Những góc nhìn Văn hoá

Phan Bội Châu với con đường yêu nước của Nguyễn Ái Quốc

Cho đến nay (2017), giới nghiên cứu đã có nhiều bài viết về mối quan hệ giữa Phan Bội Châu với Nguyễn Ái Quốc trên con đường cứu nước trong lịch sử. Lần này, nhân kỷ niệm 150 ngày sinh nhà đại ái quốc Phan Bội Châu, chúng tôi hy vọng đưa lại cho bạn đọc cái nhìn tích cực hơn về thiện cảm, niềm tin và hành động của cụ Phan đối với con đường Nguyền Ái Quốc đã lựa chọn và khẳng đinh từ năm 1920- Con đường giải phóng dân tộc theo khuynh hướng cách mạng vô sản.

1.     Cách mạng Tháng Mười- Niềm hy vọng

Khi mà Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một trong những người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp (12-1920), thì Phan Bội Châu mới thăm dò « chân tướng » nước Nga cách mạng. Cụ Phan kể rằng: « Tháng mười một năm canh thân (1920) đảng xã hội cộng sản Nga đỏ có nhiều người tụ tập ở Bắc Kinh, mà đại bản doanh « xich hỏa » tức là trường đại học Bắc Kinh. Tôi nảy tính hiếu kỳ muốn nghiên cứu chân lý Đảng Cộng sản ». Cụ lấy cuốn Điều tra chân tướng của nước Nga la tư của một người Nhật viết, đọc đi đọc lại hai ba lần, rất tâm đắc « Về Chủ nghĩa và chế độ của Chính phủ lao nông». Cụ « dịch thành chữ Hán, chia ra hai quyển thượng và hạ » và nhờ ông Thái Nguyên Bồi (Hiệu trưởng Đại học Bắc Kinh) giới thiệu để làm quen với những người Nga ở đấy [1]. Cụ sống bên cạnh những người bạn Trung Quốc nên cũng tường tận chứng kiến sự chuyển biến của chủ nghĩa Tam Dân.

Tháng 8-1922, Tôn Trung Sơn xúc tiến việc liên kết với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Mùa xuân 1923, thông qua 3 chính sách lớn « Liên Nga, liên Cộng, giúp đỡ công nông ». Với sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Trung quốc, tháng Giêng năm 1924, Quốc dân đảng triệu tập Đại hội lần thứ nhất tại Quảng Châu. Tại Đại hội này, Tôn Trung Sơn đã khẳng định : « Cách mạng từ nay về sau, nếu không lấy nước Nga làm thầy thì nhất định không thành công », « Phong trào cách mạng Quốc dân phải có sự tham gia của nông dân, công nhân cả nước thì sau mới có thắng lợi quyết định ».

 Quả thật, sau cách mạng tháng Mười Nga, chủ nghĩa Tam dân đã có được « nội dung mới và tinh thần mới »: « Nó đã khẳng định chắc chắn và rõ ràng phải đánh đổ chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa phong kiến, giành lại độc lập dân tộc và tự do chính trị trên cơ sở thực hiện dân chủ, cải thiện dân sinh, dựa vào cách mạng công nông » [2].

Trong bối cảnh đó, qua những cuộc đàm luận với các giảng viên là người Nga ở « trường Quân quan Hoàng phố », tiếp xúc với nhiều trí thức, đảng viên Trung hoa Quốc dân đảng và trước việc nhiều « Thanh niên trong nước lại lục tục sang Quảng Đông », nhất là « sau khi phát sinh vụ tạc đạn ở Sa-diện, giá trị Hội Quang phục lại nổi lên », « công việc đảng có hy vọng lại sống lại được »; Phan Bội Châu nhận thấy: « phong trào » « đã dần dần khuynh hướng về cách mạng thế giới » nên đã cùng các đồng chí thủ tiêu hội Quang Phục cải tổ thành « Đảng Quốc dân Việt Nam», « thảo chương trình và cương lĩnh của Đảng». Nội dung chia làm 5 bộ phận lớn là Bộ Bình nghị, Bộ Kinh tế, Bộ Chấp hành, Bộ Giám đốc, Bộ Giao tế. Quy mô tổ chức đại lược cũng theo như chương trình Quốc dân đảng Trung Hoa mà châm chước thêm bớt ít nhiều ».

