Thế nhưng thật trớ trêu, “người tính không bằng trời tính”, trong suốt thời gian chuẩn bị và tiến hành Đại Hội 19, các thành phố lớn nhỏ, kể cá Bắc Kinh không hề xẩy ra vụ việc bất ngờ nào, tầng cao Trung Cộng đã hoàn thành thuận lợi một lần chuyển giao quyền lực, Tập Cận Bình trở thành người thắng cuộc lớn nhất. Thế mà, ngày 10/11/2017, trong lúc Trump đang thăm TQ, lại xẩy ra vụ cháy ở trấn Lý Kiều, Khu Thuận Nghĩa - Bắc Kinh, Tập không vừa lòng và nói “đám lửa này là đốt cho ai xem đây ?” Không dừng lại đó, tiếp theo, ngày 18/11/2017 (đúng một tháng sau ngày khai mạc Đại hội 19) lại xẩy ra vụ cháy lớn ở khu nhà cho thuê thuộc Khu Đại Hưng - Bắc Kinh, làm 19 người tử vong, trong đó có 8 trẻ em, chưa kể số bị thương (theo tin dân nói, số bị thương vong trên 40 người). Cũng trong thời điểm này, báo chí lại đưa tin rộ lên vụ bạo hành trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em ở nhà trẻ “3 màu Hồng Hoàng Lam” thuộc Khu Triều Dương - Bắc Kinh, nằm trong chuỗi nhà trẻ của Tập đoàn kinh doanh vườn trẻ lớn, phục vụ cho con cháu các đại gia quyền quí, có đăng ký lên sàn chứng khoán ở Mỹ, có trụ sở ở Hồng Kông. Lại tiếp tin Thượng tướng Trương Dương đang trong lúc điều tra, lại tự sát một cách bí hiểm. Lại tin, Mỹ ngừng cuộc đối thoại thương mại Mỹ Trung đã định trước; rồi chính sách giảm thuế của Trump được Quốc hội Mỹ thông qua. Kim Chơng Ủn lại tiếp tục phóng tên lửa, v.v… Đều là những tin, những sự kiện chẳng tốt lành gì, lại xẩy ra vào tháng đầu mở màn, khai cuộc, triển khai các nội dung, mục tiêu Đại Hội 19.
Trong đó gây chấn động nhất là sau vụ hỏa hoạn gây chết người ở Khu Đại Hưng.
Sau khi vụ việc xẩy ra, đương cục một mặt phong tỏa tin tức, mặt khác, nhân vụ cháy này, lấy cớ để bảo vệ an toàn cho thành phố, Thái Kỳ - Bí thư Thành ủy Bắc Kinh đã họp bố trí “Hành động chuyên đề đại kiểm tra, đại thanh lý, đại chỉnh đốn xử lý ẩn hoạn an toàn toàn thành phố”, yêu cầu toàn thành phổ kiểm tra loại bỏ kiểu rải thảm. Kiểm tra giấy tờ tùy thân, nếu đúng là người ngoại tỉnh đến, là phải đuổi ra khỏi nhà ngay ! Thái Kỳ phê phán gay gắt quan chức, biện pháp không đủ rắn, không quyết đoán, không kiên quyết, không thấy đây là một “cuộc công kiên chiến” không thể mềm ý chí và hành động và mệnh lệnh rõ ràng với các quan chức làm nhiệm vụ là phải thể hiện rõ cứng rắn, tức là phải “chân đao chân thương, phải là dao đâm thấy đỏ, là dám lấy rắn chọi lại rắn !” Trần Cát Ninh - Quyền Chủ tịch thành phố yêu cầu phủ khắp, không có vùng mờ, góc chết, xác định một khu phạm pháp, dỡ bỏ ngay khu kiến trúc phạm pháp đó, một khu xí nghiệp xác định là phạm pháp phạm qui và không phù hợp điều kiện an toàn, là đóng cửa ngay khu xí nghiệp đó, các ngành nghề có trạng thái ẩn hoạn an toàn nổi cộm buộc phải rời khỏi Bắc Kinh. Cuộc hành động này tiến hành trong 40 ngày (tính đến 30/12/2017, hết năm dương lịch) là kết thúc.
Đương cục Bắc Kinh triển khai ngay sau khi Bí thư Thành ủy trực tiếp chỉ đạo, tiến hành xua đuổi cái gọi là “đê đoan nhân khẩu” ( dân chót dưới, dân tầng đáy; các văn bản tiếng Anh được dịch là “Low-end population”) khó tính được con số chính xác ra khỏi nhà ở, phải ra ngoài đường, góc phố, dưới trời đông băng tuyết Bắc Kinh, với thời hạn hết sức ngặt nghèo, chỉ sau 3 tiếng đồng hồ, một số trường hợp sau 3 ngày bản thân, người thân, con cái và mọi tư trang, vật dụng không dọn ra khỏi nhà sẽ cắt hệ thống cung cấp điện, nước, sưởi ấm. Chủ cho thuê nhà cũng không kịp thanh toán lại tiền thừa thuê nhà theo hợp đồng cho người bị xua ra khỏi nhà. Không chỉ ở Khu Đại Hưng, mà ở hầu hết các Khu của thành phố. Trong đó chỉ tính 9 Khu đã có trên dưới 120 điểm dân bị xua đuổi ra ngoài đường, như Khu Triều Dương có 35 điểm, Khu Đại Hưng có 18 điểm.
