Những góc nhìn Văn hoá

Lễ tứ tuần đại khánh của vua Khải Định

Trong 9 năm trị vì ngắn ngủi của mình (1916-1925), vua Khải Định cũng làm được một số việc được người đời nhắc đến, trong đó có chuyến Bắc tuần năm 1918 và cuộc Pháp du rầm rộ năm 1922. Tất nhiên việc nhắc lại những việc làm đó với mỹ ý hay ác cảm còn tùy ở góc nhìn của mỗi người. Trong những năm còn lại của đời mình, nhà vua cũng còn kịp tổ chức một lễ tứ tuần đại khánh với những nghi thức long trọng nhất.

 

***
Vua Khải Định sinh năm 1885, tính đến năm 1924 là đủ 40 tuổi (ta). Song trước đó một năm, triều đình đã chuẩn bị dần lễ mừng tứ tuần đại khánh của ông
Ngày 17.5.1923, các thành viên Phủ Tôn nhơn (đúng ra là Phủ Tông nhơn) cùng văn võ đại thần dâng lên nhà vua một sớ tấu nhắc lại những đại lễ tứ tuần khánh tiết (mừng 40 tuổi) được tổ chức trọng thể vào các đời vua Minh Mạng (năm 1830), Thiệu Trị (năm 1846), Tự Đức (năm 1868), và ân cần “lưu ý” nhà vua rằng ông đang ở tuổi 39, chỉ còn một năm nữa để tổ chức lễ mừng 40 tuổi.
Tất nhiên là tờ tấu này được nhà vua hoan hỉ chấp nhận. Ông ban hành một chỉ dụ nêu lên sự cần thiết phải thực hiện việc này vì từ 50 năm qua, chưa từng có một lễ tứ tuần đại khánh nào được tổ chức (vì lẽ dễ hiểu là các vua sau vua Tự Đức, không có ai ở ngôi đến 40 tuổi cả). Tuy nhiên nhà vua cũng lưu ý là ngân quỹ năm 1924 không dồi dào như trước (do Pháp khống chế mọi khoản chi của triều đình), mặt khác nhiều lăng miếu đang xuống cấp, đang cần tiền tu sửa, nên phải tiết kiệm kinh phí trong buổi lễ.
Ngày 1.6.1923, Cơ mật viện chuyển qua tòa Khâm sứ Huế một bản sao tờ sớ tấu về lễ tứ tuần đại khánh của vua Khải Định để xin ý kiến. Trong thư phúc đáp, Khâm sứ Pasquier tỏ ý tán thành việc tổ chức lễ, nhưng cũng nhắc khéo với Cơ mật viện những lời lẽ của vua Khải Định muốn cho buổi lễ diễn ra trong sự giản dị và trang trọng, phù hợp với nghi thức của tổ tiên xưa. Mặc dầu lễ tứ tuần đại khánh sẽ diễn ra vào năm 1924, nhưng chương trình chi tiết buổi lễ đã được triều thần soạn thảo từ tháng 10.1923, căn cứ vào những gì đã diễn ra trong lễ tứ tuần của vua Tự Đức tổ chức vào năm 1868. Tháng 6 âm lịch (AL) năm 1924, Bộ Lại và Bộ Binh dâng lên nhà vua danh sách các Tổng đốc, Tuần vũ, Đề đốc, Bố chánh, Án sát, Lãnh binh, Quản đạo tại tất cả các tỉnh. Nhà vua áp dấu son lên tên những người được đại diện các tỉnh về dự lễ, thông thường mỗi tỉnh ông chọn một người. Mặt khác, Bộ Lễ chỉ thị cho tỉnh Thừa Thiên mời các quan văn võ đã nghỉ hưu hay đang nghỉ phép có phẩm trật từ hàng ngũ phẩm trở lên cùng những bô lão từ 70 tuổi trở lên dự buổi lễ sẽ diễn ra trong vòng 10 ngày cuối tháng 8 AL năm 1924. Ở các tỉnh, những thành phần trên sẽ đi theo các quan tỉnh đến vọng cung chúc thọ vua. Phủ tôn nhơn (cơ quan phụ trách các vấn đề trong hoàng tộc) lập danh sách các hoàng thân, tôn tước, công tử, công tôn và tôn thất tham dự buổi lễ.
Trước đó, bộ Lễ cũng đã thông tri cho quan lại thuộc các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, yêu cầu chọn những người có khả năng ca hát và tổ chức các trò chơi truyền thống, báo về bộ để tấu trình nhà vua biết. Hai tháng sau, bộ Lễ tập trung các viên chức của bộ, các nhạc công, ca công, tập luyện để biểu diễn trong buổi lễ tổ chức tại điện Thái Hòa và buổi đại yến tại điện Cần Chánh. Năm ngày trước chính lễ, Bộ Lễ hướng dẫn những người này đến Duyệt Thị đường (nhà hát trong cung điện) để tổng dượt trước sự chứng kiến của nhà vua. Tháng 8 AL, Bộ Lễ ra thông báo