 Cuộc gặp với « phái bộ Nga » diễn ra đầy thiện cảm. « Hai bên » đặt ra những điều kiện nhằm đi tới việc cam kết để cụ Phan gửi các môn đệ của mình qua nước Nga đào tạo.  Những dự định tốt đẹp này được đặt trong thực tế có sự hợp tác giữa hai đảng xã hội Nga –Hoa, nên rất có thể trên cơ sở thực lực của mình, cụ cho rằng « chỉ cần » mô phỏng theo đường lối « Chủ nghĩa Tam dân mới » của Quốc dân đảng Trung Hoa cũng là đi vào con đường của « cách mạng thế giới » rồi. Và như thế tránh được những trở ngại do ngôn ngữ bất đồng[3]

2. Trao gửi niềm tin vào sứ mệnh Nguyễn Ái Quốc

Theo cụ Phan việc « thủ tiêu hội Quang phục cải tổ thành Việt Nam Quốc dân đảng” « là một thủ đoạn theo thời mà thay đổi » và « sau khi đảng cương và chương trình tuyên bố chưa được ba tháng, thì ông Nguyễn Ái Quốc ở thủ đô Nga là Mạc-tư-khoa về Quảng Đông, thường thường bàn với tôi nên sửa đổi lại ».

Tuy việc này, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định : có hay không cuộc gặp giữa Phan Bội Châu và Nguyễn Ái Quốc ? Nhưng chắc chắn là « hai bác cháu » đã có bàn bạc với nhau qua thư từ hoặc qua trung gian của Lâm Đức Thụ và Hồ Tùng Mậu. Căn cứ váo bức thư ngày 14-2-1925 mà cụ Phan gửi Lý Thụy thì cụ đã coi Lý Thụy là một nhà lãnh đạo trẻ, đầy triển vọng. Đặc biệt, khi viết truyện Phạm Hồng Thái, cụ Phan đã « Tuyên truyền » cho Nguyễn Ái Quốc, trong nhân vật Nguyễn Quân hướng dẫn Phạm Hồng Thái hành động.

Ở Chương thứ ba : Nhà máy chăng ? Trường học chăng ? củaTruyện Phạm Hồng Thái, cụ Phan đã « giả tưởng » rằng : trong lúc « Phạm xuất thân từ một công nhân, quyết chí làm cách mạng » thì « Nguyễn Quân (Nguyễn Ái Quốc) là một người nhiệt tâm, có chân trong đảng xã hội cách mạng » từ Pa ri về và « gặp được Phạm ở Hoan Thành ». Qua câu chuyện tâm tình, « Nguyễn » vạch trần chính sách tàn bạo và những trò chính trị dối trá của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương. Đồng thời khuyên Phạm đi vào công nhân, dựa vào công nhân để huấn luyện họ thành lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Cụ Phan mượn lời Nguyễn : « Người nước ta không nói cách mạng thì thôi, chứ nói cách mạng, thì phải bắt tay vào làm cách mạng xã hội » / « Hơn nữa, việc huấn luyện cách mạng xã hội không thể thành công, nếu không dựa vào số đông người thuộc giai cấp dưới. Số đông của giai cấp dưới chính là công nhân và nông dân,.. »[4]