Đương cục đã huy động lực lượng cảnh sát đặc biệt, công an, quân nhân phục viên, dân phòng, cán bộ đảng nhà nước, tổ chức thành từng tổ một, tay cầm dao búa, gậy gộc, nửa đêm đột kích vào nhà, gây náo loạn, gặp gì đập phá nấy, gặp nồi niêu, đập phá nồi niêu, gặp hành lý, vất ném hành lý ra đường, v.v…
Những hành động này là thực hiện theo kiểu chỉ đạo “3 chiêu” của Bí thư Khu ủy Khu Phong Đài – Uông Tiên Vĩnh. Trong khi chỉ đạo tại hiện trường, Uông yêu cầu bộ hạ khi thực hiện phải Rắn, Mạnh, Nhanh.
Chiêu thứ nhất - THỰC ĐỊA, yêu cầu mọi cán bộ lãnh đạo các cấp là phải xuống hiện trường, làm việc tại chỗ, tại tuyến một.
Chiêu thứ hai - RẮN, MẠNH, yêu cầu các bộ môn công an, dân phòng, chấp pháp, Viện Kiểm sát, Cấp ủy đảng, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật, cơ quan Tổ chức, Tuyên truyền phối hợp tốt với nhau để RẮN ! Chiêu Rắn nhất là hễ dính đến nguy hại an toàn công cộng là bắt ngay bản thân người đó.
Chiêu thứ Ba – NHANH, tức là không thể chờ đợi, mà là làm liền, làm ngay, không đợi văn bản trên gửi xuống, không đợi họp, báo lên báo xuống. Hôm nay bắt đầu dỡ là dỡ ngay, không đợi ngày mai, càng kéo ra là càng đêm dài lắm mộng.
Uông còn nói tiếp, làm tốt công tác thanh lý, chỉnh đốn Dỡ (phá nhà), Đóng (xí nghiệp, cửa hàng, v.v..), Ngừng (cung cấp điện, nước, sưởi ấm), Khu ủy là hậu thuẫn mạnh mẽ của cơ sở; Thành ủy là hậu thuẫn mạnh mẽ của Khu ủy, Trung ương đảng và Nhân đại toàn quốc là hậu thuẫn mạnh mẽ của Thành ủy !
Uông Tiên Vĩnh đưa ra 3 chiêu này, nên được gọi là “Bí thư 3 chiêu”, nói trắng ra là, cái gọi là chiêu Thực, là xua hết các quan chức xuống tuyến một để thay quan trên tiến hành xua đuổi dân, trở thành kẻ thù của dân; cái gọi là chiêu Rắn, kỳ thực là “Rắn” với dân chúng bị xua đuổi, thậm chí không tiếc dùng đến lực lượng cảnh sát và thủ đoạn luật pháp để chỉnh trị họ; cấm giới kinh doanh nhà trọ cho những người dân tầng đáy thuê nhà, dù đã cho thuê vào ở, cũng phải đuổi ra ngay. Cái gọi là chiêu Nhanh, là bất chấp điều kiện đời sống cơ bản, môi trường thiên nhiên và lợi ích thiết thân của người dân, để nhanh chóng xua đuổi dân ra khỏi nhà, khỏi thành phố, còn dân đi đâu về đâu, sống chết ra sao không cần biết.
Không những thế, mà còn có sự phối hợp với các địa phương xung quanh thành phố Bắc Kinh không tiếp nhận những người dân bị Bắc Kinh xua đuổi đi, gồm 28 thành, thị của Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông, Sơn Tây, Thiên Tân và hai Thị trực thuộc Bắc Kinh. Theo ước tính chỉ trong 3 ngày 26, 27 và 28/11 vừa qua Bắc Kinh đã xua đuổi trên dưới 3 triệu 20 vạn dân tầng đáy ra khỏi nhà. (Tổng số dân ngoại tỉnh đến sống và làm ăn ở Bắc Kinh khoảng 8 triệu người= khoảng 30% tổng dân số Bắc Kinh.)
Sau Bắc Kinh, một số thành phố khác cũng đang lần lượt thực hiện xua đuổi “dân tầng đáy” ra khỏi thành phố, như Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến - Quảng Đông, Phúc Kiến, Ninh Ba - Triết Giang…
Kết hợp với việc xua đuổi dân tầng đáy ra khỏi thành phố, còn đuổi các cơ quan, đơn vị, tổ chức không thuộc công năng hạt nhân thành phố cũng phải chuyển dọn ra khỏi thành phố. Tiến hành tháo dỡ hết tất cả (đã lên đến mấy vạn tấm biển bị tháo dỡ) các biển hiệu, biển quảng cáo, trước nhà, trên trần nhà, mái nhà, trên mọi công trình kiến trúc, bất kể của cơ quan nào, từ trường học, bệnh viện, cơ quan chính phủ, quân đội, bất kể những biển hiệu, đề từ do ai viết (như một số do Đặng Tiểu Bình viết trước đây). Tiếp tục tiến hành xây bịt các cổng, cửa mở ra đường phố của các cửa hàng ăn, uống, tiệm cà phê, cắt tóc, dịch vụ sửa chữa, tiệm may nhỏ, v.v…(Chính quyền Bắc Kinh tuyên bố năm 2017 phải bịt cửa của 16.000 cửa hàng các loại) Chưa kể việc cấm đốt than tổ ong để sưởi ấm một cách gay gắt, với lý do để tránh ô nhiễm không khí, để bầu trời Bắc Kinh trong xanh (?) Ai đốt sẽ bắt ngay người đó, nhà nào có khói bay lên là vào giật lấy lò bếp và phá dỡ ngay nhà đó, trong khi hệ thống sưởi nóng bằng khí đốt thiên nhiên đang trong quá trình thi công, càng tăng thêm bức xúc cho người dân, đã có trường hợp người già chết rét.
