A. Lập nước Đại Liêu.
Năm Thiên Bảo thứ 9 [907] Gia Luật Ha Bảo Cơ làm Khả Hãn, không theo qui định cũ bầu chọn một anh hùng từ các bộ lạc để giữ chức Khả Hãn, Bảo Cơ bắt chước chế độ quân chủ Trung Quốc, giữ chức suốt đời, rồi truyền ngôi theo thể thức cha truyền con nối. Các em đòi hỏi phải có tuyển cử, do đó xãy ra 3 lần nỗi loạn, sử gọi là “Chư đệ chi loạn”; nhưng nhờ mưu trí của Bảo Cơ, cùng sự trợ giúp của vợ là Khả Đôn Thuật Luật Bình, đã dẹp được các cuộc nội loạn.
Sau khi bình định nội bộ xong, 7 bộ lạc bên ngoài cũng không phục, hy vọng được chọn vào chức Khả Hãn. Bảo Cơ cùng Luật Bình dụ dỗ thủ lãnh 7 bộ lạc đến họp tại hồ muối, rồi tìm cách giết đi, sử gọi là “Diêm trì chi biến”. Sau khi thanh trừ mọi thế lực phản đối, thống nhất được 8 bộ lạc Khiết Đan, vào năm 916 Ha Bảo Cơ lên ngôi Hoàng đế, đặt quốc hiệu Liêu, xưng là Liêu Thái Tổ, niên hiệu Thần Sách.
Lúc bấy giờ vùng Hà Bắc bị chiến loạn, Liêu Thái tổ thu phục lưu dân vùng này, xây dựng thành quách để cai trị. Ngoài ra còn dùng những phụ tá người Hán như Hàn Diên Huy; ông này có công trong việc giúp chính quyền Liêu ỗn định. Năm Thiên Tán thứ 2 [923] Liêu Thái Tổ sai con thứ là Da Luật Đức Quang mang quân đánh U Châu [phía bắc Bắc Kinh]. Năm Thiên Tán thứ 4 [925], chinh phục nước Bột Hải tại phía đông [thuộc Liêu Ninh] Trung Quốc.
Da Luật Đức Quang lên ngôi, hiệu Liêu Thái tông; năm Thiên Hiển thứ 11 [936] đưa 5 vạn quân giúp cho Tiết Độ sứ Thạch Kinh Đường đánh nhà Hậu Đường; sau khi diệt Hậu Đường Thạch Kính Đường lập nên nước Hậu Tấn, bèn cắt cho nước Liêu vùng đất 16 châu Yên Vân tức “Yên Vân Thập Lục châu” (1) cùng hàng năm triều cống. Từ đó Liêu sử dụng Yên Vân Thập Lục châu làm bàn đạp tiếp tục đánh phá Trung Quốc. Liêu Hội Đồng năm thứ 7 [944], Thạch Trọng Quí, con trai kế vị Thạch Kính Đường, không muốn thần phục, Liêu Thái Tông mượn cớ bèn mang quân đánh phương nam. Ngày 10 tháng giêng Liêu Đại Đồng thứ nhất [947], quân Khiết Đan đánh chiếm kinh đô Hậu Tấn tại Khai Phong [Hà Nam], nhà Hậu Tấn mất. Tháng 2, Liêu Thái Tông cải quốc hiệu là Đại Liêu, biểu thị nước lớn với ý đồ thống trị toàn bộ Trung Quốc (2).
Liêu Đại Đồng năm thứ nhất [947], Gia Luật Nguyễn lên làm vua tức Liêu Thế Tông. Liêu Thế Tông tuy vẫn ôm mộng đánh chiếm Trung Nguyên, nhưng vì ham tửu sắc, không tu sửa chính trị, nên không đạt được mục đích. Tháng 9 năm Thiên Lộc thứ 5 [951] Liêu Thế Tông hiệp trợ Hậu Hán đánh Hậu Chu, khi đến Qui Hoá [Nội Mông Cổ] thì dừng lại chờ các cánh quân khác, nhân uống rượu say, đánh người, khiến các tướng bất mãn, cuối cùng bị giết.
B.Đại Liêu thời đại huy hoàng.