cho các tòa án bản xứ biết là không được tuyên án trong 15 ngày, gồm 10 ngày trước buổi lễ, ngày lễ chính và 4 ngày sau buổi lễ. Các công sở và nhà dân treo cờ và thắp đèn suốt 5 ngày kể từ hai ngày trước buổi lễ. Bộ này cũng yêu cầu Khâm Thiên giám chọn hai ngày tốt trong tháng 8 để các hoàng thân, tôn tước thay mặt nhà vua làm lễ Kỳ cáo (công bố lễ sẽ diễn ra) ở Nam giao, Triệu miếu, Thái miếu, Hưng miếu. Riêng vua Khải Định sẽ đích thân hành lễ tại Thế miếu (nơi thờ các vua triều Nguyễn). Sau đó, vào một ngày không định trước, nhà vua sẽ thân hành đến chào các bà thái hậu. 
Lễ vật do các quan lại ở Huế và các tỉnh dâng lên vua được bộ Lễ tập trung, kiểm soát trước khi chuyển đến địa điểm hành lễ. Trước cửa Ngọ môn, người ta dựng lên một “chánh lâu” (khán đài chính) là nơi để lễ vật của hoàng thái hậu, phủ tôn nhơn, văn võ đại thần, các cung phi, công chúa, Phụ lộc phu nhơn (bà ngoại vua Khải Định), vợ và con các hoàng thân, thích lý (bà con của mẹ vua) và phu nhơn các văn võ đại thần. Ngoài chánh lâu, còn có:
- Sáu đắc lâu (khán đài phụ) chứa lễ vật của Tả trực, Hữu trực, Tả kỳ, Hữu kỳ, Bắc kỳ và Thừa Thiên.
- Hai trường bằng (khán đài rộng) là nơi tập hợp các thành viên của phủ Tôn nhơn, các quan lại trong triều.
- Một khán đài trước Phu Văn Lâu được dựng lên cho công chúng đứng xem lễ
- Một thủy lâu và thủy bằng (khán đài nổi trên sông) trước Nghinh hương đình (bến thuyền của vua)
Mười ngày trước lễ, lúc 6 giờ sáng, người ta bắn 9 phát súng thần công, cờ treo khắp nơi, và đèn đuốc thắp sáng. Một ngày trước lễ, nhà vua cùng các hoàng thân, văn võ đại thần đi xem các khán đài.
Cuối cùng thì buổi lễ cũng đã diễn ra long trọng tại điện Thái Hòa. Nhân dịp này, vua Khải Định ban các ân chiếu phong thưởng những người có công và mở tiệc khoản đãi Toàn quyền Đông Dương, Khâm sứ Huế cùng các viên chức Pháp khác. Tối đến, vua Khải Định cùng các hoàng thân và văn võ đại thần ra Ngọ môn xem các trò chơi và đốt pháo bông. 
Tham dự bữa tiệc ở điện Cần chánh có các hoàng thân, văn võ đại thần cùng tôn tước có phẩm trật từ tam phẩm trở lên. Các cung phi đời trước, cung phi tại triều, vợ và con gái các hoàng thân, vợ các đại thần dự yến phía sau điện Cần chánh, trong các bộ thành phục (áo dài có tay rộng). Buổi chiều, tiệc lại được dọn ra ở Duyệt thị đường dành cho các tôn tước từ tứ phẩm trở xuống, các công tôn, công tử, tôn thất, thích lý và quan lại đang làm việc tại Huế có phẩm trật từ tứ phẩm đến thất phẩm, cùng các quan đã về hưu từ ngũ phẩm trở lên. Ba ngày sau buổi lễ, các bô lão từ 70 tuổi trở lên được mời dự tiệc tại Thừa Thiên phủ.
Cũng cần nhắc lại là khoảng nửa năm trước cuộc lễ, Khâm sứ Huế Pasquier đã gửi cho Cơ mật viện một văn thư loan báo việc Toàn quyền Đông Dương Merlin quyết định gửi tặng vua Khải Định một con bạch tượng (voi trắng) do các thợ săn bắt được ở Darlac. Trong thư, có đoạn viết: “Quan Toàn quyền Đông Dương rất sung sướng được tặng hoàng đế kỷ vật này khi Ngài bắt đầu vào tuổi 40, và đối với ông, việc bắt được trên đất An Nam và chuyển giao lại cho triều đình một con bạch tượng trong năm nay chỉ có thể là một điều hạnh phúc đối với hoàng đế và nhân dân của ngài …”
Tại buổi lễ chính, toàn quyền Merlin đích thân tham dự, hai bên trao đổi với nhau những bài diễn văn đầy tính ngoại giao. Trong sớ tấu, chỉ dụ về buổi lễ, người ta nói nhiều đến sự giản dị, tiết kiệm, song nếu những gì thật sự diễn ra đúng với chương trình đã vạch thì kinh phí bỏ ra không phải là nhỏ.