Đằng sau một cuộc xua đuổi người dân tầng đáy và các việc phá dỡ với qui mô lớn, rộng khắp, gấp gáp, quyết liệt, triệt để, tàn nhẫn, bất nhân, vô thiên vô pháp vô đạo, đầy bạo lực, chấn động xã hội trong nước và dư luận quốc tế, có một không hai trên thế gian này như vậy đang ẩn chứa bao nhiêu vấn đề cần lý giải ? Phải chăng đây cũng là một trong các “đặc sắc của chủ nghĩa xã hội TQ” cần lý giải ?
1) Tại sao lại có cuộc xua đuổi dân tầng đáy vào lúc này, với những biện pháp cứng rắn như vậy ? Có mấy cách giải thích :
- Có ý kiến cho rằng, đây không phải là một hành động bột phát của Thái Kỳ, mà là nằm trong chiến lược giải quyết vấn đề dân số quá tải của Bắc Kinh gắn với xây dựng công trình “thiên niên kỷ Hùng An”. Tháng 3/2017, đương cục Bắc Kinh công bố trong dự thảo qui hoạch tổng thể thành phổ thời kỳ 15 năm tới đã đề ra con số qui mô dân số Bắc Kinh năm 2020 cần khổng chế ở mức 23 triệu người, ép buộc người ngoại tỉnh rời khỏi Bắc Kinh đã tiến hành nhiều cách xua đuổi. Cuối tháng 12/2016 công bố giới hạn trên dân số khu hạt nhân Bắc Kinh, 5 năm tới khu Đông, Tây thành phố cần giãn đi 30 vạn người với các giải pháp khác nhau ở mỗi khu, như cách đang làm hiện nay là kinh khủng người nhất. Từ năm 2016 đến nay, khu Thạch Cảnh Sơn bằng cách đóng cửa, đình chỉ hoạt động của 22 vườn trẻ phi pháp, thanh lý 139 không gian ngầm, dỡ bỏ 672 nhà cho thuê, v.v… dân thường trú trong khu năm 2016 đã giảm 170.000 người so với trước, thời gian tới sẽ tiếp tục xử lý 480 điểm. Khu Thuận Nghĩa di chuyển 50 xí nghiệp ô nhiễm kèm theo gần 3.000 người chuyển đi theo. Khu Phong Đài thực hiện “lấy nhà quản người”, “lấy chứng minh thư quản người”, “lấy ngành nghề quản người”, xác định mục tiêu đến năm 2020 giảm 15% dân thường trú so với năm 2014. Trong các báo cáo này không thấy nêu lên biện pháp giải quyết chỗ ở mới và công ăn việc làm mới của những người bị chuyển đi như thế nào.
Nhưng tại sao, lần này thành phố lại làm tập trung quyết liệt như vậy ?
- Có ý kiến cho rằng, có thể do câu nói của Tập Cận Bình “đám lửa này đốt cho ai xem đây ?” lại tiếp đến vụ hỏa hoạn gây chết người ở Đại Hưng, đã tạo sức ép cực lớn đối với Thái Kỳ; mặt khác để triển khai tinh thần Đại hội 19 thực hiện mục tiêu xã hội khá giả, hiện đại hóa toàn diện của giai đoạn đầu, từ nay đến 2035, tức là xã hội không còn người nghèo đói, bộ mặt thành phố phải tỏ ra là hiện đại, không nhếch nhác những ngõ ổ chuột của những con người bẩn thỉu, bê tha, lang thang, không chính danh dân thủ đô (không có hộ khẩu thủ đô). Thái Kỳ là đại diện “quân nhà Tập”, tại Đại hội 19 là người giương cao ngọn cờ sùng bái cá nhân đối với Tập Cận Bình, tung hô Tập là “tân cường nhân”, là “lãnh tụ anh minh vĩ đại” sau Mao, Thái Kỳ đã ngộ nhận rằng “không thể có nhược binh” dưới “tướng mạnh”, dưới “lãnh tụ anh minh vĩ đại”, tự cho mình phải thể hiện là một “cường binh”, phải đi trước một bước thực hiện mục tiêu “giấc mộng Tập Cận Bình” để không phụ lòng đồng hương, là thân tín của Tập, đã được Tập cất nhảy lên 3 bậc tại Đại hội 19 vừa qua (trong 5 năm từ một Phó Chủ tịch tỉnh Triết Giang, bỏ qua ủy viên TW dự khuyết, ủy viên TW chính thức, ủy viên dự khuyết Cục chính trị, nhảy tót lên ủy viên chính thức Cục chính trị). Nhân vụ hỏa hoạn, lấy cớ bảo đảm an toàn thành phố, đã triển khai cuộc xua đuổi con người, các tổ chức, cửa hàng, tiệm ăn, đơn vị dịch vụ, phá dỡ công trình kiến trúc, v.v… không phù hợp tiêu chí “thành phố hiện đại khá giả” theo quan niệm của Thái Kỳ ra khỏi thành phố, đồng thời triển khai việc chỉnh trang thành phố ồ ạt cùng một lúc, trươức khi bước sang năm mới 2018.
