Trong lời tựa tác phẩm Bệnh đế quốc trỗi dậy của Hoàng Chung ghi: “Một trong những lý tưởng của tôi là nghiên cứu con người dưới chính thể như thế nào thì không trở nên nhỏ bé trước quyền lực… Cuốn sách này là một tiểu kết tư tưởng trong quá trình tôi theo đuổi ước mơ, tuy viết toàn chuyện ở nước khác, nhưng tôi tin đạo lý không ở xa.”
Đoạn văn trên nhấn mạnh chủ đề chính trong Bệnh đế quốc trỗi dậy. Tùy bút học thuật lịch sử chính trị thế giới này bàn về vận mệnh hưng vong của các đế quốc qua thăng trầm lịch sử thế giới vài trăm năm qua, phạm vi đề cập rộng rãi đến các vấn đề như xây dựng chế độ, văn hóa phong tục tập quán dân tộc, truyền thống lịch sử, thông qua hai loại hình án lệ lịch sử tích cực và tiêu cực để nói lên đạo lý giản dị: nơi nào xem con người như như con người cần thiện đãi chân thành chứ không phải như công cụ của nhà nước mới là nơi đáng để an cư lạc nghiệp, là nơi khiến người ta thực sự muốn gắn bó.
Đây chính là văn minh, là kỹ thuật sống. Nhiều chứng cứ lịch sử của nhân loại chứng minh, văn minh, đặc biệt là văn minh chính trị, bất kể đối nội hay đối ngoại, chí ít vào thời tiền hiện đại là tương đối hạn chế. Tương ứng, ảo giác đế quốc trỗi dậy là ma túy chính trị ám ảnh bất tận trong lịch sử nhân loại, có vô số bằng chứng lịch sử về tình trạng độc hại vô tận của nó. Nó nảy nở điên cuồng trong dục vọng quyền lực của tính người, kết thành các loại khối u ác tính chính trị quái dị. Tình trạng sưu thuế ngất ngưởng lộng hành tại bản quốc, phá hoại nhân quyền và gây chiến tranh cướp bóc tàn sát quốc gia khác là hệ quả của việc hít phải loại ma túy chính trị này.
Bệnh đế quốc trỗi dậykhảo sát hưng vong của quốc gia thông qua ba phương diện: Quan hệ giữa đạo đức công dân và thịnh suy của chính thể, Quan hệ giữa chính thể và thịnh suy của quốc gia, Cuộc sống con người trong các chính thể khác nhau.
Đạo đức công dân và chế độ chính trị
Nước cộng hòa là thể chế yêu cầu cao về đạo đức công dân, còn đế quốc thường là loại chính thể bóp nghẹt đạo đức công dân, còn việc có Quốc vương (vua) hay không, không là tiêu chuẩn thẩm định là nước cộng hòa hay không: nước Anh là nước cộng hòa mang vỏ bọc chế độ quân chủ; còn Cromwell, Hitler, Tojo [2] không xưng là Hoàng đế.
Phẩm đức chính trị của những nhân vật chính trị là họ ứng xử như thế nào với quyền lực, hiểu chức trách của bản thân như thế nào, còn việc họ được gọi là Quốc vương hay Tổng thống, tuy không phải hoàn toàn không quan trọng, nhưng chí ít không quan trọng đến mức là điểm quyết định của chính thể: Cromwell dù không phải Quốc vương nhưng quyền lực và uy danh của ông ta vượt xa bất cứ Quốc vương nào. Bệnh đế quốc trỗi dậy mở đầu với phần “Một cá nhân và một nước cộng hòa”, dẫn người đọc vào câu chuyện đạo đức công dân của nhà chính trị nước cộng hòa, ở mức độ nhất định cũng là tư tưởng chính của tác phẩm. Quân Lục địa do Washington lãnh đạo thiếu thốn nguồn lương thực, đã giành được thắng lợi sau tám năm chiến tranh khốc liệt, trong thời gian này không những ông từ chối nhận lương mà còn dâng hiến cả tài sản bản thân, sau thắng lợi ông lập tức trao trả binh quyền, thậm chí còn lên án gay gắt viên sĩ quan viết thư khuyên ông lên làm Quốc vương. Sau khi trở về Mount Vernon nghỉ ngơi một thời gian, ông đã tổ chức kiện toàn nước cộng hòa liên bang. Nhưng sau khi đã nhậm chức Tổng thống liên bang ông lại quyết định từ bỏ kiếp sống quyền lực, trở thành tấm gương không tham quyền lực cho những người cầm quyền về sau của nước Mỹ, một Lucius Quinctius Cincinnatus hiện đại [3], sau khi thành công thì rút lui.
