Nhìn ra thế giới

Donald Trump: Tổng thống bị “án treo”

Truyền thông tuần qua đã có nhiều phân tích về tình trạng bên bờ vực của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tình hình đặc biệt trở nên nghiêm trọng kể từ khi cựu Giám đốc FBI James Comey ra điều trần trước Quốc Hội. Giờ đây, vấn đề là Trump không chỉ dính vào một, mà nhiều bê bối cùng một lúc, thêm vào đó, dị nhân này thường không bỏ lỡ dịp để khiến tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn đối với chính ông.

Như vậy làchỉ sau năm tháng kể từ khi Tổng thống Trump tuyên thệ nhậm chức, dư luận ở Mỹ và thế giới hiện đang đặt câu hỏi: Liệu ông Trump sẽ còn trụ được đến bao lâu? Vị Tổng thống này không những chìm ngập trong bê bối, mà tốc độ chìm xuồng của ông đang diễn ra ngày càng mau lẹ. Điều chắc chắn là công tố viên đặc biệt Robert Mueller đang trực tiếp hướng mũi điều tra vào Donald Trump. Những bằng chứng mà cựu giám đốc FBI James Comey thu thập được có thể dẫn đến việc truy tố tổng thống, trước hết với cáo buộc đã “cản trở tư pháp” là tội danh đủ để quy kết. Tổng thống Donald Trump thừa nhận đang bị điều tra liên quan cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Ông viết trên Twitter: "Tôi đang bị điều tra vì sa thải giám đốc FBI, bởi một người bảo tôi hãy sa thải vị giám đốc ấy." Đó chính là Thứ trưởng tư pháp Rod Rosenstein. Ông Thứ trưởng này từng gửi cho Nhà Trắng một tờ trình được sử dụng để giải thích việc sa thải James Comey. Ông Rosenstein hiện là người dẫn dắt cuộc điều tra liệu Nga có can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

“Comeygate” nguy hơn “Watergate”

Sự so sánh của ông cựu Giám đốc cơ quan tình báo James Clapper về vụ điều tra Trump—Nga so với vụ Watergate đang khiến cho dư luận ngạc nhiên. Tổng thống Richard Nixon đã từ chức giữa cuộc bê bối chính trị vô tiền khoáng hậu tại Hoa Kỳ, liên quan tới việc do thám, đánh cắp và che đậy thông tin. Phát biểu của Clapper tại Úc về việc phải tìm hiểu cho tới tận gốc rễ các cáo buộc đối với Trump là điều "thực sự cấp bách" cho Hoa Kỳ và cho thế giới. Vụ bê bối Watergate hồi thập niên 1970 không lớn bằng vụ điều tra Trump—Nga hiện nay, theo cựu Giám đốc cơ quan tình báo Hoa Kỳ. "Watergate trở nên mờ nhạt" trước những gì nước Mỹ đang phải đối diện hiện nay, ông James Clapper nói. Cơ quan tình báo Hoa Kỳ tin rằng Nga đã can thiệp vào kỳ bầu cử Mỹ và đang tiến hành điều tra về các mối liên hệ bị cho là đã từng tồn tại giữa chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump và Moscow.

Về viễn cảnh tương lai của một tổng thốngđang chịu “án treo”, dư luận Mỹ so sánh thái độ của cánh tả Dân Chủ với cánh hữu Cộng Hòa. Về phía cánh hữu, sự ủng hộ tổng thống ngày càng co lại, trước viễn cảnh đen tối của một cú sụp đổ đang từ từ diễn ra. Càng gần đến thời điểm bầu Quốc Hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2018, phe Cộng Hòa càng lo đại bại, khi không một cải cách đáng kể nào được thực hiện. Phía phe Dân Chủ, thì một mặt chờ kết quả điều tra tiến triển, có bằng cớ vững chắc mới yêu cầu phế truất, mặt khác, khôn khéo để bất bình trong dân chúng gia tăng. Trong trường hợp này, nếu để phó tổng thống Mike Pence thay thế ông Trump sớm chưa chắc đã là thuọng sách.Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi Donald Trump đã tiêu tốn toàn bộ năng lượng của chính phủ ông vào các bê bối, trong lúc cơ may tiến hành các cải cách quan trọng thì ngày càng teo lại. Barry Ritholtz, một trong những nhà báo Mỹ nhiều ảnh hưởng nhất, từng tin tưởng Trump có thể thực hiện được 96% chương trình cải cách, nay chỉ dự báo rằng nếu đạt được 25% đã là may mắn.

Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng nào được tiết lộ về sự thông đồng giữa ban vận động bầu cử của Trump với những người Nga, và Tổng thống Trump cũng đã bác bỏ rằng câu chuyện đó là “tin giả”. Những người đứng đầu các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã bị ủy ban tình báo của Quốc hội chất vấn về chuyện này vào tuần trước. Các thượng nghị sỹ nói họ đãgạn hỏi Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia (CIA) Dan Coats, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), Đô đốc Mike Rogers, Quyền Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Andrew McCabe và Thứ trưởng Nội vụ, Tướng Rod Rosenstein xem liệu có phải ông Trump đang tìm cách làm lạc hướng cuộc điều tra bằng cách sa thải cựu giám đốc FBI James Comey hay không. Lời tuyên thệ được đưa ra một ngày sau khi tờ Washington Post đưa tin ông Coats nói với các cộng sự rằng ông Trump đã tìm cách thuyết phục FBI ngưng cuộc điều tra về cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump là Michael Flynn, cùng các mối quan hệ của ông này với điện Kremlin.

Thủ tục phế truất / đàn hặc

Chính trường Mỹ ngày càng nổi sóng xung quanh nghi án Tổng thống Donald Trump tiết lộ thông tin mật cho Ngoại trưởng Nga Lavrov, cộng với việc ông chủ Nhà Trắng yêu cầu Giám đốc FBI James Comey (người sau đó đã bị sa thải) ngừng điều tra nghi vấn Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ. Đã xuất hiện những lời kêu gọi luận tội Tổng thống, từ không chỉ chính giới Mỹ. Một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy gần một nửa số cử tri Mỹ được hỏi cho biết họ muốn ông Trump phải bị luận tội. Nhưng luận tội một Tổng thống Mỹ có phải là một việc dễ dàng hay không? Và chính xác thì những ai đã từng bị luận tội trong lịch sử nước này?

Tại Mỹ, luận tội là thủ tục chính thức truy tố Tổng thống hay một viên chức dân sự của chính phủ vì những hành động phạm pháp thực hiện trong khi đang tại chức. Việc xét xử thực sự về những điều truy tố này và sau cùng là phế truất (tức là đàn hặc) quan chức bị kết tội ấy là một hành động khác, riêng biệt. Luận tội có thể coi là tương ứng với bước truy tố bị can tại các tòa án thông thường trong khi việc xét xử bởi một viện lập pháp thì tương ứng với việc xử án trước một thẩm phán và bồi thẩm đoàn tại các tòa án. Hiến pháp Mỹ tuyên bố, một tổng thống "sẽ phải rời nhiệm sở khi bị luận tội và bị kết tội phản quốc, nhận hối lộ hoặc phạm các tội ác hay hành động phi pháp mức độ nặng khác". Nhưng chính xác những gì bị quy là "tội ác và hành động phi pháp mức độ nặng" thì vẫn còn gây tranh cãi. Thủ tục luận tội được bắt đầu từ Hạ viện và chỉ cần một đa số tương đối (trên 50%) để thông qua. Sau đó, một phiên xét xử sẽ được Thượng viện tiến hành. Nhưng tại Thượng viện, cuộc bỏ phiếu kết tội phải giành được đa số tuyệt đối (trên 2/3) để có thể bãi nhiệm Tổng thống, điều này chưa từng xảy ra trong lịch sử nước Mỹ.

Hiến Pháp Mỹ quy định rằng chỉ có Quốc Hội mới có thể buộc tội / luận tội tổng thống (hoặc phó tổng thống hoặc các thẩm phán liên bang ...) trong trường hợp phạm tội « phản quốc, hối lộ, hoặc tội phạm nghiêm trọng khác ». Khi Hạ Viện bỏ phiếu, chỉ cần đạt đa số đơn giản để thông qua các điều khoản trong bản « cáo trạng », nêu lên chi tiết các tội danh bị quy cho vị tổng thống: Tiến trình này gọi là “impeachment” trong tiếng Anh (tạm dịch: luận tội / đàn hặc). Trong trường hợp Hạ Viện thông qua bản luận tội, Thượng Viện sẽ mở phiên tòa xét xử tổng thống. Sau phần tranh luận, 100 thượng nghị sĩ bỏ phiếu về từng điều khoản trong bản cáo trạng. Nếu cáo trạng hội đủ đa số hai phần ba Thượng viện tán đồng, thì việc truất phế tổng thống trở thành tự động và tổng thống không có quyền kháng cáo. Nếu không đủ đa số, thì tổng thống được tha bổng, như Bill Clinton vào tháng 2/1999. Như vậy, quyết định phế truất / đàn hặc không thuộc thẩm quyền của hệ thống tư pháp. Chính Quốc Hội mới là định chế xác định rằng ông Trump đã phạm trọng tội hay không. Họ là những thẩm phán cuối cùng có thẩm quyền xác định xem các tiêu chí phạm tội hội đủ để đàn hặc hay chưa. Do đó, việc phế truất tổng thống là một vấn đề nằm giữa chính trị và pháp luật.