Con gà hơn nhau tiếng gáy, Bắc Kinh đi trước, chẳng nhẽ Thượng Hải, Quảng Châu, Phúc Kiến, Triết Giang (những nơi lãnh tụ Tập đã từng công tác trước đây) và nay đều là “quân nhà Tập” nắm cả mà lại không hành động, đi sau sao được, nên đã có lực lan tỏa rất nhanh.
- Cũng có tin đưa, năm 2014, Tập Cận Bình đi thị sát Bắc Kinh đã đề ra Bắc Kinh chỉ giữ lại 4 công năng hạt nhân lớn là Trung tâm chính trị, Trung tâm văn hóa, Trung tâm quan hệ quốc tế, Trung tâm sáng tạo mới khoa học công nghệ toàn quốc, còn các thứ khác không thuộc công năng hạt nhân thủ đô nhất loạt phải dời đi. Mặc dầu việc phân loại theo công năng này có khoa học hay không khoa học chưa bàn đến, nhưng thực hiện việc di dời mọi thứ không thuộc công năng thủ đô không dễ, lại càng không thể làm trong một chiến dịch ngắn, nhưng nhân lúc xẩy ra vụ hỏa hoạn lớn ở Đại Hưng, vẫn triển khai xua người, phá dỡ các công trình được cho là phi pháp để một mặt chứng tỏ chấp hành mệnh lệnh của Tập, làm vừa lòng Tập và mặt khác để phủi trách nhiệm, che lấp thủ phạm để xẩy ra vụ hỏa hoạn gây chết người nghiêm trọng ở Đại Hưng của cao quan thành phố.
- Có nhiều ý kiến khó lý giải, là tại sao Trung Cộng lại xua đuổi dân tầng đáy, nhất là lại xua đuổi vào thời điểm này ? Hàng hóa TQ có sức cạnh tranh cao trên thị trường chính là nhờ vào ưu thế giá lao động rẻ mạt của những con người này. Nhất là, họ là lực lượng thực hiện cái được tự nhận là “4 phát minh mới lớn TQ ?” đang rất tự hào là “mua bán qua mạng” hiện nay. Nhưng mong muốn nhiều lắm của họ chỉ là có công ăn việc làm, đảm bảo ăn no mặc ấm, được sống yên ổn là mãn nguyện lắm rồi. Họ không phải là lực lượng giành giật mất quyền lợi của tầng lớp quyền quí, của người bản địa thành phố. Họ không hề làm tăng gánh nặng chi phí phúc lợi của thành phố. Họ cũng không hề gây ra mất ổn định thành phố. Hơn nữa, chính những con người này là lực lượng tin vào đảng cầm quyền nhất, đảng cầm quyền dễ thuần phục họ nhất. Trừ khi số lớn họ bị thất nghiệp, bị đối xử quá bất công, quá tồi tệ, cướp mất quyền được sống yên ổn của họ, họ mới đấu tranh, nhưng họ là thế yếu, cũng không thể đấu lại được với đảng cầm quyền “đang mạnh lên” này, như vụ dân Ô Khảm đã chứng minh điều này. Vậy tại sao Trung Cộng lại vung dao vào cổ họ ? nhất là lúc này ? Phải chăng kinh tế, xã hội TQ đang trên đà đổ vỡ sắp tới ? Như trước sau Đại hội 19, Chu Tiểu Xuyên, nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước TW hiếm thấy công khai đưa ra cảnh báo về nguy cơ của thời điểm “minsky” của kinh tế và khủng hoảng kim dung, nợ xấu sắp tới. sẽ dẫn đến một loạt vấn đề xã hội. Các quan chức Trung Cộng coi đó là tín hiệu báo động sắp tới kim dung đổ vỡ, kinh tế đổ theo. Nếu xẩy ra như thế thì số lượng dân thất nghiệp tăng lên và nhiều hệ lũy khác sẽ xẩy ra, lại cộng thêm số dân tầng đáy khổng lồ, sẽ dẫn đến tình thế khó lường. Vì vậy cần khẩn trương chủ động đi trước một bước việc giải quyết vấn đề dân tầng đáy, tựa như mức nước hồ đập thủy lợi đã quá ngưỡng an toàn, phải xả mạnh nước trước khi cơn mưa bão lớn đổ xuống ?
Những lý giải này cũng chỉ là suy đoán, còn lý do thực sự ngoài đương cục cầm quyền ra, không ai có thể hiểu rõ được thực chất của vấn đề.
Ngay như Giáo sư Tôn Lập Bình của Đại học Thanh Hoa cũng không hiểu nổi tại sao lại xẩy ra những việc tầy trời như vậy ? đã được quyết định như thế nào ? dựa trên những cơ sở được tính toán kỹ lưỡng như thế nào ? Do ai quyết định, quyết định theo cơ chế nào? Ai chịu trách nhiệm về quyết định…? Căn cứ luật pháp nào để quyết định ? Vì mọi vấn đề trong cuộc sống đều có căn cứ luật pháp mới tồn tại, mới vận hành được, như người dân muốn đến ở hoặc cho thuê ở là thực hiện theo luật cho thuê nhà; treo đặt các biển hiệu, biển quảng cáo cũng vậy, nếu không căn cứ qui định nào của thành phố, làm sao treo lên được ? Vậy muốn đuổi dân đi, muốn dỡ bỏ biển nọ biển kia là dựa vào những điều luật nào ? không thể bất chấp luật pháp làm loạn lên được. Hơn nữa là đụng đến tài sản của người ta, đụng đến an toàn nhân thân người ta, luật nào bảo vệ họ lúc này đây ? Thế lực nào, từ đâu đến mà dám làm càn như vậy ? Ai đứng bảo kê đằng sau ? Chẳng nhẽ thành phố chúng ta, xã hội chúng ta không có cơ chế bảo vệ giữ gìn trật tự xã hội, bảo vệ giữ gìn sự yên ổn, an lành cuộc sống của người dân ? Đó là những câu hỏi, vấn đề mà Giáo sư Tôn Lập Bình cũng không thể hiểu nổi, giải thích nổi ? Thật đáng sợ ! phải không ?