Đây chính là mỹ đức công dân hiện đại của nhân vật chính trị. Hoàng Chung viết: “Chế độ cố nhiên là quan trọng, nhưng phẩm đức của nhà chính trị cũng tuyệt đối không thể xem nhẹ. Nước cộng hòa không xa rời mỹ đức. Không có thực tiễn hướng về mỹ đức chính trị thì không có nước cộng hòa. Một dân tộc tâm hồn bại hoại không tôn thờ mỹ đức, không thể tạo dựng được nước cộng hòa.” Từ nghị viện Anh quốc kiểm soát túi tiền Quốc vương cho đến nhân dân Bắc Mỹ chống nộp thuế, từ nước Mỹ kiểm soát quân quyền cho đến giúp đỡ các nước khác, có thể thấy vai trò của con người là quan trọng nhường nào trong quá trình tạo dựng chế độ: Cho dù sau khi chế độ ổn định, sức mạnh chế độ được gia cố, nhưng mỹ đức của con người mới là nền móng của chế độ, kẻ thiếu mỹ đức chính trị mà trở thành kẻ xác lập chế độ thường sẽ gây ra thảm họa khủng khiếp.
Trong sách, Cromwell là dẫn chứng phản diện nhiều lần được dẫn ra nhằm chứng minh: Dù một quốc gia có truyền thống pháp trị và Nghị viện lâu đời như nước Anh, kẻ độc tài như Cromwell vẫn có thể trở thành kẻ thống trị tàn bạo như thường. Phần “Tạo ra thế giới như thế nào” đã tiếp tục với chủ đề này thông qua hai nước bại trận Đức và Nhật giải quyết ân oán và ứng xử trong quan hệ với nước Mỹ thắng trận, vẫn là vai trò của con người trong nhào nặn chế độ, khi một quốc gia có thể chế quá yếu kém và những công dân kém chất lượng thì thế lực mới khỏe mạnh ở bên ngoài có tác dụng hỗ trợ quan trọng. Khó tưởng tượng, nếu không có nước Mỹ “không cần bồi thường cũng không cần đất đai” giúp đỡ, Nhật Bản và Đức phải mất bao nhiêu công sức mới có thể gây dựng lại từ trong đống đổ nát.
Để làm nổi bật, Hoàng Chung dành nhiều trang kể lại một câu chuyện hoàn toàn khác với Washington của Mỹ. Đó là những Hitler, Goebbels, Himmler của Đệ tam Đế quốc ý chí Đức; là Yamagata Aritomo của Nhật Bản [4]… Qua sử liệu chi tiết, tác phẩm nhẹ nhàng chỉ ra quá trình tiến về phía địa ngục của nó. Những tội phạm chính trị này đã đưa nhân loại vào thảm họa khủng khiếp, vì tham quyền độc tài và lý tưởng đế quốc sai lầm đã dùng quyền lực và dối trá để thỏa mãn chứng tâm thần của họ, tạo ra ác mộng cho người khác.
Khi Hoàng Chung thuật lại những câu chuyện, cũng đồng thời giới thiệu chi tiết về môi trường mà những tội phạm chính trị này được ủng hộ. Ví dụ phần “Thế giới tạo ra như thế nào” kể lại cơn điên cuồng của nước Đức trong việc Hitler thôn tính Áo và vùng Sudetenland; trong mục “Quân đội của Hitler” nhận định, “Trong quá trình Hitler phá hoại chính thể cộng hòa, dựng nên nền chính trị độc tài, quân quốc phòng hoàn toàn bàng quan. Một ví dụ khác về chứng bệnh đế quốc nổi lên là sự xuất hiện của đế quốc Nhật Bản: giai đoạn đầu thế chiến thứ Hai cả nước Nhật Bản chìm trong niềm tự tin, ngông cuồng không căn cứ, như xem trứng gà là tảng đá.”
