Sáng ngày 2/8 (giờ Washington), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lặng lẽ ký phê chuẩn dự luật mới trừng phạt Nga, Triều Tiên và Iran. Theo truyền thông Mỹ, khác với những lần ký các dự luật quan trọng trước, lần ký này đã không có một buổi lễ ký chính thức được tổ chức long trọng. Dự luật này đã được cả Hạ viện và Thượng viện của Quốc hội Mỹ thông qua vào tuần trước với số phiếu ủng hộ áp đảo gần mức tuyệt đối, đặc biệt thể hiện áp lực của Quốc hội đối với Tổng thống Trump trong mối quan hệ với Nga. Dự luật trừng phạt này nhắm tới các lĩnh vực quốc phòng, tình báo, khai thác mỏ, vận tải biển và đường sắt của Nga cũng như sẽ hạn chế giao dịch của các ngân hàng và công ty năng lượng Nga.
Sự bất lực của Trump
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã gọi các lệnh cấm vận mới của Mỹ là hành động “khai chiến thương mại toàn diện” chống Moscow, cho thấy sự bất lực của Tổng thống Donald Trump trước quốc hội. Ngày 2/8, CNN đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký phê duyệt gói lệnh trừng phạt Iran, Triều Tiên và Nga. Trước đó Ngoại trưởng Rex Tillerson tiết lộ ông chủ Nhà Trắng đã phải miễn cưỡng chấp nhận các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Viết trên trang Facebook cá nhân vào ngày 2/8 (giờ Nga), ông Medvedev tuyên bố “gói cấm vận” đã chấm dứt những hy vọng cải thiện quan hệ giữa Điện Kremlin và chính quyền Tổng thống Donald Trump. Cùng ngày, thư ký báo chí của Tổng thống Nga nhận định bước đi mới của chính quyền Mỹ chẳng thay đổi được tình hình hiện tại.
Dù quyết định sẽ được phê chuẩn dự luật, Tổng thống Trump vẫn bày tỏ hy vọng rằng Washington và Moscow sẽ vẫn hợp tác để giải quyết các thách thức toàn cầu. Tổng thống Trump tuyên bố: “Dù dự luật này còn nhiều vấn đề, nhưng tôi vẫn ký nó vì sự đoàn kết của quốc gia [của Mỹ]. Dự luật thể hiện mong muốn của người dân Mỹ được nhìn thấy Nga thực hiện các bước đi để cải thiện quan hệ với Mỹ”. Trump nói tiếp: " Tôi hy vọng hai nước sẽ hợp tác trong những vấn đề lớn của thế giới, để những biện pháp trừng phạt này trở nên không cần thiết". Sau khi ký dự luật trừng phạt mới, ông Trump có ý trách Quốc hội: “Bằng việc hạn chế tính linh hoạt của nhánh Hành pháp, luật trừng phạt mới này làm cho Mỹ khó khăn hơn trong việc đạt được các thỏa thuận có lợi cho người dân Mỹ. Đồng thời, dự luật này cũng sẽ đẩy Trung Quốc, Nga và Triều Tiên lại gần nhau hơn”.
Vì sao buộc phải ký lệnh?
Tổng thống Donald Trump buộc phải đặt bút ký lệnh trừng phạt Nga dù chỉ trích rằng lệnh này “có nhiều yếu tố vi Hiến” nhằm “trói tay trói chân ông”. ABC News dẫn lời ông Donald Trump khẳng định: “Dù ký thông qua việc sử dụng các biện pháp cứng rắn nhằm trừng phạt và răn đe những hành vi hiếu chiến và gây bất ổn từ Iran, Triều Tiên và Nga, nhưng tôi phải nói rằng, dự luật trừng phạt lần này có quá nhiều sai sót”. Tổng thống Mỹ cho biết, ông rất lo ngại về khả năng lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga sẽ “gây hiệu ứng domino” làm tổn hại các đồng minh châu Âu và cả chính các doanh nghiệp Mỹ. “Chính phủ Mỹ hy vọng, Quốc hội sẽ kiềm chế không sử dụng dự luật “đầy sai sót” này nhằm cản trở quan hệ hợp tác giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu nhằm giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine cũng như cản trở nỗ lực của Chính phủ Mỹ trong việc nỗ lực giải quyết những hệ lụy từ lệnh trừng phạt ông Donald Trump nhấn mạnh.
Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump cũng chỉ trích gay gắt “những yếu tố mang tính chất vi Hiến rất rõ ràng” trong lệnh trừng phạt nói trên bởi nó có liên quan trực tiếp đến quyền lực của Tổng thống trong việc định hình chính sách ngoại giao. Ông Donald Trump bày tỏ thái độ bất mãn thấy rõ với Quốc hội Mỹ khi tuyên bố: “Tôi có thể đạt được những thỏa thuận với các nước khác tốt hơn nhiều so với những gì mà Quốc hội đã làm”. Sự bất mãn của ông Donald Trump xuất phát từ việc dự luật trừng phạt mới giới hạn đáng kể khả năng Tổng thống Mỹ có thể nới lỏng hoặc dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga mà không được Quốc hội Mỹ chấp thuận. Theo ông Donald Trump điều này “vi phạm nghiêm trọng đến quyền lực của nhánh hành pháp”. “Bằng cách giới hạn tính linh hoạt của nhánh hành pháp, dự luật này đã khiến Mỹ trở nên khó khăn hơn trong việc đạt được những thỏa thuận có lợi hơn cho người dân Mỹ và đẩy Trung Quốc, Nga và Triều Tiên xích lại gần nhau hơn. Hiến pháp Mỹ trao quyền quyết định các vấn đề ngoại giao cho Tổng thống và dự luật mới này sẽ cho thấy sự lựa chọn đó là rất khôn ngoan”, ông Donald Trump tuyên bố.
Cùng chung quan điểm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Adam Smith, Giám đốc phụ trách đa phương trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Barack Obama, nhận định, dự luật trừng phạt của Quốc hội Mỹ là “chưa từng có tiền lệ nhằm trói chặt tay Tổng thống”. Dù vậy, theo ông Adam Smith, chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn có thể “lách qua” dự luật này thông qua việc diễn giải và thực thi dự luật đó theo hướng có lợi cho họ dù rất khó khăn. “Chính phủ Mỹ có thể chơi trò “câu giờ”. Họ không cần phải công khai tỏ thái độ không tuân thủ dự luật nói trên. Tổng thống có thể đề ra những sắc lệnh phù hợp với chính sách ngoại giao mà ông ấy mong muốn mà vẫn đảm bảo không đi quá giới hạn lệnh trừng phạt nhằm vào Nga”, ông Adam Smith nói thêm.
Nga dọa sẽ trả đũa
Trước khi Tổng thống Mỹ đặt bút ký vào lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, Điện Kremlin đã yêu cầu phía Mỹ cắt giảm khoảng 60% nhân sự làm việc trong các cơ sở ngoại giao của Mỹ tại Nga. Chính vì thế, ngay sau khi ông Donald Trump ký thông qua dự luật nói trên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov rất tự tin tuyên bố: “Đáp trả ư? Chúng tôi đã tiến hành các biện pháp đáp trả rồi”. Ông Peskov cũng đe dọa rằng, Nga luôn sẵn sàng cho mọi động thái khác của Mỹ. Trong khi đó, Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev lại chĩa mũi dùi vào chính quyền của Tổng thống Donald Trump: “Hy vọng về việc cải thiện quan hệ Nga-Mỹ giờ đã chấm dứt. Chính quyền của ông Donald Trump đã cho thấy sự bất lực của mình khi giương cờ trắng đầu hàng Quốc hội Mỹ theo cách đáng hổ thẹn nhất”.
Cùng chung quan điểm này, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebeznya cho rằng: “Tổng thống Donald Trump đã thua trong cuộc đấu trí với Quốc hội Mỹ. Dù không hài lòng về dự luật mới này, ông ấy cũng không còn cách nào khác là ký vào dự luật đó”. Dù vậy, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebeznya bày tỏ tin tưởng Nga và Chính phủ Mỹ vẫn sẽ “tìm được tiếng nói chung” trong những vấn đề quan trọng: “Chúng tôi sẽ không ngừng tìm ra các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác với các đối tác, trong đó có Mỹ. Những người đề xuất dự luật này nghĩ rằng họ có thể buộc Nga phải thay đổi chính sách của mình nhưng họ đã nhầm. Họ cần phải hiểu rằng, chúng tôi sẽ không bao giờ chịu “khom lưng quỳ gối”, chúng tôi cũng sẽ không bao giờ để họ bẻ gãy ý chí của mình”.