2) Những vấn đề lộ ra qua “cuộc chiến công kiên” này của Thái Kỳ.
Các nhà theo dõi tình hình Trung Quốc, đã có những nhìn nhận từ nhiều tầng diện khác nhau :
Xét về mục tiêu chính trị, tại Đại hội 19 đề ra “từ nay đến 2010 là thời kỳ quyết thắng xây dựng toàn diện thành xã hội khá giả”, đặt cơ sở cho 15 năm tiếp theo “cơ bản thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa đặc sắc TQ thời đại mới”. Như vậy chỉ còn 3 năm, làm sao thực hiện được ? Phải chăng để triển khai thực hiện mục tiêu này của Đại hội, nên đã dùng các biện pháp “Cứng, Mạnh, Nhanh” để thực hiện. Đồng thời qua đó đã lộ ra :
- Quan niệm về nội hàm “xây dựng” “toàn diện xã hội khá giả” là bằng cách “loại bỏ ra ngoài” những thành tố “không hiện đại”, “không khá giả” một cách cơ học, chứ không phải bằng nhiều biện pháp về kinh tế, xã hội, dân sinh để chuyển hóa những thành tố chưa hiện đại, chưa khá giả lên hiện đại và khá giả.
- Coi bộ phận dân này không những không phải là người dân của thành phố, thành phố không có trách nhiệm về mọi mặt, trước hết là công ăn việc làm, bảo đảm cuộc sống tối thiểu đối với họ, mà còn coi họ như là một thứ vật dụng (Trong mấy chục năm qua, họ là lực lượng chủ yếu xây dựng nên những cơ ngơi đồ sộ, làm thay đổi bộ mặt thành phố để cho những tầng lớp quyền quí thành phố thụ hưởng như hiện nay), khi không còn cần sử dụng nữa thì vất đi như vất rác. Cách làm này, như nhà phân tích Lâm Bảo Hòa nói, Bắc Kinh không cần đến 3 năm, mà chỉ trong 3 ngày là có thể bắt đầu từ cơ sở xã hội khá giả này để cơ bản thực hiện hiện đại hóaXHCN !
- Số phận nghèo hèn của bộ phận dân này không phải do họ gây nên, mà chính là do các thể chế chính trị, thể chế kinh tế xã hội của đảng cầm quyền tạo ra. Đó là chế độ hộ khẩu phân biệt nông thôn với thành thị. Mặc dầu những con người này cả cuộc đời đã sống và cống hiến cho sự phát triển phồn vinh và đem lại sức sống của thành phố, nhưng họ vẫn không phải là dân thành phố, không những không được thụ hưởng chút nào về những thành quả của thành phố mà họ đóng góp, mà còn bị miệt thị, coi là dân tầng chót của xã hội, bị đẩy vứt ra rìa xã hội. Đó là chế độ sở hữu ruộng đất. Họ vào thành phố làm ăn, ruộng đất ở quê nhà không còn là của mình nữa, khi thành phố đuổi đi, cũng không thể về quê, không còn đất để cày bừa, không còn nhà ở. Vậy đi đâu bây giờ ? Mấy ngày qua một số tổ chức từ thiện đứng ra giúp họ, thì bị nhà nước cấm các tổ chức này, không được làm ! Sâu xa hơn là đường lối công nghiệp hóa, đô thị hóa theo mô thức “nhị nguyên” lỗi thời của thời kỳ công nghiệp hóa chủ nghĩa tư bản trước đây, tức là chỉ bòn rút mọi tài nguyên, nhân lực từ nông nghiệp, nông thôn, nông dân để tập trung xây dựng, phát triển cơ sở vật chất, tinh thần, các khu công nghiệp, văn hóa, xã hội hiện đại các thành phố, để lại một nông thôn rổng ruột, nghèo nàn, lạc hậu mọi mặt. Còn đường lối đô thị hóa, chỉ chú trọng đô thị hóa, hiện đại hóa về cơ sở vật chất, bỏ qua đô thị hóa hiện đại hóa về con người. Đường lối này tuy có vẻ rất lôi cuốn, nhưng thực chất không còn con đường nào khác khi nông thôn quê mình khô mòn dần từng ngày, những nhân lực trẻ khỏe ở nông thôn, ở các vùng kém phát triển buộc phải đổ về các thành phố phát triển ven biển từ Thâm Quyến, Quảng Châu đến Thượng Hải lên tận Thiên Tân, v.v… để mưu sinh cho bản thân, để thực hiện đô thị hóa hiện đại hóa phần cứng, vật chất cho thành phố, nhưng họ lại không được đô thị hóa, hiện đại hóa bản thân, để chuyển hóa thực sự, đổi đời đi lên thực sự là một thành viên trong con số thành tích về thành thị hóa về dân số của đương cục cầm quyền, thực sự hòa nhập vào mọi sinh hoạt, tổ chức chính trị, văn hóa, xã hội thành phố, không cắt đứt được thân phận “nông dân công”, “dân ngoại tỉnh”, “dân ngụ cư”, thậm chí lại “đổi đời đi xuống”, chuyển thành “dân tầng đáy” đầy miệt thị, sỉ nhục.
