Người xứ Nghệ

Có một kẻ sĩ xứ Nghệ

Tôi không có cái may mắn là học trò của GS Phan Huy Lê nhưng do công việc cho phép tôi có cơ hội tiếp xúc nhiều lần. Ở ông toát lên sự đàng hoàng, đĩnh đạc, lịch lãm… Và từ nhà cổ sử ấy có chút gì như là âm hưởng của hiện đại? Ông đã đột ngột ra đi, xin viết mấy lời về ông.

Trước đây, tôi không mấy quan tâm tới môn khoa học lịch sử. Song, vì nghề nghiệp viết báo liên quan nhiều tới sử học, nên kết quả là tôi có mối liên hệ khá mật thiết với nhiều nhà sử học. Thời tôi làm việc tại Tạp chí Cộng sản, dựa vào tư liệu của những nhà lịch sử người Nga cung cấp, tôi đã viết bài về 6 người Việt Nam tham gia cuộc duyệt binh lịch sử tại Quảng trường Đỏ Moskva vào ngày 7/11/1941, rồi từ đó thẳng tiến ra chiến trường. Kết quả là có 4/6 người hi sinh trong những cuộc chiến bảo vệ Moskva.

Sau khi bài báo được đăng, những nhà sử học nổi tiếng của nước ta là Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Phạm Xanh… quan tâm tới vấn đề này. Lần ấy, GS Phan Huy Lê hỏi tôi: “Những điều cậu viết chính xác đến mức độ nào?”. Nghĩ sao nói vậy nên tôi ngập ngừng trả lời: “Em không biết, em không phải là nhà sử học, em chỉ dựa vào tài liệu tiếng Nga để viết thôi. Em nghĩ thứ này là công việc của các anh – những nhà sử học”.

GS cười hiền hậu động viên khuyến khích tôi đại ý là cậu đã có chút tư chất của người làm sử rồi đó… Sau đó, các nhà sử học Việt Nam đã vào cuộc và xác định được, tên tuổi, quê quán của những người hi sinh (đều ở Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An). Nhà nước Liên Xô (cũ) đã truy tặng họ Huân chương chiến tranh Vệ quốc hạng nhất. Những người này có họ khác nhau, được Nguyễn Ái Quốc đưa từ Quảng Đông sang Moskva vào năm 1926 và đổi họ sang họ Lý. Rồi các nhà sử học cũng tìm ra người duy nhất còn sống là ông Lý Phú San (tên thật là Lê Tư Lạc). Sau chiến tranh Thế giới thứ hai, ông sống ở Moskva, lấy vợ, có con gái là Lê Thị Phượng; ông mất năm 1980.

Việc làm công phu để phát lộ lý lịch và thân nhân các Liệt sĩ đã khiến tôi kính nể các nhà sử học. Đây cũng là thời điểm tôi bắt đầu chú ý tới công việc của các nhà sử học nước nhà, biết rõ “tứ trụ” trong môn khoa học lịch sử lúc bấy giờ là GS Trần Quốc Vượng, GS Phan Huy Lê, GS Đinh Xuân Lâm, GS Hà Văn Tấn.

Có một phong cách Phan Huy Lê

Không riêng tôi mà nhiều nhà báo, nhà giáo đều có chung nhận xét, GS Phan Huy Lê là người đẹp trai và có phong cách hào hoa, phong nhã, hiện đại nhất trong giới sử học. Nhất là khi chứng kiến ông giao tiếp với mọi người, đăng đàn diễn thuyết. Sau một số lần được trò chuyện với ông, (chủ yếu là ở các cuộc hội thảo quốc tế được tổ chức tại Việt Nam), tôi thấy ông có phong cách đàng hoàng, đĩnh đạc, sâu sát và … rất hiện đại.

Một lần đã lâu, cách đây trên hai mươi năm có lẻ, tôi thấy GS Phan Huy Lê cầm một vật gì nho nhỏ ở trong tay và giơ lên ngắm, bấm… Tò mò, tôi hỏi: “Dạ thưa, giáo sư làm gì thế ạ?”, ông trả lời: “Mình chụp ảnh”. Câu trả lời đó thu hút tôi, khiến tôi giật mình vì sự lạc hậu về công nghệ chụp ảnh của mình. GS Phan Huy Lê cho biết đây là loại máy ảnh mini rất tiện dụng, ông mua nó trong một lần đi công tác ở nước ngoài. Có lẽ, ông là một trong những người đầu tiên sử dụng loại máy ảnh này ở Việt Nam?

