Nhìn ra thế giới

Tiến trình hậu “thượng đỉnh Sentosa” có gì mới?

Giới phân tích quan sát các chuyển động ngoại giao Trung—Triều diễn ra trong hai ngày 19—20/6/2018 vừa nhận định, cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng đối với Triều Tiên đã bước sang vòng hai. Nếu không thế thì tại sao ông Kim Jong-un trở thành nhà lãnh đạo quốc gia có tần suất đến Trung Quốc dày đặc nhất, thăm Trung Quốc lần thứ ba trong vòng chưa đầy ba tháng…              

Sáng 19/6, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-in đã đáp chuyên cơ tới Trung Quốc. Đây là chuyến thăm lần thứ ba của ông Kim tới Trung Quốc kể từ cuối tháng 3/2018. Trong một động thái bất ngờ, truyền thông Trung Quốc đã nhanh chóng xác nhận thông tin về chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên, đồng thời cho biết, ông Kim Jong-un sẽ ở lại Bắc Kinh hai ngày. Chuyến thăm Trung Quốc lần này diễn ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng và Washington đang chuẩn bị đối thoại cấp cao để thúc đẩy thực hiện tuyên bố 4 điểm giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và tổng thống Mỹ Donald Trump sau cuộc gặp Thượng đỉnh trên đảo Sentosa, Singapore cách đây hơn một tuần. Tuyên bố chung kêu gọi thiết lập mối quan hệ mới giữa hai nước đối địch trong chiến tranh Triều Tiên, nỗ lực vì hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên, hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên cũng như việc tìm kiếm tù binh và hài cốt những người mất tích trong chiến tranh.

“Bên vắng mặt” ngày càng quan trọng

Cho dù Trung Quốc không có mặt trong thượng đỉnh Sentosa 12/6, nhưng vai trò của Bắc Kinh, trước, trong và sau cuộc gặp Kim—Trump ngày càng quan trọng. Điều này phản ánh rõ nhất qua phản ứng khá nhanh nhậy của Seoul đối với chuyến thăm Trung Quốc lần thứ ba trong vòng ba tháng của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Trong buổi họp báo tại Seoul, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Noh Kyu-duk bày tỏ: “Chính phủ Hàn Quốc hy vọng Trung Quốc đóng vai trò xây dựng nhằm giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên”. Seoul và Bắc Kinh có chung mục tiêu chiến lược này. Người phát ngôn còn chỉ ra một cách cụ thể, Hàn Quốc kỳ vọng Trung Quốc sẽ đóng vai trò tích cực trong việc phi hạt nhân hóa của Triều Tiên thông qua chuyến thăm lần thứ ba của ông Kim tới nước này. Trước đó, sáng sớm 19/6, Mỹ và Hàn Quốc cũng đã tuyên bố quyết định dừng cuộc tập trận chung thường niên “Người bảo vệ tự do Ulchi” theo kế hoạch vào tháng 8 tới đây. Trung Quốc lâu nay đã đề xuất kế hoạch “đóng băng kép”. Theo đó, Triều Tiên ngừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân, còn Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận chung.

Ông Kim Jong-un dự kiến sẽ thông báo với Chủ tịch Tập Cận Bình về kết quả chi tiết cuộc gặp Thượng đỉnh tại Singapore ngày 12/6. Trung Quốc nhấn mạnh rằng nước này muốn phi hạt nhân hóa một cách hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, vì sự ổn định trong khu vực và muốn có một hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến vai trò của Bắc Kinh trong câu chuyện Triều Tiên. Giới quan sát đặt câu hỏi liệu mối quan hệ gần gũi giữa hai đồng minh truyền thống có chung đường biên giới này có thể duy trì bầu không khí đối thoại tích cực hiện nay hay không. Bắc Kinh vẫn nhiều lần nói rằng nước này cam kết thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với Bình Nhưỡng. Trên thực tế, Trung Quốc luôn là thách thức tiềm tàng mỗi khi quốc tếmuốn gây áp lực đối với Triều Tiên, bởi xưa nay, Bắc Kinh là “nhà tài trợ” lớn nhất của Bình Nhưỡng. Trung Quốc vừa lo ngại làn sóng người tị nạn Triều Tiên, đồng thời cũng không muốn bị gạt sang lề trong tiến trình hòa bình khu vực.

