Đây là cuốn mới nhất trong một loạt cuốn sách được xuất bản ở Trung Quốc trong thời gian gần đây tiên đoán việc Trung Quốc sẽ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Mỹ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu như thế nào. Do tác giả là sĩ quan quân đội nên có thể dễ dàng nhận thấy những quan điểm của ông này phản ánh khá rõ những tham vọng của quân đội hay thậm chí của chính các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Tuy nhiên, cuốn Giấc mộng Trung Hoa được rộng rãi đánh giá có sức hấp dẫn không phải ở những khuyến nghị mà nó đưa ra đối với các chính sách đối ngoại và quốc phòng của nước này, mà là ở chỗ cuốn sách đã nêu lên những luận điểm theo đường lối dân tộc chủ nghĩa trong các cuộc tranh luận đang diễn ra xung quanh nền chính trị nội bộ của đất nước Trung Hoa. Cuốn sách chứa đựng nhiều nội dung rất đáng quan tâm cho việc nghiên cứu trạng thái tâm lý cực đoan đang thịnh hành ở nước này liên quan đến cái gọi là tính ưu việt về chủng tộc của Trung Quốc, chủ nghĩa quân phiệt, và trường phái lý luận coi ý chí chính trị đóng vai trò quyết định tối hậu ở nước này.
Cuốn sách ra mắt đã gây ra rất nhiều phản ứng trái chiều trên phương tiện truyền thông và giữa các nhà quan sát về Trung Quốc, từ ủng hộ, thuần túy mô tả quan điểm, nhận định, đánh giá riêng, tới không nhất trí hoặc thậm chí hoàn toàn bác bỏ. Riêng báo chí phương Tây đã mô tả cuốn sách này là một lời thách thức thẳng thừng đối với Mỹ, được thể hiện rõ nét qua việc tác giả thúc giục Trung Quốc “chạy hết sức” để trở thành “quốc gia số một” hay “cường quốc chi phối” thế giới.
Cuốn sách ra đời vào thời điểm khi các học giả và chuyên gia của nước CHND Trung Hoa đang tranh luận quyết liệt với nhau về việc liệu đã diễn ra chưa những thay đổi căn bản trong cán cân quyền lực toàn cầu là điều giúp củng cố vị trí và tư thế tương đối của Trung Quốc so với Mỹ, và liệu có nên xem xét những cách thức theo đó Trung Quốc điều chỉnh những chính sách của mình trước những thay đổi về quyền lực tương đối này. Nhận định cho rằng Trung Quốc đã chống chọi với các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu thành công hơn nhiều so với Mỹ và các cường quốc khác đang góp phần củng cố tâm lý chung cho rằng Trung Quốc giờ đây không cần phải quan tâm đến dư luận nước ngoài hay đến những lợi ích của Mỹ nữa, đặc biệt là về những vấn đề đụng chạm đến “những lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc - đáng chú ý nhất là vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia của nước này.
Cuốn sách được viết ra cho đông đảo độc giả và do một cơ quan báo chí thương mại của Trung Quốc, chứ không phải là một đơn vị trực thuộc quân đội, phát hành và do vậy nó không đại diện cho những quan điểm chính thức của chính phủ Trung Quốc hay Quân Giải phóng. Tuy nhiên, cuốn sách có thể được coi là một tiếng nói và một quan điểm tương đối cực đoan trong cuộc tranh luận đang diễn ra ở đất nước Trung Hoa xung quanh tư thế chiến lược và quân sự của nước này.
Thông tấn xã Việt Nam xin trân trọng giới thiệu bạn
đọc tập tài liệu tham khảo “Giấc mộng Trung Hoa: Tư duy
nước lớn và tư thế chiến lược của Trung Quốc trong kỷ
nguyên hậu Hoa kỳ” với hy vọng giúp bạn đọc có được cái nhìn sâu hơn về một chủ đề được nhiều người quan tâm này.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
CHƯƠNG 1
ĐỨNG ĐẦU THẾ GIỚI: GIẤC MƠ TRĂM NĂM CỦA
TRUNG QUỐC
Đứng đầu thế giới là giấc mơ trăm năm của Trung Quốc. Giấc mơ này tập trung biểu hiện qua lý tưởng phấn đấu của ba nhân vật vĩ đại là Tôn Trung Sơn, Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Tôn Trung Sơn là người tiên phong của cuộc cách mạng dân chủ của Trung Quốc, Mao Trạch Đông là người sáng tạo ra Trung Quốc mới, Đặng Tiểu Bình là nhà thiết kế cải cách mở cửa. Đặc trưng chiến lược chung của ba nhân vật vĩ đại này là ở chỗ: Trong mục tiêu quốc gia lớn của Trung Quốc, họ đều là những người theo đuổi chủ nghĩa “đứng đầu thế giới”.