Năm 1995, sau nhiều năm học tập, nghiên cứu ở Moskva trở về, tôi lại được gặp GS Phan Huy Lê. Ngần ngừ mãi, tôi mới ngỏ với GS điều mình đương băn khoăn “Một số nhà sử học người Nga cho rằng, ở một số nước thuộc phe XHCH, trong thời gian gần đây, môn lịch sử hầu như không còn là một bộ môn khoa học đúng nghĩa nữa. GS đánh giá về nhận xét này như thế nào ạ?”. Ông cười buồn rồi nói: “Chưa đến mức thế đâu nhưng quả thực là lịch sử của nhiều quốc gia đã một thời thuộc phe XHCN đang có một số vấn đề. Đó là độ chính xác của các sự kiện…”.

Qua những lần trò chuyện với GS Phan Huy Lê, tôi biết là ông có nguyên tắc phải làm sáng tỏ mọi sự kiện lịch sử trên cơ sở khoa học. Tôi cho rằng, đây là đòi hỏi cao nhất, khó nhất trong môn khoa học lịch sử vì chúng chủ yếu liên quan đến quá khứ - những sự việc đã bị lớp bụi thời gian phủ mờ.

Phong cách “kẻ sĩ xứ Nghệ”

Có một dạo loáng thoáng nghe được chuyện GS Phan Huy Lê bị một số người “ném đá” vì quan điểm liên quan đến “hình tượng Lê Văn Tám”. Tôi đã tìm gặp GS… Qua câu chuyện tôi nhận thấy, GS Phan Huy Lê vẫn trung thành với nguyên tắc của mình là phải tìm cách làm sáng tỏ một số sự việc, sao cho những sự việc đấy được lý giải hợp lý trên cơ sở khoa học. Việc ông được nhà sử học Trần Huy Liệu dặn dò về “nhân vật Lê Văn Tám” khiến ông luôn luôn cảm thấy mình mắc nợ. Ông biết, để trả “món nợ” này, ông sẽ gặp rắc rối nhưng phong cách của một “kẻ sĩ xứ Nghệ”, ông vẫn quyết định thực hiện lời dặn của Nhà sử học Trần Huy Liệu.

Quan tâm đến những ý kiến phản biện liên quan đến “hình tượng Lê Văn Tám”, GS Phan Huy Lê viết: “Điểm lại những tư liệu đã thu thập được thì càng thấy rõ, trên cơ sở sự kiện có thật và cả dư luận về hình ảnh người chiến sĩ tẩm xăng thời đó, GS Trần Huy Liệu tạo dựng nên biểu tượng “ngọn đuốc sống” gắn với tên tuổi thiếu niên Lê Văn Tám.”

Ở đây, chúng ta hiểu rằng, Nhà sử học Trần Huy Liệu vào thời điểm năm 1945 -1946 không biết rõ người đốt kho xăng là ai nhưng đây là sự kiện có thật nên ông tạm dùng tên Lê Văn Tám. Là một nhà khoa học lịch sử , ông Trần Huy Liệu day dứt về điều này nên dặn ông Phan Huy Lê sau này có điều kiện thuận lợi thì tìm cách làm sáng tỏ. Là một nhà sử học có nguyên tắc, GS Phan Huy Lê đã nói rõ: “Theo quan điểm của tôi, mọi biểu tượng hay tượng đài lịch sử chỉ có sức sống bền bỉ trong lịch sử và trong lòng dân khi được xây dựng trên cơ sở khoa học khách quan, chân thực.” GS Phan Huy Lê cũng đã khẳng định: “Tôi kể lại câu chuyện này một cách trung thực với tất cả trách nhiệm và danh dự của một công dân, một nhà sử học.”

GS Phan Huy Lê đã làm xong trách nhiệm của mình. Vậy vấn đề còn lại là những nhà sử học, nhà báo, nhà nghiên cứu và tất cả những ai quan tâm tới “hình tượng Lê Văn Tám” phải nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi để xác định chính xác tên tuổi của người (hoặc nhiều người) đốt kho xăng (kho đạn) của địch ở Thị Nghè tháng 10/1945.

Thời gian gần đây, những nhà giáo, nhà khoa học người xứ Nghệ - những kẻ sĩ đích thực lần lượt ra đi. Đó là Nhà giáo Văn Như Cương, GS Phan Đình Diệu, GS Phan Huy Lê. Đây là mất mát rất lớn đối với chúng ta. Cần phải lưu giữ và phát huy “chất kẻ sĩ” của những con người này để làm đẹp cuộc sống.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511892

Hôm nay

2218

Hôm qua

2337

Tuần này

22266

Tháng này

218765

Tháng qua

121356

Tất cả

114511892