Vua Cảnh Tông lên ngôi chăm lo việc chính sự, khiến triều đình nước Liêu trở nên sáng sủa. Đối ngoại tuy không chủ trương trực tiếp đánh phía nam, nhưng giúp cho nhà Bắc Hán gây khó khăn. Năm 960, Triệu Khuông Dẫn soán ngôi nhà Chu, lập nên nhà Tống tức Tống Thái Tổ. Vua Tống Thái Tổ muốn được yên từ phương bắc, nên vẫn tiếp tục noi theo chính sách của Thạch Kính Đường nhà Hậu Tấn, hàng năm triều cống Đại Liêu. Đến đời Tống Thái Tông Triệu Quang Nghĩa thống nhất Giang Nam, vào năm 979 mang quân đánh Bắc Hán. Đại Liêu sai các danh tướng mang quân giúp Bắc Hán, giao chiến với quân Tống tại sông Cao Lương [tây nam Bắc Kinh], thắng lớn, khiến Tống Thái Tổ phải bỏ chạy. Tuy nhiên vua Cảnh Tông sức khoẻ yếu lắm bệnh, có lúc không thể ra dự triều, nên mọi việc đều do Hoàng hậu Tiêu Xước giải quyết.
Năm Càn Hanh thứ 4 [982], Liêu Cảnh Tông mất; Liêu Thánh Tông mới 12 tuổi kế vị, tôn Tiêu Xước làm Hoàng Thái hậu nhiếp chính. Tiêu Thái hậu trọng dụng các bậc Đại thần có tài năng nhắm thi hành việc chính trị và quân sự; giải trừ binh quyền các Vương; nhờ vậy địa vị vua và Thái hậu trở nên vững vàng ỗn định. Tiêu Thái hậu nhiếp chính 27 năm, trong thời gian này tiến hành cải cách, chú trọng canh nông trồng dâu nuôi tằm, đề cao thuỷ lợi, giảm thuế, huấn luyện quân lính; khiến triều Đại Liêu trở nên thịnh trị. Năm Thống Hoà thứ 22 [1004] vua Đại Liêu cùng Thái hậu mang đại quân xâm lăng nhà Tống, bấy giờ Tống triều có Tể tướng Khấu Chuẩn anh minh, khuyến khích vua Chân Tông đến đôn đốc quân lính ngay tại chiến trường Thiền Châu [Bộc Dương, Hà Nam], khiến quân Tống sĩ khí dâng cao, đánh bại quân Liêu. Liêu lo sợ hai phía bụng, lưng đều thụ địch, bèn đề nghị ký hoà ước. Năm sau vua Chân Tông cùng nước Đại Liêu đính lập điều ước, nội dung nhà Tống mỗi năm nạp cống 10 vạn lạng bạc, 20 vạn tấm quyên; hai bên vẫn giữ biên giới hiện hữu, không quấy nhiễu lẫn nhau; đó là điều ước Thiền Uyên tức “Thiền Uyên chi minh澶渊之盟” giúp giữ hoà bình được 120 năm. Sau đó vua Đại Liêu thông hiếu với nước Tây Hạ, từ đó Tây Hạ giao thiệp với cả hai nước Liêu và Tống để mong tồn tại; ba nước hình thành cục diện “Tam quốc đỉnh lập”.
C.Liêu, Tống, Tây Hạ giao tranh.
Năm 1031 Liêu Thánh Tông mất, con trưởng lên nối ngôi tức Liêu Hưng Tông. Mẹ đẻ của Hưng Tông là Thiêu Nhục Cân tự lập làm Pháp Thiên Thái hậu, kiêm Nhiếp chính; bắt bà mẹ nuôi của Hưng Tông là Tề Thiên Hoàng hậu Tiêu Bồ Tát Ca chịu chết. Pháp Thiên Thái hậu trọng dụng những quan lại tham ô dưới thời Thánh Tông từng cấm chỉ không được dùng; vua Hưng Tông không có quyền nên không chống được, do đó hai mẹ con kết oán. Pháp Thiên Thái hậu lại không tín nhiệm Hưng Tông, định trao ngôi vua cho người em là Gia Luật Trọng Nguyên. Gia Luật Trọng Nguyên lại đem sự việc kể cho Hưng Tông nghe; Hưng Tông giận không chịu nỗi, năm 1034 dùng võ lực phế Pháp Thiên Thái hậu, bắt Thái hậu giữ lăng vua cha, rồi giết những người thân tín của Thái hậu. Tháng 7, Hưng Tông đích thân nắm việc chính trị, cho xây lăng an táng Tề Thiên Hoàng hậu. Sau đó cho Pháp Thiên Thái hậu trở về, nhưng bắt sống cách cung vua 10 dặm, để đề phòng bất trắc. Tình mẹ con, cho đến cuối đời không thể hàn gắn được.
