Bây giờ nếu xét lại thiên hùng ca vĩ đại này của chủ nghĩa tân tự do thắng thế vào thời đó thì chúng ta có thể viết thêm vào sự ký vốn đã dài của những ảo ảnh được bán cho dân chúng và những mộng vỡ sâu xa chúng gây nên. Nguyên nhân nào đã dẫn đến những cuộc tư hữu hoá mau chóng ở Nga và sự nhiệt tình ban đầu của người dân? Cải cách cơ cấu triệt để này đã được tiến hành ra sao? Bây giờ chúng ta có thể rút ra kết luận gì? Ngoài lịch sử của những biến đổi thời hậu Xô viết, trả lời cho những câu hỏi này sẽ giúp ta hiểu được tại sao cơ chế chính trị xã hội của chủ nghĩa tân tự do bây giờ lại suy yếu.
Tạo ra một tình huống không thể đảo ngược được...
Ngay năm 1987, dưới sự thôi thúc của tổng bí thư Mikhail Gorbachev, một loạt quyết định tự do hoá kinh tế Liên Xô đã được thực hiện. Nhưng chỉ sau khi Liên Xô sụp đổ vào tháng chạp 1991 và với sự thành lập một nhóm nghiên cứu mới gồm các nhà kinh tế tự do xung quanh tổng thống Yeltsin thì mới có những quyết định quyết liệt thay đổi quan hệ về sở hữu. Trong khi tình hình kinh tế tiếp tục xấu đi và các thế lực chống lại quá trình tư hữu hoá vẫn được coi là tương đối mạnh, nhóm này nghĩ rằng họ đang nắm một thời cơ lịch sử. Theo ông Yegor Timurovich Gaidar, thủ tướng thời đó, thì phải hành động nhanh chóng để "tạo ra một cấu trúc xã hội mà làm cho sự trở lại quyền hành của những người cộng sản không thể thực hiện được hay ít nhất là rất khó khăn." Để làm được điều này, các nhà lãnh đạo mới có thể dựa vào sự ủng hộ tương đối của người dân. Tỷ dụ như năm 1989-1991, các thợ mỏ được huy động chống lại độc quyền chính trị và kinh tế của « Nhóm ưu đãi trong Đảng » (Nomenklatura) đã đồng hành với công cuộc đối kháng do ông Boris Yeltsin dẫn đầu. Nói chung hơn thì người dân tán thành "kinh tế thị trường" với hy vọng mức sống của họ sẽ được cải thiện và công bằng xã hội sẽ trở thành hiện thực.
... với sự trợ giúp của phương Tây
Trên phương diện quốc tế thì tư duy chiến tranh lạnh vẫn còn đó và tương lai của Liên Xô cũ vẫn là rất được quan tâm. Vì thế mà các nước phương Tây, dẫn đầu là Hoa Kỳ, tham gia hỗ trợ tích cực các lãnh đạo muốn cải tổ theo chủ nghĩa tân tự do. Mặc dù dân biểu Boris Yeltsin đảo chính chống lại quốc hội vào mùa thu năm 1993 và một quan điểm về dân chủ chí ít nhất có thể coi là hạn chế, sự hỗ trợ này không bao giờ bị đặt lại. Năm 1992, Trung tâm Tư hữu hoá Nga đã nhận được hàng trăm triệu đô la tài trợ cho không hoặc cho vay từ Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Âu Châu và nhiều chính phủ khác nhau. Năm 1992, Anatoly Chubais thành lập Uỷ ban Nhà nước Phụ trách Tư hữu hóa và cho phép phương Tây làm thay đổi cán cân chính trị về phía ủng hộ sở hữu tư nhân và thị trường tự do. Richard Morningstar, một quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nói thẳng thừng: "Nếu chúng ta đã không có ở đó để hỗ trợ Chubais, thì liệu chúng ta đã thắng cuộc chiến tư hữu hoá hay không? Chắc là không." Anatoly Chubais và các đồng chí chính trị của ông đã nắm được lợi quyền nhờ sự hào phóng tài chính của những người hỗ trợ Tây phương trước khi hưởng lợi từ vị trí của họ trong quá trình tư hữu hoá. Họ không phải là những người duy nhất. Các "Harvard Boys" khác của chính phủ Mỹ, trong đó có một số người song tịch, pha trộn các thể loại để hưởng lợi riêng tư, đôi khi là tư vấn, đôi khi là đại diện các chính phủ, đôi khi họ cũng là doanh nhân làm ăn cho riêng mình.
Với sự hỗ trợ của phương Tây, năm 1992 nhóm Chubais chọn thực hiện cái gọi là tư hữu hoá hàng loạt. Họ phát cho dân tem phiếu dùng để mua cổ phần các xí nghiệp được tư hữu hoá hay để bán lại cho người khác. Song song, họ cũng dành ưu đãi cho nhân viên và lãnh đạo các xí nghiệp đó. Kết quả thật là ấn tượng: vào giữa tháng năm năm 1994, 60% GDP được sinh ra từ khu vực tư nhân. Ngược lại, các nhà cải cách hầu như không còn được dân chúng ủng hộ. Lý do rất dễ hiểu! Phần đông không được hưởng lợi gì từ những vụ tư hữu hoá đó. Cổ phần của họ (người dân) đã bị các nhà quản lý ngăn chặn, mua lại với giá rẻ mạt trong khi tiền lương không được trả cho nhân viên hay là không còn giá trị nữa vì tài sản của hãng đã bị rút sạch.