Sau cuộc đối thoại của ông Kim Jong-un với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Trung Quốc hồi tháng 5/2018, Triều Tiên khi đó đã có những tuyên bố gay gắt đối với các quan chức hàng đầu của Mỹ. Ngay lúc ấy, Tổng thống Donald Trump đã phản ứng không úp mở: “Sau khi ông Kim Jong-un gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, tôi nghĩ có một chút thay đổi thái độ từ ông ấy. Và tôi không thích điều đó”. Giới chuyên gia nói rằng, chuyến thăm của ông Kim Jong-un tới Trung Quốc cho thấy lợi ích chiến lược của cả hai phía. Ông Kim Jong-un cần Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ nước này, còn ông Tập Cận Bình hy vọng vẫn duy trì được vai trò của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng. “Đó là một phần trong chiến lược ngoại giao cân bằng của Triều Tiên”, ông Kim Hyun-wook, giáo sư tại Viện Ngoại giao Hàn Quốc cho biết. Mục đích của nhà lãnh đạo Triều Tiên là giành được nhiều nhất có thể, trong đó bao gồm cả sự hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc, bằng việc sử dụng ảnh hưởng của mình từ cuộc đàm phán với Washington. Ông Chung Jae-heung, một nhà nghiên cứu thuộc viện Sejong của Hàn Quốc cho rằng, ông Kim Jong-un và ông Tập Cận Bình nhiều khả năng đã thảo luận vấn đề tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên và ký một hiệp ước hòa bình.

Sau hội nghị thượng đỉnh ở Singapore, Hàn Quốc vẫn tiếp  tục phối hợp chặt chẽ với Mỹ, nước đã có cú “xoay trục” ngoạn mục, từ quan điểm tìm cách cô lập Triều Tiên và sau đó đơn giản là chờ đợi chế độ ở Bình Nhưỡng sụp đổ. Kịch bản ngược lại, như chúng ta đã biết, lại thắng thế, khi lãnh đạo Mỹ muốn tiếp cận Bình Nhưỡng càng nhanh càng tốt. Các cuộc gặp giữa ông Kim Jong-un với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và ông Trump, chỉ trong vòng hơn một tháng, đã chứng minh điều đó. Nay thì ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đã mời ông Kim thăm Nga. Nhật Bản cũng đánh tiếng về một thượng đỉnh Abe—Kim. Và qua việc đăng cai tổ chức hội nghị Trump—Kim, Singapore cho thấy thế giới đang chấp nhận giao thiệp với Bình Nhưỡng với đầu óc cởi mở hơn. Và có lẽ cảm nhận được những cơ hội thương mại mới, tất cả các nước láng giềng với Triều Tiên đều bày tỏ sự sẵn sàng xóa bỏ các lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc đối với Bình Nhưỡng, nếu các cơ sở và kho vũ khí hạt nhân của nước này hoàn toàn bị phá hủy.

 

“Vòng nhì”cuộc chiến đang mở ra…

Giới quan sát nhận định tiếp, cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng đối với Triều Tiên đã bước sang vòng hai. Những phát biểu của tổng thống Donald Trump hôm 15/6 đã làm nhà lãnh đạo Trung Quốc không khỏi giật mình. “Ông có kỷ niệm Ngày của Cha không?"— Tổng thống Donald Trump hỏi một cách ngẫu hứng trên kênh Fox News, phát sóng trực tiếp từ bãi cỏ Nhà Trắng. “Phải làm việc. Tôi sẽ làm việc. Thực ra tôi sẽ gọi cho Triều Tiên” —ông Donald Trump đáp vội vã. Sau buổi phỏng vấn, Tổng thống Mỹ còn tiếp tục “nấn ná” thêm để trả lời câu hỏi ngoài lề của phóng viên. “Tôi có thể gọi cho ông Kim Jong-un ngay bây giờ. Có thể nói, tôi đã cho ông ấy số trực tiếp và ông ấy có thể gọi tôi nếu gặp bất kỳ khó khăn nào”— Donald Trump công khai. Việc thiết lập “đường dây nóng” giữa hai nhà lãnh đạo mặc dù là tự phát, nhưng là công cụ cực kỳ mạnh mẽ đối với ông Trump. Và đấy là “điều xa xỉ” mà Chủ tịch Tập Cận Bình, người đã gặp ông Kim Jong-un hai lần trước đó, chưa có được. Với việc lập “đường dây nóng”, nhà lãnh đạo Mỹ dường như gần gũi với ông Kim hơn ông Tập, và có thể đã vượt qua ông Tập về việc tiếp cận nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Triều Tiên.