Hàm nghĩa của việc Trung Quốc trỗi dậy “đứng đầu thế giới” là gì? Trước hết đó là tổng lượng kinh tế của Trung Quốc phải đứng đầu thế giới. Trên cơ sở này thực hiện việc Trung Quốc đứng đầu thế giới về sức mạnh tổng hợp quốc gia. Sự trỗi dậy của Trung Quốc trong thế kỷ 21 đi theo hướng nào? Chính là sự trỗi dậy theo mục tiêu và phương hướng “đứng đầu thế giới”.
1. Tôn Trung Sơn: Trung Quốc phải là cường quốc hàng đầu thế giới
Trong thời đại Trung Quốc là “nước nghèo yếu nhất thế giới” , Tôn Trung Sơn đã yêu cầu “mọi nguời phải lập chí”, xây dựng Trung Quốc trở thành “nước giàu mạnh nhất thế giới” và kêu gọi 400 triệu người đều phải có nguyện vọng và ý chí này. Ý chí và tinh thần của người tiên phong vĩ đại này đã khiến người Trung Quốc hiện nay cảm thấy kinh ngạc và tự hào.
Xây dựng Trung Quốc trở thành “nước giàu mạnh nhất thế giới”
Trung Quốc không chỉ đuổi kịp Anh, Mỹ mà còn phải vượt lên trên họ. Đây là chí hướng vĩ đại của Tôn Trung Sơn. Năm 1894, trong thư gửi lên Lý Hồng Chương (quan đại thần triều Thanh), Tôn Trung Sơn đã đề xuất cương lĩnh cải cách của mình: “Nhân năng tận kỳ tài, địa năng tận kỳ lợi, vật năng tận kỳ dụng, hóa năng sướng kỳ lưu” (có thể phát huy hết tài năng của mọi người, có thể khai thác hết tác dụng của đất đai, có thể lợi dụng hết công năng của vạn vật, có thể để cho hàng hóa được lưu thông). Thực hiện được bốn điều này, Trung Quốc “có thể vượt lên châu Âu”. Sau này Tôn Trung Sơn còn nhiều lần nói đến chủ nghĩa tam dân, muốn xây dựng đất nước giàu mạnh đứng đầu thế giới.
Xây dựng Trung Quốc trở thành quốc gia “bốn nhất” và “sáu nhất” là mục tiêu phấn đấu của cả cuộc đời Tôn Trung Sơn. Điều gọi là quốc gia “bốn nhất” đó là : mạnh nhất thế giới, giàu nhất thế giới, nền chính trị tốt nhất thế giới, dân chúng hạnh phúc nhất thế giới. Điều gọi là quốc gia “sáu nhất”, đó là lớn nhất, ưu việt nhất, tiến bộ nhất, trang nghiêm nhất, giàu có nhất, bình yên sung sướng nhất. “Người Trung Quốc phải làm nên những kỳ tích vĩ đại nhất nhân loại” - đây là ý nguyện cao cả của Tôn Trung Sơn. Tôn Trung Sơn còn đưa ra chủ trương thế giới hòa bình, thế giới đại đồng, mong muốn người Trung Quốc sẽ thực hiện sứ mệnh đảm bảo hạnh phúc lớn nhất cho nhân loại, làm nên kỳ tích lớn nhất cho nhân loại, không chỉ mang lại lợi ích cho một dân tộc một quốc gia, mà còn mang lại lợi ích cho toàn thể nhân loại.