Dự luật vừa ký cũng giới hạn quyền hạn của Tổng thống Trump trong việc nới lỏng các lệnh trừng phạt ấy, bằng cách yêu cầu phải có sự ủng hộ của Quốc hội khi Tổng thống Mỹ muốn dỡ bỏ nội dung trừng phạt nào đó. Ví dụ, Tổng thống Trump sẽ cần sự thông qua của Quốc hội nếu muốn bãi bỏ các biện pháp trừng phạt có từ thời chính phủ tiền nhiệm của ông Obama. Ông Trump cũng sẽ phải có sự ủng hộ của Quốc hội mới có thể trả lại các khu nhà ngoại giao của Nga mà chính quyền ông Obama đã tịch thu và phong tỏa.
Hạ viện Mỹ đã nhất trí thông qua dự luật áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga với kết quả ít nhất 419 phiếu thuận và chỉ có 3 phiếu chống. Dư luận cho rằng động thái này là một bước lùi nguy hiểm cho mục tiêu khôi phục quan hệ song phương Mỹ-Nga mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đang nỗ lực hướng tới. Trước đó, giới chính trị gia Mỹ đồn đoán Tổng thống Donald Trump sẽ phủ quyết dự luật này. Hãng RIA Novosti dẫn lời người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders cho biết: “Tổng thống Donald Trump đã đọc các bản dự thảo trước đó của dự luật và thương lượng về các yếu tố quan trọng của nó. Tổng thống đã xem xét phiên bản cuối cùng và căn cứ trên các thay đổi tương ứng, ông đã quyết định sẽ phê duyệt dự luật và ký thành luật”.
Trước đó, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật trừng phạt Nga, Iran, Triều Tiên và hạn chế khả năng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Moscow của Nhà Trắng, với tỷ lệ phiếu 98-2. Kết quả bỏ phiếu của Thượng viện Mỹ đã đẩy Tổng thống Trump vào “ngõ cụt”. Ký dự luật, ông Trump phải từ bỏ mong muốn xây dựng mối quan hệ thân thiện hơn với Nga. Nhưng nếu không ký, uy tín trong đảng Cộng hòa và cả nước Mỹ sẽ ngày càng xuống dốc. Các lệnh trừng phạt mới nhắm đến các cơ quan quốc phòng, tình báo, khai thác mỏ, dịch vụ vận chuyển và đường sắt của Nga, cũng như hạn chế các giao dịch với các ngân hàng Nga và các công ty năng lượng. Tổng thống Putin tuyên bố, Nga đang nhẫn nại với các biện pháp trừng phạt này, nhưng theo thời gian, Moscow sẽ buộc phải đáp trả lại thái độ “ngạo mạn” từ Washington.
Trước khi ký một ngày, Tổng thống Donald Trump vẫn hết sức do dự trong việc ký trừng phạt Nga. Điều này cho thấy đang có sự chia rẽ giữa Quốc hội và Nhà Trắng trong vấn đề ngoại giao với Nga. Trong những ngày cuối tháng 7 vừa qua, lưỡng viện của Mỹ sục sôi trong không khí chống Nga mà đỉnh cao là việc đưa ra dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Dự luật này nhằm mục đích trừng phạt Moscow vì can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 để hạ bệ ứng cử viên Hillary Clinton, đồng thời dọn đường cho ông Trump vào Nhà Trắng. Kết quả biểu quyết cho thấy có sự đồng thuận gần như hoàn toàn ở cả hai viện trên vấn đề trừng phạt Nga. Dự luật đã được thông qua ngày 25/7 ở Hạ viện với 419 phiếu thuận và 3 phiếu chống và ở Thượng viện ngày 27/7 với 98 phiếu thuận và 2 phiếu chống. Thông thường, với những điều khoản được cả 2 viện thông qua với tỉ lệ cao như vậy thì các tổng thống Mỹ sẽ lựa chọn việc ký thông qua sớm. Tuy nhiên, lần lữa đến phút chót, ông Trump vẫn chưa ký dự thảo đã đặt lên bàn làm việc của ông trong Nhà Trắng./.