Trong thời gian vua Hưng Tông trị vì, triều đình Đại Liêu ngày một suy vi, gian nịnh cầm quyền, chính trị hủ bại, dân chúng khốn khổ, quân đội yếu nhược. Thời Hưng Tông trải qua nhiều năm chinh chiến, mấy lần chinh phạt Tây Hạ, lại gây chiến tranh bức bách nhà Tống nạp thêm tiền hàng năm. Nhưng hành động này, gây cho nội tình nước Liêu, trong triều đình, ngoài dân chúng, tiếng oán khắp nơi. Vua Hưng Tông quen sống xa xỉ, cùng với em đánh bạc, thua luôn một lúc mấy thành trì. Đối với em ruột Gia Luật Tông Nguyên, thương yêu quá mức; lúc rượu say từng thốt lên rằng sẽ truyền ngôi cho Tông Nguyên, riêng con trai đầu Gia Luật Hồng Cơ, không được phong Hoàng Thái tử, chỉ phong chức Đại Nguyên soái binh mã thiên hạ mà thôi. Vì những lẽ đó, nên khi Hồng Cơ lên kế vị, tức vua Đạo Tông; cha con Gia Luật Tông Nguyên tìm cách chiếm ngôi.
Sau khi Tống, Hạ chiến tranh; Liêu thừa dịp Tống gặp khó khăn, bèn nhân cơ hội tìm cách xâm lăng. Vua Đại Liêu ra lệnh cho em là Gia Luật Tông Nguyên mang binh ra uy chuẩn bị tấn công nơi biên giới; một mặt vào tháng giêng năm 1042 sai Tiêu Trì Mạt làm Sứ giả đến Tống triều đòi hỏi 10 huyện tại phía nam Ngoã Kiều Quan [huyện Hùng, tỉnh Hà Bắc]. Nhà Tống sai Phú Bật cùng Liêu sứ đàm phán; trải qua 9 tháng nghị đàm, đạt được điều ước nội dung so với điệu ước Thiền Uyên ký vào năm 1005, thì triều Tống hàng năm phải nạp thêm 10 vạn lượng bạc, 10 vạn tấm quyên; nên sử mệnh danh là “ Khánh Lịch tăng tệ”, Khánh Lịch là niên hiệu vua Tống Nhân Tông. Sau đó Sứ giả Đại Liêu lại 2 lần cất công đến triều Tống, đòi hỏi phải dùng chữ “nạp” thay cho chữ “tặng tống”; cuối cùng vua Nhân Tông chịu lép vế đồng ý chữ “nạp”; với điều kiện nước Liêu ép Tây Hạ hoà đàm với Tống. Sau khi Tống, Hạ hoà hảo, thì quan hệ giữa Liêu, Hạ trở nên xấu, rồi phát sinh chiến tranh. Vua Hưng Tông 2 lần đánh Tây Hạ đều thất bại, nhưng cuối cùng Tây Hạ nguyện xưng thần nạp cống.
D.Đại Liêu suy vi bị nước Kim uy hiếp.
Sau khi vua Đạo Tông lên nối ngôi, vào tháng 7 năm 1063 người chú ruột là Gia Luật Tông Nguyên nghe lời con trai làm cuộc phản loạn, tự lập ngôi vua; nhưng chẳng bao lâu bị Đạo Tông đánh dẹp, Tông Nguyên bèn tự tử. Trong thời gian Đạo Tông trị vì, nền chính trị Đại Liêu hủ bại, thế nước suy sụp. Đạo Tông không tiến hành cải cách canh tân, bản thân lại hủ hoá xa hoa, quan lại địa chủ chiếm hữu đất đai, khiến dân chúng khổ cực oán hận khắp nơi. Liêu Đạo Tông trọng dụng bọn gian nịnh như Gia Luật Ất Tân, không đích thân lo việc triều chính; nghe lời sàm tấu của Ất Tân vu cho Hoàng hậu Tiêu Quan Âm thông dâm với Hoạn quan Triệu Linh, nên bức tử Hoàng hậu. Gia Luật Ất Tân lại đề phòng trong tương lai Thái tử Gia Luật Tuấn lên ngôi có thể hệ luỵ đến bản thân, nên tìm cách giết Thái tử. Năm Đại Khang thứ 9 [1083] vua Đạo Tông truy phong cố Thái tử là Chiêu Hoài Thái tử, dùng nghi thức lễ Thiên tử cải táng. Vào tháng 10 cùng năm, Gia Luật Ất Tân mưu đồ trốn sang nhà Tống tỵ nạn, việc bại lộ bị giết. Năm 1101, vua Đạo Tông mất, người cháu là Gia Luật Diên Hỷ nối ngôi, tức vua Thiên Tộ. Lúc này nước Tây Hạ bị Bắc Tống đánh, bèn đến Đại Liêu cầu viện; Liêu bèn cử Sứ giả đến Tống khuyên hoà đàm với Tây Hạ.
