Diễn đàn

Quản lý văn hóa – nghệ thuật phải hướng đến mở đường sáng tạo

Liên tiếp các sự việc bi – hài khó hiểu khi ngăn cấm và cấp phép biểu diễn các tác phẩm âm nhạc, Cục nghệ thuật biểu diễn (Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã làm cho dư luận xã hội không chỉ phản ứng dữ dội mà còn đặt ra nghi vấn về chức năng và năng lực quản lý của cơ quan này.

Trước hết, hình như Cục nghệ thuật biểu diễn (NTBD) chưa/không xác định rõ mục tiêu quản lý văn hóa nghệ thuật. Quản lý là nhằm tập hợp, hướng dẫn, tạo nhiều điều kiện, thời cơ thuận lợi để các tài năng sáng tạo nghệ thuật của đất nước, của xã hội được phát huy, thăng hoa, đem lại những giá trị cao đẹp cho Nhân dân, Dân tộc và Nhân loại. Mục tiêu quản lý không phải là cấm đoán mà là mở cửa cho sáng tạo, cho giao lưu văn hóa – nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của xã hội. Quản lý văn hóa – nghệ thuật là nhằm lợi ích cho nhiều người, cho mọi người chứ không phải chỉ phục vụ cho ý chí chủ quan của một vài người. Việc cấm, cấp phép biểu diễn vừa rồi chứng tỏ cục NTBD chưa tôn trọng nhu cầu và lợi ích của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Điều này còn đồng nghĩa với hậu quả là sẽ hạn chế năng lực sáng tạo của cộng đồng.

Thứ hai,  qua vụ việc này, chứng tỏ cục NTBD chưa nắm rõ nội dung, nhiệm vụ quản lý của mình. Quản lý nghệ thuật là gợi ý, hướng dẫn, là mở đường chứ không phải là cấm hay không cấm. Tại sao không nghiên cứu để gợi ý, hướng dẫn thẩm mỹ cho cộng đồng trong sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật, không mở tung cánh cửa văn hóa – nghệ thuật ra thế giới, làm cho mọi người hướng tới cái hay mà chỉ nhắm tới cái mà tự mình “mặc định” cho là không hay, không đẹp. Phải chăng vì cấm thì dễ, không cần năng lực thẩm mỹ còn hướng mọi người  đến sáng tạo, đến năng lực  thẩm mỹ và tiếp nhận nghệ thuật thì phải thực sự có kiến thức văn hóa và tài năng nghệ thuật?

Thứ ba, qua vụ việc lần này, thiết nghĩ cục NTBD cần xác định rõ đối tượng quản lý của mình là ai, là những gì?  Những người sáng tạo nghệ thuật, công chúng nghệ  thuật hay là  tác phẩm nghệ thuật là đối tượng quản lý? Cần xác định rõ ràng và minh bạch điều này để tránh những quyết định mang tính chủ quan, phiến diện mà việc cấm 05 bài hát vừa rồi, trong đó có bài “Con đường xưa em đi” là một ví dụ.

Và thứ tư, phương pháp quản lý của cụ NTBD, thể hiện qua các vụ việc cụ thể, chắc chắn là chưa phù hợp, chưa hợp tình và hợp lý. Các quốc gia có cách quản lý đất nước nói chung, quản lý văn hóa – nghệ thuật  nói riêng để phù hợp với lịch sử - truyền thống và các điều kiện cụ thể của mình. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu sắc, mẫu số chung của nhân loại càng lớn, quản lý văn hóa – nghệ thuật của các quốc gia cũng ngày càng có nhiều hơn điểm chung về mục tiêu, nội dung quản lý, tiếp thu của nhau nhiều hơn kỹ năng và nghệ thuật quản lý. Đã đến lúc chúng ta không thể không tham khảo và chọn lọc để tiếp nhận một số kinh nghiệm quản lý ở các nước khác, nhất là các nước tiến tiến hoặc có nền tảng kinh tế, xã hội và văn hóa tương đồng.

Không chỉ có nghệ thuật biểu diễn mà hầu hết các lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật khác của chúng ta cũng đang gặp khó khăn, bất cập trong công tác quản lý. Vướng nhất  lớn nhất là xác định mục tiêu quản lý. Phải xác định rõ quản lý để xây hay để chống. Từ đó mới hóa giải được cái khó – vướng thứ hai là phương pháp quản lý. Cơ quan quản lý phải là người đồng hành, người hướng dẫn chứ không phải là người giám sát chỉ nhăm nhăm quy chụp, răn đe và xử phạt. Và tất cả các vướng mắc, bất cập, khó khăn chỉ có thể khắc phục được khi cơ quan quản lý văn hóa nghệ thuật phải có đội ngũ nhân viên có năng lực, trách nhiệm; mỗi cá nhân và cả bộ máy có tính chuyên nghiệp cao.

Quản lý văn hóa – nghệ thuật là một việc không hề dễ vì nó đòi hỏi cao như một nghệ thuật thượng thặng. Đó là nghệ thuật quản lý!

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512453

Hôm nay

2390

Hôm qua

2389

Tuần này

2390

Tháng này

219326

Tháng qua

121356

Tất cả

114512453