Chính thể và thịnh suy của quốc gia
Một quốc gia có hùng mạnh hay không, không quan hệ tất yếu với cách bố trí quyền lực, cả quốc gia cộng hòa dân chủ và đế quốc chuyên chế đều có thể trở thành quốc gia hùng mạnh uy hiếp quốc gia xung quanh, cũng có thể trở nên nhỏ yếu vô hại. Trong hai phần “Hiến pháp sư tử” và “Bệnh đế quốc trỗi dậy”, Hoàng Chung thông qua hai án lệ là nước Mỹ gây chiến tranh với bên ngoài có kiểm soát và Nhật Bản đi về hướng tự hủy để chứng minh, không có căn cứ chắc chắn nước cộng hòa sẽ không có hành vi đế quốc, ví như cuộc chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ trước đây, nhưng Hoàng Chung nhấn mạnh hai dạng chế độ chính thể khác nhau, xét về khả năng phát sinh hành vi đế quốc, là có sức nặng hơn nhiều so với khác biệt ở phương diện khác.
Khác biệt quan trọng nhất là khác biệt về thể chế dân chủ và chuyên chế, chế độ dân chủ dựa trên khả năng sửa chữa sai lầm, bố trí hợp lý, sẽ kịp thời ngăn chặn hành vi đế quốc sai lầm, có thể giảm trừ tình trạng cuồng nhiệt ngu dại, còn chế độ chuyên chế dựa vào hành vi bốc đồng của kẻ chuyên chế, vì đế quốc Nhật Bản không có quyết sách ngăn chặn loại bốc đồng này nên đi vào con đường hại người hại mình.
Thông qua thái độ và mức tự do ngôn luận của người dân đối với chiến tranh qua gây chiến tranh của Mỹ và của Đức, Nhật Bản, Hoàng Chung khu biệt sự khác biệt giữa hai loại chính thể, qua đó cho thấy bức tranh toàn cảnh giữa thể chế cộng hòa với quyền lực được kiểm soát và đế quốc với quyền lực không được kiểm soát, hệ quả thể hiện khác biệt rất rõ qua chiến tranh. Nước cộng hòa nếu có xảy ra sai lầm, vì quyền lực bị kiểm soát nên dễ dàng kịp thời có quyết sách giảm trừ thiệt hại, còn đế quốc vì tùy tiện thao túng quyền lực mà đi vào con đường tự hủy hoại.
Thực tế, đế quốc A-ten của Hy Lạp cổ đại cũng từng vì rơi vào chế độ dân chủ giả hiệu của chủ nghĩa dân túy mà đi vào con đường hủy hoại trong cuộc viễn chinh về Sicilia. Nước Mỹ là một nước cộng hòa, nguyên nhân quan trọng giúp sức mạnh của nó được duy trì là vì nhân quyền được bảo đảm bền vững. Nhưng sức mạnh Mỹ hiện nay được duy trì cũng không thể đảm bảo sẽ tiếp tục duy trì trong tương lai.
Qua thịnh suy của những đế quốc, tác giả đã chỉ ra những chính thể khác nhau ứng xử với quyền lực như thế nào. Tất cả những đế quốc gây thảm họa cho nước mình và nước khác đều có chung căn bệnh chính trị là quyền lực chính trị không được phân chia và kiểm soát. Hitler lợi dụng kẽ hở của Hiến pháp Weimar, lợi dụng tâm lý thù hận dân tộc do Hiệp ước bất bình đẳng Versailles gây ra để cưỡng chiếm quyền lực độc tài, dựng ra phát xít Đức; sai lầm của Hiến pháp Minh Trị (Meiji) Nhật Bản khiến quân đội nắm được cơ hội thiết lập cai trị bạo lực ngoài vòng pháp luật, kéo cả nửa thế giới vào biển lửa.
Trường hợp ngược lại, khởi đầu với Washington, nước Mỹ đã xác lập được phân chia quyền lực, tạo dựng được hệ thống quyền lực chế ước lẫn nhau giữa quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, không có bất cứ quyền lực nào có khả năng trở thành độc tài.
Có thể thấy, chế độ khác nhau do quyền lực an bài khiến quốc gia đi theo những con đường khác nhau, hướng về nhân gian hay về địa ngục, mấu chốt không phải ở hùng mạnh hay không mà ở thiết kế phân chia và chế ước quyền lực có đủ ưu việt hay không, và đa số nhân dân có mỹ đức công dân hay không: phương thức bố trí quyền lực khác nhau có vai trò trong bảo vệ dẫn đến nâng cao hay áp chế dẫn đến tàn phá mỹ đức công dân.