Qua thư từ trao đổi, Phan Bội Châu rất cảm phục Nguyễn Ái Quốc, một người cháu đã trưởng thành vượt bậc sau hai mươi năm xa cách. Mở đầu bức thư gửi Lý Thụy (ngày 14-2-1925), Phan Bội Châu viết: « Hôm trước anh Lâm Đức Thụ và anh Hồ Tùng Mậu gửi lại thư của cháu, trong thư có nói tường tận chuyện ông Hy Mã Phan Châu Trinh. Tuy thư dựa trực tiếp trên chuyện thật nhưng ngụ ý sâu sắc, mà lối lập luận lại dựa trên những ý tưởng lớn, nhân đó mới biết là học vấn, tri thức của cháu nay đã tăng trưởng quá nhiều »[5]

 Phan Bội Châu tâm sự: “Nhớ lại hai mươi năm trước đây, khi đến nhà cháu uống rượu gõ án ngâm thơ, anh em cháu thảy đều chửa thành niên, lúc đó Phan Bội Châu này đâu có ngờ rằng sau này cháu sẽ trở thành một tiểu anh hùng như thế này. Bây giờ đem kẻ già này so với cháu thì bác thấy rất xấu hổ. Nhận được liên tiếp hai lá thư của cháu, bác cảm thấy vừa buồn vừa mừng. Buồn là buồn cho thân bác mà mừng là mừng cho đất nước ta. Việc thừa kế nay đã có người, người đi sau giỏi hơn kẻ đi trước, trên tiền đồ đen tối sẽ xuất hiện ánh sáng ban mai. Ngày xế đường cùng, chỉ sợ không được thấy ngày đó, làm sao bác không cảm thấy buồn cho chính mình được? Một đời tận khổ, gánh vác công chuyện một mình, được sức lớn của cháu giúp vào thì ắt sẽ có nhiều người hưởng ứng theo. Việc gây dựng lại giang sơn, ngoài cháu có ai để nhờ ủy thác gánh vác trách nhiệm thay mình. Có được niềm an ủi lớn lao như thế, làm sao bác không cảm thấy vui mừng được?”[6]

Đọc những lá thư của Lý Thụy (NAQ), trong lòng cụ Phan còn « có nhiều chuyện muốn hỏi ý kiến »; và cụ coi đó là một việc rất cần cho cách mạng. Cụ cho rằng : chỉ có gặp mới bàn « hết ý được » nên cụ « đang định tìm một dịp tốt về Quảng Đông một chuyến để đàm luận » trực tiếp với người cháu của mình. Trong lúc « chờ ngày hội ngộ », cụ Phan khẩn thiết « thành thật yêu cầu » « đề nghị » Lý Thụy « viết thư nhiều cho bác» [7]

 Cụ Phan không biết rằng: khi cụ đang viết những lời tâm huyết gửi Lý Thụy, thì trong tuần lễ ngay sau đó, trên cơ sở những thanh niên đã từng mến mộ và đi theo con đường của cụ đã được Nguyễn Ái Quốc định hướng và tập hợp lại trong một tổ chức mới mang tên Việt Nam Cộng sản đoàn; và tháng 6 năm ấy, đã được mở rộng thành Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.

Hoạt động của Phan Bội Châu trong những năm 1920-1925, với quan điểm mới, nhất là Lời tuyên bố của Việt Nam Quốc dân Đảng, cứng rắn như là một « tối hậu thư »[8] đã làm cho Chính quyền thực dân Pháp lo sợ.

Tháng Năm năm Ất Sửu (1925), cụ Phan có ý định về Quảng Đông nhằm hai mục đích : « cải tổ lại Việt Nam quốc dân đảng » như đã dự định và «truy điệu liệt sĩ Phạm Hồng Thái đệ nhất chu niên » (18/5/1924- 18/5/1925 âl). Nhưng cụ đã không thực hiện được. Với âm mưu đã sắp sẵn, mật thám Pháp nhanh chóng búa vây Phan Bội Châu. Khi cụ tới ga Thượng Hải thì bị chúng bất ngờ đẩy lên xe ô tô rồi bí mật đưa về tô giới Pháp.