Sau cuộc khởi nghĩa Quảng Châu đầu tiên năm 1895 bị thất bại chạy ra nước ngoài, Tôn Trung Sơn đã đi chu du khắp thế giới, đến thăm các cường quốc, một mặt khảo sát tình hình chính trị của các nước, tìm hiểu nguyên nhân khiến có nước giàu nước nghèo, mặt khác tiến hành phong trào cách mạng. Đến trước khi diễn ra khởi nghĩa Vũ Xương, ông đã 7 lần đi chu du thế giới, cứ hai năm lại đi vòng quanh thế giới một lần. Trong cuộc đời kéo dài 58 năm 8 tháng của ông, có tới 10 năm 1 tháng ông sống ở Mỹ và châu Âu, ông đã 8 lần đi Mỹ và châu Âu. Mục tiêu lớn của Tôn Trung Sơn “Trung Quốc cần trở thành nước giàu mạnh nhất thế giới” là được xây dựng trên cơ sở những năm tháng đi du ngoạn thế giới của ông.
Dân tộc Trung Hoa là “dân tộc ưu tú nhất thế giới”
Tôn Trung Sơn cho rằng dân tộc Trung Hoa là dân tộc “4 nhất”. Trong chủ nghĩa tam dân, ông đã nêu rõ: “Dân tộc Trung Hoa là dân tộc lâu đời nhất thế giới, là dân tộc lớn nhất thế giới, là dân tộc văn minh nhất thế giới, là dân tộc có khả năng đại đồng hóa nhất thế giới… Nghiên cứu về dân tộc chúng ta, từ trước cho đến nay, chí ít đã có khoảng 5000 đến 6000 năm. So với các dân tộc khác trên thế giới, dân tộc chúng ta vẫn đông nhất và lớn nhất. Từ thế hệ này truyền sang thế hệ khác, cho đến nay vẫn là dân tộc ưu tú nhất thế giới.”
Tôn Trung Sơn cũng nói đến ưu thế trí tuệ của sinh viên Trung Quốc du học ở Mỹ trong khi so sánh thành tích học tập của sinh viên Trung Quốc với sinh viên Mỹ . Ngày 21/12/1923 trong khi phát biểu tại buổi liên hoan của sinh viên trường Lĩnh Nam, Quảng Châu, Tôn Trung Sơn đã nói: “Trên toàn nước Mỹ, tài trí thông minh vốn có của người Trung Quốc đều được người Mỹ thừa nhận, cho dù là học ở trường nào hay lớp nào ở Mỹ, điểm thi mỗi học kỳ của sinh viên Trung Quốc đều cao hơn sinh viên Mỹ”. Tôn Trung Sơn đã dùng lịch sử để chứng minh Trung Quốc là đất nước có thời gian giàu có dài và thời gian nghèo nàn ngắn, ông cũng dùng tính cách dân tộc để chứng minh tố chất của người Trung Quốc ưu thế hơn tố chất của người nước ngoài.
Tôn Trung Sơn cho rằng người Trung Quốc với tư cách là một dân tộc ưu tú nhất thế giới, nhất định phải có ý chí lớn vượt lên trên Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Ông nói: “Chúng ta có đất đai rộng lớn, dân số đông, tài trí thông minh bẩm sinh, ưu thế hơn nhiều so với Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Đất nước chúng ta cải tạo tốt, Trung Quốc cường thịnh, còn phải vượt lên Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Hạnh phúc mà người Trung Quốc được hưởng phải cao hơn Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Mọi người phấn đấu vì đất nước, xây dựng một đất nước tốt đẹp nhất thế giới, thế mới là có ý chí lớn. Hy vọng mọi người từ nay phải có ý chí lớn.”
