Nhìn ra thế giới

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI): Toàn cầu hóa "Made in China"

Dù tiếng Việt hay tiếng Anh, tất cả đều không chuyển tải được chất “lãng mạn” của BRI, dự án lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc, khi sáng kiến ấy được biểu đạt bằng tiếng Trung là “nhất đới nhất lộ” (OBOR). Trong nhiều thập niên, OBOR sẽ cần hàng trăm tỉ USD để xây dựng 6 hành lang kinh tế nối Trung Quốc với 65 quốc gia. Các nước tham gia BRI chiếm 62% dân số thế giới, với 30% GDP toàn cầu. Bắc Kinh cam kết bỏ ra 124 tỉ USD để thực hiện kế hoạch này. Đây là nội dung được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh tại cuộc Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong hai ngày tuần trước ở Bắc Kinh.

 “Một vành đai, một con đường” (OBOR) đượcChủ tịch Tập Cận Bình ví von bằng hình tượng đàn ngỗng trời đặc thù nhưng quen thuộc trong kinh tế học. Cả bầy thường bay sau con đầu đàn với dạng chữ V đặt ngang. Ai đó có thể tâm đắc với hình ảnh đầu đàn của Trung Quốc trong một dự án “hoành tráng”, giữa 65 quốc gia trên đại lục địa Á—Âu, chiếm tới 62% dân số toàn cầu và sản xuất ra 30% sản lượng của thế giới. Nhưng thuần về kinh tế thì “bầy chim ấy” rồi đây sẽ còn thay hình đổi dạng theo cách nhìn của Bắc Kinh.  Nhưng về mặt ngữ nghĩa thì tất cả chỉ là một. Thoạt kỳ thủy, tháng 10/ 2013, đích thân chủ tịch Tập đã công khai mô hình “One Belt, One Road” (OBOR). Vừa qua, tại Bắc Kinh, mô hình này được chuyển thành Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (viết tắt là BRI). Bảng điện tử của Hội nghị ghi Diễn đàn hợp tác quốc tế về “Vành đai và Con đường” (viết tắt khi thì BARF, nhưng do nghĩa tiếng Anh bất tiện nên sau đó chuyển thành BRF). Tóm lại, OBOR—BRI—BARF—BR…, tất cả phản ảnh cùng một nội hàm, đó là dự án xuyên thế kỷ khủng nhất từ trước tới nay của Trung Quốc.

Một dự án địa—chính trị

Trong hai ngày 14—15/5/2017, Hội nghị thượng đỉnh “Một vành đai, một con đường”  (One Belt, One Road / OBOR) đã diễn ra dưới danh xưng Diễn đàn BRF. Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) mở ra đối với bất cứ quốc gia và tổ chức quốc tế nào, chứ không hạn chế chỉ trong khu vực “Con đường tơ lụa” cổ xưa. BRI là một tổ hợp thống nhất trong một khối gồm hai thành phần: “Con đường tơ lụa mới trên bộ” (NSR) “Con đường tơ lụa trên biển” (MSR). Đây là hai thành phần không thể tách rời của đại dự án, gồm nhiều hành lang và nhiều con đường. Do bối cảnh cạnh tranh Trung—Mỹ, Trung—Nhật, cũng như tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) có thể gia tăng, ngày càng xuất hiện nhu cầu cần thiết phải bảo đảm an ninh giao thông của vận tải đường biển, những hải trình xuyên quốc gia để chuyển các nguồn tài nguyên đến Trung Quốc và mang các sản phẩm của Trung Quốc ra thế giới. Vì vậy, dự án “Con đường tơ lụa mới trên bộ” (NSR) “Con đường tơ lụa trên biển” (MSR) nhằm đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế—thương mại giữa Bắc Kinh với các nước nằm dọc hành lang vận tải từ Biển Đông đến Trung Đông.

Quy mô dự án được thể hiện bằng các chỉ số giá trị của những thị trường mà các tuyến đường của NSR và MSR chạy qua. Lưu thông hàng hóa giữa Trung Quốc với ASEAN đạt 443 tỷ USD, với Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) ở mức 150 tỷ USD, với Liên minh châu Âu là 559 tỷ USD, với Trung Đông là 257 tỷ USD và với châu Phi là 192 tỷ USD. Nếu các dự án này thành công, Trung Quốc sẽ giải quyết được hàng loạt nhiệm vụ quan trọng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự và văn hóa. Việc thực hiện chiến lược OBOR, theo nhận định công khai của lãnh đạo Bắc Kinh, sẽ giảm bớt những bất đồng đang nổi lên giữa Trung Quốc với các nước láng giềng liên quan đến những căng thẳng trong tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải. Ảnh hưởng của dự án khủng này cũng không kém phần quan trọng đối với tình hình nội trị ở Trung Quốc. Quan trọng nhất, dự án có thể giải quyết vấn đề tụt hậu của các khu vực phía Tây Trung Quốc. Dự án hy vọng sẽ tạo ra nhiều việc làm mới cho các tập đoàn nhà nước Trung Quốc.