Cuộc sống con người trong chính thể khác nhau
Chủ đề chính nghiên cứu bệnh đế quốc trỗi dậy không phải chuyện đế quốc có suy thoái hay không: nước cộng hòa rồi cũng suy thoái, nước cộng hòa chưa hẳn lúc nào cũng chính nghĩa, nhưng vấn đề là con người sống trong đó được sống như thế nào. Bệnh đế quốc trỗi dậy mà Hoàng Chung bàn đến không phải việc người bệnh sẽ chết, vấn đề là khi sống được sống như thế nào, đây cũng là hệ quả logic mà Hoàng Chung suy tư “làm sao cho con người không trở nên không nhỏ bé trước quyền lực”.
Trong cái nhìn của tác giả, đế quốc trỗi dậy là một chứng bệnh, vì nó rời xa nền tảng và lý do tồn tại của quốc gia, vì lý do duy nhất để chính quyền tồn tại là đảm bảo nhân quyền của nhân dân sống trong nó. Qua quá trình nổi lên và suy thoái của những đế quốc lẫy lừng nhất như Đức, Nhật và Liên Xô cho thấy, những kẻ cầm quyền đã phá hoại chế độ và cướp quyền lực trái luật để trở thành kẻ độc tài quyền lực như thế nào, bản thân sự tồn tại của chế độ đang khiếm khuyết như thế nào khiến bọn tội phạm chính trị giành được cơ hội, khiến con đường nguy hiểm của quyền lực trái phép tùy tiện vận hành, dẫn đến tàn phá nhân quyền và cả đất nước của nó.
Quá trình hưng thịnh và suy thoái của những đế quốc Đức, Nhật Bản, Liên Xô vụt qua như làn khói, khởi đầu là nấm mồ chôn nhân quyền dân chúng trong nước: nhưng thứ nó chôn vùi không chỉ là nhân quyền trong nước, thứ nữa chính là tạo ra một đất nước hoang tàn. Như nước cộng hòa lớn mạnh (chưa hẳn cứ nước cộng hòa là lớn mạnh), trước tiên là vì nhân quyền được bảo vệ hiệu quả, quốc gia thực hiện được mục tiêu ban đầu và sau cùng của nó: giữ tôn nghiêm cho con người, như điều đầu tiên của Hiến pháp nước Đức hiện nay chỉ ra. Đối với nước cộng hòa, theo đuổi sức mạnh không nên là mục tiêu, nước Thụy Sĩ chưa bao giờ hùng mạnh. Hùng mạnh, đặc biệt là hùng mạnh tạm thời không chỉ quyết định ở chế độ mà phụ thuộc nhiều yếu tố, ví dụ như lãnh thổ, dân số, tài nguyên đều là bộ phận hợp thành quan trọng. Mục “Hai lần tách ra của nước Anh”, qua kể lại cuộc chiến giữa thực dân Anh và thuộc địa Bắc Mỹ, tới phong trào độc lập của Ấn Độ, Hoàng Chung chứng minh “hòa bình do nước khác áp đặt là loại hòa bình của vỏ bọc.” Anh quốc tuy trao cho Ấn Độ hòa bình nhưng không cho họ tôn nghiêm, tuy mang đến văn minh nhưng lại là dùng thủ đoạn dã man để thực hiện, nó khác với nước Mỹ giúp đỡ Đức và Nhật sau chiến tranh. Phần “Thế giới được tạo ra như thế nào” chứng minh chính thể cộng hòa đích thực mang lại hòa bình và thịnh vượng như thế nào. Đức Quốc xã đã từng quét qua châu Âu, mở rộng lãnh thổ nhanh chóng, nhân dân của nó từng có dạo cảm thấy sung sướng vì tổ quốc lớn mạnh. Nhưng ngày vui chẳng tầy gang, do cơn điên cuồng phát động đại chiến thế giới khiến nước Đức chìm vào cảnh địa ngục đáng sợ nhất. Sau chiến tranh, nhờ giúp đỡ của Mỹ, nhận ra bài học từ thất bại của Hiến pháp Weimar, Liên bang Đức đã xây dựng bản Hiến pháp mới, vứt bỏ thù hận và chiến lược đế quốc, chỉ trong vài chục năm ngắn ngủi đã hồi phục lại nhanh chóng. Lần đứng dậy này hoàn toàn khác với thời đại Quốc xã, nước Đức không những trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu châu Âu mà còn thực hiện thống nhất đất nước trong hòa bình, làm mới lại đất nước, trở thành quốc gia bình thường. Ở Đức hiện nay, nhân dân không còn mộng vinh quang đế quốc hư vinh, còn nhân quyền luôn được quan tâm hàng đầu, người Đức không còn phải lo lắng bị mật vụ (Gestapo) bắt bớ như thời đại đảng Quốc xã, không còn lo lắng bị ép phải yêu nước.