3. “Chiến đấu” trong vòng vây của kẻ thù

Tin tức cụ Phan bị bắt cóc « lọt ra ngoài ». « Chính phủ Pháp muốn dấu kín mà không dấu được. Các báo Pháp rồi báo Việt lần lượt đăng tin Phan Bội Châu bị bắt. Các nhân viên làm việc trong Hỏa Lò cũng tin ra ngoài cái tin Phan Bội Châu bị bắt. Nhiều nhân vật và các đoàn thể đánh điện cho các nhà chức trách Pháp đòi thả Phan Bội Châu ». Nhiều cuộc biểu tình « chào đón » Toàn quyền Va-ren (mới sang nhậm chức) cũng đều nêu khẩu hiệu : « Thả cho Phan Bội Châu ! ». Hội Phục Việt rải truyền đơn tại Hà Nội và các tỉnh phản đối quyết liệt việc bắt nhà ái quốc Phan Bội Châu[9].

Mùa đông năm 1925, những tin tức của báo Hà Nội ra hàng ngày về việc xét xử Phan Bội Châu trước Hội đồng đệ hình lôi cuốn sự chú ý hăm hở của giới trí thức. Những bài biện hộ của hai trạng sư Bô-na và La-rơ cùng những lời tự biện của Phan Bội Châu mô tả lại trước mắt mọi người những bước đường cách mạng của cụ ở trong nước, ở Nhật Bản và ở Trung Quốc trong suốt phần tư thế kỷ 20.

Theo ông Tôn Quang Phiệt: “Huế lúc bấy giờ là một nơi đen tối nhất ở trong nước. Một bên Nam triều, một bên chính phủ Bảo hộ, là hai tầng lớp áp bức trên đầu, trên cổ nhân dân. Phan Bội Châu về đó như khuấy động lên một phong trào tạo nên các hoạt động yêu nước sau này. Nhiều cuộc đình công bãi khóa nổ ra xung quanh việc Phan Bội Châu bị chèn ép. Và năm 1926, Phan Châu Trinh từ Pháp về rồi mất ở Sài Gòn, đã được truy điệu ở Huế rất long trọng”. Phan Bội Châu viết bài Văn tế Phan Châu Trinh đã làm nức lòng nhân dân cả nước[10].

Tuy bị giam lỏng ở Huế, nhưng đồng bào cả nước vẫn muốn cụ Phan không bị lệ thuộc vào những kẻ đã đầu hàng và làm tay sai cho Pháp. Và trước “yêu cầu chính đáng” đó, chính quyền thực dân phải để Phan Bội Châu rời khỏi nhà Nguyễn Bá Trác và cũng không phải sống trong khuôn phép của nhà chùa Phổ Quang. Đồng bào Nam Kỳ do luật sư Phan Văn Trường đại diện gửi cụ một số tiền. Với số tiền ấy, cụ nhờ người mua vườn và dựng nhà ở Bến Ngự. Nhà gồm ba ngôi, tượng trưng cho ba kỳ; trong nhà bày bàn ghế và sách báo.

Ông Nguyễn Đức Vân (một thời là thư ký cụ Phan) kể rằng: “Ngôi nhà vừa làm xong, lập tức trở thành nơi nhóm họp của đủ mọi hạng người. Người ta đến để được gặp mặt cụ, nghe cụ nói, nhất là thanh niên nam nữ, học sinh. Họ ra vào tự nhiên thân mật có vẻ như con cái đến nhà cha mẹ”.