Cho đến nay, phía Trung Quốc chỉ nhấn mạnh đến phương diện kinh tế của dự án. Tuy nhiên, trong con mắt quốc tế, thì những băn khoăn và nghi ngại về OBOR hay BRI vẫn còn đó. Tường thuật về phiên khai mạc Diễn đàn hợp tác quốc tế "Một vành đai, một con đường"  (BRI) tại Bắc Kinh hôm 14/5, tờ “Bưu điện Hoa Nam” (South China Morning Post) bình luận: “Các khoản tiền đã được cam kết, những lời hứa đã được đưa ra, lãnh đạo các nước cũng đã bắt tay nhau, nhưng sự hoài nghi về ‘Một vành đai, một con đường’ (OBOR) vẫn còn rất lớn”. Trong bài diền văn hôm khai mạc, Chủ tịch Tập Cận Bình không chỉ nhắc lại cam kết bảo vệ toàn cầu hóa và tự do thương mại, mà còn tuyên bố Trung Quốc sẽ bơm hơn 100 tỉ USD vào quỹ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các nước dọc theo OBOR. Chủ tịch Tập Cận Bình đã dành phần lớn thời lượng của bài diễn văn khai mạc để cố gắng xoa dịu những lo ngại xung quanh sự trỗi dậy về kinh tế lẫn cứng rắn về quân sự của Trung Quốc.

Một bí mật công khai, ngoài những lợi ích kinh tế từ BRI, Bắc Kinh dự định sử dụng dự án trên như là một bàn đạp trên bình diện địa—chính trị cho phép Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng và gây được nhiều áp lực hơn trong việc điều hành thế giới. Tờ “Les Echos” trích phân tích của ông Christian Deseglise, giáo sư đại học Columbia và chuyên gia về thị trường mới trỗi dậy thuộc ngân hàng HSBC: “Kể từ nay, Trung Quốc muốn có một vai trò lãnh đạo chính trên trường quốc tế”. Từ sâu xa, dự án OBOR là phản ứng của Trung Quốc đối với hiện tượng toàn cầu hóa và việc từ bỏ hệ thống Bretton Woods, mà ở đó các nước mới trỗi dậy cảm thấy chưa được đại diện một cách thỏa đáng. Hệ thống Bretton Woods này được ký kết vào năm 1944, tại một hội nghị diễn ra tại Bretton Woods, New Hampshire (Mỹ), quy tụ hơn 730 đại biểu đến từ 44 lãnh đạo quốc gia. Hệ thống này thống nhất mức tỷ giá cố định cho các đồng tiền chính và cho phép ngân hàng trung ương được can thiệp vào thị trường tiền tệ. Chế độ Bretton Woods quy định một ounce vàng có giá 35 USD. Hệ thống Bretton Woods kéo dài từ năm 1944 đến năm 1971 thì sụp đổ.

Việt Nam ở đâu trong BRI?

Truyền thông chính thống của Việt Nam đã sớm bình luận công khai về dự án OBOR của Trung Quốc, cho rằng sáng kiến này vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng[1]. Phát biểu của lãnh đạo Trung Quốc có những điểm không phù hợp với thực tế. Đó là lý do chính tại sao dư luận vẫn băn khoăn, nghi ngờ ý đồ thực sự của Bắc Kinh. Giới phân tích nêu ra một vài thí dụ về những băn khoăn, nghi ngờ của các nước láng giềng với sáng kiến này. Về cam kết bảo vệ toàn cầu hóa và tự do thương mại của Chủ tịch Tập Cận Bình, các doanh nghiệp và chính phủ Hàn Quốc có lẽ là đối tượng băn khoăn nhiều nhất. Vì nếu thực sự tự do thương mại được Trung Quốc tôn trọng và bảo vệ như Chủ tịch Tập tuyên bố, thì Tập đoàn Lotte đã không bị tẩy chay và thiệt hại như thời gian qua, do vấn đề chính trị giữa hai nước, xoay quanh việc Hàn Quốc đồng ý lắp hệ thống THAAD. Xem vậy để hiểu tại sao đã có 6 nước châu Âu gồm Đức, Pháp, Anh, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Estonia từ chối ký kết vào Thông cáo chung khi Hội nghị bàn tròn của BRF kết thúc. Sự phản ứng này được cho là vì Thông cáo chung không cam kết về tự do thương mại và cạnh tranh công bằng.