Ngày 10/2/1112 vua Thiên Tộ đến Xuân Châu [thuộc Nội Mông], triệu tập các Tù trưởng Nữ Chân đến, sau khi yến tiệc say, lệnh các vị Tù trưởng cùng vua khiêu vũ; trong đám dự tiệc chỉ có Hoàn Nha Ha Cốt Đả không chịu khiêu vũ. Vua Thiên Tộ không cho việc này là đáng lưu ý, riêng Hoàn Nhan Ha Cốt Đả bất hoà với Đại Liêu; đến mùa xuân năm 1114, dùng binh phản lại Liêu. Lúc đầu vua Thiên Tộ khinh thường, không cho Ha Cốt Đả có thể gây uy hiếp lớn, nhưng quân gửi đi trấn áp đều gặp thất bại. Năm 1115 vua Thiên Tộ quyết định thân chinh, nhưng quân Liêu đều bị Nữ Chân đánh bại khắp nơi; Hoàn Nhan Ha Cốt Đả tự xưng Hoàng đế, đặt tên nước là Kim, đế hiệu Kim Thái Tổ. Cùng năm, Gia Luật Chương Nô nước Đại Liêu gây nội loạn, tuy được dập tắt mau, nhưng cũng gây chia rẽ trong nội bộ triều Liêu. Sau đó tại vùng Đông Kinh có Cao Bình Xương nỗi dậy đòi tự trị, đến tháng 4 năm 1116 mới bình định xong. Tháng 5, nước Kim thừa cơ hội chiếm vùng Đông Kinh [Liêu Ninh] và Phan Châu [Thẩm Dương, Liêu Ninh] của Liêu. Năm 1117 Kim đánh Xuân Châu, quân Liêu không đánh trả lại, chịu thua.
E.Nước Liêu chia cắt, diệt vong.
Vào năm Trùng Hoà thứ nhất [1118] vua Huy Tông nhà Tống sai Đại phu Mã Chính từ Sơn Đông giả dạng mua ngựa, đáp thuyền đến nước Kim đàm phán việc đánh Liêu. Sứ giả hai bên mấy lần đi lại, đạt được thoả ước mệnh danh “Hải thượng chi minh”; nội dung: Tống, Kim hai phía đánh Liêu; Liêu đánh chiếm Thượng kinh [tại Nội Mông], Trung Kinh [Liêu Ninh]; Tống đánh chiếm Tây kinh [Sơn Tây], Nam kinh [Hà Bắc]. Sau Khi diệt Liêu, Tống sẽ đem số tiền và vải quyên trước đó nạp cống cho Liêu được ghi trong “Thiền Uyên chi minh”, nạp hàng năm cho Kim; đổi lại Kim sẽ giao cho Tống Yên Vân thập lục châu (1)
Kết quả thực hiện, Tống đánh Liêu thất bại. Phía quân Kim năm 1120 đánh chiếm vùng Thượng kinh của nước Liêu, tướng chỉ huy Tiêu Thát Bất Dã đầu hàng, đến năm 1121 Liêu mất đến một nữa lãnh thổ. Nội bộ lại phát sinh tranh chấp về kế thừa, cuối cùng vua Thiên Tộ giết người con trưởng mới kết thúc, nhưng sự việc xãy ra khiến một số lớn quân Liêu đầu hàng Kim. Tháng giêng năm 1122, quân Kim đánh Trung kinh, vua Thiên Tộ bị bức bách lưu vong đến Giáp Sơn.
Nhà Tống không thực hiện được lời hứa đánh chiếm 2 kinh, nên Kim cự tuyệt giao Yên Vân. Cuối cùng qua lại giao thiệp, Tống bằng lòng nạp cho Kim 20 vạn lạng bạc, 30 vạn tấm quyên, cùng tiền mướn Yên kinh [Bắc Kinh] là 100 vạn quan, Kim mới chịu giao cho Yên Vân thập lục châu.