Ngôi nhà ở dốc Bến Ngự cũng chứa đựng cả sự chuyển biến tư tưởng cách mạng của Phan Bội Châu. Khách bước vào nhà cụ, không ai không “chiêm ngưỡng” và suy nghĩ cái không gian đón khách phong nhã này. Trong ngôi nhà ấy, hồi năm 1926: “Không có ảnh Khổng Tử như người ta nói mà chỉ treo ảnh Lê-nin và ảnh Tôn Trung Sơn mua được trong một cuộc triển lãm của Hoa Kiều ở Huế”; Ngoài hai bức ảnh ấy ra trong nhà có bốn bức vẽ. Hai bức vẽ phản ánh truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta. Một bức mô phỏng: “Trưng Vương đánh Tô Định” đầu Thiên niên kỷ thứ nhất; một bức mô phỏng cảnh: “Quang Trung đánh Tôn Sĩ Nghị” cuối thế kỷ XVIII, với đầy đủ quân lính, voi ngựa, cờ quạt rất hoành tráng. Hai hình vẽ khác có tính chất ám dụ, “một bức vẽ hàng vạn con chuột vây đánh một con mèo; một bức vẽ một người đánh cá tay trái cắp lè kè một con dao, một cái thớt ở sau lưng”. Cả con mèo và người đánh cá “đều có đôi mắt xanh lơ”.

Ở Huế, cụ Phan vẫn tiếp tục sáng tác thơ văn yêu nước để thức tỉnh đồng bào. Tết năm 1926, Cụ đánh thức đồng bào “Dậy, dậy, dậy!” và chuyển đến mọi người Bài ca chúc tết như một”Thông điệp”:

“Trời đã mới, người càng thêm mới mới

Giương mắt thấy rõ ràng tân vận hội

Ghé vai vào xốc vác cứu giang sơn

Đi cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan.

Giây đoàn thể quyết ghe phen thành nghiệp mới

Ái hữu chí từ đây xin gắng gỏi

Cởi lốt xưa mà tu dưỡng lấy tinh thần

Cụ khuyên mọi người bỏ qua những thèm khát cá nhân, chịu đựng mọi hy sinh gian khổ “Đúc gan sắt để dời non lấp bể/ Xối máu nóng rửa vết dơ nô lệ!”. Đó là nội dung của ngày mới và phải đổi mới từng ngày [11].

Trong những ngày Tết, “Đồng bào vẫn tiếp tục đến. Cụ Phan bảo đọc “Bài ca chúc tết” cho mọi người nghe”, “Trước một công chúng đông đúc đang vây quanh mình, cụ Phan vừa xúc động vừa phấn khởi, cao dọng diễn thuyết như một nhà hùng biện. Cụ ra sức kích động tinh thần yêu nước của đồng bào, nhấn mạnh cái nhục của người dân nô lệ, kêu gọi đoàn kết đấu tranh cho sự độc lập. Tiếng nói của Cụ mỗi lúc một trầm hùng. Tiếng than mất nước. Tiếng thét căm thù” [12]

Nhà cụ Phan ở Huế cũng trở thành tâm điểm bàn luận thời cuộc và “tìm kiếm” con đường đi cho phong trào yêu nước. Nơi đây, các “Quốc sự phạm” đã từng bị nhà cầm quyền thực dân đày ải ở Côn Đảo như Lê Văn Huân, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế thường lui tới để tiếp tục bàn “Quốc sự”. Những ngày nóng nực cụ thường thuê đò ở sông Hương, khi làm văn, dịch sách, khi cùng đôi ba người bạn thân trò chuyện”.

Những người năng qua lại và cũng được cụ tiếp chuyện thân mật là các ông Nguyễn Khoa Văn tức Hải Triều, Đào Duy Anh, Trần Đình Nam, vv. “Nguyễn Khoa Văn cùng mấy người bạn thường làm bài đưa đến nhờ cụ duyệt” [13]

Tình yêu đất nước và khát vọng độc lập luôn “thường trực” trong tâm trí cụ Phan, nên khi nam nữ thanh niên đến thăm, cụ thường nhắc nhở họ về thân phận dân tộc trong họa ngoại xâm.  Cụ cũng hay ví von... Ví dụ: quan sát cách ăn mặc của thanh niên cụ lưu ý “đi giày Tây”, “ăn cơm Tây”,… cũng không được quên mình là người mất nước; hoặc các bà, các cô gái đeo vòng cổ, vòng tay”, Cụ đều lưu ý dân tộc mình đang bị xích xiềng nô lệ.

