Người xứ Nghệ

Đại tướng Chu Huy Mân trong dòng chảy văn hóa xứ Nghệ

Đại tướng Chu Huy Mân (1913-2006)

Đại tướng Chu Huy Mân (1913-2006) là một nhà cách mạng, một vị tướng toàn tài, và cũng là một người con xuất sắc của quê hương xứ Nghệ. Trong dòng chảy văn hóa vùng miền, luôn có những con người mang những phẩm chất, những đặc trưng của văn hóa quê hương. Chu Huy Mân cũng là một người Nghệ mang nhiều đặc trưng của văn hóa quê nhà.

Trong khoảng thời gian này, khi mà từ Hà Nội đến Nghệ An đang diễn ra nhiều hoạt động nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Chu Huy Mân thì đã có cả trăm bài viết, tài liệu, tư liệu liên quan đến cuộc đời ông được công bố trên nhiều phương tiện thông tin khác nhau. Viết về tiểu sử, về cuộc đời cách mạng, về những đóng góp to lớn của ông hay những kỷ niệm của ông với quê hương, với các đồng chí, đồng đội liên tục được công bố. Vậy nên, quả thực, để viết một cái gì đó về ông cho khác đi trong dịp này thật sự là rất khó. Ông là một người Nghệ An, một chiến sĩ cách mạng tiêu biểu của xứ Nghệ, vậy nên, ông luôn mang trong mình những đặc trưng văn hóa của con người xứ Nghệ, cũng như xứ Nghệ in hằn những hình bóng người con của quê hương. Theo đó, đặt ông vào trong dòng chảy văn hóa xứ Nghệ, có lẽ cũng là một cách để hiểu về ông và về xứ Nghệ, cho dù nó mới chỉ là những cảm nhận mà thôi

Nghèo đói và cách mạng

Có ý cho rằng người Nghệ có tinh thần cách mạng cao và nó có liên quan đến sự nghèo đói. Nghèo đói do điều kiện tự nhiên khó khăn làm cho con người ta kiên cường. Nghèo đói do bị áp bức bóc lột làm cho con người ta trở nên dũng cảm, khát khao đứng lên tranh đấu để phá bỏ ách áp bức bóc lột và tìm kiếm tự do, tìm kiếm cơ hội để sinh sống. Và nghèo đói làm cho người ta liều lĩnh, dám đấu tranh và sẵn sáng đánh đổi theo tâm lý “thắng thì có tất cả còn thua thì cũng chẳng có gì để mất”. Ý kiến như vậy đương nhiên khó mà chứng minh được đúng đắn, phù hợp hay sai. Có điều nó cũng tạo cho chúng ta những cảm nhận về tính cách người Nghệ mà điều kiện kinh tế xã hội là một nhân tố quan trọng tạo nên tính cách đó.

Chu Huy Mân sinh ra trong một gia đình nghèo khó bởi làm nông nghiệp và đông con, lại mồ coi cha từ nhỏ. Các tài liệu, bài viết đều nhấn mạnh đến hoàn cảnh gia đình ông là gia đình nghèo đói, thiếu thốn, phải chạy vạy lo từng bữa ăn. Ông khi còn nhỏ được đi học nhưng cũng phải đi làm thêm rồi đi làm thuê để hỗ trợ gia đình. Sự đói nghèo, sự bươn chải giúp cho ông nhận thức rõ hơn về tình cảnh quê hương, về cuộc sống xung quanh mình. Ông tiếp thu tinh thần cách mạng, tham gia cách mạng từ sớm, khi còn là tuổi vị thành niên. Tham gia các hoạt động cách mạng sớm, không ngại nguy hiểm và luôn đi đầu trong các phong trào đấu tranh là đặc trưng của nhiều thanh niên thời bấy giờ. Nhất là trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, Chu Huy Mân đã làm Đội phó Đội Tự vệ đỏ và dẫn thân vào các cuộc đấu tranh dù biết sẽ phải đối diện với những sự truy bắt, khủng bố của Pháp. Đó là một nét nổi bật của những người tham gia cách mạng ở xứ Nghệ trong giai đoạn trước 1945. Họ hầu hết xuất thân trong gia đình nghèo đói, nhưng lại giác ngộ cách mạng sớm và luôn đi tiên phong trong các phong trào đấu tranh. Điều đó làm cho xứ Nghệ được Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài gọi là “Nghệ Tĩnh Đỏ”, là cái nôi của phong trào cách mạng trước 1945.