Vận dụng chủ nghĩa mở cửa
Quá trình Trung Quốc trỗi dậy trở thành nước “đứng đầu thế giới” là một quá trình mở cửa hướng ra thế giới, học tập thế giới. Nhất định phải đi theo con đường “mở cửa chấn hưng đất nước”, “mở cửa để đuổi kịp và vượt các nước”. Ngày 23/10/1912, trong diễn thuyết tại buổi chiêu đãi ở Phủ Đô Đốc An Huy, Tôn Trung Sơn đã nói: “Muốn các ngành nghề phát triển thì phải đi theo chủ nghĩa mở cửa”. Chính sách của Tôn Trung Sơn được nêu trong hiệp định ký tại Bắc Kinh với Tổng thống Viên Đại và Tổng trưởng các bộ chính là chính sách mở cửa. Thế nào là chính sách mở cửa? Đó chính là để cho người nước ngoài đến Trung Quốc mở mang các công ty nhà máy. Mà chủ nghĩa mở cửa Trung Quốc đã thực hiện từ thời cổ. Thời kỳ thịnh vượng nhất của đời Đường, nước ngoài đã cử hàng vạn học sinh sang Trung Quốc du học, như Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản … Khi đó người nước ngoài đến Trung Quốc, người Trung Quốc không phản đối, đó là vì trong thời kỳ thịnh vượng nhất của nền văn minh Trung Quốc, từ trên xuống dưới đều hiểu rõ chủ nghĩa mở cửa chỉ có lợi mà không hề có hại gì.
Tôn Trung Sơn còn chỉ rõ Nhật Bản đất đai chỉ lớn bằng hai tỉnh của Trung Quốc, dân số cũng chỉ bằng hai tỉnh của Trung Quốc. 40 năm trước cũng là đất nước bé nhất, nghèo nhất, yếu nhất. Từ sau Minh Trị Duy Tân, trong vòng 40 năm đã trở thành cường quốc. Trên thế giới chỉ có 6, 7 nước được gọi là cường quốc, Nhật Bản là một nước trong số 6,7 cường quốc đó. Chính sách mà Nhật Bản vận dụng chính là chính sách mở cửa. Đất đai của Trung Quốc lớn gấp 20 lần Nhật Bản, dân số cũng lớn gấp hơn 20 lần Nhật Bản, muốn dựa theo cách làm của Nhật Bản thì cũng phải thực hiện chính sách mở cửa, không đến 3 hay 5 năm sau sẽ mạnh gấp 10 lần Nhật Bản. Tôn Trung Sơn nói: “Trung Quốc cần phải xây dựng cơ nghiệp. Chúng ta không có vốn thì mượn vốn nước ngoài. Chúng ta không có nhân tài thì sử dụng nhân tài của nước ngoài. Phương pháp của chúng ta không tốt thì vận dụng phương pháp của nước ngoài. Lẽ nào kết quả lại không văn minh hơn nhiều lần so với các nước ở phương Tây và phương Đông?”
“Đứng đầu thế giới” không thể mô phỏng, mà phải có
“tinh thần sáng tạo”
Từ hàm nghĩa của “Trung Hoa Dân Quốc”, Tôn Trung Sơn đã nhấn mạnh đến ý nghĩa sáng tạo. Ngày 15/7/1916, trong khi diễn thuyết lại cuộc tọa đàm tại Thượng Hiền Đường, Thượng Hải, Tôn Trung Sơn đã giải thích vì sao không thể nói “nước Cộng hòa Trung Hoa”, mà phải nói “Trung Hoa Dân Quốc”. Về ý nghĩa của chữ “Dân”, Tôn Trung Sơn phải mất hơn 10 năm nghiên cứu mới có kết quả. Tôn Trung Sơn cho rằng nước cộng hòa như kiểu Mỹ, châu Âu được xây dựng trước Trung Quốc. “Dân Quốc” của thế kỷ 20 còn mang theo tinh thần sáng tạo, không nên mô phỏng theo mô hình của thế kỷ 18, 19. Chỉ vài năm sau sẽ xuất hiện một Trung Hoa Dân Quốc trang nghiêm huy hoàng ở lục địa phía Đông, vượt lên các nước cộng hòa trên thế giới.