Chủ tịch Hạ Viện Paul Ryan biện minh rằng vấn đề của tổng thống Trump là do ông “thiếu kinh nghiệm”. Tuy nhiên, lập luận này “không trụ nổi một giây” khi phải đối diện với những sự kiện cụ thể, như việc tổng thống Mỹ đã chủ động ra lệnh cho tất cả ra ngoài, để một mình đối thoại với giám đốc FBI James Comey tại phòng Bầu Dục. Cho đến nay, Donald Trump hoàn toàn phủ nhận đã yêu cầu James Comey ngưng điều tra về Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia vào thời điểm đó, về các quan hệ mờ ám với Nga. Tuy nhiên, hai lãnh đạo an ninh thân cận với tổng thống, giám đốc tình báo (CIA) Dan Coats và giám đốc an ninh (NSA) Mike Rogers, đều từ chối trả lời trước Thượng Viện, khi bị chất vấn: Liệu các ông đã bị Tổng thống yêu cầu tác động đến cuộc điều tra đang diễn ra hay không? Không phải vô cớ, các chuyên gia ngờ rằng, do không trực tiếp tác động được đến đối tượng, tổng thống Mỹ đã thông qua hai lãnh đạo CIA và NSA làm trung gian để gây ảnh hưởng. Cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt có thể đưa ra ánh sáng những quan hệ bí ẩn có thể có với Nga của bảy nhân vật thân cận với tổng thống, trong đó có bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions, điều mà ông Sessions từng thề thốt là không có.

Nhìn lại lịch sử

Mặc dù nhiều Tổng thống Mỹ từng đối mặt với nguy cơ bị luận tội, nhưng trên thực tế chỉ có hai vị từng trải nghiệm thủ tục căng thẳng này. Gần đây nhất là Tổng thống thứ 42 của Hoa Kỳ, Bill Clinton. Ông Clinton bị luận tội với hai tội danh khai man trước đại bồi thẩm đoàn và cản trở công lý, sau khi nói dối về nguyên do cuộc tình vụng trộm với cô thực tập sinh Monica Lewinsky, rồi xui cô này nói dối luôn. Khác với ông Trump, tỉ lệ ủng hộ cựu Tổng thống Clinton khi bị đưa ra luận tội rất cao. Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu với tỉ lệ 228/206 ủng hộ luận tội Tổng thống Clinton với cáo buộc thứ nhất và 221/212 với cáo buộc thứ hai. Tỉ lệ này đạt được trong bối cảnh vào thời điểm tháng 12/1998, tỉ lệ ủng hộ ông Clinton đang rất cao, tới 72%. Tuy vậy, khi đưa lên Thượng viện vào năm 1999, đề nghị luận tội đã bị gạt lại bởi không đủ 2/3 số phiếu ủng hộ. Vụ luận tội thứ hai trong lịch sử Mỹ, thật bất ngờ không phải nhằm vào Tổng thống Richard Nixon, nhân vật chính trong bê bối Watergate, mà là Andrew Johnson, Tổng thống thứ 17 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, cầm quyền từ năm 1865. Ông Johnson bị Hạ viện bỏ phiếu luận tội vào năm 1868. Sự kiện này diễn ra chỉ 11 ngày sau khi ông sa thải Bộ trưởng Chiến tranh Edwin Stanton, vốn bất đồng với các chính sách của Tổng thống. Andrew Johnson chỉ may mắn "sống sót" nhờ duy nhất 1 lá phiếu chênh lệch của nghị sĩ Cộng hòa bang Iowa trong cuộc bỏ phiếu quyết định tại Thượng viện./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512019

Hôm nay

2345

Hôm qua

2337

Tuần này

22393

Tháng này

218892

Tháng qua

121356

Tất cả

114512019