Cùng ngày 15/6/2018, tổng thống Trump tung ra một mũi tiến công khác đối với Bắc Kinh, đó là công bố mức thuế 25% áp đặt lên 50 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, bắt đầu với một số mặt hàng từ ngày 6/7. “Tình bạn tuyệt vời của tôi với Chủ tịch Tập Cận Bình và mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc đều quan trọng với tôi. Nhưng thương mại giữa hai nước rất không công bằng từ lâu rồi. Tình trạng này không được kéo dài nữa”— ông Trump tuyên bố. Một ngày trước đó, ông Tập Cận Bình đã tiếp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ở Bắc Kinh, để nghe tóm tắt về kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ—Triều. Theo báo chí Nhật Bản, việc thông báo này gần như không cần thiết, vì Trung Quốc đã biết toàn bộ thỏa thuận Mỹ—Triều trước đó. Lúc 13h41 ngày 12/6, khi ông Donald Trump và Kim Jong-un ký tuyên bố chung ở Singapore, thì chỉ vài phút sau, một bản dịch ra tiếng Trung đã được phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc.Trên thực tế, Trung Quốc đã đọc nội dung tuyên bố chung trước khi Nhà Trắng thông báo vài giờ.Tuy nhiên, sứ mệnh của tân ngoại trưởng Pompeo là xua tan những nghi ngại của Hàn Quốc và Nhật Bản về nguy cơ bị Mỹ gạt ra ngoài lề trong việc xử lý các mối quan hệ với Triều Tiên. Đối với Trung Quốc cũng vậy. Bởi vì, để thực hiện những gì đã được thỏa thuận giữa ông Trump và ông Kim, Mỹ luôn cần sự đồng hành của cả ba đối tác kia. Cả bốn quốc gia ấy (Mỹ—Trung—Nhật—Hàn) đều có chung mục đích là cùng thôi thúc Triều Tiên thực hiện những gì đã cam kết, không những thế, còn kiểm soát, giám sát và kiểm chứng mức độ thực hiện của Triều Tiên.

Tuy nhiên, với tất cả những ưu thế tưởng như rõ ràng mà Trung Quốc với Triều Tiên, thì chính điều mà Chủ tịch Tập Cận Bình không ngờ tới là Tổng thống Donald Trump đã đưa cho ông Kim Jong-un số điện thoại riêng và đang lên kế hoạch cho việc liên lạc trực tiếp nhiều hơn. Một “đường dây nóng” giữa Washington và Bình Nhưỡng chắc chắn làm thay đổi cán cân quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc. Bắc Kinh lo ngại, đến một lúc nào đó, ông Trump có thể cảm thấy Trung Quốc không còn đóng vai trò không thể thiếu trong các cuộc đàm phán với Triều Tiên. Ông Trump có thể nói chuyện trực tiếp. Và đó là điều ông Tập không mong muốn.Vì thế, “rảnh tay” với Triều Tiên, ông Trump liền gia tăng áp lực lên Trung Quốc. Ngày 18/6 tổng thống Mỹ lại đe dọa áp thêm 10% thuế quan trên khoảng 200 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Bắc Kinh lập tức lên tiếng cảnh cáo là sẽ trả đũa Washington. Theo hãng tin AP, ông Trump đã chỉ đạo cho Đại diện Thương mại Mỹ chuẩn bị lập danh sách hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD sẽ bị đánh thuế 10%. Ông Trump tuyên bố rằng quyết định của ông là nhằm trả đũa lại việc Trung Quốc ngày 16/6 đã tăng thuế trên 50 tỷ USD hàng nhập từ Mỹ, một phản ứng sau thông báo trước đó một hôm của chính tổng thống Mỹ là sẽ đánh thuế 25% trên 50 tỷ USD hàng nhập từ Trung Quốc. Theo giới quan sát, biện pháp trả đũa bổ sung của ông Trump vừa nhanh chóng, vừa dữ dội, cứng rắn hơn nhiều so với những hành động trước đó./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511741

Hôm nay

267

Hôm qua

2337

Tuần này

22115

Tháng này

218614

Tháng qua

121356

Tất cả

114511741