Tôn Trung Sơn còn từ thể chế chính trị “ngũ quyền phân lập” của Trung Hoa Dân Quốc để phân biệt với “tam quyền phân lập” của các nước phương Tây, điều này chứng minh nét đặc sắc và ưu thế của thể chế chính trị Trung Quốc. Ngày 18/8/1916, trong diễn thuyết của mình, Tôn Trung Sơn nói:
“Các nước văn minh trên thế giới hiện nay phần lớn đều thực hiện tam quyền phân lập, tuy có nhiều lợi ích, nhưng cũng có nhiều cái hại, vì thế 15 năm trước tôi mới đưa ra “ngũ quyền phân lập”. Thế nào là “ngũ quyền phân lập”, đó là ngoài lập pháp, tư pháp và hành chính ra, còn thêm chế độ chất vấn và thi cử. Hai chế độ này không có gì là mới đối với nước ta, từ thời cổ đã có, là cách làm hay, có thể trở thành mô hình của các nước trên thế giới trong thời kỳ cận đại”. Từ chủ nghĩa tam dân mang đặc sắc Tôn Trung Sơn đến Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác của Mao Trạch Đông và chủ nghĩa xã hội mang mầu sắc Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình đều toát lên một đạo lý, đó là: sáng tạo chấn hưng đất nước, đặc sắc chấn hưng đất nước. Từ góc độ sáng tạo và đặc sắc, “đứng đầu thế giới” cũng là “duy nhất thế giới”. Đế quốc Anh khi đó là độc đáo, vì thế giới chỉ có một nước Anh. Mỹ sau này cũng độc đáo, vì thế giới chỉ có một nước Mỹ. Trung Quốc cũng độc đáo vì thế giới chỉ có một nước Trung Quốc. Những nước “đứng đầu thế giới” xuất hiện trong thời kỳ cận đại đều là những nước có nét đặc sắc riêng, đều là đất nước có tính sáng tạo. Nó vừa không phải là tác phẩm phục chế của mô hình “đứng đầu thế giới” trước đó, cũng không thể bị các quốc gia sau này mô phỏng. Tuy các nước đều học tập những nước đi trước, kinh nghiệm của các nước đi trước cũng được vận dụng, nhưng các nước “đứng đầu thế giới” đều là những nước lớn sáng tạo, là nước lớn mang nét đặc sắc riêng, vì thế không thể phục chế mô phỏng.
Quân đội không mạnh không thể xây dựng đất nước
Phát biểu tại buổi chiêu đãi giới quân đội tại Sơn Tây ngày 20/9/1912, Tôn Trung Sơn đã nêu rõ do xây dựng đất nước vào thế kỷ 20, các cường quốc cạnh tranh nhau, chưa thể thực hiện được thế giới đại đồng, nên quân đội không mạnh không thể xây dựng đất nước.
Phát biểu trước các đại biểu giới lao động tại Philíppin ngày 23/6/1924, Tôn Trung Sơn nói cách đây 2000 năm, Trung Quốc hùng mạnh, không chỉ nổi lên ở phương Đông, mà uy phong còn chấn động châu Âu. Trung Quốc tuy mạnh, nhưng lấy chủ nghĩa hòa bình để giáo huấn thế giới, khuyên các nước hiếu chiến nên xây dựng cuộc sống hòa bình. Nhưng khi Trung Quốc khuyên bảo thì các nước khác lại đang chuẩn bị xây dựng lực lượng lục quân hải quân hùng mạnh, đưa tới kết quả như ngày nay. Các nước thấy Trung Quốc đất rộng của cải nhiều, thị trường rộng lớn, quân sự yếu kém, văn hóa không phát triển, nên tìm cách chia cắt mảnh đất này, xây dựng phạm vi thế lực của mình. Từ mối quan hệ quốc tế “các cường quốc cạnh tranh nhau” và bài học lịch sử của Trung Quốc, Tôn Trung Sơn đã nêu bật mối quan hệ giữa quân đội hùng mạnh với việc xây dựng đất nước bang giao. Để xây dựng Trung Quốc trở thành “nước hùng mạnh nhất thế giới” Tôn Trung Sơn đã xây dựng một cương lĩnh quân sự với khí phách hào hùng. Nay xem lại vẫn cảm thấy phấn chấn mãnh liệt. Trong cương lĩnh, Tôn Trung Sơn nhấn mạnh đến kế hoạch xây dựng lực lượng quân đội với 30 triệu quân và kế hoạch xây dựng lực lượng kỹ thuật công trình quốc phòng với 10 triệu quân. Ngày 26/10/1912, phát biểu tại buổi chiêu đãi các học viên trường quân chính Nam Xương, Tôn Trung Sơn nêu rõ từ nay về sau hy vọng sâu sắc các học viên phát huy khí thế hào hùng, chăm chỉ nghiên cứu học tập, để cho 400 triệu đồng bào đều có tinh thần thượng võ. Trung Quốc khi đó có 400 triệu dân, kế hoạch của Tôn Trung Sơn xây dựng lực lượng quân đội và kỹ thuật với 40 triệu quân, chiếm 1/10 dân số, đây quả là khí phách quân sự hào hùng của một nhà chính trị.