Về tuyên bố Trung Quốc không theo đuổi chính sách ngoại giao pháo hạm, thay vào đó chỉ thúc đẩy hợp tác cùng thắng, vậy xin hỏi, 7 pháo đài quân sự khổng lồ mọc lên ở Biển Đông đang gây lo ngại cho các nước, Bắc Kinh sẽ giải thích ra sao? Trung Quốc nhiều tiền, nhiều vốn, đúng! Trung Quốc giải ngân rất nhanh và không đòi kèm bất cứ điều kiện nào về nhân quyền, dân chủ như các định chế tài chính phương Tây, hoàn toàn có thể như vậy! Nhưng không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 28/4 đã phải thốt lên rằng: “Hy vọng Trung Quốc đến Indonesia trong vai trò nhà đầu tư, chứ không phải mang theo đội quân lao động tay chân vào nước này theo các dự án, để lao động phổ thông các địa phương có dự án không có việc làm”. Xem vậy để thấy nguồn vốn của Trung Quốc từ các định chế tài chính phục vụ dự án OBOR hoàn toàn không phải vô tư trong sáng.

Thông cáo chung Việt—Trungcông bố thành 15 mục nhân chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ 11 đến 15/5/2017 đã ghi nhận việc Chủ tịch nước dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” (BRF) như một nội dung quan trọng thứ ba trong mục 6 của văn kiện ngoại giao này. Nội dung này chỉ rõ, Việt Nam và Trung Quốc nhất trí sẽ “khẩn trương bàn bạc, ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác kết nối giữa khuôn khổ ‘Hai hành lang, một vành đai’ và sáng kiến ‘Vành đai và Con đường’ phù hợp với lợi ích, khả năng, điều kiện của mỗi nước; phát huy vai trò của Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng trên bộ trong việc tăng cường kết nối giữa hai nước…”. Được biết, khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” là ý tưởng cùng xây dựng chung một vùng phát triển kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc[2]. Ý tưởng này từ năm 2004 đã được Thủ tướng đương nhiệm Việt Nam thời bấy giờ là ông Phan Văn Khải đề xuất với phía Trung Quốc. “Hai hành lang” ở đây là Quảng Tây—Quảng Ninh—Hải Phòng và Vân Nam—Lào Cai—Hà Nội—Hải Phòng. Còn “một vành đai” gồm một số tỉnh biên giới miền Nam Trung Quốc và một số tỉnh miền Bắc Việt Nam, kéo dài tận Quảng Bình.

Nhưng chưa rõ lý do vì sao mà sau đấy hai năm, vào năm 2006, lúc đầu là tỉnh Quảng Tây nhưng về sau được sự đồng tình, ủng hộ của chính phủ trung ương từ Bắc Kinh, lại đề ra chiến lược “Một trục hai cánh” với quy mô rộng lớn hơn về số quốc gia, lãnh thổ, dân số. Tất cả đều vượt xa ý tưởng ban đầu “Hai hành lang, một vành đai” của Việt Nam. Chiến lược “Một trục hai cánh” nằm trong chính sách hướng Nam của Trung Quốc[3]. “Một trục” là hành lang kinh tế từ Nam Ninh thuộc Quảng Tây, nối đến Singapore. Hiện Trung Quốc đang xây dựng cơ sở hạ tầng và đường cao tốc cùng tuyến đường sắt cao tốc. Còn “Hai cánh” thì gồm cánh trái và cánh phải. “Cánh trái” là hợp tác tiểu vùng sông Mekong mở rộng, với cơ sở hạ tầng tập trung vào nông nghiệp, thương mại, đầu tư, với các nước tham gia gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Myamar, Thái Lan cùng tỉnh Quảng Tây, Vân Nam của Trung Quốc. “Cánh phải” là hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng, với các nước tham gia là Lào, Campuchia, Thái Lan và hầu hết các thành viên ASEAN khác, cùng các tỉnh Trung Quốc: Quảng Tây, Vân Nam, Hải Nam, Quảng Đông và Hong Kong. Xem vậy để thấy Việt Nam đang trong giai đoạn bàn bạc để có thể kết nối dự án “Hai hành lang, một vành đai” của mình với sáng kiến OBOR của Trung Quốc./.

 


[2] Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Hai hành lang một vành đai kinh tế Việt Nam – Trung Quốc trong bối cảnh mới” do Viện Nghiên cứu Trung Quốc (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức, xem tại: http://www.vass.gov.vn/noidung/anpham/Lists/SachHangNam/View_Detail.aspx?ItemID=736

[3] “Chiến lược ‘một trục hai cánh’ trong chính sách hướng nam của Trung Quốc và gợi ý một số chính sách đối với Việt Nam” – Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ của Đại học Ngoại thương, tháng 10/2010 và seminar của CISS, xem tại: http://lib.ieit.edu.vn/product/view/5/91.htmlhttp://www.vces.org.vn/wp-content/uploads/2016/08/Tai-lieu-Seminar-VCES-09.pdf

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441492

Hôm nay

2209

Hôm qua

2283

Tuần này

21396

Tháng này

216666

Tháng qua

112676

Tất cả

114441492