Không ai khẳng định Chu Huy Mân hay mọi người Nghệ tham gia cách mạng vì nghèo đói. Nhưng thực tế, lực lượng tham gia cách mạng đông đảo nhất là những người nông dân nghèo đói hay những người công nhân bị bóc lột nặng nề. Giả sử họ sinh ra trong những gia đình giàu có, có nhiều tài sản, thì việc chấp nhận sự thay đổi xã hội đã khó, và việc để đánh đổi cuộc sống của mình lại còn khó hơn. Dù rằng, không thiếu những trí thức tiểu tư sản hay địa chủ sẵn sàng vứt bỏ lợi ích của mình để đi theo cách mạng, để phục vụ cách mạng. Nhưng tâm lý chung thì người nghèo đói vẫn là lực lượng nồng cốt tham gia vào các phong trào cách mạng để lật đổ các chế độ nô dịch, bóc lột con người.

Hiếu học nhưng lỡ dở

Chu Huy Mân là người hiếu học, và từ nhỏ ông cũng được gia đình cho đi học chữ Hán ở trường làng. Cũng như những đứa trẻ khác, ông khát khao được học hành. Nhưng thời đoạn không cho con người ta được mong muốn đó. Phong trào cách mạng bùng nổ, từ trên ghế nhà trường ông đã bắt đầu tham gia cách mạng. Rồi trong một quá trình lâu dài, ông đi theo phục vụ cách mạng. Hầu hết kiến thức có được là tự học, là rèn giũa trên chiến trường, là tích tụ qua trải nghiệm bản thân. Các tài liệu không nhắc đến việc ông được học đến trình độ học vấn nào nhưng quá trình phục vụ cách mạng của ông ít gắn với trường. Bởi khi đó trường lớp của chế độ thực dân thì ông không có điều kiện để vào học, còn sau này khi có hệ thống trường lớp của nhà nước cách mạng thì ông lại phải nhận nhiều nhiệm vụ khác để phục vụ kháng chiến. Thế nên việc học tập cũng chỉ là những năm tháng học chữ ở trường làng. Còn sau này là quá trình ông tự học tập, tự đào tạo để vươn lên.

Không chỉ Chu Huy Mân mà nhiều nhà cách mạng người Nghệ lúc bấy giờ cũng đều có hoàn cảnh chung: ham học hỏi nhưng lỡ dở, ít được theo đuổi học vấn đến cao, không đam mê vào khoa bảng công danh. Đây là giai đoạn mà nền giáo dục phong kiến đi vào lụi tàn và sau đó chấm dứt, còn nền giáo dục Pháp đào tạo thì có nhiều hạn chế và chủ yếu dành cho con em tiểu tư sản, địa chủ đi học. Trong khi đó, lực lượng tham gia cách mạng chủ yếu là con em nông dân, công nhân có hoàn cảnh nghèo khó. Họ khao khát được học tập nhưng trước hoàn cảnh đất nước thì lại lựa chọn con đường phục vụ cách mạng. Vậy nên đa số họ không có bằng cấp cao, chủ yếu là có một ít học vấn lúc nhỏ, sau đó tự đào tạo trong môi trường cách mạng mà thôi.

Dù lỡ dở việc học hành, không có bằng cấp cao nhưng hầu hết những chiến sĩ cách mạng thế hệ đầu như Chu Huy Mân lại có trình độ nhận thức và kiến thức đầy đủ, thậm chí có thể nói là uyên bác. Không chỉ là một vị tướng dẫn quân đánh trận, ông còn là một nhà chính trị được coi là văn võ song toàn. Để có được điều đó là nhờ vào tinh thần tự học. Không được học từ trường lớp thì họ học từ cuộc sống, từ quá trình tham gia cách mạng, từ những trận chiến và học từ những đồng chí, đồng đội của mình. Tinh thần cầu thị, hiếu học của họ cũng là đặc trưng chung của người Nghệ vốn được nhiều nơi trân trọng coi là đất học. 