Tháng bảy 1994, Boris Eltsin và Anatoly Chubais chuyển sang giai đoạn mới của công cuộc tư hữu hoá với việc bán đấu giá cổ phần tại các công ty trong các ngành năng lượng, kim loại và viễn thông. Mục tiêu của giai đoạn thứ hai này là để bù đắp thâm hụt ngân sách liên bang. Trước các cuộc bầu cử, chính phủ thực sự có nhu cầu bức xức về tài chính để trả nợ lương cho công chức,quân nhân và những người hưu trí. Tuy nhiên, phương án này đã không đáp ứng được mong đợi của chính phủ bới vì vốn chạy khỏi Nga quá lớn và đầu cơ quá mạnh. Trong bối cảnh này chính phủ đưa ra giải pháp "dùng cổ phiếu để trả nợ". Các ngân hàng sẽ cho Nhà Nước vay và nợ được bảo lãnh bằng lượng cổ phần lớn hay quá bán của những xí nghiệp có giá trị cao của ngành công nghiệp Xô Viết, mà họ sẽ trở thành sở hữu chủ. Thâm hụt ngân sách Nhà Nước rất lớn. Toàn bộ công ty Norilsk, nhà sản xuất nickel lớn nhất thế giới, đã được bán với giá vài tỷ đô la. Thông đồng và thiên vị trong các thương vụ hiển nhiên đến nỗi chính sách bị chỉ trích kịch liệt kể cả từ Ngân hàng Thế giới. Vô ích. Một công hai chuyện, phương án này đã được thực hiện tới cùng và đã cung cấp tài chính đủ cho Boris Eltsin tái cử khi chẳng mấy ai tin vào kết quả đó.
Từ năm 1996, các chính phủ kế tiếp đã tiếp tục tuần tự bán tài sản công cộng. Những bất thường về định giá các xí nghiệp tư hữu hoá vẫn còn nhiều dù ít trắng trợn hơn.
Sự tập trung tài sản và quyền lực
Sau gần mười lăm năm tư hữu hoá, nhận xét đầu tiên là xã hội Nga đã gắn chặt với chủ nghĩa tư bản. Đây là thành tích chính trị của phe cải cách tự do cũng như của các tổ chức quốc tế và các nước phương Tây đồng hành với họ. Ngược lại, về phía người dân thì thất vọng là lớn. Sự tập trung tài sản và quyền lực kinh tế đi ngược với khẩu hiệu mà tổng thống Boris Eltsin liên tục phát biểu: "Chúng ta cần đến hàng triệu chủ nhân, chứ không phải là một nhóm triệu phú nhỏ."
Vì bất lực bởi tầm quan trọng của cuộc khủng hoảng và bởi các quy định mới không thông thoáng, nhân viên các xí nghiệp đã không thể huy động mạnh để chống lại sự chiếm đoạt đồ sộ này. Ngược lại Nhà Nước đã bị giật dây vì lợi ích của một nhóm nhỏ. Tháng mười một năm 2004, Tòa án Tài chính Liên bang Nga do cựu thủ tướng M. Stepashin chủ trì công bố một báo cáo lên án những bê bối lớn về quản trị chính sách công. Báo cáo phán quyết rõ ràng. "Nguyên tắc bình đẳng của công dân trong việc tư hữu hoá ồ ạt và lợi ích và quyền lợi của tất cả các tầng lớp xã hội đã không được tôn trọng."
Cơ bản hơn, công cuộc tư hữu hoá lớn này của Nga dựa trên sự tịch thu quyền tranh luận cần thiết của người dân. Trước đòi hỏi dân chủ hoá quyền kiểm soát một nền kinh tế đã bị thể chế quan liêu Xô viết chiếm đoạt chỉ có đề xuất duy nhất là giải pháp tư hữu hoá. Trong khi lý thuyết kinh tế chưa cho phép kết luận về tính hữu hiệu của các hình thức sở hữu khác nhau, những khả năng kết hợp sở hữu công, tự quản và sở hữu tư nhân các doanh nghiệp nhỏ chưa bao giờ được thảo luận.
Mặc dù quá trình tư hữu hoá đã không gây ra đối đầu xã hội toàn bộ, bất mãn này sẽ có dấu ấn xã hội lâu dài cho nước Nga. Trong những thăm dò ý kiến thì đại đa số người Nga cho rằng tư hữu hoá đã có tác động tiêu cực đối với đất nước họ và những người đã có hành động bất hợp pháp trong bối cảnh này phải được đưa ra trước công lý. Dù Vladimir Putin đã nhiều lần loại bỏ việc xét lại chính sách tư hữu hoá, vấn đề này vẫn rất hiện diện trong các cuộc tranh luận công cộng.
..........................
Đặng Đình Cung dịch
........................................
Bản dịch do dịch giả gửi