Nhật Bản nhờ tướng MacArthur [5] hỗ trợ đã đi vào con đường chính trị dân chủ thực sự, giúp nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng cao tốc, nhân dân được hưởng cuộc sống sung túc trong an toàn và bình yên, đi vào con đường giao lưu quốc tế hữu hảo thân thiện.
Hạnh phúc nhân dân không liên quan quốc gia hùng mạnh hay không
Thông qua vô số dẫn chứng lịch sử từ ba phương diện kể trên, từ hai mặt chính diện và phản diện, Bệnh đế quốc trỗi dậy cảnh tỉnh, cuộc sống cá nhân có hạnh phúc hay không không có mối quan hệ tất yếu với quốc gia hùng mạnh hay không, thậm chí có khi còn ngược lại. Phát xít Đức, Liên Xô, Nhật Bản thời đế quốc, người dân trong nước không chỉ không được thụ hưởng cuộc sống yên bình mà đất nước họ cũng bị oán hận trên quốc tế. Huy hoàng hư ảo lừng lẫy một thời tan nhanh như làn khói. Qua bệnh ngoan cố hít heroin chính trị đế quốc trỗi dậy cho thấy, phía sau nó là máu đổ vô cùng tận và đầu nâu chất thành núi, vì thế phải luôn cảnh tỉnh loài người hiểu thế nào là cuộc sống bình thường. “Tôi nguyện ở nước Anh đánh giày cũng không muốn trở thành nhân vật quyền thế của quốc gia quan trọng nào khác, vì tôi hiểu rằng ở Anh tôi mới được đối xử khoan hòa và công chính.” [6] Câu này của ông chủ tiệm tạp hóa Alfred Roberts, cha của phu nhân Margaret Thatcher [7]. Trong sách, Hoàng Chung đã hai lần dẫn ra, lần thứ hai thậm chí là câu cuối cùng của sách.
Không ngại suy luận, Hoàng Chung nghiên cứu đế quốc trỗi dậy và tìm kiếm bệnh lý của nó không chỉ vì bản thân tác giả, cũng vì tất cả những ai tìm kiếm khả năng “để con người không trở thành bé nhỏ trước quyền lực”.
-------
Người dịch chú thích:
[1] Xem https://www.amazon.cn/图书/dp/B01J6YRB2U; sách do Trung Quốc văn sử xuất bản xã, xuất bản ngày 1/8/2016, 302 trang.
[2] Oliver Cromwell (1599 - 1658): Nhà lãnh đạo chính trị và quân sự người Anh; Tojo Hideki (1884 - 1948): Đại tướng Lục quân và Thủ tướng thứ 40 của Nhật Bản; Hitler (1889 - 1945): Thiết lập chế độ độc tài nắm quyền Đế quốc Đức kể từ năm 1934.
[3] Lucius Quintus Cincinnatus (520 - 430 Trước CN) được cho là đã từ bỏ làm ruộng vườn để tham gia chính trị cứu giúp nền cộng hòa La-Mã, sau đó lại trở về làm ruộng.
[4] Paul Joseph Goebbels (1897 –1945): Nhà chính trị Đức Quốc xã, một trong những trợ lý gần gũi nhất của Adolf Hitler; Yamagata Aritomo (1838 - 1922) là nguyên soái Lục quân Đế quốc Nhật Bản.
[5] Douglas MacArthur (1880 - 1964): Danh tướng của Mỹ, được bổ nhiệm chỉ huy cuộc xâm chiếm Nhật Bản.
[6] Margaret Hilda Thatcher (1925 - 2013): Lãnh đạo đảng Bảo thủ Anh từ năm 1975 đến 1990, Thủ tướng Anh trong suốt thập niên 1980.
Nguyên tác政治海洛因:帝国崛起的幻觉?của Tiêu Hạn (Xiao Han, 萧瀚)
Đoàn Đức Thanhdịch
http://www.hrichina.org/chs/zhong-guo-ren-quan-shuang-zhou-kan/xiao-han-zheng-zhi-hai-luo-yin-di-guo-jue-qi-de-huan-jue