Kiên trung và kiên trinh

Chu Huy Mân là vị đại tướng được đánh giá là văn võ toàn tài. Nhưng hơn hết, ông cũng như các đồng chí cách mạng lão thành thệ ông là những người kiên trung và kiên trinh. Ở tuổi 17, bước chân vào con đường cách mạng, chàng trai Chu Huy Mân với tên thật là Chu Văn Điều đã tuyên thệ: “Tôi, Chu Văn Điều xin thề trước cờ Đảng nguyện chiến đấu trọn đời cho Đảng, cho cách mạng, nếu bị địch bắt dù cực hình tra tấn thế nào quyết không cung khai, dù phải chịu tù đày quyết không nản chí, vào sống ra chết không sờn lòng”. Tham gia cách mạng từ sớm, nhiều lần bị bắt giam ở nhiều nơi khác nhau. Trong cuộc đời ông, trải qua lao tù, tra tấn, trải qua chiến trường với bao nhiêu trận đánh, rồi trải qua bao nhiêu cương vị và công việc, ông vẫn luôn thể hiện tinh thần cách mạng của mình. Sự kiên cường thể hiện từ khi ông còn nhỏ tuổi, khi tham gia phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, bị địch đàn áp, đánh đập nhưng nhất quyết không chịu ký giấy “quy thuận”. Rồi bao nhiêu lần bị tra tấn trong nhà lao, ông vẫn kiên trung với con đường cách mạng, với tinh thần yêu nước của mình. Sự kiên trung đó tạo nên ở ông một tư chất của vị tướng lĩnh kiên định, quyết đoán và trung thành.

Sau này, khi giữ nhiều cương vị quan trọng, có nhiều chức vụ cao cấp, nhưng ông vẫn luôn kiên trinh với đạo đức, tư cách của một người Đảng viên cách mạng. Trong một thời gian dài, ông là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân uỷ Trung ương), Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa II-V, Ủy viên Bộ Chính trị khóa IV-V; Đại biểu Quốc hội khóa II, IV, VII. Ở đó, ông luôn là một người lãnh đạo mẫu mực, coi nhẹ công danh và xem thường tài lộc. Ông thuộc vào thế hệ những vị tướng kinh qua hầu hết các cuộc chiến tranh ở Việt Nam thế kỷ XX, sống trọn đời kiên trung và kiên trinh. Tấm lòng kiên trinh thể hiện ở chỗ cả đời trung thành với lý tưởng cách mạng, một lòng phục vụ Nhân dân, như lời thế từ ngày tham gia lực lượng cách mạng.

Trong dòng chảy văn hóa xứ Nghệ, không thiếu những con người kiên trung, kiên trinh. Dù ở thời đại nào, xứ Nghệ cũng sản sinh ra những con người như vậy. Họ là những tấm gương sáng cho nhiều thế hệ noi theo, cũng là những người khẳng định và định vị những phẩm chất đặc trưng của con người xứ Nghệ. Đầu thế kỷ XX, có thể nói rằng xứ Nghệ là cái nôi sản sinh ra một loạt các nhân vật lừng danh mà sau này đều có những đóng góp lớn cho đất nước. Dù ở lĩnh vực nào, thì người Nghệ cũng có những phẩm chất đặc trưng, trong đó có tấm lòng kiên trung, kiên trinh, luôn giữ mình trung trinh với lời thề từ ngày đầu tham gia cách mạng. Họ trọn đời cống hiến cho Nhân dân, cho dân tộc, cho đất nước. Chu Huy Mân cũng là một người Nghệ đủ phẩm chất như vậy. Ông tiếp nối thế hệ trước, và cũng là tấm gương cho thế hệ sau noi theo./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443982

Hôm nay

2233

Hôm qua

2307

Tuần này

21795

Tháng này

219156

Tháng qua

112676

Tất cả

114443982