Xứ Nghệ ngày nay

Khi rừng mất thiêng

Tại kỳ họp lần thứ 5 của HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII (18/12/2017 đến 20/12/2017), rừng trở thành điểm nóng được quan tâm nhiều nhất. Nhìn chung, các ý kiến tranh luận về vấn đề này chủ yếu tập trung vào các chính sách hiện tại cũng như tìm hướng tháo gỡ từ phía chính sách quản lý.

Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn về quá khứ, ở một góc độ khác, thì mất rừng cũng là một quá trình văn hóa, đó là quá trình rừng bị mất thiêng.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Nghệ An có 1.236.259 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó, có 942.508 ha đất có rừng bao gồm 796.259 ha rừng tự nhiên, 146.249 ha rừng trồng. Diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng là 293.750 ha. Những con số này có lẽ khiêm tốn so với cách đây hơn nửa thế kỷ. Diện tích rừng bắt đầu giảm từ giữa những năm 1950, khi có các chính sách xây dựng các nông trường, lâm trường ở vùng miền núi. Cuối 1954 lâm trường Khe Kiền ra đời, sau đó là các lâm trường mới như Trịnh Môn, Bãi Phủ, Đông Hiếu, Tây Hiếu, Sông Con... cũng đi vào hoạt động.Các lâm trường đã khai thác hàng vạn m3 gỗ để phục vụ xây dựng đường sắt Hà Nội – Vinh cùng một số công trình xây dựng khác. Tính đến cuối những năm 1970, mỗi năm các lâm trường khai thác từ 25-30 vạn m3 gỗ từ rừng tự nhiên[1]. Trong khoảng 3 thập kỷ, hoạt động của các lâm trường đã khai thác hàng triệu m3 ghỗ từ rừng bị chặt hạ để phục vụ mục đích xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ kháng chiến, kiến quốc. Đây cũng là quá trình người miền xuôi di cư ồ ạt lên miền núi để xây dựng kinh tế mới. Đầu những năm 1990, công tác trồng rừng bắt đầu được quan tâm và đẩy mạnh. Diện tích rừng dù có tăng lên, nhưng tính chất rừng đã thay đổi và vấn đề bảo vệ rừng vẫn luôn trở nên nóng bỏng. Trong năm 2017, theo báo cáo của Sở NN&PTNT thì cả tỉnh đã phát hiện và bắt giữ 730 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng, tịch thu 1.235,83 m3 gỗ tròn, xẻ các loại và 90 động vật rừng... Trong đó, các vụ việc khai thác gỗ trái phép nghiêm trọng xảy ra ra ở một số vùng rừng thuộc khu vực biên giới Việt Nam - Lào như xã Na Ngoi, Nậm Càn huyện Kỳ Sơn; khu vực xã Tam Hợp, Lưu Kiền, huyện Tương Dương… Rừng bị mất có liên quan đến các vụ việc, vụ án cụ thể đã được chính quyền xử lý. Tuy nhiên, đó là những biểu hiện bề nổi, cụ thể. Ở góc nhìn khác, rừng mất không phải là một hiện tượng, mà là một quá trìnhmang tính lịch sử văn hóa. Trong đó có quá trình thay đổi tâm lý, tâm thế của con người đối với rừng.

Về mặt văn hóa, rừng bị mất như là một quá trình giải thiêng rừng. Trước đây, rừng thuộc về các cộng đồng. Bảo vệ rừng là việc của các làng bản. Với những cư dân sống bằng nghề nương rẫy, khai thác rừng hàng ngày thì rừng không phải thuộc về họ mà góc độ nào đó làng, bản và chính con người họ thuộc về rừng. Vậy nên rừng là không gian thiêng, là mẹ, là nơi Giàng (Trời) ở. Rừng có linh hồn, có ma rừng và có những quyền lực chí cao, linh thiêng. Con người phải biết sợ rừng, biết kính trọng rừng, biết nâng niu và bảo vệ, chăm sóc rừng. Rừng cho người nguồn sống và người dành cho rừng sự tôn kính. Họ khai thác rừng dựa trên tinh thần đó. Những ai vượt quá tinh thần đó đều bị cộng đồng lên án và trừng phạt. Đuổi vào rừng là một hình phạt nặng mà nhiều cộng đồng thực thi đối với người vi phạm. Núp dưới bóng dáng cái thiêng liêng, rừng vừa hấp dẫn, vừa gần gũi lại vừa đáng sợ, nên rừng được gìn giữ cẩn thận. Trong văn hóa truyền thống của các dân tộc như Thái, Hmông, Khơ Mú, Ơ Đu… đều có những nghi lễ liên quan đến rừng. Người Thái, trước đây, mỗi khi vào rừng đều có những nghi lễ linh thiêng riêng. Nếu bị vấp ngã, bị thương hay vào rừng mà bị ốm họ đều phải làm lễ cúng để cầu xin ma rừng phù hộ. Khi ăn, uống ở trong rừng đều mời ma rừng. Khi vào rừng chặt gỗ để làm nhà, người Thái làm các nghi lễ xin mà rừng cho phép. Nếu cúng xin ma rừng xong một thời gian sau mà gia đình vẫn bình yên thì họ mới vào rừng chặt gỗ vì đó là tín hiệu ma rừng đã cho phép. Họ còn có lễ cúng chuộc gỗ rừng (xơ chuộc mạy) để xin ma rừng cho phép mang những cây ghỗ đã chặt từ rừng về nhà[2]. Ở người Khơ Mú thì rừng cũng được phân loại và rừng ma là khu vực linh thiêng mà con người không dám bước chân vào đó để khai thác. Mỗi khi chọn đất, chặt rừng làm rẫy đều phải làm lễ cúng cẩn thận. Đối với người Hmông thì ngoài những nghi lễ cúng ma rừng khi vào rừng chặt gỗ làm nhà hay khi vào rừng về bị ốm đau, bệnh tật thì còn có lễ cúng ma rừng chung của cả bản vào những tháng đầu năm để cầu xin ma rừng phù hộ cho cả bản được mạnh khỏe. Các cộng đồng khác như Ơ Đu hay Thổ, khi lựa chọn nơi làm nương rẫy, đốt rừng làm rẫy họ đều có những nghi lễ cúng ma rừng và mỗi bản đều có những khu rừng thiêng không được khai thác. Chính sự linh thiêng của rừng khiến cho con người vừa khai thác rừng để sống, vừa bảo vệ rừng.