Về phía nước Liêu lúc bấy giờ bọn Gia Luật Đại Thạch tại Nam kinh [Hà Bắc] không biết vua Thiên Tộ chạy đi đâu, bèn lập Gia Luật Thuần, tức vua Thiên Tích. Vua Thiên Tích giáng Thiên Tộ làm Tương Âm vương, cùng sai Sứ dâng biểu cho nước Kim xin làm phụ dung (3); nhưng việc chưa xong thì bị bệnh mất, vợ là Liêu Đức Phi, lên làm vua. Tháng 11, Liêu Đức Phi 5 lần dâng biểu đến nước Kim, xin chấp nhận cho Gia Luật Định lên làm vua, còn các điều kiện khác đều chấp thuận, nhưng Kim không cho; bèn sai quân tử thủ tại cửa quan Cư Dong (4). Tháng 11 cửa quan Cư Đong thất thủ, tháng 12 Nam kinh nước Liêu bị đánh chiếm; Liêu Đức Phi bèn mang tuỳ tòng đến theo Thiên Tộ, rồi bị Thiên Tộ giết. Vào ngày 26/3/1125 tại Ứng Châu , vua Liêu Thiên Tộ bị tướng Kim là Nguyên Nhan Lâu Thất bắt, tháng 8 giải đến Thượng kinh của nước Kim [Cáp Nhĩ Tân thị, Hắc Long Giang], bị Kim Thái Tông giáng xuống Tân vương, đến năm 1128 thì mất.
G.Tây Liêu, Đông Liêu và Hậu Liêu.
Sau đó bọn quí tộc Liêu như Gia Luật Đại Thạch tại miền tây bắc chiêu tập tàn dư bộ tộc Khiết Đan khống chế vùng cao nguyên Mông Cổ và miền đông Tân Cương. Năm 1130, do áp lực của quân Kim, Gia Luật Đại Thạch quyết định bỏ miền cao nguyên Mông cổ, mang bộ tộc tây chinh. Năm 1132, Gia Luật Đại Thạch xưng Đế tại Diệp Mê Lập [Ngạch Mẫn, Tân Cương], sử gọi là Tây Liêu. Tây Liêu có lúc khuyếch trương đến vùng Trung Á, thành nước mạnh tại nơi này. Năm 1143 sau khi Gia Luật Đại Thạch mất, Tây Liêu trải qua 5 đời vua; cuối cùng vào năm 1218 bị Thành Cát Tư Hãn nước Mông Cổ tiêu diệt, Tây Liêu lập quốc được 87 năm.
Năm 1212 Tôn thất nước Liêu là Gia Luật Lưu Ca tại các vùng Long An [huyện Nông An, Cát Lâm], Hàn Châu [huyện Lê Thụ, Cát Lâm] nỗi dậy chống triều Kim, được Mông Cổ yểm trợ. Sau đó 3 năm, Gia Luật Lưu Ca xưng Vương, quốc hiệu Liêu, sử gọi là Đông Liêu. Gia Luật Lưu Ca lập quốc, vẫn qui phụ và trở thành phiên thuộc của Mông Cổ. Năm 1270, Nguyên Thế Tổ bỏ các nước phiên, Đông Liêu chính thức tiêu diệt.
Thời Gia Luật Lưu Ca làm vua, có người em là Gia Luật Tư Bất làm phản vào đầu năm 1216, tự xưng Đế tại Đăng Châu [Hải thành thị, Liêu Ninh], sử gọi là Hậu Liêu. Chẳng bao lâu Gia Luật Tư Bất bị bộ hạ giết, Gia Luật Khất Nô được suy tôn lên làm Giám quốc; cùng năm, danh tướng Mông Cổ Mộc Hoa Lê mang quân xuống miền đông nam, Gia Luật Khất Nô chống không nỗi, mang 9 vạn quân Khiết Đan vượt sông Áp Lục đến Cao Ly. Chẳng bao lâu các quí tộc Khiết Đan chia rẽ tàn sát, cuối cùng Hậu Liêu diệt vong vào năm 1220.
Chú thích:
1.16 châu Yên Vân tức Yên Vân Thập Lục Châu: vùng đất bao quát toàn bộ Bắc Kinh, Thiên Tânvà miền bắc Sơn Tây, Hà Bắc hiện nay.
2.Liêu Sử, quyển 4, Bản Kỷ đệ tứ.
3.Phụ dung: nước phụ thuộc.
4.Cửa quan Cư Dong: tại Trường Thành vị trí phía tây bắc Bắc Kinh.
........................
Kỳ sau: Nước Kim