Một học sinh Quốc học Huế thời đó, kể rằng: ngày 17-3-1926, Phan Bội Châu đến thăm trường Quốc học Huế. Những câu hỏi của Cụ như “xoáy sâu vào tâm trí đám học sinh chúng tôi và khơi dậy những suy nghĩ xung yếu, khẩn thiết về lẽ sống” “Từ đó bọn chúng tôi hết tìm đến chùa Phổ Quang lại tìm đến ngôi nhà Bến Ngự để được nghe Cụ nói chuyện bất chấp mọi sự nguy hiểm có thể xẩy ra”[14] .

Đối với tổ chức Nữ công học hội (một đoàn thể của Tân Việt Cách mạng đảng), cụ Phan rất có thiện cảm và giành nhiều công sức giúp chị em nhận rõ vai trò của mình trong xã hội. Trong hội thảo Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Phan Bội Châu, khi giới thiệu bài viết Vấn đề phụ nữ đăng trên Duy Tân Thơ Xã, có ý kiến cho rằng: “Tài liệu Vấn đề phụ nữ của cụ Phan là một bài viết rất thuyết phục về vấn đề phụ nữ. Theo cụ, phụ nữ là một bộ phận không thể thiếu của loài người, của một dân tộc, của một xã hội bình thường. Vì thế để xã hội phát triển, để một dân tộc tự cường phải mở mang trí thức cho phụ nữ, liên kết phụ nữ thành một đoàn thể, chấn hung sự nghiệp của họ, nâng cao địa vị của họ. Cách đặt vấn đề của cụ rất rõ ràng còn giá trị thời sự cho đến ngày nay” [15]

Đối với những người cộng sản gần gũi cụ, cụ vẫn luôn giành cho họ tình cảm nồng hậu. Trước việc “ra đi” của Nguyễn Chí Diểu, cụ Phan không chỉ tiếc thương vô hạn mà còn bất chấp sự phản đối của chính quyền thực dân, đã giành cho anh- người chiến sĩ cách mạng đầu tiên, một phần đất tại vườn mộ ở dốc Nam Giao để làm nơi an nghỉ vĩnh hằng.

 Mười lăm năm còn lại của cuộc đời, giữa vòng vây hãm của mật thám, Phan Bội Châu vẫn hướng về những tấm gương của cách mạng thế giới như Lê-nin đã tổ chức cuộc đấu tranh giải phong cho nhân dân Nga, hay Gan-đi đang đấu tranh cho Ấn Độ tự do, vv. Phan vẫn có dịp hội kiến với các nhà yêu nước để đàm đạo về chủ đề « trồng trúc nên gậy » ; cố gắng chuyện trò, động viên, làm thơ văn thuyết phục, thúc dục đồng bào nhất là lớp trẻ tham gia vào cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam nhằm đập tan xiềng xích của chủ nghĩa thực dân Pháp.

***

  Phan Bội Châu sống trong thời đại chủ nghĩa thực dân đè nặng lên cuộc sống dân tộc Việt Nam. Trong nhiều thập kỷ, mọi sự vùng dậy của nhân ta đều bị chính quyền thực dân Pháp đàn áp đẫm máu. Đó là một trong những nguyên nhân làm nảy sinh nhiều loại hình chủ nghĩa, nhiều sắc màu yêu nước trên con đường đi tới độc lập. Trong thuở ấy, đi con đường nào: «Chủ nghĩa cải lương dân tôc», «chủ nghĩa yêu nước ôn hòa» hay «chủ nghĩa dân tộc cách mạng», vv đều gây tranh cãi trong giới thanh niên, học sinh, trí thức Việt Nam. Nhưng rồi, đa số người trong họ đã kế tiếp nhau « khăn gói » đi theo con đường Phan Bội Châu.