Học tập và vượt Mỹ
Tôn Trung Sơn cho rằng học tập Mỹ, trước hết phải học tập tinh thần xây dựng đất nước của Mỹ. Muốn đuổi kịp và vượt Mỹ cần phải xây dựng chí hướng lớn cho đất nước và dân tộc.
Tôn Trung Sơn ca ngợi “Mỹ là nước văn minh tiến tiến”,”Mỹ là nước cộng hòa đầu tiên của thế giới”, có nhiều chỗ Trung Quốc đáng học tập. Đồng thời với việc đề xướng học tập Mỹ, ông còn tin tưởng sâu sắc rằng Trung Quốc còn có thể đuổi kịp và vượt Mỹ. Ngay cả khi cuối tháng 12/1923, khi xảy ra sự kiện 6 pháo hạm Mỹ đến uy hiếp ở Bạch Nga Đàm, Quảng châu, Tôn Trung Sơn vẫn khuyến khích sinh viên Quảng Châu phải lấy kinh nghiệm xây dựng đất nước của Mỹ làm mô hình phấn đấu của cách mạng Trung Quốc, xác lập ý chí đuổi kịp và vượt Mỹ. Ngày 21/12/1923, phát biểu tại buổi gặp gỡ sinh viên trường Lĩnh Nam, Quảng Châu, Tôn Trung Sơn nói: “Các cháu sinh viên hiện nay học kiến thức của nước Mỹ, thi lịch sử nước Mỹ, nước Mỹ trở nên hưng thịnh là do tiến hành cách mạng. Khi Mỹ tách khỏi Anh, dân số chỉ có 4 triệu người, cả nước chỉ có 13 tỉnh thành phố, toàn là những vùng đất hoang sơ. Về dân số chỉ bằng 1/100 Trung Quốc hiện nay. Trung Quốc hiện có 400 triệu dân với 22 tỉnh thành phố, tài nguyên phong phú. Nước Mỹ bé nhỏ như vậy lại có thể làm nên nghiệp lớn như hiện nay, nếu có thể đi theo con đường cách mạng của Mỹ, Trung Quốc người đông tài nguyên phong phú thì kết quả trong tương lai đương nhiên sẽ tốt đẹp hơn Mỹ.”
Tôn Trung Sơn cho rằng Trung Quốc có nhiều điều kiện có lợi có thể vượt Mỹ. Trong cuốn “Phương lược kiến quốc” ông nói: “Đất đai của Trung Quốc rộng lớn hơn Mỹ. Tài nguyên khoáng sản phong phú, đứng vào hàng đầu thế giới. Dân số có tới 400 triệu người, cũng đứng đầu thế giới. Tài trí thông minh của người Trung Quốc cũng nổi tiếng từ thời xa xưa. Việc kế thừa nền văn hóa 5000 năm cũng là điều thế giới chưa từng có. Hàng nghìn năm trước cũng đã từng là quốc gia hùng mạnh trên thế giới.”
Ngày 10/10/1919, trong cuốn “Các ngành của Trung Quốc nên phát triển như thế nào”, Tôn Trung Sơn viết: “Trung Quốc đất rộng, của cải nhiều, nông sản và khoáng sản phong phú, không những đuổi kịp mà còn có thể vượt Mỹ. Sức lao động của Trung Quốc nhiều gấp 4 lần sơ với Mỹ, nước ta chỉ thiếu vốn và tài năng. Nếu nước ta có 2 nhân tố này thì các ngành của nước ta sẽ phát triển, không chỉ ngang bằng Mỹ, mà còn có thể gấp 4 lần Mỹ”.
Kỳ sau: Mao Trạch Đông: "Đại nhảy vọt" - Vượt Anh, đuổi kịp Mỹ