Nhưng rồi những lâm trường xuất hiện, người miền xuôi di cư lên miền núi ngày càng nhiều, quá trình khai thác rừng ngày càng ồ ạt. Cùng với đó là những ảnh hưởng về mặt văn hóa, xã hội, làm cho quan hệ giữa con người với rừng ở các cộng đồng cũng thay đổi. Rừng dần bị mất thiêng. Con người bắt đầu không sợ rừng. Những người miền xuôi vốn không có kinh nghiệm và không gắn với nền văn hóa của sản xuất nương rẫy nên không hiểu nhiều về rừng. Sau đó là một bộ phận người dân tộc thiểu số ở miền núi bị ảnh hưởng tinh thần đó nên cũng hiểu khác về rừng so với cha ông họ. Khi đó, rừng không còn là không gian thiêng, mà là một tài nguyên thiên nhiên, một nguồn để khai thác các giá trị kinh tế. Con người lúc đó coi rừng là của chúng ta, chứ không giống trước đây, chúng ta thuộc về rừng. Trải qua nửa thế kỷ, con người không còn nhận ra mối liên hệ giữa mình và rừng. Không chỉ những người di cư đến mà những người sống với rừng hàng thế kỷ rồi vẫn bất lực nhìn rừng bị mất đi. Hiện nay, mỗi khi vào rừng lấy gỗ làm nhà, nhiều cộng đồng tộc người vẫn làm lễ xin ma rừng. Nhưng các nghi lễ đó, gắn với ký ức, với tập quán văn hóa xưa kia như một sự hoài vọng, chứ không hẳn là vì sợ hãi, vì sự linh thiêng của rừng. Cái thiêng của rừng mất đi, dành chỗ cho cái trần tục, mà cái trần tục thì bao giờ cũng trần trụi như vậy. Trong 170 vụ án vi phạm luật bảo vệ rừng do công an xử lý trong năm 2017 thì có nhiều người là đồng bào dân tộc thiểu số. Sự thúc đẩy của lợi ích kinh tế đã khiến họ quay lại tàn phá cái mà trước đây họ kính trọng, tôn thờ và sợ hãi.

Tại cuộc họp của HĐND tỉnh vừa qua, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng rừng bị tàn phá đã được đưa ra phân tích. Hệ thống chính sách chưa hoàn thiện, có những chính sách còn mâu thuẫn nhau, việc thực hiện các chính sách còn thiếu nghiêm túc hay việc khắc phục còn hạn chế do thiếu tiền, thiếu người, thiếu sự quan tâm từ trên….Cũng có ý kiến cho rằng rừng bị phá do … văn hóa. Mà theo họ là do nhận thức văn hóa của người dân bản địa còn hạn chế, do các phong tục tập quán văn hóa truyền thống hay quá trình sản xuất của người dân gây nên tình trạng phá rừng. Và có ý kiến còn chỉ ra rằng người dân tộc thiểu số đang lo lắng gỗ trong rừng bị chặt hết sẽ không có để làm quan tài nên họ nóng vội, tranh thủ vào chặt gỗ, hay sự chạy theo lợi ích kinh tế, lợi ích cá nhân… Tất cả những điều này có lẽ không sai. Vì ứng xử với rừng là văn hóa. Đó là một phần trong mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên. Vậy nên, bảo vệ rừng cũng phải có những liệu pháp về văn hóa. Để làm sống lại tính thiêng của rừng đối với đời sống đồng bào là khó, vậy nên thay vào đó phải làm cho họ hiểu về giá trị của vấn đề môi trường. Xây dựng đời sống văn hóa mới cũng phải lấy các giá trị phát triển bền vững, trong đó có bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng làm nền tảng./.

 


[1]Lịch sử Đảng bộ Nghệ An, tập III. Nxb Chính trị Quốc gia, 2008. Trang 57.

[2]Vi Văn An: Người Thái ở miền Tây Nghệ An. Nxb Thế giới, 2017. Trang 299-300. 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528634

Hôm nay

215

Hôm qua

2275

Tuần này

2907

Tháng này

215330

Tháng qua

0

Tất cả

114528634