***
Cũng như chuyến Âu du năm 1922 với bức Thư Thất Điều đầy những lời lẽ nặng nề của cụ Phan Châu Trinh, lần tứ tuần đại khánh này của vua Khải Định lại đụng phải một nhà nho khác, đó là cụ nghè Ngô Đức Kế (1878-1929). Sau hơn 10 năm bị tù đày ở Côn Đảo, cụ nghè được thả về năm 1921 và lãnh trách nhiệm điều hành tờ Hữu Thanh tạp chí. Vốn không ưa nhà vua thân Pháp, cụ Ngô Đức Kế làm một loạt 4 bài thơ thất ngôn bát cú, lời lẽ cay độc không kém gì Thư Thất Điều của cụ Phan Châu Trinh. Bài đầu tiên có nhan đề: 
“Hỏi Gia Long”
Ai về địa phủ hỏi Gia Long,
Khải Định thằng này phải cháu ông? 
Một lễ tứ tuần vui lũ trẻ,
Trăm gia ba chục khổ nhà nông (1)
Mới rồi ngoài Bắc tai liền đến (2)
Năm ngoái qua Tây ỉa vãi cùng (3)
Bảo hộ trau giồi nên tượng gỗ,
Vua thời còn đó, nước thời không.

(1) Năm 1923, Pháp tăng thuế nông nghiệp lên 30%
(2) Chỉ những trận lụt tại miền bắc vào những năm 1922-1923
(3) Chỉ chuyến Âu du năn 1922 của vua Khải Định

Có lẽ trong suốt hàng ngàn năm của chế độ quân chủ, chưa có một vị vua Việt Nam nào bị mạt sát thậm tệ đến thế!

20.3.2018.

Nguồn: fb lê nguyễn

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114515998

Hôm nay

237

Hôm qua

2299

Tuần này

21599

Tháng này

213937

Tháng qua

121009

Tất cả

114515998