phổ biến thời nay: “Nội dung cơ bản của loại chủ nghĩa ái quốc ấy là ghét bỏ mọi quốc gia khác” (Tr 129)
Danh ngôn cổ chỉ khuyên người ta hết lòng yêu nước chứ đâu có chuyện khuyên một viên tướng rút lui, thậm chí phải nói là đầu hàng. Vậy mà trong cuốn trên lại có câu:
“Trong một cuộc nội chiến, một viên tướng cầm quân phải biết – bằng vào bản năng hơn là thực hành – phải biết chính xác khi nào ngả sang phe bên kia.”(Tr 283)
Truy về hoàn cảnh ra đời mới hiểu ở đây người ta muốn nói cách xử thế của các công dân liên quan tới các cuộc nội chiến. Nội chiến là người trong một nước đánh nhau, bởi vậy cái mà con người hiểu biết hướng tới, không phải phe này hay phe kia chiến thắng, mà cả dân tộc chiến thắng. Bằng bất cứ giá nào tránh được chiến tranh, vãn hồi hòa bình, ở đó người trong một nước bàn bạc với nhau về vận mệnh Tổ quốc. -- cái đó mới quan trọng. 
Lòng trung thành với quốc gia phải đặt cao hơn lòng trung thành với phe phái mà mỗi người là một thành viên.
Câu trên đây là của một viên tướng Mỹ thời kỳ nội chiến Nam Bắc. Nó được Henry Reed nhà thơ Anh (1914 - 1986) chép lại.Chỉ có con người thế kỷ XX, mới thấm thía những điều đó một cách sâu sắc và đưa lại cho chúng ta một ý nghĩ có vẻ như ngoại lệ, do đó là khó hiểu với những con người các thế kỷ cũ. 

2/ Sở dĩ tôi dừng lại ở một cách hiểu mới của con người thế kỷ XX về lòng yêu nước vì liên hệ với lịch sử Việt Nam , tôi thấy nó có thể có ích với chúng ta khi đánh giá lại các nhân vật lịch sử ở những giai đoạn éo le, chẳng hạn như Trương Vĩnh Ký, Phan Thanh Giản, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh....
Ta hay nói phẩm chất hàng đầu của trí thức là lòng yêu nước. Có người phũ ra còn nói không có lòng yêu nước thì người trí thức không đáng một xu. Dựa vào cái đó người ta sổ toẹt Trương vì ông đã cộng sự với người Pháp.
Nhưng có thể có một cách nghĩ khác, gồm mấy vế:
-- theo quan niệm thông thường, một quốc gia độc lập có nghĩa là quốc gia đó do người trong nước cai trị và yêu nước trong trường hợp này là giúp cho cái quyền tự cai trị đó được thực hiện.
-- nhưng trên thế giới hiện nay có khá nhiều quốc gia chỉ có một nền độc lập mong manh, tuy do người trong nước cai trị, nhưng thực tế họ chịu sự thao túng của các thế lực nước ngoài. Bảo là độc lập giả tạo không phải là chê bai họ mà là đã bóc trần cái thực tế của họ. 
-- đi vào cắt nghĩa tình trạng có các quốc gia độc lập giả tạo, người ta thấy rằng vì trong hoàn cảnh toàn cầu hóa hiện nay, không nước nào có thể đứng một mình không quan hệ với các nước khác. Đứng một mình, quốc gia chỉ tồn tại mà không phát triển. Mà đã không phát triển thì trước sau phụ thuộc vào nước khác, tức là bị các nước khác chi phối.Được sự giả dối bao che, sự tàn nhẫn lúc này lại lên đến mức khủng khiếp 
-- chỉ người trí thức mới có cái nhìn vượt lên phạm vi của nước mình như vậy. Do hiểu rằng muốn tồn tại phải phát triển, họ cho rằng không cần phải phục vụ cho cái tình trạng trước mắt của quốc gia mà phải phục vụ cho tương lai của quốc gia. Khi phát triển theo đúng nghĩa của nó, quốc gia sẽ có được độc lập chân chính. Việc đó có thể tới muộn nhưng chắc chắn sẽ tới. Còn hơn cái độc lập trước mắt dở dang giả tạo bỏ thì thương vương thì tội.

3/ Một ví dụ tương tự.
Đối với cách hiểu phổ thông hiện nay -- được giảng dạy kiên trì ở các cấp học -- mất nước, đầu hàng là nhục, mất nước thì mỗi cá nhân không còn lý do gì để sống. Nhưng lịch sử châu Âu hồi thế giới thứ hai còn ghi, nếu khi Đức chiếm Na Uy, gặp phải sự phản kháng thì người Đan Mạch thấy sức mình không chống nổi Đức liền mở cửa đầu hàng. Sách vở về sau khi nhắc lại chuyện này không vì thế mà chê Đan Mạch và khen Na Uy.. Họ lại còn cho rằng nhờ đầu hàng mà nước Đan Mạch khôn ngoan cứu được bao nhiêu mạng sống Do Thái. Người Tiệp thường cũng tự hào nhờ đầu hàng mà giữ được bao công trình kiến trúc tuyệt mỹ ở Praha.
Không chỉ thời nay mà trong các truyện dã sử Trung Hoa thời cổ, rất phổ biến cái chuyện khi cảm thấy quân mình không đánh nổi quân địch, các viên tướng liền xin hàng để bảo toàn sinh mệnh binh sĩ cấp dưới. Việc đó theo họ là quan trọng hơn cái danh tiếng "trung quân ái quốc". 
Nhìn rộng ra thấy trong lịch sử nước Trung Hoa, chính quyền TW đã hai lần đầu hàng những nước nhỏ hơn. Lần thứ nhất đầu hàng người Mông Cổ, chấp nhận cả việc thủ đô Bắc Kinh được Hốt Tất Liệt đưa lên một tầm vóc mới tồn tại mãi với thời gian. Lần sau mới ghê. Thua Mãn Thanh, cả nước Trung Hoa mấy trăm năm liền sống theo cách sống người Mãn, nhiều phong tục tập quán thay đổi. Nhưng tôi đọc sách lịch sử vẫn thấy ghi nhận Trung Hoa triều Mãn, tuy có mặt trì trệ nhưng vẫn là một bước phát triển rực rỡ, không có Mãn Thanh thì không có sự tiếp nhận tư tưởng phương Tây thành công cuối XIX đầu XX . Dân Mãn ít, triều nhà Thanh phải dùng nhiều quan chức người Hán cả cấp thấp lẫn cấp cao. Nhưng đương thời cũng vậy mà về sau cũng vậy không thấy sử sách Trung quốc lên án những người trí thức triều cũ cộng tác với kẻ chiếm đóng. Tại sao cả một giai tầng trí thức hùng hậu xử thế theo kiểu đó? Tôi đoán họ nghĩ rằng mình vì một nước Trung Hoa lâu dài, chứ việc trước mắt không quan trọng.Và đó là cách nghĩ hiện đại. Chúng ta có thể đồng tình hay không nhưng phải nhận có một cách nghĩ như thế.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512463

Hôm nay

2400

Hôm qua

2389

Tuần này

2400

Tháng này

219336

Tháng qua

121356

Tất cả

114512463