Sở dĩ có đội quân “đê đoan nhân khẩu” hùng hậu này ở các thành phố, không phải do họ tự tạo ra, mà chính là do đường lối, mô thức phát triển, thể chế, chế độ quản lý xã hội lạc hậu, lỗi thời của đảng cầm quyền trong thời gian dài tạo ra. Nhưng để giải quyết vấn đề này họ lại không bắt đầu chỉnh sửa những vấn đề này, mà lại bằng những biện pháp duy ý chí, bất chấp khoa học, bất chấp pháp luật, bất chấp đạo lý, mà còn là bất nhân, bá đạo hơn cả thời giặc Nhật xâm chiếm trước đây, như người dân bị đuổi ca thán.
Xét về mặt kinh tế, bộ phận con người này, tuy không được nhà cầm quyền coi trọng, nhưng lại là bộ phận cấu thành không thể thiếu trong sự kết nối các khâu của quá trình vận hành các mặt hoạt động đời sống kinh tế xã hội của thành phố. Có thể nói, không có họ, các mặt hoạt động trong đời sống kinh tế, xã hội bị ngưng trệ ngay. Như vừa rồi, hoạt động chuyển phát nhanh bị ngưng trệ, không ít kho hàng ứ đọng không ai chuyển đến cho khách hàng. Các hoạt động dịch vụ thường ngày về cung cấp nước khoáng, dọn rác, giặt là, cắt tóc, làm đầu, phục vụ ăn sáng, ăn đêm, các dịch vụ sửa chữa xe cộ, điện nước, v.v… đều bị ngừng nghỉ. Đây là chưa kể, các công trình đang xây dựng phải ngừng, vì thiếu thợ. các khu chợ, các kho hàng, thiếu người bốc dỡ chuyên chở hàng, và nhiều khâu dịch vụ đa dạng, manh mún khác trong đời thường đều là do những con người này thực hiện đang bị đứt đoạn. Như số liệu các nhà kinh tế đưa ra, tỷ lệ số người từ 25 đến 54 tuổi trong người bản địa Bắc Kinh chỉ 40%, còn trong số người ngoại tỉnh đến là 62,6%. Xét từ góc độ kinh tế, nhà kinh tế học Tom Orlik nói, người ngoại tỉnh họ đem sức lao động của họ đặt vào nơi sức sản xuất cao nhất là ở các thành phố là rất đúng. Như bình quân thu nhập năm của một nông dân công Hắc Long Giang làm ở Bắc Kinh là 81.100 nhân dân tệ, cao hơn làm ở quê nhà đến 66% (48.900 nhân dân tệ). Cho dù như vậy, Bắc Kinh thuê người ngoại tỉnh vẫn rẻ hơn người bản địa Bắc Kinh. Nếu người ngoại tỉnh giảm thấp xuống, nhất định sẽ dẫn đến giá cả các mặt dịch vụ gia đình, xây dựng, ẩm thực, v.v… tăng lên cao hơn nữa, mà hiện nay tỷ suất lạm phát của TQ đang ở điểm cao nhất trong 6 năm qua. Rõ ràng là tình trạng cảnh sát ngăn cản 180 triệu người ngoại tỉnh đứng chân lâu dài ở thành phố, người trong độ tuổi làm việc giảm mạnh, tất sẽ dẫn đến kinh tế Trung Quốc càng nhanh lùi xa quĩ đạo phát triển bền vững. Các quan chức ngồi trên tầng cao, đâu có biết lực lượng nào thực hiện việc cung cấp phục vụ đầy đủ kịp thời mọi nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày cho mình. Chính những vi mạch ly ty này lại có tính quyết định đến sự sống, sức sống của xã hội nói chung, của một thành phố nói riêng, của một gia đình quan chức, một tầng lớp tầng cao nói cụ thể.
Xét về mặt xã hội, bộ phận những con người này, không phải sống rời rạc từng cá thể, mà đã hình thành những quần thể, những khu ở tập trung kiểu “thôn trong thành” (thôn xóm nằm trong thành phố). Theo thống kê của Văn phòng trị lý tổng hợp Thủ đô 5 năm trước, chỉ riêng 4 khu Triều Dương, Hải Điện, Phong Đài, Thạch Cảnh Sơn đã có trên 230 “thôn trong thành” với trên 70 vạn người. Những ngày đầu, mỗi thôn bình quân đã xua đuổi 2.300 người. Mỗi thôn trong thành đã trở thành một kiểu cơ cấu xã hội cụ thể phù hợp với nhu cầu cụ thể của nó và tuy đã tạo thành mối quan hệ gắn kết ổn định với xã hội thành phố, nhưng vẫn là để cái “nông thôn” nằm trong thành phố. Nay xua đuổi là muốn xua đuổi cái cơ cấu xã hội nhỏ cục bộ này ra khỏi cơ cấu xã hội lớn, tổng thể thành phố, chứ không phải chuyển hóa nó hòa nhập vào cơ cấu xã hội đô thị, hiện đại chung của thành phố. Từ đó vẫn sẽ gây ra sự đảo lộn, mất ổn định về mặt xã hội của thành phố trong thời gian tới, vì đã không thực hiện “đô thị hóa” phần “thôn” này, mặc dầu nó tồn tại thời gian dài trong thành phố. Không “đô thị hóa” nó lại muốn đẩy nó về lại nơi xuất phát ban đầu của nó là nông thôn, là nông dân. Như vậy có phải đã thất bại trong việc “thành thị hóa nông thôn”, “thị dân hóa nông dân” để xóa bỏ chênh lệch thành thị với nông thôn ? mà lực cản không thực hiện được chính là thể chế trị lý xã hội, trị lý đất nước (chế độ hai loại hộ khẩu).