Phan Bội Châu là người dày công học tập kinh nghiệm đấu tranh trong lịch sử xã hội phong kiến và cả lịch sử cận đại Nhật Bản rồi Trung quốc. Cụ Phan không chỉ « trải nếm» sự diễn tiến của chủ nghĩa Tam dân Tôn Trung Sơn, mà còn « lần tìm » các chủ nghĩa khác.

Năm 1920, chỉ mới đọc sách nói về nước Nga cách mạng, tiếp xúc với phái bộ Nga ở Trung Quốc, cụ đã « thăng hoa » cho chủ nghĩa dân tộc; cụ bắt đầu nhấn mạnh « bạo lực » cách mạng với vai trò của hai giai cấp cơ bản là công nhân và nông dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam.

Tuy không gặp được Nguyễn Ái Quốc, nhưng sau những lời tâm huyết ấy, cụ Phan chuyên tâm viết một số tác phẩm về “xã hội chủ nghĩa”. Tiến sĩ Unselt Jorger trong Luận án mang đầu đề: Việt Nam- Những tư tưởng yêu nước và Mác-xít trong mấy tác phẩm cuối đời của Phan Bôi Châu đã viết: “…một cách cấp bách và quyết tâm, Phan Bội Châu đã khuyên nhân dân Việt Nam tiến hành phục hưng đất nước bằng cách gắn chặt cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới và đi theo quan điểm Mácxít –Lêninít. Ông cho rằng nếu không làm như vậy thì Việt Nam sẽ thua và sẽ bị tiêu diệt bởi những chính sách tàn ác của thực dân Pháp”[16].

Niềm tin và hy vọng của cụ Phan đã trở thành hiện thực kể từ sự thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945./.

 

                                                                                          


[1] Phan Bội Châu niên biểu ; Nxb Văn Sử Địa, HN, 1957, tr 189)

[2] Vương Trực.-Lịch sử Đảng Cộng sản Trung quốc, giản yếu, Nxb ST, Hà Nội, 1962, tr 81).

 

[3] Phan Bội Châu niên biểu, sdd, 189-201.

 

[4] Chương Thâu- Phạm Hồng Thái và Tiếng bom Sa Diện, Nxb, Nghệ An, 2003, trg 116,117.

[5] Nhiều tác giả- Sáng ngời Hô Chí Minh- những bài viết tâm đắc ; Nxb CAND, 2005, tr 22-23).

[6]  Sáng ngời Hô Chí Minh, sdd, tr 23.

[7] Sáng ngời Hô Chí Minh, sdd., tr 24).

[8] Chương Thâu- Phạm Hồng Thái và tiếng bom Sa Diện, sdd, tr 143-148

[9] Tôn Quang Phiệt- Một vài kỷ niệm về Phan Bội Châu/ Những vấn đề Lịch sử và Địa lý Nghệ-Tĩnh, số 8-1990, tr 11.

[10] Thơ văn yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ XX (1900-1930), Nxb Văn học, HN, 1976, tr 141.

[11] Vương Đình Quang- Hồi ký về cụ Phan/ Những vấn đề Lịch sử và Địa lý Nghệ-Tĩnh, số 8-1990,

[12]Vương Đình Quang- Hồi ký về cụ Phan; sdd,

[13] Nguyễn Đức Vân-Mấy nét ký ức vế Phan Bội Châu/Những vấn đề Lịch sử và Địa lý Nghệ-Tĩnh, số 8-1990, tr 17

 14   Thế Nhu Khương Hữu Dụng-Bài nói chuyện của cụ Phan Bội Châu tại trường Quốc Học / Quốc học Huế 95 năm (1896-1991), nxb GD, 1991, tr 19

[15] (ĐHQG,HN-Phan Bội Châu con người và sự nghiệp, HN, 1997, tr362).

[16] Đại học Quốc gia Hà Nội-Phan Bội Châu, con người và sự nghiệp,HN, 1998, tr 16.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114560385

Hôm nay

258

Hôm qua

2347

Tuần này

21703

Tháng này

227928

Tháng qua

122920

Tất cả

114560385