Cuộc xua đuổi này, thực chất đã phá vỡ các hệ thống vi mạch máu này của đời sống kinh tế, xã hội, không dễ khôi phục lại trong một sớm một chiều. Không chỉ thế, đó còn là đầu cuối của hệ thống giây thần kinh của xã hội, tuy là nhỏ, nhưng chạm vào đó, nhất là đúng vào các tử huyệt, hậu quả thế nào là khó lường trước. Như mấy ngày đầu, có vẻ êm ả, nhưng mấy ngày gần đây đã khác. Từ chỗ lẻ tẻ mấy trăm người dân tầng đáy bị đuổi đứng lên phản kháng, thì nay đã có cả ngàn người không chỉ bản thân dân tầng đáy, mà đủ các tầng lớp, già trẻ, trí thức, quan chức đều có, đứng lên biểu tình phản đối ngay tại Bắc Kinh, đã có ý kiến lo ngại liệu có xẩy ra vụ “lục tứ” thứ hai hay không ?
Xét về mặt luật pháp, hoàn toàn không có điều luật nào qui định về quyền xua đuổi cùng lúc hàng chục vạn, hàng triệu người dân ra khỏi chỗ ở của mình một cách vô cớ, hơn nữa còn dùng những biện pháp tàn độc nhất như những kẻ lưu manh, trộm cướp, đối với người dân yếu thế, ngay cả với người già cả, trẻ nhỏ, phụ nữ mang bầu, sản phụ vừa sinh con dăm bảy ngày, không khả năng tự vệ, dồn ép vào con đường cùng dưới trời đông băng tuyết, không có chỗ dung thân. Thực tế cho thấy Bắc Kinh đã lấy nghị quyết, lấy ý kiến cá nhân người lãnh đạo, người đứng đầu thay cho luật pháp.
- Còn lộ ra những lỗ hổng lớn về bản chất, trình độ, năng lực của “đội quân nhà Tập”; đường lối chọn người, dùng người của Tập Cận Bình khác nào cách chọn người, dùng người của những băng đảng xã hội đen, không cần tài năng trí tuệ, đạo đức, chỉ cần trung thành tuyệt đối với bang chủ; dám làm, dám hành động bằng mọi giá vì lợi ích của bang chủ, theo ý chí của bang chủ. Từ ý chí, lời nói và hành động thực tế của Thái Kỳ hiện nay, nhân vật đại diện điển hình cho “quân nhà Tập” đã nói lên thực sự bộ mặt thật của nó. Những lời nói và hành động của Thái Kỳ cũng thể hiện rõ cách tư duy và hành động không khác gì với “hồng vệ binh” thời cách mạng văn hóa trước đây. Mặc dù khi mới khởi đầu cách mạng văn hóa, Thái Kỳ mới 10 tuổi, khi kết thúc cách mạng văn hóa Thái Kỳ 20 tuổi, nhưng cái máu “hồng vệ binh” của cách mạng văn hóa đã thấm sâu vào máu thịt, vào cách tư duy và hành động Thái Kỳ, vào thế hệ như Thái Kỳ, mà hiện nay đang là nòng cốt trong hệ thống bộ máy của Tập, nay gặp môi trường phù hợp đang sống lại, đang tác oai tác quái trong những ngày qua, ai dám đảm bảo sẽ không tiếp diễn càng điên cuồng càng rộng khắp hơn.
Đồng thời cũng lộ ra về thể chế, cơ chế lãnh đạo của đảng cầm quyền, của chính quyền được gọi là nhà nước pháp quyền đang ngồi xổm trên pháp luật, coi trời bằng vung, tự mình độc đoán quyết sách một cách vộ tội vạ, không chịu trách nhiệm với hậu quả xẩy ra, chỉ cốt thể hiện được quyền uy, quyền lực vô hạn của cá nhân mình, chứ không phải vì dân, vì thành phố, lại càng không phải để thực sự giải quyết vấn đề cuộc sống đặt ra. Cơ chế lãnh đạo, cơ chế giải quyết vấn đề, từ trước đến nay, chứ không phải chỉ bây giờ là “dương đao vung kiếm” của băng đảng xã hội đen, chứ không phải bằng con đường “ứng nhẫn nhi giải” (bằng con đường nhịn nhẫn, nhẫn nài mà giải quyết) của truyền thống văn hóa Trung Hoa.
- Còn lộ ra cái lớn nhất là những hành động tại Bắc Kinh và một số địa phương khác đều ngược với những điều mà Tập Cận Bình trình bày trong Báo cáo Đại hội 19, trong phát biểu tại cuộc đối thoại với trên 200 chính đảng thế giới ở Bắc Kinh vừa qua và trong nhiều phát biểu khác. Hoặc là những điều mà Tập phát biểu vừa qua đều chỉ là những bánh vẽ mị dân ?
Như nói thực hiện “giấc mộng TQ”, thực chất là giấc mộng của bang phái quyền quí Tập Cận Bình, đâu phải của người dân tầng đáy xã hội.
Nói về xây dựng xã hội hài hòa, không quên tình yêu sâu nặng ban đầu đối với dân, đem lại hạnh phúc cho mọi nhà, nhưng thực tế đã và đang làm ở thủ đô giải thích thế nào đây?
Nói là dân làm chủ, vậy những người dân tầng đáy này, được làm chủ với thành phố mình đang sống là đâu ? ngay cả việc bảo đảm yên ổn cuộc sống thực tại của mình cũng không làm chủ được, nói chi đến tương lại tươi đẹp xa vời ?
Nói thực hiện xã hội pháp trị, cán bộ thực hiện đường lối quần chúng, nhưng thực tế pháp trị ở đâu ? cán bộ đi đường lối quần chúng ở đâu ? mà là đang thực hiện xã hội bạo hành với dân ? Đang ngồi xổm trên pháp luật !
Nói là chọn người hiền tài, vì dân, của dân, do dân chọn ra, v.v…, nhưng thực tế như thế nào đã phơi bày.
Nói là đã sáng tạo mới ra “con đường, mô thức xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc TQ thời đại mới”. Vậy cái mới là ở đâu ? Phải chăng là ở chỗ, mãi mãi tồn tại cục diện cách biệt thành thị với nông thôn ngày càng xa hơn ? mới ở chỗ phân loại các khu hành chính theo công năng cao thấp, từ đó hình thành các tầng lớp dân cư với đẳng cấp cao thấp tương ứng công năng các khu, không chỉ cách biệt nhị nguyên về hộ khẩu mà sẽ hình thành chế độ hộ khẩu đa nguyên, không khác gì cách phân loại thân phận dân cư đô thành thời vua chúa; mới ở chỗ đã biến người nông dân thành người “nông dân công” nay thành “dân tầng đáy” của xã hội ? mới ở chỗ chỉ trong thời gian ngắn, thậm chí chỉ trong 3 ngày, thành phố Bắc Kinh đã thực hiện được mục tiêu xã hội khá giả, hiện đại, không còn người nghèo, không còn những khu ổ chuột bằng cách làm như Bắc Kinh đang làm ! mới ở chỗ không bao giờ quên, mà luôn kế thừa, phát huy, sáng tạo mới truyền thống cuộc “đại cách mạng văn hóa vĩ đại” trước đây vào thời đại mới Tập Cận Bình ? và rất nhiều cái mới theo kiểu này, không thể kể hết được thể hiện qua “hình mẫu Bắc Kinh”, qua “thương hiệu Thái Kỳ” hiện đang tiếp diễn ! ?
Vậy cái nào là thực, cái nào là hư ? là ảo ? Những hành động ở Bắc Kinh do lực lượng nào làm ? của phái Giang, Tăng ? Nếu thế, Thái Kỳ và những người đứng đầu trong bộ máy hiện nay ở TW và các địa phương ai dựng lên, chẳng phải đều là “quân nhà Tập”. Chính những hành động đang diễn ra tại Bắc Kinh đã tự lột bỏ miếng vải thưa che mặt của Tập Cận Bình, mặc dầu Tập đã thấy trước đã tự cảnh báo mà không tránh nổi.
Đó là, năm 2014 khi đến Hà Nam khảo sát, Tập đã cảnh báo “khi lực công quyền đánh mất đi lực công tín, bất luận phát biểu lời lẽ nào, bất luận làm việc gì, xã hội đều đưa ra đánh giá phản diện”. Tập còn nhận định tình hình “đương nhiên chúng ta chưa đi đến mức độ này, nhưng vấn đề của những tồn tại cũng không thể cho là không nghiêm trọng. Nếu như ngày đó đến thực, sẽ nguy cấp đến nền tảng cầm quyền và vị trí cầm quyền của đảng”. Đây là Tập nói lên tinh thần của cái “bẫy Tacitus” (Tacitus Trap) với nguyên ý là “Hễ khi hoàng đế trở thành đối tượng ghét hận của mọi người, việc làm tốt và làm xấu của ông ta đều như nhau dẫn đến sự ghét cay ghét đắng của mọi người đối với ông ta”. (Tacitus là một nhân vật lịch sử phương tây trước đây, nói lên câu danh ngôn chí lý này, về sau người ta lấy câu nói này của Ông ta để dặt tên là cái bẫy mang tên ông.) Vì thế những bạo hành của Bắc Kinh được dư luận nhận định là “cái ngày mà Tập nói đến” thì nay đã đến thực rồi, chứ không còn ở mức “có nguy cơ” như năm 2014 nữa, được xác định đó là cái bẫy Citatus của Thái Kỳ, là cái bẫy Citatus của Tập Cận Bình, cũng là thách thức đối với Thái Kỳ, cũng không chỉ là sự chế nhạo đối với “Thời đại mới Tập Cận Bình”, đến “giấc mộng Trung Quốc” của Tập Cận Bình, đến “Tư tưởng Tập Cận Bình”, đến “mô thức Trung Quốc”, đến “phương án Trung Quốc” đưa thế giới đi lên tươi đẹp, đưa loài người cùng chung số phận, v.v. mà càng là dấu hiệu báo trước tái bộc phát khủng hoảng tính hợp pháp cầm quyền của Trung Cộng.
Thật là một tai họa chính trị lớn giáng xuống đầu Tập Cận Bình khi vừa mở màn khai cuộc đưa “tư tưởng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới Tập Cận Bình” vào thực tế Trung Quốc và ra cả thế giới./.